Lâu lắm rồi gặp anh bạn ‘đồng chí’ Công an thời làm báo, khá thân (trước làm ‘lính’ giờ làm ‘sếp’ kha khá), có cảm tình Đạo.
Tớ quý Anh vì còn cái tâm và Anh cũng thú nhận nhiều lúc thấy mình hèn vì trung thành với ý thức hệ để chà đạp lẽ thiện lương, phản bội với Chủ Dân.
Thực tế, Anh nói nhiều đảng viên như Anh chẳng tin gì cái chủ thuyết ‘mờ lờ’- mãi lú (Mác- Lê) mà Hiến pháp bắt định hướng cho toàn xã hội noi theo[1], cái thứ mà ngay đệ nhất quyền lực – Tổng bí thư từng thú nhận: trăm năm nữa liệu có thấy thiên đàng xã hội chủ nghĩa. Nhưng cái vòng ‘kim ô’ mãi lú (macle) quá chặt lại liên quan trực tiếp đến cơm- áo- gạo tiền, đến an ninh không chỉ bản thân mà còn vợ con, cha mẹ… nên nhiều lúc anh (tớ nghĩ rất nhiều đồng đội của Anh) phải cắn răng ‘nghe đảng phản Dân’ (nhất là trong những lúc người Dân thực hiện quyền Biểu tình theo Hiến định).
Lâu ngày gặp mặt, anh hỏi thăm làm Linh mục làm Chánh xứ có khó không? Tớ bảo làm Linh mục hay làm chánh xứ thì dễ nhưng là Linh mục lại là Linh mục chánh xứ thì không dễ, phải luôn biết bỏ mình, phải cần biết trông cậy vào Chúa…
Rồi tớ ‘đá banh’ qua Anh: Cũng như anh làm công an thì dễ- cứ nghe theo cấp trên là xong, còn ‘là công an Nhân Dân’ nghe theo lẽ thiện lương mới khó…
Anh cười hiền từ trước câu ‘chiết chữ’ của tớ.
Cuộc trò chuyện ‘xiên xọ’ nhiều điều, song chủ đề Tôn giáo thuốc phiện và Bàn tay ngón thấp ngón cao là hai ý tưởng… ấn tượng, riêng tớ.
1. Tớ nói về an ninh, nói về niềm tin nơi lãnh đạo đang suy giảm, mức độ SOS… Khi không còn niềm tin quan chức, lại thiếu tôn giáo làm điểm tựa… xã hội tất loạn. Nói về vấn đề này như cách tớ thông cảm anh nỗi vất vả bên an ninh, kể cả thách đố trước lựa chọn giữa Dân- đảng.
Anh nói Linh mục thông cảm, bàn tay còn có ngón dài ngón ngắn. Ý Anh nói, quan chức có người này người nọ, có người tốt người xấu, cào bằng đôi khi tội cho nhiều người.
Tớ không đồng ý lấy bàn tay ngón dài ngón ngắn để minh họa người tốt- người xấu…
Tớ bảo, bàn tay đẹp và hữu dụng là nhờ có ngón dài ngón ngắn… Giả như bây giờ duy ý chí chặt mọi ngón tay đều cao thấp như nhau thì đấy là một bàn… quái tay, xấu xí và giảm nhiều hữu dụng, nếu không muốn nói vô dụng. Bàn tay đẹp và có giá trị là nhờ biết chấp nhận sự đa dạng, phong phú. Xã hội cũng vậy thôi…
Tớ… giật mình khi đề cập xã hội cần ‘chấp nhận’ sự đa dạng phong phú. Nói ‘giật mình’ vì sợ vấn đề lại dẫn đến ‘tử huyệt’ của thể chế độc tài chuyên chế: Đa nguyên- đa đảng.
Tớ thích bàn chuyện xã hội tốt đẹp, phát triển hài hòa nhờ theo quy luật của Tạo hóa thiết định, luôn tồn tại sự đa dạng, phong phú, kể cả các mặt đối lập như cách tạo động lực phát triển (tớ thêm: chính Macxit nhận ra động lực phát triển xã hội là nhờ các mặt đối lập- quy luật phủ định của phủ định; mình theo tư tưởng Macxit sao lại phủ nhận lý thuyết ‘động lực’ này. Mình không tin chủ thuyết sao ‘bắt’ toàn xã hội tin theo, có phi lý bất công không ?) … Còn nói về ‘đa nguyên- đa đảng’ là bàn về vấn đề ‘chính trị chính em’. Điều này tớ không hề muốn và chắc chắn bên an ninh như anh cũng chẳng muốn nói đến trong cuộc gặp gỡ ‘hữu hảo’ này.
Một khoảng trống thinh lặng !…
2. Tớ đang bí chuyển đề tài để tránh rơi vào nói chuyện chính trị, may qúa Anh gỡ cho một bàn thua trông thấy.
– Người ta hay hiểu sai câu Karl Marx ‘Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân’ (theo kiểu mị dân, làm mê muội- nv) … Thực ra câu nói đó là đề cao giá trị tốt đẹp của Tôn giáo, ý nói Tôn giáo có khả năng rất tốt trong việc xoa dịu, nâng đỡ giúp người ta quên đi đau khổ.
– Theo kiểu thuốc phiện chứ gì ?
Anh không trả lời câu hỏi cắc cớ của tớ.
Tớ lý luận: Cái gì cũng có hai mặt. Thực ra cây thuốc làm ra thuốc phiện trong y khoa vẫn dùng để gây mê, gây tê, giảm đau, rất tốt… Nhưng một khi đã chế đạt ngưỡng thuốc phiện thì khác. Thuốc phiện thuộc hàng nguy hiểm, hủy hoại con người ghê ghớm…. Buôn bán thuốc phiện thuộc hàng tội ác, với ta chỉ cần buôn bán 100g có thể lãnh án tử…
Nếu thật sự thấy được giá trị tốt đẹp của Tôn giáo sao không lấy thứ khác tốt đẹp so sánh, lại dùng thuốc phiện?
Ngoài ra, thuốc phiện chỉ giúp ta ảo giác sướng, hết phê lại trở về nguyên thực trạng hiện sinh đau khổ, tệ hơn nó làm ta lún sâu hơn trong đau khổ.
Tôn giáo đích thực không phải là thứ ảo giác hết khổ. Để sống lẽ Đạo cần nghị lực ý chí lắm, cần phải trực diện với đau khổ và vượt thắng đau khổ. Đương nhiên, để vượt thắng đau khổ, bất công, Tôn giáo, nhất là Kitô giáo theo gương Thầy Giêsu không bao giờ được phép dùng bạo lực- kích động hận thù, tức chỉ theo đường lối ôn hòa trong Công lý- Yêu thương. Người theo Chúa không có kẻ thù, ngay cả những người giết hại mình vẫn coi là anh chị em, vẫn tha thứ.
Anh thử xem, yêu thương cả kẻ thù, người từng làm hại ta thì kẻ hèn- tiểu nhân không sống được, và ngay tự sức riêng con người cũng không thể sống được. Chúng tôi sống được và sống được cách dễ dàng, đơn giản vì có ơn Chúa.
Quay lại chủ đề ‘Tôn giáo- thuốc phiện’…
Tớ nghĩ hiểu câu ‘Tôn giáo là thuốc phiệt’ coi Tôn giáo như một thứ nguy hiểm, tiêu cực giống như thuốc phiệt cần loại bỏ của ông tổ chủ thuyết duy vật vô thần là không sai. Nếu đặt trong nguồn mạch chủ thuyết duy vật vô thần, càng đúng. Bởi theo họ, Tôn giáo xuất hiện do chế độ có giai cấp, giai cấp thống trị dùng Tôn giáo áp bức và ru ngủ giai cấp bị trị (nô lệ, công nhân…). Khi xã hội không còn giai cấp, Tôn giáo tất yếu bị tiêu diệt. Mà để xã hội hết giai cấp phải đấu tranh, phải dùng bạo lực cách mạng[2]… (tớ dân học báo chí truyên truyền có khác… ra trường gần 20 năm xem ra vẫn…thuộc bài Macxít).
(Tớ nghĩ thầm, nếu xem Tôn giáo giáo như thuốc phiện thì Tôn giáo luôn ở phía ‘đối đầu’, nhẹ hơn là ‘vấn nạn’ do đó cần giảm dần, rồi loại bỏ Tôn giáo. Thực ra và thực tế cho thấy Tôn giáo là nguồn thiện ích (dường như không thể thiếu) đóng góp rất tốt cho đất nước phát triển, thăng tiến phẩm giá con người[3]. Tại sao nhà cầm quyền nếu vì Dân do Dân thật sự sao không biết hợp tác, tôn trọng với Tôn giáo. Đấy là chưa muốn nói, để Tôn giáo tham gia vào việc Giáo dục- cụ thể Công giáo (giống thời trước 1975), sẽ góp phần tích cực đào tạo các thế hệ sống có lương tri, trách nhiệm)
Anh bảo tớ: Dân học báo chí có khác, đạt trình độ không thua lý luận chính trị cấp cao.
Vấn đề không phải trình ‘cử nhân’ báo chí (lại báo chí tuyên truyền) mà là biết bỏ mãi lú (macle) tự nhiên đầu hết lú, tất sáng suốt. Nếu có điểm tựa tôn giáo (ở đây là Chúa Giêsu Kitô) thì đúng là ‘cao cấp chính trị’ (chứ không phải tà trị) nhằm nâng cao phẩm giá con người, biết tôn trọng nhân quyền phổ quát chính đáng của con người, góp phần xây dựng Công lý- Hòa bình… Mà nói thật, không bỏ mãi lú thì có đạt trình tiến sĩ quốc tế thì vẫn lú, càng lú lấ, nguy hiểm thêm cho sự thăng tiến xã hội.
(Tớ lại lý luận kiểu ‘chiết chữ’)
3. Anh đột ngột chuyển đề tài, rồi trầm ngâm. Anh nói, có lần đi vào nghĩa trang nào đó, đọc câu Lời Chúa nào đó mới thấy cuộc sống con người mong manh, ngắn ngủi…
Tớ trân quý những suy nghĩ có tính ‘mặc niệm’, suy tư về đời người ngắn ngủi của Anh.
Tớ mong Anh cũng như mong tớ và mọi người hãy để cho Lời Chúa thấm đượm cuộc sống, để có những suy nghĩ, hành động theo Lời Chúa.
Một khi để Lời Chúa hướng dẫn ta sẽ khám phá Tôn giáo, cụ thể Kitô giáo không phải là thứ thuốc phiệt, không phải là ‘vấn nạn’ mà chính là Chân- Thiện – Mỹ, là Cứu Cánh đời người, thiết thực cho nhân sinh hơn: Tôn giáo là Công lý- Sự Thật- Tình Yêu, có thế Tôn giáo mới có sức giải phóng con người, giúp đời sống ngắn ngủi tại thế có ý nghĩa, giá trị và trực diện đời sau không phải là vấn đề… hoảng hốt !
Bởi Chúa Giêsu Kitôchính là Tin Mừng cứu độ, là Phúc Thật. Tin theo Đấng là Tin Mừng là Phúc Thật thì đương nhiên nếm được Tin Mừng – Phúc Thật ngay đời này- quái lạ ở chỗ: khám phá tin mừng ngay trong đau khổ- vì sống theo lẽ Công chính và viên mãn đời sau trên Thiên Quốc.
Lm. Hương Quất
—————————-
[1] Nhớ thư góp ý dự thảo Hiến pháp của Hội Đồng Giám mục, quy định này cho thấy rõ vấn đề không có tự do tôn giáo, tư tưởng…
[2] ‘Tôn giáo học’ cho biết biết tín gưỡng- tôn giáo xuất hiện từ rất lâu, trước khi xuất hiện xã hội có giai cấp. Bằng chứng khảo cổ cho thấy, nghi thức chôn người chết của người xa xưa đã có những dấu chỉ tín ngưỡng, tin thần linh.
[3]Ý tưởng đừng xem tôn giáo là ‘vấn nạn của nhà nước’, trái lại hãy xem là ‘nguồn thiện ích’ là của Đức Tổng Giám mục Leopoldo Gierelli- Đại diện không thường trú tại Việt Nam, trong bài giảng khai mạc Đại Hội Thánh Mẫu La Vang lần 31 (2017).
x.http://www.tinmungchonguoingheo.com/blog/2017/08/17/cac-muc-tu-len-tieng-trong-dai-hoi-la-vang-lan-31