Trong lời Bài Ca Phục Vụ, tác giả Mi Trầm trình bày việc phục vụ như là hành trang mỗi Ki-tô hữu phải mang nặng vai để tung gieo mọi nơi với tinh thần phục vụ : Phục vụ là cho không, phục vụ là quên mình, phục vụ không đòi đền đáp, phục vụ ơn nghĩa không chờ. Với tinh thần phục vụ là cho không, phục vụ là quên mình ấy như ngọn đuốc thiêng chiếu tỏa xua tan bóng đêm của ích kỷ, của chia rẽ, của hận thù.
Để có được xác tín trong việc dùng “việc phục vụ bác ái” để “chiếu tỏa niềm tin” , xin mời mỗi người chúng ta cần suy ngắm từng việc làm , từng lời dạy của Chúa Giêsu trong việc phục vụ bác ái. Cùng với việc đó, xin mời mỗi người chúng ta cùng nhìn ngắm vào đời sống Mẹ Hội Thánh để chúng ta rút ra những bài học về việc phục vụ bác ái.
1. Việc phục vụ bác ái trong hành trình rao giảng của Chúa Giêsu
Chúa Giêsu giáng sinh làm người để cư ngụ giữa chúng ta, để yêu thương chúng ta, để chia sẻ mọi nỗi vui buồn của chúng ta, nói chung là để phục vụ chúng ta.
Chúa Giêsu nói : “Ai muốn làm lớn giữa anh em phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em”. ( Mt 20, 26-27; Mc 10, 43-44 ). Ngài không nói suông, mà Ngài làm thật : “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người”.(Mt 20, 28; Mc 10, 45 )
Nơi khác Chúa Giêsu nói : “ Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở, Thầy đi để dọn chỗ cho anh em.” Ngài không nói : “ Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở, Thầy sai người của Thầy dọn chỗ cho anh em.” Nhưng Ngài nói “Thầy đi để dọn chỗ cho anh em”. Vì yêu thương từng người trong chúng ta mà Chúa Giêsu đích thân phục vụ dọn chỗ cho từng người trong chúng ta.
Như vậy, Phục Vụ là “điểm son” của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu – Vị Khai Sinh Đức Tin của chúng ta ( Dt 12, 2 ) đã hoàn toàn phục vụ người khác, thậm chí là rửa chân cho các đệ tử của mình ( x. Ga 13, 4- 10 ). Cuộc đời Ngài luôn từ bỏ vinh quang Nước Trời và phục vụ mọi người. Ngài không tìm ý riêng mà tìm ý của Chúa Cha, Đấng đã sai Ngài ( x. Ga 5, 30 ).
Từ hang Bê-lem đến đỉnh đồi Can-vê, cuộc đời Chúa Giêsu trải dài và in đậm dấu ấn Phục Vụ : “Tôi đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.” ( Mc 10, 45 ).
2. Việc phục vụ bác ái trong đời sống của Giáo Hội Công Giáo.
Noi gương Chúa Giêsu, các tông đồ và các môn đệ thời sơ khai đều coi trọng việc phục vụ. Chương 2 trong sách Công Vụ Tông Đồ nói nhiều đến việc phục vụ. Người ta phục vụ nhau bằng cách bán những gì mình sở hữu để giúp người nghèo. ( x. Cv 2, 42-47 ). Theo dòng thời gian, Giáo Hội phát triển và vẫn luôn được khuyến khích phục vụ. ( x. Rm 12, 11; Gl 5, 13; Dt 12, 28; 1Pr 4, 10 ).
Để thấy rõ chỗ đứng của việc phục vụ bác ái trong đời sống của Giáo Hội, mời mọi người tham khảo Thông điệp Thiên Chúa Là Tình Yêu ( Deus Caritas est ) của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI. Sau đây là vài tóm lược trong mục “ Bác ái như một nhiệm vụ của Hội Thánh” :
Khởi điểm của chức vụ phó tế ( x. Cv 6, 1-6 ) là để giải quyết “việc phục vụ bàn ăn” cho có trật tự. Với sự hình thành nhóm phó tế đầu tiên này, “diaconia” – thừa tác vụ bác ái được thực thi cách cộng đồng và trật tự – trở nên thành phần trong cơ cấu nền tảng của Hội Thánh.
Trải qua năm tháng, việc phục vụ bác ái được thiết lập như một hoạt động cốt yếu của Hội Thánh. Sau đây là vài điển chứng giúp chứng tỏ điều này :
– Thánh Giustinô tử đạo ( c. 165 ) khi nói về cuộc cử hành ngày Chúa Nhật của các Ki-tô hữu, cũng đã đề cập đến hoạt động bác ái của họ, vì nó gắn liền với bí tích Thánh Thể.
– Đại văn sĩ Ki-tô giáo Tertullian ( c. sau 220 ) kể lại làm sao những người ngoại đã bị đánh động khi thấy người Ki-tô hữu quan tâm đến những nhu cầu của họ dưới mọi hình thức.
– Thánh Inhaxiô thành Antiôkia ( c. 107 ) mô tả Giáo Hội Rôma “đứng đầu trong việc bác ái ( agape)”.
– Tại Ai cập, vào khoảng thế kỷ IV, chúng ta thấy sự phát triển của “diaconia” : đó là cơ chế trong mỗi đan viện, chịu trách nhiệm về các hoạt động cứu tế, nói cách khác, việc phục vụ bác ái. Tại Ai cập, không chỉ mỗi đan viện, nhưng mỗi giáo phận cuối cùng đã có diaconia riêng. Cơ chế này đã phát triển cả tại Đông Phương lẫn Tây Phương.
– Đức Giáo hoàng Grêgôriô Cả (c. 604 ) đã đề cập đến diaconia của thành Napôli; trong khi tại Rôma, các diaconia được các tài liệu ám chỉ từ thế kỷ VII và VIII. Nhưng hoạt động cứu tế cho người nghèo và người đau khổ vốn đã là một thành phần thiết yếu của Hội Thánh tại Rôma ngay từ lúc đầu, theo những nguyên tắc của đời sống Ki-tô giáo được trình bày trong sách Công Vụ Tông Đồ.
– Hoàng Đế Giulianô Kẻ Bội Giáo (c. 363 ) : Trong một lá thư, ông viết rằng khía cạnh duy nhất của Ki-tô giáo đã đánh động ông là hoạt động bác ái của Hội Thánh. Với cách trình bày của ông, ông đã khẳng định rằng bác ái là một điểm đặc trưng quyết định của cộng đoàn Ki-tô hữu, của Hội Thánh.
Đối với Hội Thánh, việc phục vụ bác ái không phải là một thứ hoạt động trợ giúp xã hội mà chúng ta cũng có thể để lại cho người khác làm, nhưng thuộc về bản tính của Hội Thánh. Đồng thời việc phục vụ bác ái trải rộng vượt qua biên giới của Hội Thánh. Dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu vẫn là một chuẩn mực đòi chúng ta tỏ bày tình yêu phổ quát đối với người thiếu thốn mà chúng ta “tình cờ” gặp gỡ ( x. Lc 10, 31 ), dù họ là ai đi chăng nữa.
Vì coi việc phục vụ bác ái thuộc bản tính của Hội Thánh và để việc phục vụ bác ái có định hướng và trật tự, Đức giáo hoàng Phaolô VI đã thiết lập Hội đồng Giáo hoàng Đồng Tâm Cor Unum như cơ quan của Tòa Thánh có trách nhiệm định hướng và điều phối các tổ chức và các hoạt động bác ái của Hội Thánh Công Giáo.
Đối với Hội Thánh, đối tượng của việc phục vụ bác ái là không biên giới, nhưng “người nghèo” luôn chiếm vị trí ưu tiên trong lòng Hội Thánh. Để thấy rõ điều này, chúng ta cùng đọc những lời của Đức Thánh Cha Phanxicô viết trong Tông Huấn “ Niềm Vui của Tin Mừng” từ số 197 đến số 199 :
– “ Trong trái tim của Thiên Chúa có một chỗ đặc biệt cho người nghèo, vì chính Thiên Chúa “ đã trở nên nghèo khó” ( 2 Cr 8, 9 ). Toàn thể lịch sử cứu độ được đánh dấu bởi sự hiện diện của người nghèo. Ơn cứu độ đến với chúng ta qua lời thưa “ xin vâng” thốt ra từ một thiếu nữ nghèo hèn xuất thân từ một làng nhỏ ở ngoài rìa của một đế quốc vĩ đại. Đấng Cứu Thế sinh ra trong một máng cỏ, giữa đàn súc vật, giống như bao trẻ em của các gia đình nghèo; Ngài được dâng trong Đền Thờ với một cặp bồ câu non, là loại lễ vật của những người không có khả năng mua một con chiên con ( x. Lc 2, 24; Lv 5, 7 ); Ngài được nuôi dạy trong một gia đình lao động bình thường kiếm sống bằng bàn tay lao động của mình. Khi Ngài bắt đầu rao giảng Nước Thiên Chúa, đám đông dân chúng nghèo hèn đi theo Ngài, minh họa cho lời tiên bố của Ngài : “ Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn” ( Lc 4, 18 ). Ngài quả quyết với những người trĩu nặng buồn phiền và bị đè nặng bởi cảnh nghèo khó rằng Thiên Chúa có một chỗ đặc biệt cho họ trong trái tim Người : “ Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em” ( Lc 6, 20 ); Ngài đồng hóa mình với họ : “ Ta đói, các ngươi đã cho ăn”, và Ngài dạy họ rằng lòng thương xót đối với những người này là chìa khóa để vào Nước Trời”. ( x. Mt 25, 5 …)
– “ Thiên Chúa tỏ “ lòng thương xót của Người trước tiên” cho những người nghèo. Sự ưu ái này của Thiên Chúa có những hệ quả cho đời sống đức tin của người kitô hữu, vì chúng ta được kêu gọi để có “ tâm tình như Chúa Giêsu Kitô” ( Pl 2, 5 ). Được gợi hứng bởi điều này, Hội Thánh đã có sự chọn lựa vì người nghèo, được hiểu như là một “ hình thức đặc biệt của vị trí hàng đầu trong việc thực thi bác ái Kitô giáo mà toàn thể truyền thống của Hội Thánh luôn làm chứng”. Sự chọn lựa này – như Đức Bênêđictô dạy – “ hàm ẩn trong đức tin Kitô giáo của chúng ta một vị Thiên Chúa đã trở nên nghèo khó vì chúng ta, để chúng ta trở nên giàu có nhờ sự nghèo khó của Người”. Đây là lý do tại sao tôi muốn một Hội Thánh nghèo và cho người nghèo”.
– “ Tình yêu đích thực luôn luôn suy gẫm và cho phép chúng ta phục vụ người khác không phải vì nhu cầu hay để phô trương, nhưng đúng hơn vì họ đẹp vượt trên dáng vẻ bề ngoài của họ : “ Tình yêu làm chúng ta thấy người khác dễ thương khiến chúng ta tự ý trao tặng cho họ một điều gì đó”. .. Chỉ trên cơ sở của sự gần gũi thật sự và chân thành này, chúng ta mới có thể đồng hành với người nghèo trên con đường giải phóng của họ. Chỉ có sự gần gũi này mới bảo đảm rằng “ trong mỗi cộng đoàn Kitô giáo, người nghèo cảm thấy như ở nhà mình. Đây chẳng phải là phương pháp quan trọng và hiệu quả nhất để loan báo tin mừng về Nước Thiên Chúa sao?” Nếu không có sự lựa chọn ưu tiên vì người nghèo, “ việc rao giảng Tin Mừng, tự nó là hình thức cơ bản của đức ái, sẽ có nguy cơ bị ngộ nhận hay bị nhấn chìm bởi đại dương những lời nói hằng ngày nuốt trửng chúng ta trong cái xã hội truyền thông hôm nay”.
3. Đỉnh cao của việc phục vụ bác ái là truyền giáo
Trong bài viết “Tin trong Đức Mến khơi dậy lòng Bác ái”, tác giả Nguyễn Minh Triệu thuộc dòng Tên đã viết :
“Đời sống Ki-tô hữu hệ tại việc liên lỉ lên núi để gặp Chúa, để rồi “hạ sơn”, tựa nương vào tình yêu và sức mạnh đã kín múc nơi Ngài, phục vụ anh chị em với tình yêu của chính Thiên Chúa. Trong Thánh Kinh, chúng ta thấy lòng hăng say rao giảng Tin Mừng và khơi dậy đức tin nơi người khác của các tông đồ liên kết chặt chẽ với mối quan tâm đức ái trong việc phục vụ người nghèo. ( x. Cv 6, 1-4 ).
Thực tế, đôi lúc chúng ta có xu hướng giản lược thuật ngữ “đức ái” xuống thành tình liên đới hay chỉ là hoạt động trợ giúp nhân đạo đơn thuần. Tuy nhiên, điều quan trọng cần nhớ là công việc bác ái lớn nhất chính là việc truyền giảng Tin Mừng, nghĩa là “sứ vụ của Lời”. Không có hành động nào có tính bác ái hơn là hành động nuôi dưỡng tha nhân bằng Lời Chúa và chia sẻ với họ những Tin Vui của Phúc Âm, giới thiệu cho họ đi vào mối tương quan với Thiên Chúa : rao giảng Tin Mừng chính là sự thăng tiến nhân bản cao cả nhất và đầy đủ nhất. Trong Thông điệp Phát Triển Các Dân Tộc ( Populorum Progressio ), tôi tớ Chúa, Đức Phaolô VI viết rằng việc công bố về Đức Giêsu là sự đóng góp đầu tiên và quan trọng nhất cho sự phát triển.
Một cách thiết yếu, mọi thứ đến từ Tình Yêu và hướng về Tình Yêu. Tình yêu nhưng không của Thiên Chúa được tỏ cho chúng ta qua việc rao giảng Tin Mừng. Nếu chúng ta vui vẻ đón nhận Tin Mừng với đức tin, chúng ta đang lãnh nhận để đi với một tương tác trước hết và không thể tách rời với Thiên Chúa. Mối tương quan này làm cho chúng ta “phải lòng với Tình Yêu”, và rồi, chúng ta sẽ ở lại trong Tình Yêu, lớn lên và hân hoan loan báo về Tình Yêu ấy cho người khác.”
Trong Tông Huấn “ Niềm Vui của Tin Mừng”, số 9 phần mở đầu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết : “ Lòng tốt luôn có khuynh hướng lan tỏa. Tự bản chất, mọi kinh nghiệm đích thực về sự thật và lòng tốt đều tìm cách lớn lên trong chúng ta, và bất cứ ai đã từng trải nghiệm một sự giải thoát sâu xa đều trở nên mẫn cảm hơn với nhu cầu của người khác. Khi lan tỏa, lòng tốt bén rễ và phát triển. Nếu chúng ta muốn có một cuộc sống xứng đáng và sung mãn, chúng ta phải vươn tới người khác và mưu cầu lợi ích cho họ. Hiểu theo nghĩa này, một số câu nói của thánh Phaolô sẽ không làm cho chúng ta ngạc nhiên “ Tình yêu của Đức Kitô thúc bách tôi” ( 2 Cr 5, 14); “ Vô phúc cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” ( 1 Cr 9, 16 ).
Khi bàn về chiều kích xã hội của việc Loan Báo Tin Mừng, trong Tông Huấn “ Niềm Vui của Tin Mừng”, Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết :
-“ Lời rao giảng cơ bản có một nội dung xã hội rõ rệt : ở tâm điểm của Tin Mừng là đời sống cộng đồng và tham dự với những người khác. Nội dung của lời rao giảng ban đầu này có một hệ quả đạo đức trực tiếp được qui vào đức ái”. ( số 177 )
– “Từ tâm điểm của Tin Mừng chúng ta thấy mối liên kết sâu xa giữa loan báo Tin Mừng và thăng tiến con người, sự thăng tiến này bắt buộc phải được biểu hiện và phát triển trong mọi hoạt động loan báo Tin Mừng. Chấp nhận lời rao giảng cơ bản này – lời rao giảng mời gọi chúng ta đón nhận tình yêu của Thiên Chúa và đáp lại tình yêu ấy bằng chính tình yêu là quà tặng của Người – sẽ tạo ra trong đời sống và hành động của chúng ta một lời đáp trước tiên và cơ bản : ước muốn, tìm kiếm, và bảo vệ lợi ích của người khác” ( số 178 )
– “ Việc đi ra khỏi bản thân chúng ta để đến với các anh chị em chúng ta là một trong hai giới răn lớn làm nền tảng cho mọi qui tắc luân lý và là dấu hiệu rõ ràng nhất để nhận ra sự tăng trưởng thiêng liêng trong việc đáp lại ân huệ hoàn toàn cho không của Thiên Chúa. Vì lý do này, “ việc phục vụ bác ái cũng là một yếu tố cấu thành của sứ mạng Hội Thánh và là một biểu hiện thiết yếu của chính sự hiện hữu của Hội Thánh”. Hội Thánh tự bản chất là truyền giáo; Hội Thánh tràn trề đức ái hiệu quả và một sự cảm thông có sức thấu hiểu, giúp đỡ và phát huy”. ( số 179 )
Lời kết :
Qua việc nhìn ngắm gương phục vụ bác ái nơi Chúa Giêsu, qua việc tìm hiểu vị trí của việc phục vụ bác ái trong đời sống Hội Thánh giúp cho chúng ta xác tín rằng : việc phục vụ bác ái là hoa trái của đức tin; việc phục vụ bác ái là phương thế hữu hiệu để chiếu tỏa niềm tin của mình đến với anh em lương dân. Mong rằng mỗi người chúng ta dùng việc phục vụ bác ái để “ chiếu tỏa niềm tin” của mình như lời mời gọi của Đức Giám Mục giáo phận Qui Nhơn trong thư mục vụ nhân ngày Lễ Tro khai mạc Mùa Chay 2015 : “ Nhưng việc trở về với Thiên Chúa và gắn bó với Người phải dẫn đến hay đi đôi với việc hòa giải và phục vụ anh chị em là hình ảnh của Người. Do đó, cùng với việc thực hành chay tịnh, chúng ta cũng phải chiếu tỏa niềm tin qua việc thực hành đức ái đối với mọi người, vì đức ái là hoa trái của đức tin. Qua việc thực hành đức ái, chúng ta làm cho mọi người biết rằng Thiên Chúa đang hiện diện trong anh chị em, nhất là những người nghèo hèn, đau khổ. Thế giới ngày nay đang có biết bao người đau khổ vì thái độ vô cảm của nhiều người. Chúng ta hãy “ chiếu tỏa niềm tin khi nói “ không” với thái độ vô cảm”. ( số 4 ).
Lm. Tôma Nguyễn Công Binh
(WGP.Qui Nhơn 09.05.2015)