Tôn trọng: “bạn đường” của yêu thương

Ton trong - Tôn trọng: "bạn đường" của yêu thương

Vâng, cuộc sống cần lắm những Yêu ThươngTôn Trọng. Có người cho rằng “công bằng đi trước, rồi bác ái theo sau.” Lại có người bảo “cứ yêu đi, rồi tự khắc biết tôn trọng.” Những dòng tâm sự này không nhằm phân bua trước-sau; ở đây tôi chỉ muốn đưa ra chút phản tư khởi đi từ sự tôn trọng, vì chưa dám nói nhiều đến đức yêu thương.

Nói đến sự tôn trọng, người ta liền nghĩ đến những nguyên tắc sống. Trước hết, đó chưa phải là nguyên tắc của anh hay của tôi, nhưng là nguyên tắc chung. Làm sao biết được nguyên tắc nào là khách quan đúng đắn? Sau đây là đôi điều ghi nhận:

Trước hết, trong mỗi biến cố và cảnh huống, bạn cứ thử đặt mình vào hoàn cảnh của người khác, rồi tự vấn: “Giả dụ tôi là anh A, tôi sẽ mong đợi điều gì? Còn nếu tôi là chị B, tôi sẽ hành xử ra sao?” Sách Luận Ngữ, ngang qua môi miệng Đức Khổng Phu Tử, nói đến nhân đức THỨ của bậc chính nhân quân tử, tức suy lòng ta mà ra lòng người: “Kỷ sợ bất dục, vật thi ư nhân” – điều gì bản thân mình không muốn thì đừng có làm cho người khác.[1] Hay như trong Kinh Thánh, theo một nghĩa tích cực hơn, Chúa Giêsu nói đến cái “khuôn vàng thước ngọc”: “Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy” (Lc 6:31).

Kế đến, bạn hãy thử bước ra khỏi chính mình, ra khỏi lợi ích riêng tư trước mắt để có cái nhìn đủ rộng đủ xa. Bên Tây có ông triết gia tên Kant mang ra phân tích cái gọi là “mệnh lệnh nhất quyết” bên trong mỗi con người, nhắm vào tính phổ quát mà đề ra một nguyên tắc đạo đức (hay một lời mời gọi) đại loại: “Chỉ nên hành xử theo phương châm mà qua đó bạn có thể mong muốn phương châm của mình trở thành một quy luật chung.”[2] Trong chừng mực nào đó, nguyên tắc này có thể được hiểu nôm na: trước khi muốn làm điều gì, bạn hãy nghĩ xem nếu hết thảy mọi người trên quả đất này làm y như bạn thì bản thân bạn có chịu hay không.

Tôi được biết ở Sàigòn có một ban hợp xướng khá đặc biệt mang tên Suối Việt: bên cạnh việc ca hát chuyên nghiệp, họ hát Lễ ở Nhà Thờ mà đa phần là người ngoài Công giáo! Trước khi bắt đầu tập hát, vị nhạc trưởng thông báo cho các thành viên mới vài nguyên tắc mà, một khi đã tự nguyện tham gia, ai cũng phải chấp hành. Có thể kể ra đây ba điều tôi còn nhớ rõ: (1) vắng mặt phải báo; (2) đi trễ phải xin và (3) có người nói phải có người nghe. Chỉ cần vắng mặt ba buổi hay nhai kẹo cao su trong giờ tập thì bạn sẽ bị loại khỏi hợp xướng ngay. Có thể bạn đang mường tượng bầu không khí tập hát của ban hợp xướng này chắc nặng nề lắm, không vui vẻ nhẹ nhàng như buổi tập hát ở các ca đoàn xứ đạo? Không đâu, tôi rất bất ngờ khi thấy “kỉ luật thép” hóa ra lại kéo họ xích lại gần nhau hơn, và làm việc cũng hiệu quả hơn. Một thành viên chia sẻ: “Những nguyên tắc mà thầy [nhạc trưởng] đưa ra giúp mình biết tôn trọng tập thể, và đến lượt mình cũng thấy được mọi người tôn trọng.” Tôi tiếp tục “phỏng vấn” đích thân vị nhạc trưởng, và được cho hay: “Bạn có thể vắng mặt, nhưng sự thông tri của bạn giúp những người có trách nhiệm dự liệu nhiều điều. Có thể bạn đã biết hát rồi [ở hợp xướng này ai cũng có khả năng tự xướng âm], nhưng sự hiện diện đúng giờ và tích cực của bạn là một hành vi bác ái cho người khác cũng như cho chính bạn, vì bạn giúp giờ tập hát không bị trễ nãi, giúp người khác được ấm lòng, và cho phép mình được tôn trọng. Khi làm việc, mỗi người đều có quyền đưa ra ý kiến, nhưng tập thể không phải cái chợ nơi mạnh ai muốn nói thì nói. Hợp xướng của chúng tôi: sinh viên nhạc viện có, dân “amateur” cũng có; người Kitô-hữu có, người chưa tin vào Chúa cũng có; trẻ có, già có… Chính những nguyên tắc nhân bản là chất keo nối kết mọi thành viên – bất kể khác biệt về chuyên môn, tuổi tác hay tôn giáo. Chúng tôi tập hát trên xe khách, hay bên bờ hồ, với cùng một tinh thần và thái độ cần phải có như khi đang tập hát trong Nhà Thờ!” Một điều thú vị mà tôi (người viết) cho là một phép lạ: chưa đầy 10 năm thành lập, ban hợp xướng này đã có trên dưới 10 thành viên theo Đạo, dù hoạt động chính của họ là ca hát chứ không phải dạy-học giáo lý hay… tĩnh tâm! Tôi có cảm tưởng, ngang qua âm nhạc (mà người Công giáo có quyền hiểu như một đường dẫn tới Chúa – “hát hay là cầu nguyện hai lần”) và những lối hành xử nhân bản của người Công giáo, hạt giống Tin Mừng đi vào lòng các anh chị em chưa tin lúc nào chẳng hay.

Xác định nguyên tắc sống đã là điều khó; sống nguyên tắc cho đúng lại càng khó hơn. Kinh nghiệm bản thân không cho phép tôi chối cãi điều đó. Một khi chúng ta tôn trọng những nguyên tắc sống – trong chừng mực chúng giúp củng cố tình thân, chúng ta đang tôn trọng chính mình. Mới đây thôi, tôi và một vài người bạn cũ đi thăm viếng gia đình của một anh bạn rất thân. Có người quan niệm vì là đi chơi nên không cần câu nệ giờ giấc hay chương trình, cứ để mọi chuyện diễn ra cách thoải mái và tự nhiên, và vì thế anh ấy xài “đồng hồ cao su” như thường lệ. Rốt cuộc, chúng tôi đến khá trễ và lác đác. Việc đón tiếp của gia chủ do đó diễn ra không ấm cúng như mong muốn. Có lẽ chúng tôi đã làm họ buồn lòng. Bản thân tôi cũng cảm thấy buồn và hổ thẹn, nhưng không biết phải giải thích làm sao với chủ nhà. Bạn có cảm nhận được sự khác biệt giữa một bên là hiện diện tình nguyện và yêu thương, một bên là sự có mặt và ban phát hay không? Một khi nguyên tắc chung bị phá vỡ cách vô duyên vô cớ, thì tình thân vì thế cũng bị rạn nứt phần nào. Một con sâu đủ làm rầu nồi canh, bạn nhỉ?

Tôi tin mỗi người đều có câu chuyện riêng đang muốn chia sẻ, mà chuyện ban hợp xướng Suối Việt hay nhóm bạn của tôi chỉ là những ví dụ, về những nguyên tắc và sự tôn trọng nên có. Những nguyên tắc chung – dù cỏn con hay tầm mức – có thể làm cho cuộc sống đáng yêu hơn nhiều. Người nguyên tắc thì không hề cứng nhắc, vì anh tôn trọng nguyên tắc chung chứ không khư khư giữ nguyên tắc riêng. Sự công bằng tạo không gian cho tình yêu tung tăng nhảy múa. Người ta có quyền cảm nhận tình yêu nơi một hành vi tôn trọng đến từ người khác, và có nghĩa vụ tôn trọng người khác một khi biết mình được yêu thương.

Tôi không dám nói sự tôn trọng chắc chắn dẫn đến lòng mến. Tôi cũng không quả quyết tôn trọng là hoa quả của yêu thương. Tôi chỉ mong chúng được xem xét như bạn đường: tôn trọng mà không yêu thương thì hóa ra miễn cưỡng, hình thức; yêu thương mà không tôn trọng thì đâm ra vồn vã, áp đặt. Chưa tôn trọng, thì không phải không có chỗ cho yêu thương, nhưng đừng vội nói đến. Ước chi, từng ngày từng giờ, tôn trọng và yêu thương trở nên nhịp thở ra vào của đời sống mỗi người.

Bart. Nguyễn Anh Huy, S.J.,
dongten.net 11.09.2015

[1] X. Đoàn Trung Còn (dịch và chú giải), Tứ Thơ: Luận Ngữ (Huế: Nhà xuất bản Thuận Hóa, 1995), chương 12, tiết 2.

[2] Trích lại trong James Rachels và Stuarts Rachels (ed.), The Elements of Moral Philosophy, 6th ed. (Boston: McGraw-Hill, 2010), trang 128.

Exit mobile version