Tình yêu và hôn nhân

Khi con tàu chuyển bánh thì bến ga cũng nhạt nhoà, bởi đấy, xa nhau thì người ta thường quên nhau.

Tàu đi rồi, bến ga có thể chơ vơ trong sương bụi chiều hôm, nhưng đường tàu vẫn còn đó. Nếu xa nhau mà vẫn nối dài mến thương như đường tàu trung thành làm dòng luân hoán giữa con tàu cách xa và bến đỗ mong chờ thì đấy mới là yêu thương đích thực.

Chia ly, tình yêu dễ bụi mờ, bởi trong xa cách là lúc tình yêu lên cao vút trên quãng đời lựa chọn, là lúc tình yêu xuống thẳm sâu dưới lũng đồi cám dỗ.

Hạnh phúc tạm dung thì bắt buộc phải gần gũi, vì hạnh phúc ấy không được thụ thai bởi tình yêu vượt núi đồi mà chỉ là hoa trái của khu đồi gần gũi. Hạnh phúc ấy bị vây bọc bởi bến ga chật hẹp. Do đó, vắng mặt người này, xa cách người kia, tình yêu biến dạng và phai màu. Ðấy là hạnh phúc của con tầu khi cập bến đỗ chứ không phải yêu thương của đường tàu nối dài viên miễn.

Nếu tình yêu là hoa trái của chọn lựa trong tự do, thì có thể mịt mùng xa cách, có thể thăm thẳm chia xa mà vẫn rực rỡ trong không gian. Chọn lựa là bao hàm từ chối. Chối từ là dứt bỏ. Dứt bỏ nào cũng thường có phần xót xa. Chính vậy, tình yêu trong tự do là tình yêu có ray rứt giữa những giằng co của lựa chọn, là tình yêu có đau khổ của một chối từ. Chính Thượng Ðế cũng đã đớn đau trước giờ chọn lựa: “Lạy Cha, nếu được, xin Cha cất chén đắng này cho con.” Người yêu cần tự do để xác định tình yêu của mình. Ðau khổ của chối từ, ray rứt của chọn lựa minh chứng sự cao cả của tình yêu mình dành cho người yêu.

Tình yêu không tách rời khỏi thời gian, mà thời gian thì luôn luôn đổi mới, bởi thế, tình yêu không thể chọn lựa một lần là xong, cưới nhau một lần là đủ, mà tình yêu cần được rửa tội mỗi ngày, cưới nhau mỗi sáng. Chính mặt trời còn lột xác, khai sinh sau mỗi đêm đen, bởi thế, hôn nhân là tái xác nhận chọn lựa không ngừng.

Vì sự bất toàn của mình, con người không thể có một lựa chọn hoàn hảo tuyệt đối. Hôn nhân là chọn một người tình và chối từ những người tình khác. Nhưng bởi sự bất toàn, nên chọn lựa đó chẳng thể trọn vẹn, cho nên từ sâu thẳm trong căn hầm tham lam, đôi lúc họ khổ tâm vì mất mát do những mối tình khác mà họ phải chối từ. Họ bất toàn nên không thể cho nhau sự hoàn hảo. Từ đấy, họ mơ màng một tình yêu nào đó ngoài tình yêu mà họ đã lựa chọn, cho nên sự trung thành là thử thách lớn lao của tình yêu gia đình.

Yếu tính của trung thành là khả năng có thể vượt qua rừng sâu, trèo qua núi đá, có thể song hành với thời gian, và thế, tình yêu phát sinh từ sự trung thành sẽ bát ngát như vũ trụ và thênh thang như núi đồi.

Trong tình yêu, ràng buộc chính đáng nhất là hãy để nhau lớn lên trong tự do. Ý nghĩa cao cả của tự do là thành thực với chính mình và ngay thẳng với người tình. Hãy cho nhau tự do nhìn khuôn mặt thật của nhau. Ðừng tạo nên giá trị của mình bằng cách để người tình ngưỡng mộ những điều mình không có.

Vì tình yêu cũng là một thứ nhu cầu, bởi đó, người ta mới nói đến chinh phục. Có khó thì mới phải chinh phục, nên khi chinh phục người ta dùng mọi tài năng. Trong những tài năng tích cực, có một thứ tiêu cực là tạo ra một hình ảnh đẹp, nhưng không đúng với con người thật của mình.

Vì tình yêu cũng là một thứ nhu cầu, bởi đó, người ta nói đến tiếng sét ái tình. Ðã mê hoặc thì phải chiếm đoạt, nên chiếm đoạt trong tình yêu bao giờ cũng pha trộn mù quáng. Cần phải chiếm đoạt, nên người tình thường biện minh, rồi gán cho người yêu những đặc tính mà người yêu không có.

Cả hai thái độ đều nguy hiểm như nhau. Cả hai thái độ đều là xây dựng giá trị trong thiếu tự do, trong lầm lẫn. Lầm lẫn không biến đổi bụi than thành kim cương, đá cuội thành ngọc quý. Sớm muộn gì rồi cũng khám phá ra con người thực của nhau. Ngỡ người tình là kim cương, nhưng thực tế là đá cuội. Thất vọng, ở đó, bắt đầu nẩy sinh. Trung thành, từ đấy, bắt đầu lung lay. Tình yêu sống bởi sự thực, thiếu vắng sự thực tình yêu sẽ u buồn, ủ dột. Thiếu sự thực, tình yêu không còn là cây leo hạnh phúc trong mùa xuân, mà là bủng vàng xanh xao.

Hôn nhân là loài tằm chất phác và kiên nhẫn. Là loài dâu thật thà biết hy sinh. Là tằm, là dâu, chúng chung khúc yêu thương, âm thầm, gắn bó với nhau, góp nhặt hạnh phúc, chúng nhả tơ, dệt lụa óng ả cho đời.

Nhìn kìa, tình yêu của bầy ong với đám hoa cải dẫu dễ thương đến đâu chăng nữa mà trên da mặt chúng vẫn mơ màng quyến dũ tình yêu bằng đỏm dáng, và thèm muốn tình yêu qua sự sang giàu, thì đấy cũng chỉ là hạnh phúc bấp bênh.

Luống cải kia, cánh ong đó đã nghèo nàn hoá tình yêu của nhau bằng chiếm hữu. Chúng hạn chế hạnh phúc của nhau vì đánh giá tình yêu qua duyên sắc bên ngoài mà thôi. Tình yêu của cả hai đã thai nghén trong thiếu tự do vì sự hiểu biết bị lừa gạt, lòng thật thà bị lãng quên.

Như thế, khi mùa cưới đến, lúc tình yêu của chúng xáp lại. Khi thèm muốn và chiếm đoạt đã theo những dòng máu thiếu thật thà ấy mà trưởng thành thì cũng là lúc buồn chán đã sẵn chờ đàng sau môi hôn.

Chúng nô lệ hoá nhau mà gọi là tự nguyện.

Chúng mang thương tích nhưng phải gọi là nỗi thương đau dịu dàng.

Chúng trao nhau tình yêu thể nào thì tình yêu cũng dầm bập chúng thể ấy. Bởi, chúng đã dệt tổ yêu thương bằng tơ lụa gấm vóc hơn là sự hiểu biết. Chúng nhìn tình yêu qua nhan sắc hơn là tâm hồn.

Có người hỏi: Sao các đôi tình nhân lại nhắm mắt mỗi khi hôn nhau.

– Có phải đấy là không đủ can đảm nhìn sự thật?

– Có phải dẫu trong tha thiết thế nào, họ vẫn chẳng thể cho nhau trọn vẹn?

– Có phải đấy là, một cách tế nhị, tự thú những sự bất toàn của nhau cho nhau?

– Có phải dẫu trong hạnh phúc sóng sánh đến đâu đi nữa thì cũng vẫn có bóng tối đợi chờ?

Nếu họ bất toàn, nếu họ chẳng thể trọn vẹn trao nhau thì sao họ lại mơ ước “tôi hoá” tha nhân? “Tôi hoá” tha nhân là bắt tha nhân nên giống như mình. Ðấy là tình yêu ích kỷ, nó sẽ tàn tật hoá người yêu. Người yêu là của mình, nên khi tàn tật hoá người yêu thì cũng là tàn tật hoá chính hạnh phúc của tôi.

Kẻ muốn đồng hoá tha nhân trong tình yêu là những đôi tình nhân yêu nhau hơi gặp hơi, thở gặp thở mà vẫn như mênh mông xa cách, vẫn như khắc khoải kiếm tìm. Họ khắc khoải kiếm tìm vì chẳng bao giờ con người có thể “tôi hoá” được nhau. Vì bắt người khác giống mình là huỷ diệt tự do và bản tính của người đó, càng bắt họ giống mình bao nhiêu thì sự hiện hữu của họ càng mất đi bấy nhiêu. Tôi muôn đời vẫn là tôi. Tha nhân nghìn đời vẫn là tha nhân.

Nếu tha nhân là tha nhân, tôi là tôi, thì làm sao có thể nên một trong tình yêu như lời Kinh Thánh mong mỏi?

Kẻ nên một trong tình yêu là những đôi hôn nhân đem sự khác biệt của nhau làm nên phong phú của một kết hợp. Khi nói nên một thì phải chấp nhận là đã có hai. Làm sao có kết hợp nếu không có khác biệt. Như thế, khác biệt đã là điều kiện cần thiết cho kết hợp. Trong ý nghĩa đó, khác biệt phải có một giá trị tự nó. Kết hợp không biến hoá nguyên thể của các khác biệt mà là một luân vũ nhịp nhàng. Ðó là một hoà âm trầm bổng của các đơn thể khác nhau chứ không phải là đơn điệu. Ðó là kết hợp của âm nhạc, của vũ trụ, của tình yêu.

Kẻ lớn lên trong tình yêu hợp nhất là những đôi uyên ương nửa bên bờ đại dương, nửa trên đồi cao khuất núi mà tình yêu của họ vẫn chập chùng qua biển cả, bàng bạc qua không gian.

Con tàu chỉ tới bến trên tuyến đường sắt song hành. Sự nên một của tuyến đường là cùng sóng đôi chứ không phải là cùng chạm nhau. Mất sự sóng đôi, con đường đánh mất bản tính của mình. Mất sự song hành thì tuyến đường không còn là tuyến đường nữa, bởi, sự hợp nhất căn tính của nó hệ tại cùng sóng đôi đi về một hướng.

Hôn nhân là nên một trong tình yêu.

Nên một trong tình yêu là nên một trong hòa đồng chứ không phải nên một bằng đồng hoá.

Kinh Thánh bảo: Phải nên một! Ôi! đâu là ý muốn thâm sâu của Thượng Ðế. Cẩn thận! Nếu không đấy chỉ là những lời lừa dối mà thôi. Bởi, chính trên bàn thờ mà hai cây nến cũng có bao giờ dám cháy cạnh nhau đâu.

Lm. Nguyễn Tầm Thường, SJ

Exit mobile version