“Ngươi đi đâu?”, người kỵ sĩ trên đường hỏi,
Tôi đi gặp Chúa tôi”, cậu bé đứng thẳng đáp lời.
Và cậu đứng thẳng, cậu đứng thẳng, tốt, cậu đứng thẳng
“Tôi đi gặp Chúa tôi”, cậu trả lời và tiến bước.
Vào thời của cơn dịch đen, ma quỷ cố làm cho cậu bé tin rằng cuộc sống của cậu không đi xa hơn nấm mồ. Nhưng cậu bé cứ tiếp bước trên con đường của mình, “với cây gậy chắc trong tay”. Cậu chống lại trước cơn cám dỗ của thất vọng và tiếp tục cuộc hành trình đến tận Vương quốc. Câu hỏi này ngày nay vẫn còn ám ảnh nhiều người: Ta đang đi về đâu? Có hay chăng ý nghĩa tối hậu cho những gì ta đang làm? Và nếu không, cuộc sống này còn nghĩa gì cho mỗi buổi sớm mai ta thức dậy? Đây là câu hỏi vẫn còn rất rõ ràng, vì hình như chúng ta còn e sợ câu trả lời phủ định. Nói cho cùng, câu cần hỏi là: chúng ta có dám hy vọng không?
Hai cuốn tiểu thuyết ăn khách nhất ở Âu châu gần đây là Monsieur Ibrahim et les fleurs du Coran[1] và Oscar et la dame rose[2] của nhà văn Eric-Emmanuel Schmitt. Cuốn Oscar được bán với hơn 400.000 ấn bản trong năm đầu tiên. Những cuốn sách này ngự trên danh sách bán chạy nhất ở Pháp, Bỉ, Đức và Ý. Hai cuốn này thuộc bộ ba tiểu thuyết trongđó các nhân vật chính là những người theo Phật giáo, Do Thái giáo, Hồi giáo và Kitô giáo. Những nhân vật này được nói đến như những đứa con đi tìm kiếm Thiên Chúa trong tôn giáo của mình. Oscar du hành trên giường bệnh trong suốt tuần lễcuối cùng của cuộc đời. Với sự trợ giúp của một phụ nữ, từng là vận động viênđô vật, một Kitô hữu, Mamie Rose, oanh tạc Chúa bằng hàng loạt những câu hỏi. Mono, người Do Thái, đi hành hương đến nhà vị thầy thần bí (soufi). Trên đườngđi họ tìm kiếm sự giúp đỡ của bất cứ tôn giáo nào.
Một trong những biểu hiện tự nhiên của cơn đói khát tôn giáo là sự hành hương. Trong lúc tôi đăng ký chuyến bay của hãng hàng không Ryanair ở phi trường Stansted, tôi nhận thấy trên quầy có một quảng cáo cho cuốn sách về khoa học và y khoa: “Nhiên liệu cho chuyến hành trình tâm linh”. Bầu trời đầy hành khách và sự đi lại của chúng ta thường là biểu hiện cho cuộc tìm kiếm, một cơn sóng hy vọng, dù đôi khi khó mà phân biệt được giữa du lịch và hành hương. Hằng năm, có 5 triệu khách hành hương đến Lộ Đức và 2 triệu khách hành hươngđến Fatima. Mỗi tuần, vào mùa hè, 6 triệu bạn trẻ đến Trung tâm Taizé, và bảnđồ Âu châu được vẽ lại bằng những con đường hành hương về Iona, Walshingham, Chartres, Roma, Medjugorje hay Częstochowa. Cách thức biểu lộ niềm tin này cũngđược chia sẻ với những tín đồ đạo Hồi. Những người Hồi giáo đi đến thánh địa Mecca, những người Hindu đi về Varanasi, người theo Thần đạo thì về núi Phú Sĩ và còn những người theo truyền thống tôn giáo Abraham thì về Giêrusalem. Đi hành hương bắt rễ trong bản chất của con người. Hành hương có thể là biểu hiện của một niềm tin sâu sắc, nhưng cũng tạo nên không gian cho sự bất an, những người ra đi hy vọng tìm gặp cái gì đó trênđường đi hay ở cuối cuộc hành trình. Tôi cũng thường gặp những người đi trênđường Santiago de Compostela. Họ thường là những người ngần ngại chần chừ vềnhững gì họ tin, trước những gì là giáo điều, nhưng họ tin rằng có một cuộc hành trình phải đi. Theo thống kê họ chẳng thuộc về bất cứ Giáo hội nào và cũng chẳng thấy thích thú tham gia vào những sinh hoạt tôn giáo từ tuần này qua tuần kia, nhưng họ hoàn toàn thoải mái khi đến thánh địa này, Nhà thờ Thánh Giacôbê. Họ đi hôn tượng thánh, vị thánh, cũng giống như họ, đã cùng mặc lấy trang phục của lữ khách.
Tổ tiên chúng ta không có chọn lựa nào khác. Với họ, đi hành hương thường rất khó khăn. Nhưng cho dù hành hương ở thời hiện đại có thểtrở dễ dàng, thì vẫn có hàng triệu người trong số họ lại chọn cách đi bộ hay dùng xe đạp cho chuyến hành hương của mình. Nỗ lực duy nhất là trả tiền, họ cho biết. Theo thi sĩ Dante, Thánh Giacôbê là tông đồ của niềm hy vọng và Thánh Tôma Aquinô nói rằng niềm hy vọng là cho “bonum futurum arduum possible”[3], khó khăn ở hiện tại nhưng tương lai có thể sẽ tốtđẹp. Chúng ta chẳng có gì để nói với người trẻ về niềm tin của mình trừ khi ta sẵn sàng lên đường hành trình với họ, đôi khi nói theo nghĩa đen, nhưng thường là theo nghĩa tinh thần. Đức Hồng y Basil Hume rất được yêu mến, chắc chắn là vì ngài là một lữ khách, một người bước đi cùng ta khi ta tìm kiếm Chúa. Thực sự, cuốn sách nổi tiếng nhất của ngài đúng là To Be a Pilgrim (Làm một người lữ khách).
Chúng ta phải tha thiết và động viên lòng ham muốn được hành hương. Nó phải được diễn tả ít nhất là niềm hy vọng minh nhiên. Như một nhà thần học Franc ở thế kỷ XIX, Paschase Radbert, nói rằng: “Sự thất vọng không bước chân đi trên con đường là chính Đức Kitô”[4]. Chúng ta như những con chim én, hứng khởi bay lượn khi mùa xuân về, hay những chú cá hồi, bị thúc đẩy bởi nhu cầu cấp thiết phải ngược dòng trở về ngôi nhà của mình. Chính vì thế mà những câu chuyện như Chúa tểnhững chiếc nhẫn (The Lord of the Rings) lôi cuốn biết bao người. Nó đụng chạm đến lòng khao khát thâm sâu để lên đường cho một cuộc phiêu lưu, giống nhưBilbo, luôn bồn chồn, bất khả lắng đọng. Chúng ta phải bước đi với con người, như Đức Giêsu bước đi với các môn đệ trên đường Emmau, ngay cả khi, giống nhưnhững người môn đệ này, lúc đầu họ và chúng ta đã đi sai hướng.
Dĩ nhiên, câu hỏi là những cuộc hành trình dẫn ta về nơiđâu? Liệu ta có tìm được cái ta cần tìm không? Hay chúng ta có đang đi lòng vòng như những người Do Thái ngày xưa trong hoang địa? Cuốn tiểu thuyết mới đây của nhà văn Pêru, Mario Vargas Llosa, có tựa đề The way to paradise (Đường tới Thiên đàng)[5], kể lại câu truyện của hai người đi tìm thiên đàng: Paul Gauguin và người bà của ông, Flora Tristán. Gauguin tìm kiếm ở đây thiên đàng nhiệt đới, còn chưa bị tàn phá bởi xã hội công nghiệp Tây phương; còn người bà của ông, lại tìm kiếm nơi đây sự biến chuyển của xã hội này, một thế giới công bằng trong đó mọi người đều bình đẳng, nhất là người nam và người nữ. Ông tìm kiếm vườn địa đàng còn sót lại của quá khứ và bà tìm kiếm cái sẽ là thiên đàng trong tương lai. Cả hai đều thất vọng.
Bức tranh nổi tiếng nhất của Gauguin có tên gọi “D’où venons-nous? Que sommes nous? Où allons-nous?” (Chúng ta từ đâu đến? Ta là ai? Ta về đâu?). Bức tranh được vẽ vào năm 1897 và đó là di chúc của danh hoạ, trước khi ông từ giã cuộc đời này vào năm sau đó. Ông đã chạy trốn Tây phương để tìm kiếm một thiên đường ở Tahiti, nhưng Tahiti đã bị hư hoại. Vào năm 1891, ông đi xa hơn nữa, đến Marquesas, hệ thống hành chính thuộc địa và những nhà thừa sai đã đến đó trước ông. Không còn thiên đường nữa và ông thất vọng.
Ta là ai? Câu hỏi này được định vị giữa những câu hỏi vềquá khứ và tương lai. Ta chỉ có thể biết mình là ai nếu ta có một câu chuyện dài hơn khi nhìn về quá khứ và hướng tới tương lai. Tổ tiên Kitô giáo của chúng ta đã sống trong khuôn khổ của câu chuyện này, câu chuyện nhìn trở lại thời tạo thiên lập địa và nhìn tới Vương Quốc. Chúng ta đến từ Thiên Chúa và quay về với Thiên Chúa. Cuộc lữ hành diễn đạt niềm hy vọng đó. Xã hội của chúng ta đã đánh mất đi câu chuyện được chia sẻ này. Niềm tin vào những niềm hy vọng trần tục cũng yếu hơn. Giấc mơ thiên đàng chính trị của Flora Tristán đã sụp đổ trong mức độ lớn lao và còn lại một vài nơi mà ta có thể trốn thoát khỏi những hệ quảtai hại của tinh thần công nghiệp hiện đại. Vì thế, Thiên đàng đã ra khỏi trí tưởng tượng cùng chia sẻ. Chúng ta không còn bước đi chung với nhau hướng vềmột số phận chung. Có thể cũng chính vì thế mà ngày càng có nhiều người trẻ ởÂu Châu tin vào sự sống còn của cá nhân sau khi chết. Nếu tôi không còn gìđể có thể kể về số phận của nhân loại, thì ít là tôi có thể gắn bó với lời hứa hẹn nào đó liên quan đến tương lai riêng của tôi.
Vào cuối những năm 1960, trong khi tôi còn là một tu sĩ trẻ, tương lai ra như đầy hứa hẹn tuyệt vời. Mọi sự ra như đều có thể. Khi tôi là sinh viên, trên các bức tường ở Paris, viết: HÃY ĐỂ TRÍ TƯỞNG TƯỢNG NẮM QUYỀN LỰC! Ngay tại nước Anh của nhóm The Beatles mọi thứ xem như rất được hứa hẹn. Người ta có thể thưởng thức đùi ếch và ốc sên trong nhà hàng, và mẹ tôi cho thêm tỏi vào các món ăn nếu cha tôi không để ý. Vì thế, Nước Thiên Chúa đã trở nên rất gần. Đó là tiếng vọng cuối cùng của niềm tin cha ông chúng tôi từthời nữ hoàng Victoria. Như văn hào Dicken, một người tiêu biểu của thời Victoria, viết: “Thời gian trôi đi, dần về cuối và thế giới, trong những điều cốt yếu, trởnên tốt hơn, đáng yêu hơn, bao dung hơn và đáng hy vọng hơn, khi nó lăn đi”.[6]
Nhưng niềm tin này hiện nay hầu như phần lớn bị biến mất. Lạ lùng là, một trong những giai đoạn của sự mất mát niềm tin này là sự sụp đổcủa Bức tường Berlin vào năm 1989. Như Fukuyama đã nói rất rõ về điều này, lịch sử đã kết thúc. Những giấc mơ về sự biến chuyển triệt để của nhân loại đã biến mất. Oliver Bennett, ở Đại học Warwick, lý luận, trong cuốn Cultural pessimism: Narrative of decline in the postmodern world[7], rằng mặc cho sự tăng trưởng giàu có về của cải vật chất ởcác nước Tây phương, chúng ta vẫn chịu đựng một sự suy sụp tập thể. Ta thấy bạo lực gia tăng trong các thành phố, chiến tranh giữa các băng đảng hoành hành, việc sử dụng ma tuý lan tràn và trong các thế giới quay quanh ta, sự bất công gia tăng giữa giàu và nghèo, tình hình lan tràn trầm trọng của bệnh AIDS, mối đe doạ về một thảm hoạ môi sinh và trên hết, những sự đối đầu giữa các tôn giáo và sự trổi lên của nạn khủng bố.
Không có lời hứa nào cho tương lai, chúng ta, Thế hệ bây giờ (the Now Generation), có thể làm gì ngoại trừ cuộc sống hiện tại? Hugh Rayment-Pickard viết:
Xung quanh ta, chúng ta thấy những tôn giáo của trào lưu Thời Đại Mới (New Age). Tôn giáo này cung cấp một lòng đạo đức cá nhân và một sựan lòng ngay tức thì; một xã hội bị lèo lái bởi sự tiêu thụ; một sự tìm kiếm cái ngay tức thì trong truyền thông; một sự nghi ngờ về ‘ý thức hệ’; tính ngắn hạn trong những vụ việc công; sự thờ ơ của cử tri; và các Giáo hội Kitô hơn bao giờ hết ngày càng bị cuốn hút vào những vấn đề tổ chức nội bộ, cải hóa bản thân và luân lý cá nhân. Niềm tin của thời hiện đại mà chúng ta thực sự có thể làm cho thế giới này tốt đẹp hơn đang yếu dần đi. Hiện tại là chân trời mới tạm thời của chúng ta, hải cảng an toàn của chúng ta trên đại dương của thời gian.[8]
Thật mỉa mai khi thấy con em của chúng ta lớn lên với ý nghĩ về sự vận hành thời gian lớn hơn tất cả thế hệ trước. Trẻ con biết tất cảchúng ta sống giữa Big Bang và Big Chill, khi thế giới này bị lạnh đi. Nhiềuđứa trẻ ở Tây phương biết rành rẽ về các loài khủng long hơn là những con trâu con bò. Chúng có thể phân biệt đâu là con khủng long bạo chúa hay khủng long ba sừng, trong khi lại không thể phân biệt con trâu với con bò. Nhưng trong câu truyện về vũ trụ và về hành tinh của chúng ta, thì những con người chúng ta chẳng giữ được vai trò quan trọng nào. Chúng ta cũng chưa hề hiện hữu khi con khủng long cuối cùng bị tiêu diệt, và khi loài người biến mất khỏi mặt đất này, chắc chắn là sẽ vẫn còn đó rất nhiều các loài muông thú khác. Vai trò duy nhất mà con người chúng ta có thể giữ là phủ định chính mình, khi gây ra những thảm hoạ môi trường bởi lòng tham lam hay với những trái bom. Không phải chính câu chuyện này hứa hẹn cho chúng ta điều gì đó. Darwin, một mẫu hình khác của thời Victoria, giúp ta khám phá một câu chuyện khác mà nó làm cho chúng ta không thích hợp. Câu chuyện của ông là một dấu hiệu của niềm tin tưởng vô biên của thế hệ Victoria. Nhưng niềm tin đó cũng chẳng tặng ban cho chúng ta bất cứ cái gì có thể xây dựng cho ta niềm tin vào tương lai. Kể từ ngày 11-9-2001, chúng ta có một câu chuyện khác để kể cho tương lai, chiến tranh chống khủng bố hay thánh chiến jihad chống Tây phương. Những lời hứa này không gì khác hơn ngoài sự tiếp tục của bạo lực. Cái giá phải trả thế nào cho chiến thắng? Sir Martin Rees, chủ tịch Royal Society, mới đây đã xuất bản cuốn sách có tựa đề Our Final Century? Will the Human Race Survive the Twenty-first Century?[9] (Thế kỷ cuối cùng của chúng ta? Liệu loài người còn sống sót ở thế kỷ 21?)
Trong tiềm năng, vì thế đây là lúc tuyệt với cho Kitô giáo. Nếu chúng ta có thể tìm thấy cách thức sống và chia sẻ niềm hy vọng Kitô giáo, thì chúng ta sẽ đóng góp được cái gì đó cho một thế giới đang khao khát. Niềm hy vọng của tổ tiên chúng ta được củng cố bằng sự lạc quan của xã hội. Đó là một dạng của phép rửa của niềm tin uy quyền (imperial confidence) của chúng ta. Xã hội này tin rằng con đường này dẫn đến tương lai vật chất tươi sáng. Chúng ta tin rằng con đường này sẽ tiếp tục xa hơn cho tới tận Nước Thiên Chúa. Ngày nay, ta có cái gì đó hiếm hoi và lạ lẫm để dâng tặng, đó là niềm hy vọng bị dẹp bỏ bởi đôi nạng tục hoá, một niềm hy vọng hoàn toàn mới mẻ, tươi mát và đáng ước ao. Làm sao chúng ta ban tặng nó? Thường thì chính các giáo hội của chúng ta đang chịu đau khổ vì sự khủng hoảng thất vọng. Chúng ta có thể thấy được sự suy giảm về số lượng các tín hữu, sự nản lòng mất tinh thần, sự chia rẽ nội bộ. Những giáo hội chính yếu của đất nước này[10], chính họ cũng gây nản lòng. Vì thế, đâu là niềm hy vọng mà ta có để chia sẻ?
Chúng ta có chăng một câu chuyện về sự thay đổi trong tương lai để hiến tặng? Chúng ta tin vào thắng lợi cuối cùng của sự lành trên sự dữ. Chúng ta tin vào sự đang tới của Vương Quốc và vào sự kết thúc của mọiđau khổ và sự chết. Nhưng ta chẳng có câu chuyện nào kể về cách thức làm sao chuyện ấy sẽ xảy ra. Chúng ta không thể mở cuốn sách Khải huyền và la lên rằng:“Này, mọi người, mọi sự đều tốt đẹp. Năm tai ương đã qua rồi, chỉ còn lại hai nữa thôi!” Chúng ta chẳng có bất cứ thông tin đặc biệt nào về những gì sắp xảy đến cho nhân loại, trong 100 năm hay 1000 năm sắp tới.
Và thế mà lại tốt. Thế kỷ XX bị đóng đinh bởi những người biết quá rõ về đâu mà nhân loại được dẫn đến và làm sao nhân loại đến được đó. Rayment-Pickard đã tìm thấy những gốc rễ của tương lai áp đặt trong niềm tin của thời kỳ Ánh Sáng. Tương lai không đơn thuần được chờ đợi nhưng tương lai còn được tạo ra nữa. Tất yếu sẽ có những kết quả tàn bạo.
Một khi dự định phải hoàn tất; thì sẽ phải kiểm soát và quản trị những nguồn lợi cần thiết cho dự định này. Những ai không bằng lòng hay không hợp tác với dự định này cũng phải được ‘quản lý’. Toàn bộ kế hoạch liên quan đến việc thực hiện một tương lai dự trù đòi hỏi rằng ta phải áp dụng những gì mà Adorno và Horheimer gọi là “lý do công cụ”: một sự kiểm soát hợp lý mà nó sẽ áp lực trên tất cả tự nhiên để phục vụ cho những mục đích đã chọn.[11]
Mục đích đầu tiên của dự định có thể là sự giải phóng con người, nhưng ở thế kỷ vừa qua chúng ta đã xác nhận rõ ràng rằng nó tự phá huỷ nó.
Vào tháng 7-2004, lần đầu tiên viếng thăm trại tập trung Auschwitz. Tôi thấy ở đây có một bản đồ chỉ rõ mọi tuyến đường hỏa xa từ mọi nẻo của Âu Châu dẫn về trại tập trung. Những conđường này kết thúc ở lò hơi ngạt. Theo nghĩa đen chúng là đoạn kết của conđường. Toàn bộ dự định và mọi kế hoạch cho tương lai đều kết thúc trong thất vọng và chết chóc của hàng triệu con người. Rabbin Hugo Gryn kể lại rằng, khi ông đến Auschwitz, lối dẫn vào trong trại được phủ đầy khăn tefillin mà người ta vứt bỏ. Những tấm khăn tefillin này người Do Thái chỉ dùng trong lúc cầu nguyện. Đó là dấu hiệu mà ở đây, trong trại này, không còn bất cứlý do gì để cầu nguyện nữa. Auschwitz đã trở nên một dạng của nơi hành hương. Những người trẻ, mặc đồ đen, hát lên những tên của những người đã chết, theo một nhịp điệu luân phiên tựa như khi ta hát thánh vịnh. Những cuộc hành hương này đặt niềm hy vọng của chúng ta trước thử thách cao nhất.
Nhiều người sợ rằng “cuộc chiến chống khủng bố” có thểtrở thành một chương trình tương tự, khi đem đến nhiều bạo lực hơn. Một trong số những người phụ tá thân cận của Tổng thống Bush tố cáo những người Đảng Dân chủthuộc về “thực tế dựa trên cộng đoàn”, những người này “tin rằng mọi giải pháp có được từ việc nghiên cứu sáng suốt của thực tế có thể được nhận thức rõ ràng”. Nhưng ông nhấn mạnh: “Đó không phải là cách mà thế giới này đang vận hành. Bây giờ, chúng ta là một Đế quốc và khi ta hành động là chúng ta tạo nên cho riêng chúng ta một thực tại. Chúng ta là những diễn viên của lịch sử và các ông, tất cả các ông, sẽ chỉ còn để nghiên cứu những nghiên cứu chúng tôi thực hiện”[12]. Sau Afghanistan, rồi Irak, điều gì sẽ tiếp theo trong chương trình? Syria? Bắc Triều Tiên? Đừng nói đến những gì chúng ta chờ đợi tương lai cách thụ động. Nhưng chúng ta phải chú ý đến những ai đã được dự trù tất cả và họ muốn làm tất cả để đi vào trong sơ đồ.
Kitô giáo không có một chương trình để đề nghị, nhưng có một câu chuyện. Ở trung tâm của câu chuyện này có ba ngày đưa chúng ta từ bữa Tiệc ly tới ngôi mộ trống. Nhưng bữa Tiệc ly cũng là thời điểm mà các môn đệ đánh mất khả năng kể chuyện tương lai. Trên đường lên Giêrusalem, chắc chắn họ được nâng đỡ bởi một vài câu chuyện sắp xảy đến. Chúng ta không chắc chính xác là gì, nhưng chắc là câu chuyện kể về chuyện làm sao người Lamã bị đánh đuổi khỏi Giêrusalem, chuyện khôi phục lại nước Israel và Đức Giêsu xuất hiện như vua của các chiến binh. Các môn đệ trên đường Emmau thú nhận với Đức Giêsu: “Chúng tôi đã hy vọng rằng chính Người sẽ giải phóng Israel” (Lc 24,21). Những câu chuyện của họ bị sụp đổ vào cái đêm đó. Giuđa đã bán Đức Giêsu; Phêrô sẵn sàng phản bội; các môn đệ khác sợ hãi đã trốn chạy. Đối diện với cuộc Vượt qua và cái chết của Ngài, họ chẳng còn chuyện gì để mà kể cho tương lai nữa. Vào khi cộng đoàn mỏng giòn này gần đến chỗ tan rã, thì Đức Giêsu cầm lấy bánh, tạ ơn, trao cho họ và nói: “Đây là mình Thầy, bị trao nộp vì anh em”.
Đó chính là mâu thuẫn căn bản của Kitô giáo. Chúng ta, những người Kitô hữu, chung ta tập trung lại để cùng tưởng niệm câu chuyện về Bữa Tiệc Ly. Đó là câu chuyện nền móng của chúng ta, câu chuyện mà trên đó chúng ta tìm thấy ý nghĩa cuộc đời mình. Và rồi, đây cũng là câu chuyện về khoảnh khắc mà chẳng còn chuyện gì để kể nữa, lúc mà tương lai biến mất. Cộng đoàn của chúng ta tập hợp xung quanh bàn thờ để nhớ lại đêm lúc mà cộng đoàn này sắp tan rã: câu chuyện thành lập của chúng ta là câu chuyện của sự sụp đổ toàn bộ mọi câu chuyện và cộng đoàn của chúng ta quay hướng về lúc mà cộng đoàn này tan rã.
Nhưng mâu thuẫn này còn đi xa hơn nữa. Các bản văn mô tảsự kiện này – các sách Tin Mừng – có vẻ như được viết một cách rõ ràng vào lúc mà, một lần nữa, toàn thể câu chuyện mở ra tương lai bị xoá bỏ. Sau Phục Sinh, các tông đồ loan truyền Tin Mừng đến các thành thị của đế quốc Lamã, trong khi vẫn chịu đựng những đau khổ, họ có vẻ như đã mau chóng đặt hy vọng của họ vào một kết luận xắp xảy đến của câu chuyện. Đức Giêsu sắp trở lại. Niềm hy vọng mới này có vẻ đặc biệt mãnh liệt vào thời bách hại Hội Thánh của Néron ở Rôma, khoảng cuối những năm 60. Phêrô và Phaolô bị hành quyết, nhưng còn hơn thế nữa, nhiều người Kitô hữu phản bội nhau. Ta nghĩ rằng Hội Thánh đã ở bên bờ sựsụp đổ. Chắc chắn, sự kết thúc đã gần kề! Sự trở lại của Đức Giêsu phải sắp xảy đến. Nhưng Người lại không đến. Người Kitô hữu phải chịu cơn khủng hoảng mới, họ lại mất đi hồi kết của câu chuyện[13]. Các Tin Mừng, đặc biệt Tin Mừng theo Thánh Máccô, là một cách thức đương đầu với cơn khủng hoảng này. Đức Giêsu không đến trong vinh quang, nhưng Ngôi Lời đã mặc lấy xác phàm trong những từ ngữ của Tin Mừng.
Như thế, mỗi khi cộng đoàn chúng ta quy tụ lại để cử hành thánh lễ, chúng ta hồi tưởng lại lúc mà Đức Giêsu đối diện với cái chết và sự ruồng bỏ. Trong khi các môn đệ thình lình chẳng còn chi để nói về nơi họ ra đi. Còn chúng ta, chúng ta phát ngôn những lời đến từ Tin Mừng, những lời được viết ra trong khi mà, một lần nữa, ta đánh mất câu chuyện tương lai, trong khi ta chờ đợi cách vô ích Đức Giêsu trở lại trong vinh quang. Ngày nay, ta phải biết rằng chờ đợi nước Thiên Chúa không cho ta chương trình hay dự án. Trái lại, nó đem chúng ta đi. Trong cả hai trường hợp, sự thân mật với Chúa lớn lên trong khi những tín hữu Kitô đầu tiên đánh mất đi toàn bộ sựchắc chắn về những gì chờ đợi họ. Lần đầu tiên, người ta trao cho họ thân thểNgười và lần thứ hai, các Tin Mừng. Chúng ta không nên sợ hãi những cuộc khủng hoảng: Giáo Hội được sinh ra giữa lòng các cơn khủng hoảng hy vọng. Chúng ta chẳng có chi phải sợ, loại khủng hoảng này là spécialité de la maison (đặc sản của nhà hàng này), nó trẻ hoá chúng ta. Và cơn khủng hoảng mà ta đang trải qua ngày hôm nay hoàn toàn nhỏ bé.
Hãy quan sát những gì Đức Giêsu đã làm vào lúc đó, bởi Người đòi chúng ta làm đúng như thế để tưởng nhớ đến Người. Chính ký ức này biến chúng ta thành một dân của niềm hy vọng. Chúng ta đang sống giữa không gian của niềm hy vọng mà cử chỉ này mở ra. Tôi sẽ còn trở lại vấn đề này nữa. Bởi đâu là dấu chỉ của niềm hy vọng?
Bữa Tiệc ly là sự đối đầu của hai dạng quyền lực. Quyền lực của các thế lực chính trị và tôn giáo. Đó là thứ quyền lực tàn bạo và mù quáng. Đó là thứ quyền lực bắt Đức Giêsu bằng sức mạnh, bắt tù, sỉ nhục và giết chết Người. Đó là quyền lực của Philatô, kẻ nói với Người: “Ông không biết rằng ta có quyền tha ông và ta cũng có quyền đóng đinh ông sao?” (Ga 19,20). Nhưng toàn bộ câu chuyện về Đức Giêsu, nhất là trong Tin Mừng theo Thánh Gioan, là câu chuyện về một dạng quyền lực khác, quyền lực của dấu chỉ và ngôn từ. Đức Giêsu hoàn tất các dấu chỉ: Người biến nước thành rượu, mở mắt cho kẻ mù, cho người câm nói được và hồi sinh cho Ladarô. Đó không phải thứ quyền lực phù thuỷ như thể Người là Gandalf ở thế kỷ thứ nhất hay Thánh Phêrô là một Frodo khác[14]. Đó là thứ quyền năng của ý nghĩa và của chân lý. Đức Giêsu nói với ông Philatô: “Tôi sinh ra, và tôi đến thế gian này nhằm để làm chứng cho sự thật. Bất cứ ai thuộc về sự thật thì nghe tôi”. Ông Philatô hỏi: “Sự thật là gì?”(Ga 18,37-38) và, hiển nhiên, ông không chờ câu trả lời. Ông không cần, ông có quân lính của mình.
Bữa Tiệc Ly là sự đụng độ giữa quyền lực của sức mạnh và quyền lực của dấu chỉ. Có quyền lực của Philatô và quyền lực của con người, yếuđuối và dễ bị tổn thương mà Người trước cái chết, cầm lấy bánh, bẻ ra và phân chia. Mỗi thánh lễ cử hành niềm tin của chúng ta vào Đức Kitô có ý nghĩa khải hoàn theo cách thức mà chúng ta không thể đoán trước lẫn dự trù được. Vaclav Havel, nhà văn và cựu tổng thống Cộng hoà Séc, đưa ra định nghĩa: “Hy vọng không phải là niềm tin mà điều gì đó sẽkết thúc tốt đẹp; nhưng điều chắc chắn là điều gì đó có ý nghĩa, dù cho cách thức kết thúc có thế nào”[15]. Chính niềm tin này sẽ hé mở một ngày mà tất cả những gì ta sống, hạnh phúc cũng như bất hạnh, đều có ý nghĩa. Mặc dù có sự điên khùng trong thế kỷ vừa qua, với chiến tranh thế giới và bom nguyên tử. Mặc cho thảm sát diệt chủng người Do Thái[16] hay người Phi Châu, cuộc đời con người vẫn không có gì là phi lý.
Niềm hy vọng của chúng ta vào Thiên đàng không phải là niềm hy vọng khải hoàn của một thế lực mù quáng nào đó: thế lực quân sự hay kinh tế – của chủ nghĩa Tư bản hay Cộng sản – thế lực của chủng tộc hay giai cấp. Đó là niềm hy vọng vào chiến thắng cuối cùng không thể tưởng tượng nổi của ý nghĩa. Câu chuyện của chúng ta bắt đầu với lời phát ngôn từchính Thiên Chúa; và sự sáng tạo đã xảy ra. “Người nói: ‘Hãy có ánh sáng’,và đã có ánh sáng”. Người sáng tạo bằng điều mà thánh Maximus the Confessor (Maximus, Người Tuyên Xưng Đức Tin) gọi là “Sức mạnh vô biên của sự khôn ngoan”[17]. Hiện hữu không đơn thuần là sự kiện thô ráp. Đó là được giữ lại luôn luôn trong sự hiện hữu bởi Lời Chúa. Hiểu sự vật không phải là áp đặt chúng theo ý nghĩa trừu tượng, mà là đi đến đụng chạm với Đấng Tạo Hoá, Đấng đã cho chúng hiện hữu. Từ khi Ađam đặt tên cho muôn vật, thì chúng ta có ơn gọi chia sẻ khi nói lời này cho đến tận cái mà lời đó đạt đến tận cùng của sự sáng tạo, Vương quốc. Mỗi khi chúng ta nói với nhau, hay nói về nhau, hay chúng ta là những đối tác của Thiên Chúa trong sự tạo dựng, hay chúng tađịnh chống lại sự sáng tạo.
Thứ quyền lực này ra như khá thiếu hiệu quả khi sánh với những quyền lực của thế gian, quyền lực của sức mạnh và tiền bạc. Điều này cònđặc biệt hơn nữa đối với những ai lớn lên trong thế giới của những cuộc cách mạng công nghiệp. Đó là thế giới được xây dựng nên để làm chủ sức mạnh tàn bạo, sức mạnh của hơi nước và than đá, sức mạnh của điện năng và sau hết là sức mạnh nguyên tử. Tất cả đều được liên kết với sự khải hoàn của sức mạnh quân sự củađế quốc mà nó đưa thế giới này vào thế cạnh tranh để chế ngự hoàn cầu. Đó là sức mạnh bạo tàn phục vụ cho một câu chuyện riêng, câu chuyện về sự khải hoàn của Tây phương. Và đặc biệt, những người Anh, đã được lèo lái bằng huyền thoại rằng họ là dân Thiên Chúa tuyển chọn và mọi sức mạnh mù quáng đều xác nhận được phục vụ cho câu chuyện này. Ngày nay, người Mỹ là hậu duệ của chính huyền thoại này. Trong một thế giới như thế giới này, phải mạnh mẽ hơn là yếu đuối để lý luận rằng những từ ngữ và dấu hiệu là mạnh mẽ nhất. Ý nghĩa chỉ là điều xuất hiện trong đầu bạn. Trong thế giới này, tôn giáo phải làm việc nhiều hơn hầu làm cho trở nên nghiêm túc. Như Stalin đã hỏi câu hỏi trở nên nổi tiếng rằng Đức Giáo hoàng có bao nhiêu sư đoàn thiết giáp?
(còn tiếp)
——————————————————————————–
[1] Ông Ibrahim và những đoá hoa kinh Coran, Paris, 2003.
[2] Cậu bé Oscar và người đàn bà mặc áo hồng, Paris, 2002.
[3] Tổng luận Thần học, IIa IIæ, 17.1.
[4] De fide, spe et charitate, liber II, caput IV, 1,trích dẫn bởi J. PIEPER, On Hope, San Francisco, 1977, tr. 50.
[5] El Paraíso en la otra esquina, Madrid, 2002.
[6] Trích dẫn bởi A.N. WILSON, The Victorians, London, 2002, tr. 85.
[7] Édimbourg, 2001.
[8] The Myths of Time : From St Augustine to American Beauty, London, 2004, tr. 99.
[9] London, 2004.
[10] Chúng ta cần biết sự tồn tại song song nhiều giáo hội kitô tại nước Anh. (ND)
[11] H. RAYMENT-PICKARD, op. cit., tr. 119.
[12] Michael NORTHCOTE, khi tham chiếu đến bài báo của New York Times Magazine, trong “The triumph of Imperial Politics”, The Tablet, 6 november 2004, tr. 4.
[13] Lý thuyết này được khai triển bởi T. RADCLIFFE,o.p., trong “The Coming of the “Son of Man”: Mark’s gospel and the subversion of the“apocalyptic imagination””, Language Meaning and God, Mélanges en l’honneur de Herbert McCabe, o.p., Brian DAVIES, O.P. (éd.), London, 1987, tr. 176-189.
[14] x. TOLKIEN, Chúa tể những chiếc nhẫn.
[15] Trích dẫn bởi Seamus HEANEY, Redress of Poetry, London/New York, 1995, tr. 4.
[16] Shoa (pháp) Holocaust (anh) (ND).
[17] Discourses Addressed to Thalassius Quaestio 63, Bản dịch tiếng anh lấy trong Kinh Sách. (bản tiếng pháp) Discours à Thalassius, Quœstio 63.
Timothy Radcliffe, OP
Hoàng Dũng, OP, chuyển ngữ