– Con vào hỏi cha chuyện này, không biết họ phạm tội nặng hay tội nhẹ.
Tớ trả lời bằng… nụ cười khích lệ !
Chuyện là thế này, Em mới vào đổ cây xăng tư nhân, đi ra với tâm trạng buồn bực vì thấy họ gian xăng thấy rõ. Cùng mức xăng theo kim xăng báo như thế, với mức tiền như thế em đổ cây xăng nọ thì tràn tới miệng bình xăng, còn cây xăng tư nhân này chơi vơi dưới miệng bình cả đốt ngón tay.
– Con đổ 40.000 đ, tính mức xăng gian khoảng 10%. Tính ra chủ xăng ăn gian của con hết bốn ngàn. Nếu nói họ phạm tội nặng xem ra hơi…. oan. Bốn ngàn bạc giờ có là bao- số tiền cho ăn xin coi chừng bị… chửi lại; mức độ thiệt hại xem ra cũng chẳng nhiều. Nếu bảo họ chỉ tội nhẹ, con thấy có cái gì lấn cấn, không ổn.
Tớ không trả lời theo kiểu ‘yes’ hay ‘no’ mà … tưng tửng hỏi lại.
–Theo Bạn, khi nào ta phạm tội nặng.
– Dạ, khi hội đủ 3 yếu tố: Phạm một luật nặng- ý thức hay suy xét tỏ tường và cố tình phạm tội. Nếu thiếu một trong ba yếu tố thì vẫn phạm tội nhẹ.
Tớ … bái phục Em quá, nắm vững giáo lý…
– Về chủ cây xăng. Họ gian 10%, có phải chỉ mình Bạn không ?
– Con nghĩ là không ?
– Không phải ‘nghĩ là…’ mà là chắc chắn là không. Nếu họ gian xăng Bạn được bốn ngàn, họ dừng lại, thì đấy là vấn đề khác… Khi có ý gian tham, chẳng ai chỉ nhắm mỗi 5.000- 10.000 đồng đâu…
– À… bắt đầu con hiểu ra…
– Hiểu ra thế nào ?
– Nếu doanh thu cây xăng gian con bị, bán xăng mỗi tháng 100 triệu thì họ bỏ túi xăng gian 10 triệu ; doang thu 500 hay một tỉ thì hàng tháng họ… xơi không 50- 100 triệu đồng…
Bất ngờ em vội vã :
– Con cảm ơn cha. Con đang có việc. Con xin phép.
2. Tớ chợt nhớ đến câu chuyện… nghe lõm.
Một vị Linh mục khả kính ra bắt tay một vị Ban hành giáo.
– Cây xăng của ông, dạo này bán có đông khách không ?
– Dạ con nghỉ cây xăng cả năm nay rồi ?
– Nghỉ à… Tôi thấy cây xăng ông cũng được lắm mà.
– Con nói thật. Nếu biết gian lận có cây xăng dễ giàu lắm; còn nếu làm nghiêm túc theo đúng lương tâm, thì… vất vả lắm cha.
Tớ xin kết thúc câu chuyện nghe lõm.
Lm.Đaminh Hương Quất