Trong lịch sử tư tưởng nhân loại, dù đã có rất nhiều người nói về tình yêu nhưng hầu như không ai lột tả một cách trọn vẹn bộ mặt huyền nhiệm của nó. Thánh kinh đề cập chuyện tình yêu không chỉ dưới khía cạnh con người mà còn đặt trong ánh sáng mạc khải…
I. TÌNH YÊU VÀ HÔN NHÂN THỜI CỔ ĐẠI
A. Trong các thần thoại cổ đại
1. Những thần thoại về đời sống lứa đôi :
Trong các thể chế tôn giáo cổ xưa (ở Lưỡng Hà, Syria, Canaan, Ai Cập, Hy Lạp…), con người phóng chiếu kinh nghiệm riêng của mình vào các thần thoại. Mỗi thần thoại đều nhắm đến một ý hướng nào đó, chúng có chức năng biện minh hay giải thích về xã hội mà con người đang sống. Thần thoại giải thích thế giới hiện tại bằng cách trình bày những chuyện kể về thần linh thuở khai thiên lập địa. Đó là những khuôn mẫu mà xã hội và kinh nghiệm con người không ngừng noi theo với ít nhiều thành công. Thế giới này chỉ có ý nghĩa khi biết tìm chỗ dựa trong thế giới mẫu mực của thần linh. Chính vì vậy người ta giải thích tình trạng thế giới theo những trần thuật sáng tạo khác nhau do vị thần này hay vị thần kia thực hiện ; chẳng hạn như tín ngưỡng thờ thần theo thần thoại Pandore (Hy Lạp) hay thờ thần trung gian chuyển cầu Announaki (Babylon),…
Tính dục con người mang ý nghĩa này. Tập quán về tính dục của con người có giá trị thánh thiêng vì nó tái hiện hoạt động tính dục của thần linh. Ngoài ra, trong các nền văn hoá cổ xưa, những gì đụng chạm đến sự sống đều mang tính thánh thiêng và liên quan đến thế giới của thần linh. Nhưng khi nghiên cứu những thần thoại ra đời sau, người ta nhận thấy rằng tính dục còn đảm nhận nhiều chức năng khác nữa :
* Sinh sản : những chuyện kể về sáng tạo thế giới do các thần linh đầu tiên thực hiện, thường là một nam thần và một nữ thần. Sự kết hợp của hai vị thần này được coi như là năng lực sinh sản xác định sự sinh sản của con người theo mẫu thức sáng tạo nguyên thuỷ : chẳng hạn bài thơ về sáng tạo và nạn hồng thuỷ của người Babylon (Enuma Elish) do nam thần Apus và thần-mẫu Tiamat thực hiện.
* Tình yêu hay đam mê : chúng ta thấy trong các chuyện thần thoại cũng có nam thần-tình nhân hay nữ thần-tình nhân : chẳng hạn như thần Ishtar-Vénus-Aphrodite. Nữ thần thể hiện sức quyến rũ của tính dục. Đó là tình yêu lạc thú.
* Hôn nhân như một thể chế. Hôn nhân của các thần linh là khuôn mẫu cho mọi cuộc hôn nhân của con người. Ở Ugarit có chuyện thần thoại về cuộc hôn nhân của nữ thần Nikkal và nam thần Mặt trăng.
Trong bối cảnh đa thần, tính dục được phân thành ba phần riêng biệt, được xử lý cách biệt nhau, bởi những đôi khác nhau. Qua các thần thoại này, chúng ta thấy thật khó lòng duy trì mối liên kết giữa việc bảo tồn nòi giống, tính dục trong yếu tố cấu thành cảm giác ít nhiều được kiểm soát với trật tự xã hội hay thể chế hôn nhân.
Trong các thần thoại thời cổ đại, tính dục xuất hiện mang dáng vẻ hoàn toàn linh thiêng vì mỗi yếu tố cấu thành nên nó được xác định bằng một khuôn mẫu của thần sinh sản. Chính trong các chuyện kể này thể hiện tính thánh thiêng của tính dục con người.
2. Các nghi lễ :
Chính các nghi lễ sản sinh ra các thần thoại. Qua các nghi thức này, con người liên kết với hoạt động của thần linh bằng sinh sản và đón nhận từ nó những hiệu quả tích cực. Chính vì vậy người được khai tâm phải nghiên cứu những nghi thức liên quan đến tính dục trong thời cổ đại. Chẳng hạn ở Babylon, vào tết Nguyên Đán, nhà vua và nữ tư tế tái hiện nghi thức kết hợp (tính dục) của thần-cha và thần-mẹ nhằm bảo đảm tính phì nhiêu của thiên nhiên và của con người trong suốt năm. Các cô điếm thánh cũng có cùng chức năng : làm mới lại sức mạnh tính dục của con người qua việc tiếp xúc với sức mạnh thần linh. Có lẽ các hoạt động khác (giao cấu với súc vật, sát tế trẻ em,…) cũng được giải thích cùng một ý nghĩa như vậy.
B. Nét mới của Thánh kinh
Chúng ta đã bàn đến tính thánh thiêng của tính dục và việc phân chia thành ba cấp độ khác nhau trong các thần thoại của dân ngoại thời Cổ đại. Chắc chắn hậu cảnh của ý thức hệ theo Thánh kinh dựa trên độc thần giáo sẽ hoàn toàn khác hẳn. Trong Thánh kinh, chẳng có thần-cha hay thần-mẹ, chẳng có khuôn mẫu của thần linh, không có những thần thoại về tính dục hay chuyện cưới xin của chư thần. Chúng ta chỉ thấy hình ảnh của Thiên Chúa Cha, không nguồn gốc, không thê thiếp, không tính dục. Nói một cách cụ thể, chẳng có chuyện thần linh được coi như một người hùng. Thánh kinh kể rằng, Thiên Chúa là nguồn gốc của thế giới này vào thời nguyên thủy của nhân loại. Chương đầu tiên trong sách Sáng thế trình bày quan điểm về khởi đầu của lịch sử thánh, trong đó Thiên Chúa thực hiện ý định của Người.
Quan niệm này của Thánh kinh cắt đứt tận gốc rễ với bối cảnh văn hoá cổ đại. Rõ ràng là không, và những cuốn sách khác nhau của Cựu Ước cho thấy không bao giờ đạt được điều đó. Các ngôn sứ không ngừng kêu gọi phải đón nhận những yêu sách mới đó – độc thần giáo – đưa vào phong tục tập quán và lên án những sai lệch của dân Israel.
1. Lứa đôi trong trần thuật của sách Sáng thế :
Như chúng ta đã biết, trần thuật về sáng tạo trong sách Sáng thế bao gồm hai trần thuật khác nhau về tác giả lẫn quan niệm “thần học”.
Trần thuật cổ xưa nhất (Yawiste, có lẽ sau năm 721), trong St 2,4b – 3, cho thấy cặp vợ chồng hoàn hảo thời nguyên thuỷ, tiêu biểu bằng sự gắn bó lẫn nhau giữa người nam và người nữ và phẩm giá của họ đều bình đẳng như nhau. Người nữ “giống với người nam” (quan niệm này rất đáng chú ý trong bối cảnh văn hoá cởi mở với chế độ đa phu thê). Cặp vợ chồng lý tưởng, như Thiên Chúa sáng tạo, được xây dựng trên một người nam và một người nữ bình đẳng với nhau : phụ nữ là “người đối diện” với nam giới và là “trợ tá” của anh ta (2,18). Những từ ngữ này dẫn đến một cuộc đối thoại, một cuộc gặp gỡ giữa hai người. Việc người phụ nữ được rút ra từ người nam chứng tỏ người nữ có cùng bản chất như nam giới (x. tiếng kêu vui sướng của Adam khi nhìn thấy Eva, 2,23). Trong Cựu Ước, tính thân tộc và cộng đồng sống được nối kết với nhau. Hiểu ngầm là quan hệ huyết thống, bổ túc cho nhau và kết hợp sâu xa. Thành ngữ “một thân xác” (2,24) nhấn mạnh tầm quan trọng của ý tưởng kết hợp này. Lưu ý là thành ngữ này không nói đến kết hợp thân xác như người ta vẫn thường hiểu đoạn sau : trong tiếng Hebrew, từ “thân xác” (basar) làm ta liên tưởng đến chính nó : trở thành “một thân xác”, tức là trở nên một hữu thể, một nguyên tánh mới gồm hai nhân vị. Điều này gợi lên việc đồng hiện hữu trong bình an. Chính Thiên Chúa muốn dựng nên người nữ, vì “đàn ông ở một mình không tốt” (2,18) nên Ngài đã sáng tạo người nữ (2,21-22) và dẫn nàng đến với chàng (2,22) : sự kiện này thường được hiểu như một sự biểu lộ ý muốn của Thượng Đế muốn kết hợp người này với người kia. Ở đây Thiên Chúa xuất hiện như tác giả chính của sự kết hợp giữa Adam và Eva.
Trần thuật ra đời muộn hơn (Tư tế, sau Lưu đày) : St 1,1 – 2,4a, trước hết vừa là lời dẫn nhập vừa là lời giải thích. Ý tưởng quan trọng của trần thuật này đó là con người với tư cách là người nam-và-người nữ là hình ảnh của Thiên Chúa. Thực ra, chính đôi vợ chồng mới là hình ảnh của Thiên Chúa (1,26-27). “Chúng ta hãy làm con người theo hình ảnh chúng ta… đàn ông và đàn bà và Người sáng tạo họ”. Vì vậy trần thuật này gợi lên cùng một ý tưởng về độc hôn như trong St 2, và cùng một ý thức về phẩm giá bình đẳng giữa nam giới với nữ giới ; bản văn trưng dẫn sự hiện diện chung [của người nam và người nữ] trong hành động sáng tạo (St 1,28-29). Nó còn nêu bật – điều không hề có trong bản văn trước – khả năng sinh sản của vợ chồng (1,28 ; xem thêm 4,1). Sinh con đẻ cái là lời chúc phúc của Thiên Chúa. Đôi vợ chồng là một kiệt tác (1,31) theo ý muốn sáng tạo của Thượng Đế.
Trong cả hai trình thuật trên, đôi vợ xuất hiện như một chương trình được sắp đặt sẵn của Thiên Chúa ; nó bao gồm một sự kết hợp hoàn hảo, một cộng đồng yêu thương thực sự trong sự bình đẳng của cả hai người. Tính dục, không tách rời tác phẩm của Đấng Sáng tạo, là một điều tốt đẹp (theo tác giả của trần thuật) nếu nó trung thành với chương trình của Tạo Hoá. Đôi vợ chồng đầu tiên là một khuôn mẫu cho sinh sản. Họ được Thiên Chúa sáng tạo và tất cả mọi sự cùng được liên kết với Thượng Đế : hôn nhân, tình yêu, tính dục đều được kết hợp thành một thực tại trần thế, không phải được thần hoá (sacralisé) nhưng là thánh thiện (saint) vì xuất phát từ Thiên Chúa.
Chương 3 sách Sáng thế kể chuyện “sa ngã” muốn chứng minh rằng, hôn nhân – giống như mọi thực tại của con người – đều mang dấu ấn của tội lỗi. Đàn ông và đàn bà cùng thông đồng để bất phục tùng Thiên Chúa và rồi tuyệt giao với nhau. Sự kết hợp hoàn hảo thuở ban đầu đã bị phá vỡ. Kể từ đó, hôn nhân bước vào tình trạng suy thoái cần được Thiên Chúa tái tạo lại.
2. Tình yêu, hôn nhân và tính dục ở Do Thái thời Cổ đại :
Ngoài những yếu tố trong sách Sáng thế về hôn nhân, chúng ta còn bắt gặp bức tranh này với những dữ kiện của Do Thái giáo Cổ đại.
Chúng ta sẽ thấy ở đây một thực tế cách biệt với lý tưởng của Sáng thế. Chẳng hạn, chúng ta thấy có nhiều vị tổ phụ đa thê, có năm thê bảy thiếp hợp pháp ! Nền tảng luân lý hôn nhân là tài sản của bộ tộc và bảo tồn nòi giống của tộc người. Mệnh lệnh này được biện minh bằng Thánh kinh :
* Thê thiếp hợp pháp (như Abraham chẳng hạn, St 16,1-3) là một dạng đa thê. Jacob rõ ràng có hai vợ (St 29) và Esau còn nhiều hơn nữa. Vào thời các thủ lĩnh và các vua, đa thê được coi như một dấu hiệu chứng tỏ hùng cường (Salomon). Trong bộ luật Hammourabbi của Babylon (1792-1750) có những điều luật về thê thiếp giống những gì chúng ta thấy trong Đệ nhị luật.
* Tục “nối dây” (lévirat, Đnl 25,5-10 ; St 38).
* Ly dị và rẫy vợ.
* Nội hôn : chính bộ tộc được hưởng lợi ích từ đôi hôn phối và hậu duệ nên người ta luôn tìm cách để giữ chân đám hậu thế sao cho chúng luôn ở trong bộ tộc.
Vợ được coi như một đồ vật thuộc quyền sở hữu của chồng (St 13,10-20). Khả năng sinh sản của phụ nữ bảo đảm cho họ được chồng yêu thương. Câu chuyện của Tamar và Juda (St 38) cho thấy mối bận tâm hàng đầu của phụ nữ là sinh con đẻ cái. Bản văn này còn cho thấy : 1- Phụ nữ vô sinh là đồ đáng vứt đi ; 2- Tình dục tự do của nam giới được xí xoá trong khi nữ giới phạm tội này lại bị tử hình (St 38,24).
Trong các đoạn trên, tình yêu chiếm một chỗ rất “khiêm tốn”. Trong hôn nhân, vị trí hàng đầu là sinh sản con cái ; thứ hai là thoả mãn sinh lý và thứ ba mới đến tình cảm yêu thương. Hôn nhân trước hết là một thực thể của bộ tộc mang chức năng xã hội.
Dù sao chúng ta vẫn thấy đây là một bước tiến rõ rệt so với thế giới dị giáo chung quanh: nhiều hành vi phản tự nhiên bị luật pháp Israel lên án và cấm đoán như : loạn luân (St 19,31-38), những quy tắc về nhơ uế, đồng tính luyến ái (St 18 – 19), thiêu sinh trẻ em, giao cấu với súc vật, ngoại tình (Lv 18). Điếm thánh, một cám dỗ của tôn giáo dân ngoại không ngừng mời mọc Israel, bị kết án rất nặng nề trong Đệ nhị luật (Ds 25,1-18) và các ngôn sứ.
3. Các ngôn sứ nói về hôn nhân :
Ở các ngôn sứ, chúng ta sẽ thấy khá nhiều lần họ dùng đề tài hôn nhân như hình ảnh về giao ước giữa Thiên Chúa và nhân loại. Họ không giảng thuyết về hôn nhân nhưng về giao ước giữa Thiên Chúa và dân Người bằng ngôn ngữ của con người. Từ chuyện cưới xin của con người suy ra giao ước giữa Thiên Chúa và dân Người cũng giống như cuộc hôn nhân ; ngược lại, kinh nghiệm của con người cũng được áp dụng để diễn tả thực tại thiêng liêng (tình yêu Thiên Chúa đối với dân Người) vì vậy chính nó cũng có năng lực thánh thiêng. Trong tư tưởng Sémite, hình ảnh và thực tại lẫn lộn với nhau. Vì vậy hôn nhân thực tế được sản sinh từ tình yêu giữa Thiên Chúa và dân Người. Chúng ta hãy xem những bản văn ra đời muộn thời :
a- Hosea : Hosea là ngôn sứ đầu tiên sử dụng hình ảnh hôn nhân con người để nói về tình yêu của Thiên Chúa đối với dân Người. Bối cảnh là thời kỳ đầy biến động : những người theo dị giáo, chạy theo điếm thánh với những nghi thức mang tính phồn thực mà chúng ta thấy trong các dân tộc láng giềng. Hosea lên án Israel đã “ly dị” với Thiên Chúa để “đánh đĩ” với các thần ngoại bang. Hành động của Hosea rất triệt để : ông cưới một gái điếm và luôn trung thành, kiên nhẫn yêu thương vợ mặc dù ả không chút mảy may trung thành. Trong bối cảnh văn hoá đương thời, đó là một điều không thể tin được, vì người ta rất dễ dàng ruồng bỏ vợ mình vì bất cứ lý do gì… Mục đích của Hosea là cho dân chúng thấy Thiên Chúa yêu thương vô ngần và lỗi lầm của họ đối với Người cũng không kể xiết !
b- Jeremias (ch 1 – 3) : Jeremias lấy lại biểu tượng của Hosea, trong bối cảnh đấu tranh chống việc thờ ngẫu tượng như tín ngưỡng thờ Baal và thiêu sinh trẻ em (2,34). Việc liên minh với người Assyrie được coi như Israel thiếu tin tưởng vào Thiên Chúa và đi “ngoại tình” với ngoại bang (dân ngoại). Nhưng tình yêu Thiên Chúa mãnh liệt hơn tình yêu con người, Ngài không chấp chuyện ly thân.
c- Ezechiel (16 – 23) : Ngôn sứ Ezechiel cũng sử dụng những hình ảnh về đàng điếm, ngoại tình và cuộc hôn nhân giữa Thiên Chúa với dân Người nhưng muốn làm nổi bật : 1- Tính chất nghiêm trọng về những lỗi lầm của Israel ; 2- Tình yêu vô biên của Thiên Chúa, Người sẽ tha thứ tất cả và vẫn luôn trung tín, sẽ cứu độ dân Người cho dẫu họ bất trung (ch 37). Các câu 48 và 49 của chương 23 như tiếng chuông cảnh báo của những đôi vợ chồng đã hành động theo Thiên ý trong cuộc sống lứa đôi của mình.
d- Isaia (40 – 55) : Đối với Isaia, sự đoạn giao giữa Thiên Chúa với dân Người do Israel bất trung vẫn chưa đến hồi kết thúc. Chính Người sẽ chấm dứt bằng việc tạo ra một hôn thê mới. Chương 54 nêu bật hình ảnh này của Thiên Chúa, đấng vừa sáng tạo vừa là hôn phu của dân Người và ông nhấn mạnh đến ảnh hưởng lâu bền của tình yêu khi sự kết hợp giữa Thiên Chúa với dân Người được phục hồi.
4- Suy tư về hôn nhân trong văn chương khôn ngoan :
Kể từ các ngôn sứ, hôn nhân như hình ảnh về tình yêu giữa Thiên Chúa với dân Người trở nên phổ biến ; hơn nữa, hình ảnh kẻ ngoại tình nhắc lại tình trạng của Israel đối với Thiên Chúa. Phải nói rằng, hình ảnh về hôn nhân rất thích hợp để so sánh với mối tình giữa Thiên Chúa và dân Israel : trong đời sống lứa đôi, đàn ông thống trị vợ như Thiên Chúa đối với dân Người ; chồng ra luật, vợ phải phục tùng ; vợ có thể bị trừng phạt ; người ta luôn chờ đợi phụ nữ nhu mì và tận tuỵ với công việc. Những lỗi lầm của người phụ nữ, cũng như lỗi lầm của Israel, được “bới móc” khá hả hê (xem sách Châm ngôn).
Trong văn chương không ngoan, các tác giả không mấy chú ý đến hình ảnh của lứa đôi và tình phu thê giữa Thiên Chúa-dân Israel. Hôn nhân được nhìn rõ trong tổng thể : đối với ai kính sợ Thiên Chúa, hôn nhân là một lời chúc phúc. Văn chương khôn ngoan phát triển những bức biếm hoạ cổ điển về “người phụ nữ đảm đang” (Cn 31,10-31 ; Hc 7,19 ; 25,8…) và “người đàn bà lẳng lơ” hay “người đàn bà độc dữ”. Sách Châm ngôn khơi dòng cho ước muốn nhục cảm hướng về vị hôn thê duy nhất. Trong sách Huấn ca, hôn nhân được trình bày khi thì như một đại phúc, lúc thì như một đại hoạ.
Trong sách Tobia, hôn nhân cũng được trình bày như một diễm phúc. Sách Tobia trình bày đôi lứa lý tưởng, sống thuỷ chung, tin tưởng và kính sợ Thiên Chúa ; kết hôn cũng là “tu” (cầu nguyện, tạ ơn) ; nó được thánh hoá nhờ lời cầu nguyện của đôi bạn và kháng cự được quyền lực của ma quỷ. Đời sống hôn nhân và gia đình hoàn toàn phó thác vào bàn tay Đấng Quan Phòng. Chính điều này hoàn thiện cuộc hôn nhân lý tưởng được trình bày trong sách Sáng thế chương 1 và 2.
Sách Diễm ca thoát thai từ một bài thơ về tình yêu phàm tục của con người, mang đậm nét gợi cảm, thậm chí cả gợi dục nữa. Sau đó nó lại được giải thích dưới ánh sáng tượng trưng của các ngôn sứ như chúng ta thấy ngày nay. Trong Thánh kinh không có chỗ cho tính dục (vốn thuần tuý thuộc về phàm tục) nhưng lại có tâm linh. Vả lại, người ta thích sử dụng nhiều huyền nhiệm hơn là thứ ngôn ngữ tình yêu của con người để nói về những kinh nghiệm thần bí của mình.
Kết luận
Trong Cựu Ước, chúng ta thấy rõ ràng có sự xung khắc giữa hai quan niệm về hôn nhân :
Một quan niệm coi hôn nhân như là sự kiện toàn lời và ý muốn từ thuở khai thiên lập địa của Tạo Hoá.
Quan niệm khác cho rằng, hôn nhân là bi kịch của con người mang dấu ấn của tội lỗi, vì vậy nó thể hiện tình trạng suy thoái tất yếu : ngay cả trong những cặp vợ chồng lý tưởng (Sarah/Abraham, Rebecca/Jacob, Anna/Elqana) vô sinh cũng bị coi như một lời nguyền rủa của Thượng Đế. Tình trạng nhất phụ thuở ban đầu không kéo dài mãi được. Những cuộc hôn nhân vì tình yêu không thành công (như Samson, Tl 14,1-4 ; 12-20 ; 16,4-21). Đam mê tình yêu được trình bày một cách tiêu cực (St 34 ; 2 Sm 13,1-38 ; David và Bethsabée). Những biến thái của tính dục đều bị lên án. Đó là một bước tiến so với tình hình hôn nhân trong các nền văn minh lân cận.
Sự xung khắc này được giải toả bằng cách chờ đợi sự cứu chuộc của lứa đôi : hình ảnh về đôi lứa hoàn hảo được xây dựng trên mối tình giữa Thiên Chúa với dân Người đạt đến viên mãn trong sự cứu chuộc cuối cùng thuộc về thời hậu thế. Đối với các ngôn sứ, tình yêu là một giá trị tuyệt đối. Tình yêu giữa Thiên Chúa với dân Người là mẫu mực cho mọi đôi lứa phàm trần : hơn mọi đức lang quân khác, Thiên Chúa yêu thương, đau khổ và tha thứ. Vào thời sau hết, chính Người sẽ tái lập lại tương quan vợ chồng (Ed 16,61-63). Nhưng không bao giờ hình ảnh con người được trình bày vì chính nó : chính trong giao ước mới mà hôn nhân khôi phục lại được hình ảnh của nó.
II. TRONG TÂN ƯỚC
A. Giáo thuyết của Tân Ước về hôn nhân
1. Tính bất khả phân ly :
Mt 19 (// Mc 10,1-12 // Lc 16,18) là nền tảng của giáo thuyết mới về hôn nhân. Những người Pha-ri-sêu muốn gài bẫy Đức Giê-su bằng cách đặt vấn nạn về ly dị mà Moses đã cho phép. Đối chiếu với luật Moses, Đức Giê-su nhắc lại ý muốn của Thiên Chúa sáng tạo trong St 1,27 và 2,24. Logion của Đức Giê-su được hiểu theo nghĩa tuyệt đối : không có chuyện ly dị. Câu số 9 được thêm vào (“ngoại trừ trường hợp porneia”) không có trong diễn từ nguyên thuỷ. Trái ngược với các trường phái rabbi đương thời, nguyên tắc của Đức Giê-su hình như không chấp nhận trường hợp ngoại lệ nào. Nhưng đồng thời, chúng ta cũng thấy Đức Giê-su từ chối hình phạt dành cho người phụ nữ ngoại tình : vì vậy các Tin mừng trình bày điều này vừa như một mệnh lệnh đòi buộc vừa như một nỗi niềm trắc ẩn.
Mt 19 phải được đọc dưới ánh sáng của những dữ kiện xã hội thời bản văn ra đời.
Giáo hội thời các thánh Tông đồ cũng có trường hợp ngoại lệ về lệnh truyền của Đức Ki-tô : đó là trường hợp hôn nhân hỗn hợp, khi một người tín hữu đã có gia đình từ chối tiếp tục chung sống hoà hợp với người kia vì lý do tín ngưỡng (tin vào Đức Ki-tô). Các nhà chú giải coi 1 Cr 7,12-16 như là trường hợp hôn nhân tự huỷ. Trường hợp tiêu hôn này rất dè dặt : chỉ được phép khi người vô tín chủ động tuyệt giao trước, còn nếu người tín hữu đã kết hôn với người vô tín nhưng người đó chấp nhận đức tin của bạn mình thì họ không được “đường ai nấy đi”. Chúng ta thấy vị tông đồ dân ngoại có hai thái độ về chủ đề hôn nhân hỗn hợp :
– Khi đôi vợ chồng lương dân, nếu một trong hai tòng giáo thì hôn nhân của họ không có gì thay đổi và thánh Phaolo rất khoan dung đối với họ (1 Cr 7).
– Ngược lại, nếu một tín hữu nam hay nữ muốn kết hôn với một người vô tín, thánh Phaolo hoàn toàn chống đối (2 Cr 6,14-16).
2. Kết hôn và sống “trong Đức Ki-tô” :
Việc sống “trong Đức Ki-tô” đối với thánh Phaolo có tầm quan trọng rất đáng kể cả trên bình diện hữu thể lẫn luân lý. Trên bình diện hữu thể, người Ki-tô hữu, nhờ phép rửa tội đã trở thành một con người mới, nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, họ có thể thực hiện ý muốn của Thiên Chúa. Người Ki-tô hữu chỉ có thể sống trong Thiên Chúa dưới tác động của ân sủng nhờ bí tích rửa tội, theo đúng luật yêu thương của Đức Ki-tô. Trên bình diện luân lý, căn tính mới này của Ki-tô hữu thúc đẩy họ chấp nhận một lối ứng xử nhất định và lựa chọn lối sống hoà hợp với đức tin.
Bình diện hữu thể làm nảy sinh một định nghĩa mới của thần học về hôn nhân. Nếu hôn nhân hỗn hợp chấp nhận nguyên tắc tự huỷ thì hôn nhân giữa những người Ki-tô hữu sao lại không như vậy. Thật vậy, tính bí tích của hôn nhân Ki-tô giáo bắt nguồn từ bí bí tích rửa tội. Được rửa tội, tín hữu trở thành một con người mới, được sáp nhập hoàn toàn vào mầu nhiệm Chúa Ki-tô.
Nhưng, Tân Ước còn rao giảng về mầu nhiệm Chúa Ki-tô dưới hình thức tương tự như một cuộc hôn nhân : qua cái chết trên thập giá, Đức Ki-tô đã chuộc Giáo hội khỏi mọi tội lỗi và kết hôn với Giáo hội đến muôn đời. Trong mình, hôn lễ giữa Đức Ki-tô và Giáo hội vẫn tiếp tục là một mầu nhiệm của đức tin, điều này được chứng nhận dựa trên những bản văn sau :
* Mt 19,15 (// Mc 2,19-20 // Lc 5,34-35) : các môn đệ được bước vào tiệc cưới huyền nhiệm trong Nước Trời với tư cách là “những người bạn của Chàng Rể”.
* Mt 22,1-14 : dụ ngôn về tiệc cưới.
* Mt 25 : Nước Trời được so sánh như một bữa tiệc cưới.
* 2 Cr 11,2 : “… tôi đã đính hôn anh em với một người duy nhất là Đức Ki-tô để tiến dâng anh em cho Người như một trinh nữ thanh khiết”.
* Ep 5,21-32 : Đức Ki-tô – tân lang là mẫu mực cho các đôi vợ chồng.
* Ga 3,29 : Gioan Tẩy Giả xuất hiện như “bạn của chú rể”.
Cuộc sống của những người đã được rửa tội là được tham dự vào cuộc hôn nhân huyền nhiệm này. Vì tình yêu của Đức Ki-tô đối với Giáo hội là duy nhất, toàn hảo và vĩnh cửu nên người Ki-tô hữu phải kết hợp với Đấng họ tuyên xưng. Chính vì vậy trong trường hợp “đường ai nấy đi”, thời Giáo hội sơ khởi không có chuyện tái hôn (1 Cr 7,10-11).
B. Luân lý hôn nhân
1. Luân lý gia đình của lương dân
Luân lý hôn nhân như chúng ta thấy trong các văn phẩm Tân Ước không có gì đặc sắc so với triết lý của dân ngoại được phổ biến thời bấy giờ ; chúng ta bắt gặp những khái niệm cơ bản như : vợ vâng phục chồng, trật tự gia đình. Nền tảng này xuất phát từ triết học Khắc Kỷ và Do Thái giáo Hy Lạp hoá và có lẽ hoà nhập với “gia luật” của La Mã. Những khái niệm cơ bản cổ xưa này được phổ biến trong các tác phẩm bình dân. Nét đặc sắc duy nhất của Tân Ước là nội dung mang tính đặc thù của Ki-tô giáo nhưng được lồng vào nền luân lý có nguồn gốc từ dân ngoại.
Vai trò của người phụ nữ thời Tân Ước – chúng ta đã nói qua – được xác định bằng hai hoạt động, làm mẹ và làm kinh tế. Làm mẹ, vì người phụ nữ phải bảo đảm sự tồn vong của bộ tộc hay gia tộc, bổn phận sinh sản và giáo dục con cái rất nặng nề. Nhưng họ còn có chức năng kinh kế với những công việc tay chân như dệt vải (x. Cn 31,10-31) : chính họ lo chuyện may mặc cho cộng đồng và các thành viên trong gia đình. Phạm vi của phụ nữ thường quanh quẩn trong nhà (có khi ở trong khuê phòng). Họ không cần phải học hành, hoạ hiếm mới có người được ăn học. Phạm vi của đàn ông ở ngoài xã hội.
Nhưng có lẽ có một số nơi, nhất là ở Hy Lạp, vào thế kỷ thứ nhất, có một thời phụ nữ được giải phóng. Chính sự giải phóng phụ nữ này dẫn đến những thái độ hay cách ứng xử (phụ nữ không đeo mạng, có quyền phát biểu) ít nhiều đụng chạm với những người cố duy trì khuôn mẫu truyền thống.
2. Tư tưởng thánh Phaolo : vấn đề che mạng : [lời kêu gọi chính thức : Rm ; 1 và 2 Cr ; Gl, Pl, Plm, 1 Tx]
Chúng ta tìm những yếu tố chính yếu của chiều kích luân lý trong đoạn đầu của thư gởi tín hữu Corintho : 1 Cr 11,3. Đoạn này đáng để chúng ta dừng lại ở đây : thánh Phaolo cấm các phụ nữ bỏ khăn trùm đầu cũng như cấm mốt “nữ quyền” ; theo M. Hubaut, vấn đề ở đây là để tránh tình trạng không phân biệt giới tính có thể gây xáo trộn cho một vài thành viên trong cộng đoàn và làm mất uy tín của cộng đoàn tôn giáo. Chúng ta có thể liên tưởng đến những Ki-tô hữu giả trang. Riêng cá nhân thánh Phaolo hình như ngài không thấy có gì phiền phức lắm : chính ngài nhờ các Ki-tô hữu ở Roma lưu tâm đến nữ trợ tá Phoibe (Rm 16,1). Theo nhiều nhà chú giải, chắc chắc Phoibe là người đại diện của công đoàn Kenkriai (ở Hy Lạp) và thánh Phaolo thấy điều ấy là chuyện thường tình. Tuy nhiên, chúng ta lại thấy bản văn này (1 Cr 11,3) khó lòng để biện minh cho chuyện bắt buộc phụ nữ che mạng. Thật vậy, nó chỉ là nền tảng Thánh kinh của việc phụ nữ tùng phục chồng :
* Phụ nữ được sáng tạo vì đàn ông chứ không phải ngược lại (11,8-9).
* Nam giới là phản ảnh của Thiên Chúa chứ không phải là nữ giới vốn chỉ là hình ảnh của người nam (11,7). Đây là một suy tư thiếu nền tảng Thánh kinh nếu chúng ta nhớ lại những gì đã nói về St 1,27 !
* “Do các thiên thần” (11,10) : trong truyền thống Do Thái, tấm mạng là vật bảo vệ chống những xúi giục và sức mạnh của ma quỷ (ở đây nói đến các thiên thần sa ngã).
* Những lề thói (11,13-14) có lẽ đây là trở ngại lớn nhất của việc giải phóng phụ nữ : theo truyền thống, tốt hơn phụ nữ nên im lặng, vâng lời, che mạng để bày tỏ vị trí thấp kém của mình. Luận chứng được rút tỉa từ bản tính này (câu 14) là của phái Khắc Kỷ. Như vậy, thánh Phaolo bảo vệ trật tự đã ổn định : Ki-tô giáo không phải là một cuộc cách mạng, họ chỉ sống thân phận hiện tại trong Đức Ki-tô ; cũng vậy, thánh Phaolo không hề tuyên bố chống chế độ nô lệ (Plm), cũng chẳng đấu tranh chống chính quyền, dù chính quyền ấy bức hại đạo giáo (Rm 13,1-7). Đối với phụ nữ cũng vậy. Chỉ cần sống trong Đức Ki-tô, những thức khác tất sẽ xuôi buồm thuận gió.
* Đó là tập quán quen thuộc của các cộng đoàn Ki-tô giáo (11,16) : luận chứng này được đưa vào nhằm cắt đứt mọi tranh cãi cho thấy hình như thánh Phaolo cũng nhận thấy mình hơi bị… đuối lý ! Vì vậy những lý do ngài đưa ra để biện minh cho việc che mạng được nhìn nhận như những mệnh lệnh mang tính lịch sử, văn hoá và là những đòi hỏi cần thiết của việc mục vụ hơn là mạc khải của Thiên Chúa.
3. Các thư khác :
– Cl 3,18-19 : “Người làm vợ hãy phục tùng chồng, như thế mới xứng đáng là người thuộc về Thiên Chúa. Người làm chồng hãy yêu thương chứ đừng cay nghiệt với vợ.” Câu châm ngôn này có nguồn gốc từ văn hoá Hy Lạp (thành ngữ của phái Khắc Kỷ). Đoạn kết tiếp (phụ nữ-trẻ em-nô lệ) rõ ràng có nguồn gốc từ dân ngoại và dân gian (gia luật của triết lý bình dân). Bản văn chỉ thêm một mệnh đề rất ngắn “trong Chúa Ki-tô”. Cần phải hiểu rằng, những lề thói của dân ngoại có giá trị của nó và càng có ý nghĩa hơn đối với các Ki-tô hữu. Vì vậy, tương quan Ki-tô giáo với đoạn văn này bị giản lược rất nhiều.
– Ep 5,21-33 : Bản văn lấy cảm hứng từ đoạn trên nhưng được khai triển theo cách hoàn toàn khác hẳn. Thật vậy, chúng ta tìm thấy cấu trúc truyền thống của các bộ gia luật. Nhưng có nhiều nét mới : dù là đàn ông hay đàn bà, khuôn mẫu của mọi hành vi ứng xử của họ chính là Đức Ki-tô (21). Đối với người làm chồng, Đức Ki-tô thương khó là gương mẫu (25). Tác giả lấy lại ý của St 2,24 (câu 31) và áp dụng cho lối xử ứng của người chồng như Đức Ki-tô đối với Giáo hội. Tình yêu của Đức Ki-tô đối với Giáo hội được diễn tả bằng những từ ngữ của tình yêu hôn nhân. Lại nữa, cao điểm của bản văn nhấn mạnh đến mầu nhiệm của Đức Ki-tô và của Giáo hội chứ không phải hôn nhân nhưng đôi hôn phối vẫn có thể coi như gương mẫu để noi theo.
Đoạn văn này chắc chắn là tác phẩm của một người “làm thần học”. Trong bối cảnh mà viễn cảnh về cuộc giáng lâm sắp đến dường như quá xa vời ; chuyện hôn nhân không có gì xấu cả. Vì vậy tác giả giải thích lại dữ kiện nguyên thuỷ của St 2,24 về hôn nhân và khoác cho nó nội dung Ki-tô học và thần bí, rồi đến lượt nó lại làm sáng tỏ cho hôn nhân con người. Kể từ đó, vợ chồng có thể dựa vào gương mẫu của sự kết hợp giữa Đức Ki-tô va Giáo hội. Thuật ngữ “mầu nhiệm” (mysterion) giúp chúng ta hiểu một cảm nhận như thế về hôn nhân.
– 1 P 3,1-7 : chắc chắn bản văn này được viết vào khoảng năm 80 (chừng 15 năm sau ngày vị tông đồ qua đời). Nó trình bày nét đại cương về thời đại hơn bản văn trên. Tác giả là người phụ trách cộng đoàn theo truyền thống của thánh Petros. Khuynh hướng chính là mục vụ chứ không phải thần học. Chúng ta sẽ thấy những yếu tố truyền thống về triết lý bình dân của những lề thói đáng trân trọng (xem 2,13-25) trong những tương quan giữa người với người. Do Thái giáo ở Alexandria góp thêm khuôn mặt của những “vị thánh ngày xưa” hay gương mẫu của thời các tổ phụ. Người ta có thể thêm vào đó một lời giảng dạy của cộng đoàn dựa trên phản đề giữa “trang điểm bên ngoài” với “nội tâm thầm kín” (3,3). Y phục phụ nữ được biện hộ bằng xu hướng mục vụ (chúng ta hãy nhớ lại bối cảnh hôn nhân hỗn hợp). Đoạn nói về các đức ông chồng (3,7) không có gì đặc sắc nhưng hành vi của bậc nam nhi (tôn trọng và cảm thông) được xác định bằng việc hướng đến đời sống tâm linh (sống hoà hợp với Thiên Chúa). Bản văn không tham chiếu trực tiếp vào Đức Ki-tô, trái ngược với 1 P 2,18-25 (các nô lệ).
Như vậy chúng ta thấy cấu trúc những bản văn này theo một lược đồ truyền thống có khuynh hướng giới hạn vào những nguyên lý “tam tòng” của phụ nữ. Người ta hài lòng với việc thêm vào bài giảng truyền thống dáng vẻ Ki-tô giáo mà không chú ý đến suy tư nền tảng về hôn nhân. Phần lớn các đề tài đều tìm kiếm sự hoà hợp trong hôn nhân và sự phục tùng của phụ nữ đối với chồng trong một cộng đoàn được hội nhập vào chương trình cứu độ mang tính duy nhất.
C. Hôn nhân và độc thân trong Tân Ước
Trong Tân Ước, hôn nhân và độc thân luôn được suy tư cùng nhau : Mt 19 mở đầu bằng một vấn nạn về hôn nhân và kết thúc lại nói về độc thân.
Dữ kiện nền tảng là viễn cảnh về thời hậu thế : vì trong Vương Quốc người ta không còn dựng vợ gã chồng nữa nên độc thân là tham dự trước vào tình trạng này trong khi mọi Ki-tô hữu đều là những con người mới luôn hướng đến thế giới mai sau. Vào thời buổi mà người ta tin rằng Đức Ki-tô sắp đến trong nay mai, chắc chắn viễn cảnh này đóng một vai trò rất lớn trong việc tiết chế. Đó là nền tảng những suy luận của thánh Phaolo (1 Cr 15 ; 1 Cr 7). Ngoài ra, nhờ được giải phóng khỏi trách nhiệm gia đình và hôn nhân, người độc thân vì Nước Trời có thể dâng hiến hết năng lực của họ cho việc nhà Chúa. Điều đó chứng tỏ rằng, đối với người Ki-tô hữu, không có gì quan trọng hơn việc dâng hiến đời mình cho Thiên Chúa. Sống trong Đức Ki-tô, theo lý tưởng của các Ki-tô hữu tiên khởi, ít bị ràng buộc hơn những người có gia đình.
Cần phải thêm vào đó một phản ứng đối với vấn đề mà người ta gọi là “cuồng loạn tính dục” của người Hy Lạp (Schillebeeckx). Chính vì vậy thánh Phaolo khuyên nên sống độc thân – để cuộc sống được thanh thản. Độc thân là một sự bài xích tượng trưng đối với mọi rối loạn tính dục – porneia dưới đủ mọi hình thức. Độc thân vì Nước Trời là một hồng ân của Thiên Chúa (Mt 19,12), là một ơn gọi. Nó vượt qua mọi căng thẳng thường núp bóng giữa một bên là nền tảng tốt đẹp của hôn nhân và một bên là lời mời gọi hướng về thế giới tương lai. Nhưng quan niệm về tính tối hậu của độc thân không phải lúc nào cũng gợi lên tình trạng này mà không mâu thuẫn với tình trạng kia hay không làm giảm giá trị của hôn nhân.
Cuối cùng chúng ta cần khẳng định rằng, tính dục trong hôn nhân chẳng hạ thấp phẩm giá cũng không đánh mất giá trị con người. Nhưng nó thuộc vào phạn vi phàm tục. Trong hôn nhân, tính dục là điều tốt đẹp nhưng với điều kiện đừng quên rằng bản chất của nó là Đức Ki-tô.
KẾT LUẬN CHUNG
Chúng ta nhận thấy Tân Ước nói rất ít về vấn đề sinh sản – trong Sáng thế cũng vậy. Thực tại của hôn nhân chỉ tập trung vào chính đôi bạn ; chính họ tái hiện trong đời sống lứa đôi sự kết hợp mang đặc tính của những môn đệ Đức Ki-tô. Với tư cách là những người đã được rửa tội, họ tham dự vào phẩm giá cao quý của người được làm con Thiên Chúa, trở thành những chi thể liên kết với thân thể nhờ đức bác ái. Việc song hành với sự kết hợp giữa Đức Ki-tô và Giáo hội không thích ứng lắm với việc sinh con đẻ cái vốn chỉ là hệ quả của hôn nhân nhưng không thuộc về bản thể của nó.
Dù gì đi nữa, chúng ta cũng thấy đoạn cuối của mạc khải Thánh kinh một tổng thể thiết thực và gắn kết chặt chẽ với hôn nhân. Nó được đọc đi đọc lại trong Giáo hội hàng thế kỷ và chạm trán với nhiều trào lưu tư tưởng nhân loại.
Bùi Minh Đức (tổng lược)
Thời sự Thần học – số 32, tháng 6/2003
Để hiểu thêm, xin xem:
– J. Cambier: “Le grand mystère en Eph. 5,22-23, biblica 47, 1996/1-2
– J. Cottiaux: La sacralisation du mariage de la Genèse aux incises mathéennes, Cerf 1962.
– P. Grelot: Le couple humain dans I’Ecriture, “Lectio Divina” 31, Paris Cerf 1962.
– E. Schillebeeckx: Le mariage. Réalité terrestre et mystère de salut. Coll. “Cogitatio fidel” 20, Paris Cerf 1966.
– J. Schmitt: “La mparénèse aux gens maríes dans les tsxtes subapostoliques”, Colloque sur le mariage, Strasbourg 1980, Revue de droit canonique XXXI/1, mars 1981, 6-21
– K. Stevenson: “Le rite chrétien du mariage a-t-il une origine juive?” Le mariage. Conférences Saint-Serge, LX semaine d’étude liturgique (Paris 1993). Ed A. M. Triacca-A. Pistola. Bel Subsidia 77, Rome 1994.
– See more at: http://lamhong.org/2014/02/10/tinh-yeu-va-hon-nhan-trong-thanh-kinh/#sthash.3qnzMZca.dpuf