Tông đồ, chọn và chỉ định

tong do chon va chi dinh - Tông đồ, chọn và chỉ định

(Lễ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG -Ga 20,19-23)

“Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21)

Tông đồ là người được Chúa Giêsu sai đi. Từ này được sử dụng để nói đặc biệt về nhóm mười hai môn đệ của Chúa Giêsu Kitô, nhưng cũng chỉ về thánh Phaolô được Ðức Kitô Phục Sinh trao sứ mệnh làm tông đồ. Từ này còn được áp dụng rộng lớn hơn cho một số lãnh đạo Kitô giáo thời Tân Ước.

Chúa Giêsu Kitô là một tông đồ, danh hiệu chỉ dùng một lần ở thư Hipri (Hr 3,1). Dầu vậy, nhiều đoạn văn nói về Người như là người “được Thiên Chúa sai đi” (Ga 20,21), là khuôn mẫu của những người được sai, nghĩa là của mọi sứ vụ tông đồ (x. Mt 10,40; Mc 9, 37; Ga 5,23-24; 12,44-45)

Mười hai tông đồ được Chúa Giêsu gọi:

– Việc bổ nhiệm họ (Mc 3,13-19 // Mt 10,1-4 // Lc 6,12-16).

– Con số: “chẳng phải Thầy đã chọn anh em là Nhóm Mười Hai sao” (Ga 6,70). Con số mười hai gợi lên mười hai chi họ Israel (Mt 19,28; 20,17; Mc 11,11; Lc 8,1; Cv 6,2; 1Cr 15,5; Kh 21,14).

– Tính chất để là một tông đồ (Cv 1,21-21): đã theo Chúa Giêsu và làm chứng rằng Người đã phục sinh.

Ông Phaolô là một tông đồ:

– Ông tự nhận: “Tôi là Phaolô tông đồ không phải do loài người cũng không phải nhờ một người nào, nhưng bởi Ðức Kitô …” (Gl 1,1; x. Rm 1,1; 1Cr 1,1; 1Tm 2,7).

– Chúa Giêsu Kitô trao sứ mệnh cho ông: Cv 26,12-18. Mặc dù không phải thì một trong số mười hai, ông Phaolô đã thấy Ðức Kitô Phục Sinh và được Người trực tiếp trao sứ mệnh được đặc biệt sai đến với các lương dân (x. 1Cr 15,3-10; Gl 2,8).

– Chức tông đồ của ông Phaolô và Giáo hội (1Cr 9,1-2): Trong trường hợp của ông Phaolô, danh hiệu hay phận vụ và tác vụ lẫn chức năng hầu như trùng hợp với nhau. Ông là một tông đồ bởi vì đã được thấy và được trao sứ mệnh bởi Ðức Kitô Phục Sinh và bởi vì ông đã thành lập các Giáo hội.

Các tông đồ khác:

– Ông Barnaba, ở đây “các tông đồ” có ý chỉ về sứ vụ của họ là thừa sai tin mừng hay vì vai trò được sai đi bởi Giáo hội tại Antiôkia (Cv 14,4-14).

– Giacôbê, người anh em của Chúa (1Cr 15,7; Gl 1,19 2,9).

– Ông Andrônicô và ông Giunia (Rm 16,7).

– Ông Sila (Cv 15,27 và 1Tx 2,6)

– Các tông đồ của các Giáo hội (2Cr 8,23): các đại biểu được phiên dịch là các tông đồ; tương tự như Pl 2,25: các sứ giả được dịch là các tông đồ.

Các tông đồ giả hiệu (2Cr 11,5): Thánh Phaolô khôi hài nói về các đối thủ như là “các tông đồ siêu đẳng” (2Cr 11,13; 12,11; Kh 2,2).

LM. PHAOLÔ PHẠM QUỐC TÚY – GIÁO PHẬN PHÚ CƯỜNG

Exit mobile version