Trước khi đền thờ và thành Giêrusalem bị tàn phá, thì các tín hữu thời đó đã bị bách hại.
Cũng vậy, trước khi đến ngày cánh chung, mặc dù chúng ta không biết rõ ngày nào, thì Hội Thánh ở trần gian cũng bị đau khổ, thử thách và bách hại. Trang Tin Mừng này được Thánh Sử Luca đưa ramột giáo lý về sự đau khổ và bách hại có liên quan đến ngày cánh chung: “nhưng trước khi những tất cả sự ấy xảy ra…” Chúa Kitô đã qua khổ nạn mà tới vinh quang, thì nhiệm thể của người là Hội Thánh cũng phải qua thử thách mới phát triển và hoàn thành, như Tertulien nói: “ máu tử đạo sinh ra người có đạo”. Chúa Giêsu cũng báo trước cho các môn đệ. “ Người ta sẽ tra tay bắt và ngược đãi anh em, nộp cho các hội đường và nhà tù và điệu đến trước mặt vua Chúa quan quyền vì danh Thầy”.
Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Các con sẽ bị người ta bắt bớ, ngược đãi, nộp cho Hội đường, và điệu đến trước nhà cầm quyền, vì Danh Thầy. Ðó là cơ hội để các con làm chứng về Thầy”. Thật lạ lùng: bị bắt bớ, ngược đãi, tống ngục là chuyện đau khổ, nhục nhã, thất bại, thế mà Chúa Giêsu lại cho là hân hoan, là cơ hội tốt để làm chứng.
Người môn đệ đích thực của Thầy Giêsu khó tránh được sự bách hại và rất dễ sa ngã, nên cần phải kiên trì, can đảm, giữ vững tinh thần và đức tin, trung thành với Chúa đến cùng, với lòng tin tưởng phó thác vào quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa, như lời Chúa Giêsu an ủi “ anh em đừng lo lắng sợ hãi chi, vì có Thánh Thần của Chúa Cha hỗ trợ”, và Chúa Giêsu cũng nói “ chính Thầy sẽ cho anh em ăn nói thật khôn ngoan, khiến tất cả địch thù của anh em không tài nào chống chọi hay cãi lại được”(Lc 21,15), Chúa Giêsu lại còn bảo đảm một cách chắc chắn rằng; Thiên Chúa sẽ săn sóc các chứng nhân của Người cách tận tình, cho đến “một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu”(Lc 21, 18).
Như thế, các môn đệ, các môn đệ, các chứng nhân của Thiên Chúa, của Đức Kitô rất vững dạ an tâm, can đảm trong sứ mạng và trung thành với Thiên Chúa trong đức tin và lòng yêu mến của mình.
Trong thực tế, các môn đệ đã sống và thực hành điều đó. Phêrô và Gioan bị bắt và bị điệu ra trước Công nghị Do thái, các ngài chẳng những không buồn phiền, lo sợ, mà còn hân hoan, vui vẻ, vì nhờ đó có dịp để nói về Chúa Giêsu cho người khác. Phaolô bị bắt và bị xét xử, ngài cũng mạnh dạn nói về Chúa Giêsu cho các nhân vật cỡ lớn, như Tổng trấn Felix, Festo, và cả Hoàng đế Herode Agrippa nữa.
Nhưng cái gì đã tạo ra sự biến đổi nơi các môn đệ, cũng là bắt bớ, bách hại mà có người cho là thất bại, người khác lại cho là cơ may? Thánh Augustinô giải thích: cuộc sống con người là sự xung đột giữa hai tình yêu: yêu Chúa đến độ khinh mình, hoặc yêu mình đến coi rẻ Thiên Chúa. Nếu tội là yêu mình đến coi rẻ Thiên Chúa thì dĩ nhiên tôi sẽ bám vào những gì tôi cho là sung sướng ở trần gian, như tiền bạc, danh vọng, sắc đẹp, và khi bị bắt bớ, tôi bị mất tất cả, lúc đó, bắt bớ bị coi là thất bại. Nhưng nếu tôi yêu Chúa đến độ coi thường bản thân, thì có bị bắt bớ vì Chúa, cũng chẳng mất mát gì; người ta có thể lấy tiền bạc, danh vọng, địa vị của tôi, chứ không thể lấy mất Chúa của tôi được, và đó còn là dịp để tôi rao giảng về Chúa cho họ là khác. Do đó, chẳng sợ gì hết, chỉ sợ tội mà thôi; cái căn bản là tình yêu đối với Chúa, nó làm thay đổi cuộc đời.
Những đau khổ, thử thách, bách hại, là những cơ hội để các môn đệ của Chúa Giêsu làm chứng cho Người, đó là chức năng thuần túy của nhóm 12, họ làm chứng cho người giữa những bách hại, làm chứng Người đã sống lại và Người là Thiên Chúa. Việc làm chứng đồng nghĩa với việc “tử đạo” cho các thế hệ về sau. Bị bách hại là số phận thường tình của người tông đồ, và chỉ có thế, Nước Trời mới đến được trần gian này.
Thế nhưng giữa cơn bách hại người tông đồ vẫn cảm thấy được an ủi vui sướng, hạnh phúc và hãnh diện, vì được tỏ lòng yêu mến Chúa Giêsu, và được có cơ hộiđể là chứng cho Chúa Giêsu bằng những lời lẽhùng hồn, bằng những cực hình đau khổ, và cả cái chết Chúa Giêsu còn nói: “vì danh Thầy anh em sẽbịmọi người ghen ghét”, như vậy, cuộc bách hại có thể xãy ra ở mọi nơi mọi lúc, vì thế gian từ chối sứ điệp của Tin Mừng Chúa Kitô, cuộc bách hại còn xãy ra trong bầu khí thân thương là gia đình, đó là trường hợp người thân cản trở, chống đối nhau trong việc đón nhận và sống Tin Mừng Chúa Kitô.
Trong thực tế, muốn biết chúng ta có yêu Chúa hay không, cứ nhìn vào cuộc sống hàng ngày xem chúng ta có dám vì Chúa mà can đảm khước từ những đam mê bất chính, những tham vọng không hợp ý Chúa, những thú vui không đẹp lòng Chúa, cho dẫu có vì thế chúng ta phải nghèo túng, phải vất vả hay không? Nếu trong cuộc sống, chúng ta dám hy sinh tất cả vì Chúa, lúc đó chúng ta mới có thể coi trường hợp bị bắt bớ vì Chúa là cơ hội để làm chứng cho Chúa.
Làm chứng cho Đức Kitô, theo thánh sử Luca là một chức năng thuần túy của nhóm 12 (Lc24, 48). Bị bách hại là số phận thường tình của người tông đồ, người tông đồ của Đức Kitô cần ý thức rõ ràng và nắm bắt điều đó một cách chắc chắn, vì nhờ đó mà Nước Trời mới đến được trong hoàn vũ, cũng như Chúa Giêsu phải chịu đau khổ mới bước vào vinh quang. Như vậy người tông đồ bao giờ cũng sẳn sàng đón nhận đau khổ, thử thách và bách hại, một cách can đảm, trung thành với đức tin và lòng yêu mến Thiên Chúa, không những vậy còn đón nhận trong niềm vui và hãnh diện vì được chịu đau khổ vì Đức Kitô.
Điều này thúc bách chúng ta can đảm trong mọi hoàn cảnh, mọi biến cố của đời sống, để giữ vững đức tin trong đời sống thường ngày để được sự sống đời đời. Chúng ta phải luôn cảnh giác các giáo phái khác trên thế giới, những quyến rủ xấu xa của thời đại văn minh, hưởng thụ, trọng vật chất, những thứ đó làm sa sút đức tin của chúng ta đối với Thiên Chúa đầy quyền năng, yêu thương quan phòng và cuộc sống hạnh phúc mai sau trên Nước Trời. Không những thế, đức tin của chúng ta còn dấn thân xây dựng hòa bình thế giới bằng việc phúc âm hóa môi trường, và còn hy sinh sống bác ái với mọi người, để tình yêu Thiên Chúa được lan tỏa.
Huệ Minh