Như bạn đã biết, một trong những nhu cầu sâu xa nhất của con người là nhu cầu khẳng định mình. Tôi cần biết tôi là ai? Cái tôi của mỗi người cần được chính chủ nhân của nó nhìn nhận. Đồng thời nó cũng cần người khác ý thức về sự hiện hữu của nó. Nếu con người “thiếu hiện hữu”, thì đó là một sự thiếu hụt sâu xa. Vì thế nhu cầu khẳng định mình là nhu cầu hết sức khẩn thiết. Nhưng khẳng định quá lại có quy cơ lầm lạc vì:
1. Nghiện khoe khoang
Theo lẽ thường, tôi không muốn tập thể hay xã hội xem tôi là kẻ “hai lúa” hay “quê mùa”. Trào lưu chạy theo “mốt” là hiện tượng để cái tôi hợp thời trong xã hội. Nếu thử dạo quanh một vòng những Facebook cá nhân thì bạn dễ nhận ra hình như có một cái “mẫu” chung là sự khoe khoang. Khoe khoang thì không xấu nhưng nghiện khoe thì đáng quan ngại. Nghiện khoe khoang, phô trương có thể dẫn đến một lối sống ảo trên không gian mạng. Ví dụ, ăn cũng khoe, mặc áo mới cũng khoe, đi du lịch cũng thích khoe, nhận bằng tốt nghiệp cũng khoe, nhà mới cũng khoe, chửi cũng khoe…Nếu vậy, ta khẳng định mình bằng cái tôi có hơn cái tôi là. Nhưng bạn biết không, sự hào nhoáng bên ngoài sẽ chóng qua, các “mốt” sẽ thay đổi. Đời nào ta lại để cho những thứ ấy đẩy mình vào trong nỗi cô đơn đáng sợ, trong hào nhoáng nông cạn!
2. Nghiện làm việc
Nếu cố gắng rèn luyện để đạt được bằng này chức nọ hay những kỹ năng sống tốt lành thì ấy cũng là điều đáng khen. Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng có thể tôi đang rớt vào sự lẫn lộn giữa “cái là” và “cái làm”. Hôm trước, ra đường thấy một bà cụ dắt tay một em nhỏ, tôi liền giúp họ băng qua đường. Ngay sau đó tôi thấy vui tươi vì mình đã làm một việc tốt. Tôi là một giáo viên dạy tốt nên các em học sinh quí mến tôi. Vì thế, tôi thấy mình sống có ích, sống không thừa. Thử tưởng tượng, một ngày nào đó tôi không thể làm được gì cho chính mình hoặc cho người khác, vậy lúc ấy tôi còn là con người không? Nhiều lần đến thăm các bà cụ tại nhà dưỡng lão tình thương Vinh Sơn, tôi lắng nghe các cụ hay chia sẻ rằng cái sợ nhất của người già chính là họ bị xem là những gánh nặng cho xã hội. Vậy hóa ra khi ta không còn khả năng làm cái gì đó đóng góp cho cuộc đời, thì ta sẽ trở thành một kẻ “sống thừa” và cuộc đời này thật đáng “buồn nôn”!? Không! Giá trị con người không nằm ở các công việc họ làm nhưng nằm ở chỗ họ là con người.
Cuộc sống công nghiệp vội vàng, cái gì cũng bị bó vào cái khung thời gian “xong sớm nghỉ sớm”. Ví dụ đi tham dự thánh lễ, tôi mặc định rằng cha phải giảng ngắn và thời gian cho một thánh lễ “chuẩn” phải là 35 phút hay 60 phút cho một thánh lễ Chúa Nhật. Vậy bạn có biết ở trại tị nạn bên Châu Phi, người ta kể rằng “ở đó người ta tham dự thánh lễ hàng ngày kéo dài khoảng 2 tiếng nhưng mọi người tham dự đều không thấy khó chịu.” Nếu biết làm chủ thời gian thì ta có thể làm công việc hiệu quả hơn. Tuy nhiên, nếu ta nghiện làm việc, lúc nào cũng muốn làm và làm thì sớm muộn gì sức khỏe và tinh thần sẽ nhanh suy chóng tàn.
Như vậy, “cái tôi có” hay “cái tôi làm” không phải là giá trị tuyệt đối như “cái tôi là.” Mọi của cải vật chất hay những thành quả trong cồng việc không thể khỏa lấp hết sự hiện diện của tôi trên cõi đời này. Đành rằng vật chất hay công việc có giá trị của nó; nhưng khi ta đồng hóa mình với chúng là điều không ổn. Vì ta sống là người chứ không phải là món đồ hay là danh vọng phù phiếm.
Ý thức phẩm giá làm người ta có được sự thanh thản và khiêm tốn trước mặt Thiên Chúa vốn là Đấng yêu thương ta không dựa trên những gì ta có và những công trạng ta đã làm. Cái tôi là người giúp tôi biết cách sống đơn sơ trước người khác, biết sống thực tế hơn, biết cảm thông và đón nhận tha nhân như họ là. Ước gì ta không nhìn tha nhân với những việc tốt hay xấu mà họ làm, nhưng ta đón nhận tha nhân vì họ là anh em cùng một Cha trên trời với ta.
Đinh Chí Thiện, S.J.
*Tựa đề xin được trích câu trong bài hát: Tôi Ơi Đừng Tuyệt Vọng của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
dongten.net 06.09.2015