Quan sát, lắng nghe, cảm nhận và suy ngẫm, tôi khám phá ra rằng, cái tôi trên internet là tôi thích, còn cái tôi trong đời sống là người ta thích.
Trên internet, cái tôi thích được thể hiện phong phú. Cách thức tôi truy cập internet thật đa dạng: tìm kiếm thông tin, xử lý dữ liệu; đăng tải thông tin, tham gia các diễn đàn; liên kết với người khác cả lạ lẫm lẫn quen thuộc trên các mạng xã hội, trao đổi qua email. Từ hàng loạt cảm xúc, suy nghĩ, thao tác, tôi có thể nhận biết nhiều khía cạnh về chính mình. Đó là một cái tôi có thể rất năng động với nét riêng độc đáo và sáng tạo. Ví dụ như các nhà sáng lập những chương trình học tập trực tuyến, các học viên và nhà nghiên cứu sử dụng nguồn phong phú trên mạng để phục vụ cho công việc, hay các nhóm cộng tác từ nhiều vùng khác nhau trên thế giới cho mục đích tốt. Đó cũng có thể là một cái tôi đầy ích kỷ chỉ tìm lợi ích riêng mình của chủ nghĩa cá nhân, như những kẻ chuyên lừa gạt và tấn công người khác trên mạng, hay những người nghiện internet trong thế giới ảo của trò chơi hay tình dục. Hai mặt ấy có thể mạnh yếu từng lúc khác nhau, có thể trộn lẫn, và tùy xu hướng của từng người mà mặt tích cực hay tiêu cực có thể trội hơn.
Trong đời sống, cái người ta thích thật phức tạp. Những gì cha mẹ, bạn bè, mọi người mong đợi nơi tôi thường khác nhau, nhiều khi đối chọi, có thể là mâu thuẫn nữa. Giữa giăng mắc những cái thích như mạng nhện ấy, tôi nên làm gì. Thực tế, càng lớn tôi càng biết nhường bước cho sở thích của người khác. Hành vi này có thể mang ý nghĩa tích cực hay tiêu cực tùy theo sự tương thích giữa sự chủ quan của tôi, của người khác và sự khách quan của thực tại. Có thể tôi nhường một để tiến hai trong tâm tính vụ lợi cá nhân. Đó là những người như Hítle hay một số nhà chính trị độc tài, lấy mục tiêu bản thân làm số một, không tiếc tay tiêu diệt tất cả những ai cản lối; hay một số thương gia chỉ lấy đồng tiền làm thước đo, dùng mọi mánh khóe để trục lợi. Cũng có thể tôi nhường bước để buông xuôi trong tâm lý đám đông vì muốn an toàn, như những người cộng tác với Hítle hay trong nhiều trường hợp tương tự của chính trị, kinh tế, xã hội. Nhưng cũng có thể tôi thực sự biết tôn trọng, thậm chí hy sinh cho người khác với con tim đầy thiện chí, như tổng thống Abraham Lincol, mẹ Teresa Cancutta. Hai xu hướng trái ngược này thường có mặt trong cuộc chiến nội tâm từng ngày.
Dầu vậy, cái tôi trong hai lĩnh vực trên có nét giống nhau: cái tôi muốn. Đứng trước một quyết định dù lớn hay nhỏ, mỗi người đều có cảm xúc của mình gần như ngay lập tức là thích hay không. Nhưng nếu được hỏi lại: đó có thực sự là điều bạn muốn, có lẽ mỗi người sẽ trả lời không mạnh mẽ bằng lần đầu. Cái tôi muốn đó có thể của riêng tôi hay của ai đó. Các tôn giáo, các nền triết học, các chuyên ngành tâm lý, xã hội …và ngay cả trong kinh nghiệm dân gian đều có những cách lý giải rất phức tạp, phong phú, và hấp dẫn. Nói chung, mọi người nói về ý muốn của nhân cách trưởng thành hoặc của nhân cách thui chột; một bên là chân thực và tốt lành, bên kia là giả dối và xấu xa.
Tựu chung, trên internet hay trong đời sống, cái tôi vừa tìm cách diễn tả chính mình vừa tìm cách mở ra trong viễn tượng rộng lớn với người khác và vạn vật. Trong hành trình ấy, cái tôi bị đụng chạm giữa cái tôi thích và người ta thích, bị bối rối trong những ý muốn. Tôi hy vọng, cái tôi ngày càng biết đóng lại với cái tiêu cực, và mở ra với cái tích cực, để cái tôi ngày càng người hơn. Đó là cái tôi năng động trong thế quân bình, khôn ngoan mà đơn sơ.
(Vũ Tứ Quyết, S.J, dongten.net 01.08.2014