Tôi đã đến và tôi đã khóc

Qua những nẻo đường quanh co và đi vào con hẻm nhỏ chỉ vừa đủ cho một chiếc xe nhỏ qua lại chúng tôi đặt chân đến vùng đất đang cưu mang những con người không may mắn. Hay nói đúng hơn, chúng tôi đặt chân đến nơi mà lòng bảo lòng lại bảo nhau chia sẻ với những mảnh đời bất hạnh.

Chẳng ai muốn mình trở thành người không bình thường để rồi phải chịu “nhốt” mình sau song sắt như cõi “ngục tù” như thế này. Nhưng, phận đời dun dủi để rồi phải đến đây để náu nương tựa nhờ …

Mỗi người một tay, không ai bảo ai để rồi người mang mắm, kẻ mang muối người mang mì … và những vật phẩm nhỏ bé để sẻ chia cho những người nương náu ở nơi đây.

Đặc biệt, chúng tôi chợt thấy trong khuôn viên của trại nữ có những nàng ca sĩ hết sức đặc biệt. Thật dễ thương trên “sân khấu” tự chế là cái hàng hiên là những anh chị đàn sĩ và MC tự nguyện đi theo đoàn ngày hôm nay.

Anh MC “mở hàng” với những bài hát thật sôi động để gây bầu khí phấn khởi. Dòng nhạc được cất lên bởi nhiều giọng ca nhiều bè nhưng vẫn hiệp nhất trong yêu thương là giữ cho bài hát không bị rơi rớt.

Chúng tôi chợ thấy những khoe mắt đo đỏ và ươn ướt đâu đó trong đám người xen lẫn những bệnh nhân kém may mắn này. Có lẽ họ đang dâng trào cái cảm xúc hạnh phúc vì nhận được rằng họ hạnh phúc hơn nhiều so với những mảnh đời ở đây dù cuộc đời của họ còn đó nhiều ngang trái.

Những ca khúc quen có lạ có được các ca sĩ đăng ký nhiệt tình đến độ MC phải “nài nỉ” sự phấn khích của những tâm hồn bình thường rất nhẹ nhõm nhưng khi “ngẫu hứng” sẽ chẳng biết họ làm gì nhất là khi cơn của bệnh trào dâng.

Rất rất tự nhiên cầm chiếc micro như nàng ca sĩ chuyên nghiệp.

Một “Lệ Quên” nhà ở Long Thành – Đồng Nai đã đi sâu vào lòng người ca khúc trữ tình thật lãng mạn. “Lệ Quyên” Long Thành chắc có lẽ học nhiều quá để rồi không còn nhớ mình là ai nên phải tá túc nơi đây tạm gửi những tháng ngày trở bệnh. Nàng gặp bất cứ ai đều mở lời thăm hỏi bằng những câu Anh ngữ thật chuẩn. Nụ cười thật có duyên e ấp trên khuôn mặt sáng sủa làm nhói lòng người khi cái thân phận ấy phải vào đây để chữa trị.

Đâu đó quanh sân nhà chúng tôi bắt gặp hình ảnh của những thân hình tiều tụy. Có nàng cứ khư khư cái giỏ đồ của mình và không chịu đưa cho ai vì sợ “mất của”. Có nàng ngồi trầm ngâm suy nghĩ về cuộc đời nhưng dường như cuộc đời chưa có lời đáp. Nhiều nàng khác lại cứ mời bác phó nháy xin cho vài pô ảnh kỷ niệm.

Đáp lại lời nàng, trong máy của chàng phó nhòm ghi thật đầy đủ chân dung của những mảnh đời bất hạnh nơi đây nhưng vì lý do nhân đạo và nhạy cảm để rồi những tâm hình nó mãi mãi nằm hoài trong máy.

Thật đáng tiếc thay có những người dị dạng nhân cách đã vui vẻ đưa những mảnh đời bất hạnh này lên các mạng xã hội và chú thích những câu thật đau lòng. Mỉa mai thay cho những con người bề ngoài trông có vẻ sáng sủa nhưng tâm hồn dị dạng vì mất đi cái cảm thức người với người.

Đang khi chương trình văn nghệ sôi động thì đâu đó trong căn nhà bếp thật khiêm tốn được xây nên bởi tấm lòng thơm thảo của một nhà Chùa nào đó gồm có những người “bạn” của ông táo đang lao vào bếp củi đầy khói để lo cho bữa ăn chiều do nhóm thăm chiêu đãi. Để lo cho 400 phần ăn cả trại nam và nữ là một vấn đề không lớn cho chuyện lo ẩm thực. Thật sự là cả một tấm lòng cũng như sự phối hợp thật ăn ý để có những tô phở thật nóng và thật ngon.

Ngoài sân nơi hai chiếc xe của đoàn là chiếc xe đẩy cùng với một số người chuyển vật phẩm vào trong nhà bếp cũng như chuẩn bị ít quà phát cho bệnh nhân.

Sau khi nghe tiếng hiệu triệu sếp hàng, thật không ngờ 4 hàng ngay ngắn như quân đội đã thành hình ngoài sức tưởng tưởng của đoàn. Và rồi, người mỗi người lại nhanh tay chia sẻ bộ quần áo đậm tình người. Tình người ấy vui hơn khi có một nàng giấu một bộ trong bụng, khi bị người phát phát hiện ra thì nàng vội nói “dạ con giữ dùm cho nhỏ kia”.

Sau khi phát đồ, nhóm lại tề tựu bên trại nam cùng nhau dâng Hy Lễ ban chiều.

Thánh Lễ tạ ơn đặc biệt cầu cho các gia đình trong ngày Lễ Thánh Gia được cử hành một cách nhẹ nhàng và sốt sắng.

Những tâm tình cảm ơn thật đơn giản được bộc bạch từ hai phía kẻ viếng và người lo cho những mảnh đời bất hạnh.

Thánh Lễ xong, chúng tôi được mời xuống tận mắt chứng kiến bữa ăn tối đặc biệt hôm nay. Hôm nay, ngoài tô phở nóng đầy hương vị tình người còn có thêm chai C2 ngọt lịm lòng sẻ chia.

Màn đêm buông xuống, “gặp nhau đây rồi chia tay” lại được cất lên trong cung giọng buồn của kẻ ở người đi.

Hẹn ngày “tái ngộ” để tâm hồn được sưởi ấm những cảm nghiệm thật trong cuộc đời.

Tôi đã khóc, mọi người cũng đã khóc. Khóc cho những mảng đời bất hạnh cũng như khóc cho những lần tôi cũng như các bạn đã thầm trách Chúa bỏ sót chúng mình điều này chuyện kia trong khi mình được hạnh phúc hơn mình tưởng.

Hãy khóc đi, khóc đi đừng ngại ngần.

Khóc để cảm thấy tình Chúa thật gần và thật ấm trong cõi nhân sinh, đặc biệt nơi cưu mang 400 con người bất hạnh chốn dung thân.

Đức Thiện

Exit mobile version