Trân trọng những gì đang có

nuoi tiec - Trân trọng những gì đang có

Hôm qua của ta khác với hôm nay. Hôm nay cũng sẽ khác đi khi ngày mai đến. Và cứ thế, mọi thứ thay đổi đến chóng mặt. Chỉ cần một cái chớp mắt thôi, khoảnh khắc hiện tại đã trở thành quá khứ. Dù ta có muốn hay không, dù ta có đồng ý hay không, ta vẫn phải chấp nhận một sự thật rằng ta không phải là chủ thể hoàn toàn của những gì ta đang có. Nó là món quà được ban cho ta, trong một khoảng không gian và thời gian ngắn ngủi nào đó. Chẳng có gì thuộc về ta mãi mãi!

Hẳn là mỗi người trong chúng ta đã có chút kinh nghiệm về sự nuối tiếc. Sở dĩ ta nuối tiếc là vì hiện nay, ta đã tuột mất một điều gì đó thật quý giá vô cùng, nhưng khi có nó trong tay, ta đã không trân trọng cho đủ. Phần lớn chúng ta thường có tâm trạng này mỗi khi nhìn về quá khứ, mỗi khi nghĩ đến thời gian hay mỗi khi ta gặp một thất bại nào đó. Quá khứ đã trôi qua và không ai có thể thay đổi được điều gì nữa. Có những cái đã mất vẫn có thể tìm lại được. Nhưng cũng có những điều khi đã qua đi rồi thì vĩnh viễn tan biến. Có cố gắng níu giữ thì cũng chỉ là chắp vá, là chữa lành một vết thương, chứ không thể nào có lại nó một cách nguyên vẹn như trước. Khoảnh khắc hiện tại là một khoảnh khắc vô cùng ngắn ngủi, nó làm nên cuộc sống của chúng ta. Nhưng dường như chúng ta thích sống trong quá khứ và tương lai hơn hiện tại, để rồi, khi mọi thứ tuyệt đẹp trong cuộc sống hiện tại qua đi, ta mới thấy nuối tiếc, một sự nuối tiếc muộn màng trong day dứt.

Cuộc sống của chúng ta trên trần gian này được điểm tô bằng những tương quan, bắt đầu từ trong gia đình, rồi đến hàng xóm, trường lớp, nơi làm việc. Nhờ sống trong mối quan hệ đan xen này mà ta mới thật sự là mình, thấy mình và làm cho mình lớn lên. Có những mối tương quan ta vô tình có. Nó đến và đi thật nhanh, chẳng để lại trong ký ức ta một dấu ấn nào. Nhưng cũng có những tương quan thật sự làm nên máu thịt và cuộc sống của ta. Những tương quan ấy đòi ta phải trân trọng, gìn giữ và dựng xây để có thể làm cho sự hiện hữu của ta được hạnh phúc. Đó là những tương quan mà ta không thể tìm thấy ở một nơi nào khác, không thể có được với một con người nào khác. Có thể nói, nó bất khả thay thế. Vậy mà, có mấy khi ta ý thức đủ về nó không?

Công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, tình nghĩa gắn bó với anh chị em trong nhà, đối với ta, dường như trở nên bình thường đến nỗi chẳng đáng để ta bận tâm. Ta cất công lấy lòng người ngoài, mua tặng sếp lớn sếp bé những món quà đắt tiền, bỏ bao thời gian công sức để tụ tập với chúng bạn nơi các quán nhậu; còn với mẹ cha, ngay cả một cú điện thoại hỏi thăm, ta cũng chẳng màng đến. Ta quá bận rộn đến chuyện tính toán làm sao để có nhà cao cửa rộng, để có danh có tiếng trong xã hội, còn sức khỏe và những nỗi niềm của thân sinh ở quê, ta phó mặc cho trời đất. Để rồi, bất chợt một ngày nào đó, họ trở về với tổ tiên, ta bỗng thèm được ăn món canh mẹ nấu, thèm được nghe những dạy bảo khôn ngoan của cha. Giọt nước mắt của ta khi ấy có nhiều như sông suối, cũng không thể khiến cho họ sống lại để ta có thể tận tâm chu toàn bổn phận làm con của mình. Mọi thứ đã quá muộn!

Bước vào đời, ta được nâng đỡ bởi những con người mà ta gọi là bạn. Những người bạn là những người-thân-không-huyết-thống với ta. Dù không chảy cùng một dòng máu với ta, nhưng bạn bè có khi hiểu ta và giúp ta hiểu mình hơn bất kỳ người nào khác. Tình bạn ngày càng được thắt chặt qua những kỷ niệm buồn vui, những lúc cùng nhau vượt qua bao gian khó. Ấy vậy mà có khi, vì sự ích kỷ, vì những hờ hững hay vô tâm của mình, mà ta nỡ đan tâm phản bội lại tình nghĩa ấy, buông ra những lời lẽ cay độc làm tổn thương người bạn dấu yêu. Mất đi một người bạn, ta mất đi một nguồn trợ lực, mất đi một cơ hội để làm đời mình thăng hoa.

Giữa dòng đời chen chúc đông người qua lại, ta vô tình bắt gặp được tình yêu của mình. Hai người có với nhau biết bao kỷ niệm thân thương, hứa hẹn một tương lai hạnh phúc với những dự định và kế hoạch tốt lành. Nhưng vì tính tham lam, cao ngạo, ta nghĩ là người kia cần mình, chứ không phải ngược lại, ta nghĩ là mình “có giá” hơn người kia. Hậu quả là đã không biết bao nhiêu lần ta lừa dối họ, sống hai mặt, ban ngày cười nói với họ, đêm về thì nhắn tin yêu đương với người khác. Ta tự đặt mình ở vị thế trên cao, cho rằng người kia thật có phúc khi quen được mình, có được tình cảm của mình. Rồi ta mặc nhiên cho mình cái quyền điều khiển, sai khiến và có bao nhiêu người yêu tùy mình muốn. Để rồi khi tình yêu bỏ đi, ta mới thấy mình đã sai, và chung quanh, chẳng còn ai thèm đưa mắt nhìn đến ta nữa.

Sau bao nhiêu năm vất vả xây dựng tình yêu, ta cũng được Trời thương, ban cho một tổ ấm nho nhỏ làm điểm tựa sưởi ấm khi trời đông, thổi mát khi trời hạ. Trong tổ ấm ấy, ta có người bạn đời sẵn sàng hy sinh mọi thứ để ta được hưởng mọi điều tốt đẹp nhất, ta có những đứa con thơ cười tươi, bập bẹ nói những từ thật dễ mến. Nhưng dường như một cuộc sống quá bình thường và giản dị như vậy không làm ta thỏa mãn. Tính “trăng hoa” và thói “thích chinh phục” cứ thôi thúc ta đi tìm một niềm vui mới bên ngoài, bất chấp luân thường đạo lý, bất chấp đạo đức gia phong. Đến một lúc nào đó, ta bỗng “ham của lạ”, lơ đễnh trách nhiệm và bổn phận của mình trong gia đình. Tình cảm vợ chồng mà ta bỏ bao nhiêu công sức xây dựng từ từ phai nhạt. “Tương quan ngoài luồng” kia cũng chẳng đi đến đâu. Tương quan với con cái cũng nhạt nhòa. Khi đã đi đến đỉnh điểm của sự chịu đựng, mọi thứ ấy vỡ tung, phá tan tành tất cả, phá luôn cả cuộc sống và sự nghiệp của ta. Những gì ta có lúc ấy là một con số “0” to tướng, chẳng còn gì trong tay, chẳng một con người nào thèm ngó ngàng đến.

Ta có một thời trẻ tuổi, thời của sự sung sức và bao ý tưởng táo bạo. Đây là lúc ta được cung cấp và trang bị cho biết bao nhiêu thuận lợi để tích lũy vốn liếng cho bản thân. Chẳng có thời khắc nào chan chứa niềm vui và kỷ niệm như thời còn ngồi trên ghế nhà trường. Đây là thời khắc mà bao năng lượng và sức mạnh trong người tuôn trào đến mức đỉnh điểm nhất, để giúp ta hấp thụ vào trong mình những kiến thức và bài học cần thiết. Thế nhưng, nhiều người trong chúng ta lại sử dụng năng lượng này vào những mục đích sai lệch. Thay vì chuẩn bị hành trang để bước vào đời, ta lại thích chứng tỏ mình, thích ngông nghênh, thích nuông chiều theo những đam mê lạc lối. Tuổi trẻ qua đi, ta phải lớn lên và bước vào cuộc sống. Đến lúc này, ta mới thấy mình chẳng biết phải làm gì, phải bắt đầu từ đâu, dựng xây đời mình thế nào. Lạc lõng và chơ vơ, ta thấy tiếc cho một thời nông nỗi. Bạn bè cùng trang lứa của mình đã chắp cánh bay đến những miền xa, vui hưởng cuộc sống trong an nhàn và thoải mái. Còn mình thì cứ mãi vùng vẫy giữa đám bùn đen, phía trước, bên cạnh, đàng sau, chẳng tìm thấy nơi đâu một tia sáng.

Có biết bao điều tuyệt vời khác mà ta đang sở hữu trong tay. Chúng là những món quà mà Tạo Hóa tặng ban cho ta. Không biết trân trọng nó, không biết gìn giữ và làm cho nó được thăng tiến thì cuộc sống của ta chẳng thể nào đi đến đỉnh cao của hạnh phúc và bình an được. Từng tương quan, từng cơ hội, từng con người… đều đòi buộc ta phải cẩn trọng và nâng niu như bảo vật quý quá. Sẽ thật buồn khi ta cứ mãi sống trong tiếc nuối vì đã lỡ tay làm vỡ chiếc bình ngọc, thay vì sử dụng nó để trang điểm cho cuộc sống của mình. Hãy nhớ rằng, hiện tại là món quà của Tạo Hóa. Những gì đang có với ta vào giây phút hiện tại là từng nén vàng Tạo Hóa gửi gắm cho ta. Trước khi nó bị thời gian mang đi, hãy sử dụng nó thật tốt và hiệu quả để phục vụ cho cuộc sống của mình. Sống làm sao để khi nhìn lại quá khứ, ta có thể mỉm cười được, ta mới không cảm thấy uổng phí cả một đời.

(Pr. Lê Hoàng Nam, SJ, dongten.net 11.04.2015)

Exit mobile version