Tổn thương tuổi thơ

Điều này thật chuẩn xác và được áp dụng đúng đắn trong việc giải thích về tổn thương tuổi thơ của mỗi người chúng ta; trong đó, cha mẹ hay những người thân cận là những người đã vô tình làm tổn thương chúng ta. Những hệ lụy ấy làm tổn hại và lệch lạc nhân cách của chúng ta trong tuổi trưởng thành. Để khám phá ra nguyên nhân gây nên vết thương ấy là một công việc dài hơi của các nhà tâm lý trị liệu, từ đó, giúp đương sự đối diện với vấn đề của mình và làm hòa với “đứa trẻ bị tổn thương”. Nhưng không phải ai cũng có thể dành thời gian cho việc tham vấn với các nhà chuyên môn, và thực sự thoải mái để cởi mở chuyện của mình cho người khác. Ở đây, chúng ta có thể nhận ra những biểu hiện của người bị tổn thương tuổi thơ để tìm cách hóa giải cho mình và cũng biết cách xử thế và tránh những ảnh hưởng tiêu cực do tổn thương của người khác gây nên.

NHỮNG BIỂU HIỆN CỦA NGƯỜI BỊ TỔN THƯƠNG TUỔI THƠ

* Xu hướng tìm lối thoát ở chất gây nghiện

Những người trải qua thời thơ ấu bị tổn thương có thể tìm đến rượu hoặc thuốc để giúp họ quên đi nỗi đau mình đã trải qua. Khi cơn nghiện trở thành sự tập trung chính, sẽ càng khó phát hiện nguyên nhân và gốc rễ của vấn đề hơn.

Cũng có thể chất gây nghiện ấy là việc làm tay chân và những thú vui bên ngoài để chủ thể tránh đối diện với thực trạng trong tâm hồn. Và như thế, họ muốn xóa đi phần ký ức bị tổn thương; khi có ai bàn đến những vấn đề nhạy cảm, họ nói tránh hoặc tìm cách chối quanh cho qua chuyện. Chung cục, họ lừa dối chính mình.

* Tránh tìm nhu cầu bản thân

Khi một người trải nghiệm tổn thương tâm lý thời thơ ấu, họ có thể quên về nhu cầu thực sự của mình, và dành thời gian, năng lượng để tìm kiếm tình yêu và sự chú ý của người khác. Điều này có thể dẫn tới nỗi đau và tình trạng lạm dụng tồi tệ hơn. Khi bị ai ngược đãi hay lạm dụng, họ lấy thế làm chính đáng, vì tự nhủ: mình đáng bị lên án và trừng phạt. Người khác có thể nhìn thấy thế mà đánh giá là họ rất anh dũng trong việc nhận phần thiệt thòi về mình nhưng thực sự, họ muốn che giấu một vết thương.

Khi tìm kiếm được mối tình vác vai hay một tương quan nào đó, họ dồn hết sức lực và tâm lực vào đối tượng, rồi dễ dàng thất vọng vì cớ người ấy không như mình tưởng. Trường hợp diễn viên Lê Công Tuấn Anh là điển hình. Do sống trong trại mồ côi, anh lớn lên với một tâm thức thiếu thốn tình thương và khi gặp một người bạn gái tỏ ý yêu mình, anh đã dồn hết tâm lực, tâm trí và tâm tình vào người yêu, nhưng khi bị phản bội, anh đã tìm đến cái chết như giải pháp giúp bản thân thoát khỏi tình trạng thất vọng ấy.

* Trạng thái “chai” cảm xúc

Khi tổn thương quá nghiêm trọng, người ta dễ bị chai sạn cảm xúc nếu không muốn nói là họ trở nên dửng dưng với mọi thực tại diễn ra trước mắt, đó là một hình thức cơ chế tự vệ. Dần dà, nó hình thành nơi chủ thể một lối sống hai mặt. Trước mặt mọi người thì tỏ ra bình thường, mạnh mẽ, can đảm, đáng yêu. Trong lòng thì giận dữ, thù hận, ghanh ghét. Về nhà, trong phòng, trên giường (an toàn vì không ai nhìn thấy) thì bối rối, sợ hãi, cô đơn .. . như một người hoàn toàn khác.

*Hình ảnh tiêu cực

Họ mang trong mình hình ảnh tiêu cực về bản thân. Họ tự nhận mình là yếu kém và bất lực, thế nên mọi sự diễn ra đều bị họ nhìn dưới lăng kính màu đen ấy. Từ đó, những cơ hội lại biến thành những thử thách khó vượt qua. Nếu có thành công nào, họ cũng coi đó là vận may còn bản thân thì bất toàn. Thoạt tiên, người khác tưởng rằng họ là người khiêm tốn nhưng kỳ thực, đây là một tình trạng lệch lạc trong nếp nghĩ và lối sống. Tình trạng sẽ nguy hại đến mức, họ không còn tin vào bản thân mình, luôn cần người khác khuyên hoặc quyết định dùm; luôn cần người khác khen để cảm thấy an tâm. Đây là cách thức của người sống lệ thuộc. Tất nhiên, có sự lệ thuộc hỗ tương lành mạnh là giúp nhau lớn lên và trưởng thành. Ở đây, sự lệ thuộc mang tính thụ động và yếm thế khiến đương sự mất dần sự sáng suốt để phân biện đúng-sai, tốt-xấu ngỏ hầu chọn cho mình một lối thoát khỏi tình trạng bi đát do nhận thức và đánh giá tiêu cực hình ảnh bản thân gây nên.

*Biến thiên

Họ luôn thay đổi lập trường mà không dựa vào một tiêu chuẩn nào để chọn lựa; thấy ai nói hay là họ theo và nói theo người khác mà không có khả năng phân định vấn đề. Do thiếu đời sống kỷ luật và quân bình, họ đi từ thái cực này sang thái cực khác. Chuyện nhỏ như con thỏ cũng được họ phóng đại to như con bò. Vì thế, phong thái của họ thiếu ổn định. Chính sự bất ổn nội tâm, họ dễ nhìn nhận và đánh giá người khác cách lệch lạc. Do thiếu khoan dung với chính mình mà họ cũng dễ bất động với người khác, và không dễ dàng tha thứ cho ai dám xúc phạm đến họ. Gặp sự gì trái mắt cực lòng họ tìm cho ra, xem người nào là nguyên nhân làm nên cớ sự, rồi rêu rao cho mọi người như thể mình là người có công khám phá ra kẻ chủ mưu. Bi đát hơn ! Họ lấy chuyện người khác làm trò tiêu khiển khiến gây tổn thương và tạo mối bất hòa hiểu lầm nơi người khác. Chung cục, họ tránh đối diện với tổn thương của mình bằng cách lên án lỗi lầm người khác.

ẢNH HƯỞNG TIÊU CỰC

Sự phân chia: thể lý, tâm lý và tâm linh, ở đây, chỉ mang tính tương đối. Vì xét tổng thể con người, không có ảnh hưởng nào trên một thành phần mà lại không chi phối toàn bộ hữu thể. Dẫu vậy, chúng ta vẫn chấp nhận tính tương đối để làm nổi rõ từng góc cạnh của vấn đề. Nhờ đó, chúng ta dễ tìm ra nguyện nhân chính gây nên tình trạng ấy mà tìm hướng khắc phục cụ thể cho từng “con bệnh”.

Thể lý

Có chàng trai kia bị bệnh đau bao tử nhiều năm, đã tìm đủ mọi thứ thuộc cả Đông dược và Tây y đều không chữa khỏi. Anh chạy đến một chuyên gia tham vấn hầu cứu vãn tình hình, chỉ vì nghe nói, có những thứ bệnh thể lý do nguyên nhân tâm lý gây nên. Sau khi trình bày bệnh tình, chuyên gia hỏi về tương giao giữa anh với mọi người trong gia đình, anh nói đều diễn ra trong bầu khí an hòa. Không tìm được manh mối gì, vị này tiếp tục khai thác đương sự: anh thường thấy nhói đau trong hoàn cảnh nào ? Anh nói: cảm thấy đau nhiều mỗi lần thi đấu thể thao mà có sự hiện diện của cha anh. Trái lại, khi không có sự hiện diện của cha anh thì anh thi đấu rất tự tin và tâm lý thoải mái. Từ đó, chuyên gia đã nhận ra nguyên do từ người cha của anh. Rằng: ông luôn đòi hỏi ở anh một kết quả vượt trội, mặc dù, ông là một người thường gặp thất bại trên đấu trường. Chính thái độ thiếu khoan nhượng của người cha mà đã dẫn đến tình trạng căng thẳng nơi anh, từ đó, gây nên chứng đau bao tử thất thường. Có lẽ, vì kính nể cha mình nên anh không tỏ dấu tức giận hay có thái độ tiêu cực nào, vì thế, sự nóng giận hay bực tức lại quay vào bên trong. Năng lực của sự kìm nén ấy như một thứ nội áp suất, nó tấn công các cơ quan nội tạng trong anh.

Hay cô bé kia thường bị chứng đau đầu hành hạ ngay từ nhỏ. Bình thường cô bé vẫn vui chơi với chúng bạn không vấn đề gì nhưng khi ngồi vào bàn học là bị nhức đầu. Được sự hướng dẫn của người khác, bé tìm đến với một chuyên viên tâm lý. Khi hỏi cặn kẽ hoàn cảnh gia đình, vị này mới rõ mẹ của bé là người cầu toàn lại mang tính tiêu cực hay so sánh bé với người khác. Thật vậy, cứ mỗi lần bé ngồi xuống học bài thì một câu nói truyền thống thốt ra từ miệng bà mẹ: “Học với hành, con người ta đi học, cứ mỗi kỳ là đem giấy khen về, con mình chẳng ra làm sao cả !” Và rồi, câu nói ấy như một áp lực khiến bé trở nên mệt mỏi và buông xuôi. Có lẽ, bà mẹ nói thế để muốn gây ý thức nơi con mình và giúp nó cố gắng hơn, nhưng khi dùng những lời lẽ tiêu cực và so sánh với con bé hàng xóm, vô tình tạo nên một làn sóng tiêu cực gieo vào đầu con trẻ khiến nó gặp khó khăn hơn trong các kỳ thi vì nỗi ám ảnh thất bại đang chào đón nơi cửa miệng người mẹ ấy.

Ngoài ra, còn nhiều chứng bệnh thể lý được khám phá ra do ảnh hưởng của bệnh tâm lý, điều quan trọng là chính mỗi người cần nhận ra phần tổn thương của mình để kịp thời chữa trị, nhờ đó, tránh những lệch lạc trong lối sống do những vết thương mưng mủ gây nên.

Tâm lý

Có một cậu học sinh lớp 11, rất thông minh và tháo vát. Cậu là đoàn trưởng của một trường điểm, luôn xuất hiện trước đám đông với những bài nói chuyện rất dím dỏm và những bài cám ơn rất hoành tráng. Mặc dù, cậu thấp bé nhưng ai cũng ngước nhìn và ngưỡng mộ cậu. Tuy nhiên, vào một hôm trong lúc cậu đang tranh luận với anh mình về một đề tài gì đó. Bà mẹ quan sát thấy vậy, liền phán một câu khiến cậu bất ngờ: “Người cao không bằng con chó Misa mà dám tranh luận với anh Hai”. Thế là, cuộc tranh luận ngưng hẳn và từ đó, tiếng của cậu nói chuyện trong nhà cũng thưa thớt dần và không còn tiếng cười như xưa. Trong trường, những công việc được giao cũng trở nên nặng nề với cậu. Mọi người cho rằng do cậu đau trong người mà khiến không hoàn thành xuất sắc công việc. Mãi đến bài cám ơn cuối khóa của cậu, mọi người mới nhận ra dường như cậu bị một cú sốc tâm lý nào đó. Những người mến mộ cậu xưa nay, người hỏi thăm, người xin lỗi xem cậu phản ứng thế nào, cậu đều cười nhẹ và bỏ đi. Vì lòng tự trọng của cậu đã bị tổn thương nặng nề, song, nó còn trở nên trầm trọng hơn vì người mình thần tượng xưa nay lại làm mình tổn thương.

Có người đàn ông khác khoảng 30 tuổi, chàng cao to và đẹp trai, với dáng điệu bảnh bao, anh có đủ tiêu chuẩn và khả năng chinh phục các cô gái về cho mình. Nhưng nhiều cô gái đến với anh một thời gian rồi họ lại chia tay, phần lớn do phía anh chủ động. Do anh quá dè dặt trong chuyện tình cảm mà khi gặp nhau tình yêu giữa họ không mặn mà.

Sau khi tìm hiểu chuyện gia đình, người ta biết rằng mẹ anh là một người độc đoán và quán xuyến mọi sự việc trong nhà, bà hoàn toàn phủ bóng và kiểm soát chồng mình. Bà thích ra lệnh và thao túng người khác cách quá đáng. Trái lại, cha anh là người ít nói và không bao giờ to tiếng, ông chọn sự thinh lặng và nghe theo để giữ hòa khí trong gia đình. Chàng trai càng thấy thương cha mình thì lại trở nên ghét mẹ hơn. Thời gian sống trong buồn chán kéo dài đã khiến cậu căm ghét những người phụ nữ mà cậu tiếp xúc. Trong thời gian đầu mới quen ai đó, chàng cảm thấy bớt đi nỗi trống trải trong tâm hồn, nhưng sau đó, mọi cô gái đều chia tay không lời từ biệt. Với ý thức lớn lao, anh nhận ra nhu cầu cần một người phụ nữ để chung sống và chia sẻ đời sống gia đình. Tuy nhiên, còn đó sự bất an và lo sợ trong vô thức, hình ảnh của một người mẹ độc đoán và thao túng người khác vẫn hằng đeo bám chàng, và phóng chiếu lên các phụ nữ khác khiến chàng trở nên bế tắc và bất lực.

Chẳng hạn, một lần đến nhà bạn gái chơi, cậu thấy nàng to tiếng với em út. Rồi sau đó, cậu chia tay với người bạn gái này mà không một lời giải thích. Hay khi cậu gặp một cô gái khác, do kinh nghiệm thất bại trên tình trường, lần này tình cảm của họ trở nên mặn mà hơn. Đến khi cô gái tỏ một lời cảm thông thì họ lại chia tay. Cô nói rằng: “Em muốn biết nhiều về anh, nhưng không nghe anh nói về mình”. Chỉ câu nói này, cậu tự nhủ: “Nàng muốn thao túng và kiểm soát mình đây” và rồi họ cũng nói lời chia tay trong nước mắt của người yêu. Có thể nói, cái bóng củangười mẹ độc đoán quá lớn khiến cậu không được giải thoát, và tiếp tục sống cô đơn không một người yêu chia sẻ.

Qua đó, chúng ta nhận ra rằng những tổn thương tuổi thơ nếu không được chủ thể ý thức và làm hòa, sẽ còn đó những ảnh hưởng tiêu cực và chi phối mọi lãnh vực trong đời sống họ.

Tâm linh

Nếu xét những tổn thương về mặt thể lý và tâm lý mà còn gây ảnh hưởng và làm xáo trộn đời sống chủ thể tự bên ngoài thì những tổn thương về mặt tâm linh, sẽ kín ẩn hơn nếu không được đương sự đưa ra ánh sáng.

Có một cô gái, hằng đêm, phải cùng mẹ chạy trốn những trận đòn do ông bố gây nên sau những lần ăn nhậu với ai đó. Thế nhưng, đêm nào bố không về, hai mẹ con lại chạy đi tìm kẻo bị tai nạn thì mẹ không an lòng. Những hình ảnh đó ghi sâu trong ký ức tuổi thơ của một cô bé đang tuổi vô tư giỡn đùa với chúng bạn. Làm sao bé có thể hiểu được về một Thiên Chúa là Cha ? Những giờ học giáo lý và những bài giảng của linh mục trong nhà thờ như những bài điếu văn đọc lên trước mộ cha mình. Con bé không muốn có một người cha như thế và không muốn kêu ai là cha kể cả Thiên Chúa của một niềm tin Công giáo rất tốt lành ! Do tổn thương tuổi thơ quá nặng nề, con bé sống niềm tin của mình với mong muốn Thiên Chúa như một người mẹ. Nhưng dù sao, nếu bé không được hóa giải và chữa lành thì đời sống tâm linh cũng trở nên lệch lạc và không lối thoát.

Hay truyện về một câu bé khoảng 16 tuổi đang trong thế giằng co vì cha mẹ của cậu đòi ly dị nhưng cả hai đều đòi cậu ở với mình. Cậu đã thẳng thừng tuyên bố: “Cả ông và bà, không ai có quyền chiếm hữu tôi, và cả Thiên Chúa của ông bà cũng chẳng có quyền gì trên tôi”. Tại sao Thiên Chúa lại bị đặt vào trong tình huống này ? Thưa: vì cả hai vợ chồng đều nhân danh tôn giáo để ly dị nhau và nhân danh bác ái Kitô giáo mà giành lấy đứa bé. Cuối cùng, cậu đã về ở với ông bà ngoại. Họ nuôi cậu khôn lớn thành tài, trở nên một người thiện nguyện đi giúp những trẻ em bị cơ nhỡ. Việc đi lễ của chàng chỉ cốt làm vui lòng ông bà, chứ chàng chẳng chú tâm gì đến đời sống tâm linh, vì đối với chàng, Thiên Chúa như một Đấng hà khắc chỉ biết đòi hỏi con người mọi sự.

Nhưng rồi trong một lần đang công tác bác ái giúp người dân địa phương, chẳng may anh đã bị thương ở một chân, phải nằm yên một chỗ. Sau đó, cha tuyên úy đến chia sẻ nỗi đau của một thành viên nhiệt tình trong nhóm. Sau một hồi kể lễ, anh nói: “Tại sao con đang làm một điều tốt lành như thế mà Chúa lại để con đến nỗi này, Chúa đã bỏ con sao ?” Như có một ánh sáng lóe lên trong đầu vị linh mục, ngài nói: “Thế con bỏ Chúa hay Chúa bỏ con ?” Rồi cha thinh lặng ngồi đấy một hồi lâu. Lúc này, cả một ký ức xa xưa quay về, một lịch sự bị tổn thương đang được đem ra ánh sáng, cậu ôm vị linh mục vừa khóc vừa nói: “Con đã bỏ Chúa lâu rồi !”…

Những ví dụ trên đây chỉ là một gợi ý giúp ta tìm ra và viết lên trang lịch sử đời mình; có thể nói, phần lớn là thương đau, những tổn thương ấy, dù muốn dù không, nó vẫn là thành phần của cuộc sống ta. Nếu chúng ta dám đối diện và tìm cách chữa lành, nó sẽ là cơ hội giúp ta sống với một tâm thức mới: đầy năng động và sáng tạo.

LÀM HÒA VỚI ĐỨA TRẺ BỊ TỔN THƯƠNG

Có nhiều cách để hóa giải vấn đề này, nhưng thiển nghĩ, có hai cách thiết thực giúp ta tự chữa lành mà không cần tiếp xúc với các chuyên gia.

Sáng tạo nghệ thuật:

Hiện nay, ở Việt Nam, có một phong trào mang tên “Nét cọ chữa lành” củaTrung tâm Bảo trợ xã hộiTịnh Trúc Gia (Huế). Với mong muốn khẳng định khả năng trị liệu của sáng tạo, đồng thời giới thiệu mô hình giáo dục đặc biệt đã thay đổi cuộc sống của nhiều trẻ khuyết tật về trí tuệ và khả năng nghe – nói, xưởng sơn mài này đã đem lại niềm hy vọng cho nhiều thế hệ tương lai. Xin đơn cử trường hợp của Lê Xuân Lãm.

Theo đánh giá chuyên môn, trước khi đến với Tịnh Trúc Gia, Lê Xuân Lãm là một cậu bé hành xử “hoang dại”.Nguồn năng lượngmạnh mẽ trong con người cậu ấy nếu không được kiểm soát sẽ khiến Lãm bị cô lập giữa những người bình thường. Vậy là năm 16 tuổi, gia đình đưa Lãm đến với Trung tâm Tịnh Trúc Gia. Và với thời gian, những nghệ sĩ tâm huyết đã giúp em điều chỉnh tính cách, điều hướng nhận thức, chữa lành ký ức…kết quả cho thấy, em trở thành một họa sĩ được nhiều người hâm mộ. Tất nhiên, Lãm được yêu mến không phải vì cảm thương những giới hạn của em nhưng vì em trở thành một chứng nhân được chữa lành nhờ hoạt động nghệ thuật chân chính.


Nếu họa sĩ được chữa lành cách nào đó trong quá trình sáng tạo tác phẩm thì nhạc sĩ chắc hẳn cũng được thanh luyện nơi những gì mình ấp ủ và cưu mang cho đến khi hoàn thành những đứa con tinh thần.

Vào thời cổ đại bên Trung hoa, phần lớn âm nhạc được dùng thuần túy trong việc chữa lành tổn thương. Với làn điệu ngũ cung được tượng trưng cho ngũ hành: kim, mộc, thủy, hỏa và thổ. Nếu như sự phối hợp của ngũ hành tạo nên sự quân bình cho trời đất thì với 5 cung nhạc ấy cũng có khả năng chữa lành, và quả thật, không chỉ riêng làn điệu ngũ cung này mà âm nhạc nói chung, cho đến ngày nay, nhiều khám phá cho thấy sức năng động chữa lành khá kỳ diệu. Một nhạc sĩ đã chia sẻ: Tôi đã tìm lại bản thân mình sau một giai đoạn sáng tác. Ban đầu, tôi quá chú trọng đến những kỹ thuật chuyên môn: sao cho đúng đắn và chuẩn mực, sau khi đã áp dụng nhuần nhuyễn, tôi bắt đầu chú trọng đến lời ca và những cung bậc tình cảm giúp tạo nên sức sống bản nhạc và rồi tôi đã tìm được chính mình. Thật vậy, những gì tôi cưu mang là máu thịt tôi và cả những vết thương của tôi nữa ! Chúng được chữa lành cách sâu xa.
Chính quá trình sáng tạo nghệ thuật chứ không phải thành phẩm nghệ thuật có tác dụng hàn gắn tâm hồn. Ở đó nghệ thuật được coi là sự biểu hiện của cuộc độc thoại nội tâm của đứa trẻ trong tôi, qua đó giải tỏa được những uẩn khúc và rối loạn trong tâm hồn, đồng thời phục hồi lại niềm tin tưởng, hy vọng vào cuộc sống, cũng như sự tự tin, tự chủ và năng lực bản thân.

Viết nhật ký:

Pennebaker, giáo sư khoa Tâm lý học tại trường Đại học Texas ở Austin , là một người tiên phong trong nghiên cứu sử dụng việc viết bộc lộ cảm xúc để chữa lành. Năm 2004, ông choxuất bản cuốn Viết để Chữa lành: Hướng dẫn Phục hồi từ Chấn thương và Chấn động Tinh thần. Trong khi hướng dẫn của ông có thể áp dụng với việc viết nhật ký, nó thiên về vai trò như một cách điều chỉnh hướng đi của cuộc sống. Nó cho phép mọi người dừng bước trong một khoảnh khắc và đánh giá lại cuộc sống của họ. Theo nghiên cứu của nhà tâm lý này, khi viết về các chấn động tinh thần, họ thường cảm nhận việc cải thiện về sức khỏe. Đồng thời, ông cũng phát hiện ra rằng khả năng thay đổi cách nhìn trong quá trình viết là một dấu hiệu mạnh mẽ khác. Thật thế, nhờ việc viết ra những ức chế và những tổn thương tuổi thơ mà họ có thể thay đổi cách đánh giá về thực tế cuộc sống; họ sẵn sàng đón nhận và thay đổi cách triệt để về thái độ tích cực trong cuộc sống.

Ông đã lấy dẫn chứng từ một phụ nữ trẻ đã tìm ông tham vấn. Cô mất chồng cách đột ngột trong một tai nạn. Thế nhưng, các bạn đồng nghiệp hết lời khen ngợi cô, rằng cô đã can đảm vượt qua sau biến cố bất ngờ và đau thương ấy. Phần mình, cô tìm đến nhà tâm lý này để tìm ra giải pháp vì cô cảm nhận có điều gì không ổn nơi bản thân. Nhà tâm lý trị liệu đã đề nghị cô viết nhật ký. Sau một tuần đối diện với mọi góc cạnh của tổn thương, cô đã thấy mình có những thay đổi từ thế quân bình thể lý và cách nhìn nhận và đánh giá vấn đề. Sau đó, người phụ nữ này đã bỏ nơi đang sống và trở về quê để bắt đầu một bước tiến mới. Cô tâm sự: nhờ việc viết nhật ký này mà cô đã nhận ra, trước kia bản thân đã đeo mặt nạ vui vẻ giả tạo trước mặt bạn bè.

Chỉ hai tháng sau, người phụ nữ đó bỏ trường đại học và chuyển về quê của cô. Việc viết đã khiến cô nhận ra rằng cô đang đi trên một con đường mà cô không còn muốn nữa và rằng trước đó cô đã đeo một cái mặt nạ vui vẻ giả tạo với bạn bè.

Có hai lời đề nghị của Pennebaker khá hữu ích cho những ai áp dụng phương pháp này:

-Một đề tài có vẻ quá đau đớn để nghĩ đến thì đừng cố gắng lôi nó ra trước khi bạn sẵn sàng.

-Không nên viết về một sự kiện chấn động lâu hơn một vài tuần. Bạn có nguy cơ rơi vào vòng xoáy của suy nghĩ tự thương hại bản thân.

Cầu nguyện:

Có thể nói, cầu nguyện là thái độ đức tin giúp chúng ta được chữa lành đích thực. Chỉ có Chúa Thánh Thần mới thực sự chữa lành chúng ta từ bên trong. Vì thế, cầu nguyện phải là phương pháp được ưu tiên hàng đầu khi đối diện trước sự bất lực của cuộc sống. Những tổn thương tuổi thơ còn đó như một cơ hội giúp mỗi người chúng ta sống gắn bó với Chúa hơn và để Người bước vào đời sống mình như một nhu cầu tâm linh không thể thiếu vắng trong đời sống đức tin.

Xin đơn cử một lời nguyện của một người phong cùi mang tên là Veronica:

Lạy Chúa, Chúa đến đòi con tất cả,

Và con đã tận hiến cho Chúa toàn thân.

Hôm xưa con mê đọc sách, nhưng giờ này con đã mù loà.

Con thích chạy nhảy trong khu rừng hoang vắng,

Nhưng hiện nay hai chân con đã thành bất toại!

Con thích đi hái những bông hoa dại dưới nắng trời xuân,

Nhưng ngày nay hai bàn tay ấy không còn nữa!

Là phụ nữ, con ưa nhìn mái tóc mây mượt mà óng ả,

Nhìn những ngón tay mềm mại xinh đẹp,

Nhìn tấm thân liễu đào kiều diễm.

Nhưng giờ này trên đầu con không còn một sợi tóc,

Những ngón tay mịn mà của tuổi giai nhân ngày xưa,

Hôm nay chỉ là những thanh gỗ nhỏ khô cứng!

Lạy Chúa, xin nhìn đến thân con hồi nào mỹ lệ,

Hôm nay đã tàn tệ, nhưng con không dám trách than:

Con tạ ơn Chúa, và ngàn đời con sẽ hát lời ca ngợi.

Và giả như con có chết đêm nay đi nữa,

Con tin chắc đời mình đã được sung mãn dồi dào.

Là vì sống bằng tình yêu, con được quá những gì lòng con ước nguyện.

Lạy Cha chí nhân,

Với đứa con Veronica, Cha đã quá nhân từ hiền hậu.

Quỳ hôm nay, con cầu cho những ai phong cùi trong thể xác,

Nhưng nhất là những ai “phong cùi” trong tâm linh nội diện:

Vì họ có thể đổ xô, gục ngã, tàn phế, tiêu tan:

Chính những lớp người này con càng thành tâm yêu mến,

Và trong âm thầm con nguyện hiến đời mình cho họ,

Bởi vì họ với con là anh chị em một nhà!

Lạy Chúa của lòng con yêu mến thiết tha,

Con dâng lên Chúa tấm thân phong cùi thể xác này,

Để cho họ không còn phải nếm phiền muộn, đắng cay,

Không còn phải lạnh lẽo và khổ đau chua xót,

Vì chứng phong cùi ghê gớm xâu xé tâm linh họ!

Lạy Cha chí nhân,

Con vẫn là đứa con gái bé bỏng thân tình,

Xin cầm tay dẫn con đi, như người mẹ dẫn đứa con thơ dại;

Xin xiết chặt con vào trái tim Cha đang rộng mở,

Như người Cha ấp ủ đứa con nhỏ bé hồi nào!

Xin cho con chìm sâu trong đáy huyệt lòng Cha,

Ở mãi trong đó với những người con yêu thương trìu mến,

Vì ở đó là hạnh phúc thiên đàng trường sinh vĩnh cửu!

Thiết tưởng, đây đích thực là một tâm hồn đã được chữa lành từ bên trong khi chị đặt Chúa vào tận chính những khốn khổ và tổn thương của mình. Tất nhiên, không phải để oán trách nhưng chị tạ ơn Chúa, vì nó trở nên một cơ hội giúp tâm hồn chị kết hợp với Chúa thân tình hơn khi cảm nhận sự bất lực của bản thân mình.

Và từ đó, chúng ta sẽ xác tín hơn rằng những tổn thương bên trong là cửa ngỏ giúp Chúa đi vào tâm hồn chúng ta.

EYMARD An Mai Đỗ, O.Cist.

Exit mobile version