ĐHY Pell được bổ nhiệm làm giám mục phụ tá tại TGP Melbourne năm 1987, trở thành tổng giám mục năm 1996. Được phong hồng y ngày 21/10/2003 bởi ĐGH Gioan Phaolô II. Và năm 2013, ĐHY Pell được ĐGH Phanxicô bổ nhiệm vào Hội đồng Hồng y cố vấn, và tháng 2 năm 2014, được bổ nhiệm đứng đầu Uỷ ban kinh tế mới được thành lập.
Vào cuối tháng 6/2017, ĐHY Pell bị buộc tội lạm dụng tình dục trẻ em trong hai trường hợp tại nhà thờ và tại hồ bơi. Trong cả hai trường hợp, ĐHY Pell đều bác bỏ cáo buộc và tuyên bố mình vô tội, và ngài cũng tuyên bố mình sẽ quay trở lại Úc để lấy lại thanh danh. Cùng ngày, Toà Thánh đưa ra tuyên bố rằng ĐGH Phanxicô cho phép ĐHY Pell nghỉ phép để có thể tự vệ tại Úc.
Tiến trình xét xử
Ngày 1 tháng 5 năm 2018, ĐHY Pell đã đệ đơn “vô tội” lên Toà sơ thẩm tại Melbourne, nơi đã ra lệnh triệu tập. Các cáo buộc đã dẫn đến hai thủ tục tố tụng gọi là “vụ ở nhà thờ” và “vụ ở hồ bơi”.
Trong trường hợp đầu tiên, vụ ở nhà thờ, Đức Hồng Y Pell bị buộc tội có hành vi tấn công tình dục đối với hai cậu bé ca đoàn trong phòng thánh của nhà thờ chính toà Melbourne sau Thánh Lễ trưa vào cuối năm 1996 và một lần nữa vào đầu năm 1997.
Trong trường hợp thứ hai, vụ ở hồ bơi, ĐHY Pell bị buộc tội tấn công tình dục hai cậu bé khi chúng ở trong hồ bơi vào cuối những năm 1970.
Các cuộc thảo luận của bồi thẩm đoàn về “vụ ở nhà thờ”, bắt đầu vào tháng 8 năm 2018, đã không đưa đến kết quả, vì các bồi thẩm đã không đạt được phán quyết nhất trí hoặc đa số. Một phiên tòa mới bắt đầu vào tháng 11 với một bồi thẩm đoàn mới và đưa ra kết luận vào tháng 12, nhưng đến cuối tháng 2/2019 mới công bố rằng ĐHY Pell có tội. Đồng thời, phiên toà cho trường hợp thứ hai, vụ ở hồ bơi, dự kiến vào tháng 4, không được tiến hành do thiếu bằng chứng.
ĐHY Pell bị kết án sáu năm tù, trong đó phải thụ án ít nhất ba năm và tám tháng.
Ngay sau khi bị kết án, ĐHY Pell đã kháng cáo. Sau đó ĐHY bị bắt vào tù, và bắt đầu thụ án. Phiên xét xử phúc thẩm được tổ chức vào ngày 5 và 6 tháng Sáu.
Phản ứng trước quyết định của toà
Nhiều người cho rằng, những bằng chứng đưa ra để buộc tội ĐHY Pell là không thuyết phục. Vì ngay sau Thánh Lễ, tại phòng thánh của một nhà thờ chính toà, nơi có nhiều người ra vào thường xuyên, việc tấn công tình dục là không thể xảy ra. Hơn nữa, tại các phiên toà, người được cho là bị hại không xuất hiện và cũng không đưa ra các bằng chứng khác.
Sau quyết định 2-1 được Tòa án tối cao Victoria, Australia công bố, bác bỏ kháng cáo của Hồng y George Pell, Giáo hội Úc và Tòa thánh đưa ra các tuyên bố phản ứng về quyết định này.
Trước tiên, là phản ứng của ĐHY Pell qua phát ngôn viên của ngài nói rằng: “ĐHY Pell thật sự thất vọng với quyết định này. Tuy nhiên nhóm luật sư của ngài sẽ xem xét toàn bộ phán quyết để nộp đơn lên Toà Án Tối Cao của Úc. Trong khi chú ý đến quyết định chia rẽ 2-1, Đức Hồng Y Pell vẫn giữ nguyên sự vô tội của mình.”
Đức TGM Mark Coleridge, chủ tịch HĐGM Úc, ra tuyên bố nói rằng “mọi người Úc đều bình đẳng trước pháp luật và chấp nhận phán quyết hôm nay.” Về phần Đức cha Peter Comensoli, TGM Melbourne, ngài cũng tôn trọng phán quyết của toà và khuyến khích người khác cũng như vậy. Đức cha cũng ghi nhận sự phức tạp của quá trình tìm kiếm sự thật trong trường hợp của ĐHY Pell và cũng cầu nguyện cho người đã mang vụ kiện ra trước toà.
Bên cạnh đó, trong tuyên bố của mình, Đức TGM Anthony Fisher của Sydney nói rằng, phán quyết chia rẽ 2-1 giữa các thẩm phán tương đồng với quan điểm khác nhau của các hội thẩm trong các phiên toà thứ nhất và thứ hai, cũng như ý kiến chia rẽ giữa các nhà bình luận pháp lý và công chúng. Đức cha cũng kêu gọi “những người suy lý cần chấp nhận những cái nhìn khác nhau khi trưng dẫn cùng một bằng chứng, và kêu gọi mọi người giữ sự bình tĩnh và văn minh.” Ngài cũng tuyên bố dấn thân để đảm bảo những tội ác trong quá khứ không bao giờ lặp lại và làm cho môi trường Giáo hội là nơi an toàn nhất có thể cho trẻ em và người lớn dễ bị tổn thương.
Về phía Toà Thánh, ông Matteo Bruni, giám đốc phòng báo chí Toà Thánh cũng ra tuyên bố thừa nhận quyết định của tòa án và cũng nhắc lại việc Đức Hồng Y Pell vẫn cương quyết về sự vô tội của mình trong suốt quá trình xét xử. Toà Thánh luôn lặp lại sự gần gũi của mình với những nạn nhân của các vụ lạm dụng tình dục và cam kết xử lý, ngang qua các thẩm quyền giáo hội, những thành viên giáo sĩ phạm tội lạm dụng này. (CSR_4709_2019).
Văn Yên, SJ – Vatican