Tình Yêu tột cùng: Chết thay!

LoiChua - Tình Yêu tột cùng: Chết thay!

Trang Tin mừng vừa nghe, ta nhận ra một khía cạnh rất quan trọng của thần học thánh Gioan về cái chết của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu, Đấng đến trần gian để mang lại cho chúng ta sự sống dồi dào, đã chết không chỉ để cho mỗi người chúng ta có sự sống này nhưng còn “để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối”. Đối với Chúa Giêsu, điều quan trọng nhất chính là sự hiệp nhất giữa tất cả mọi người. Không ai có thể tự cô lập mình khỏi những người khác, và nói với Chúa Giêsu rằng: “Lạy Chúa, con và Ngài, Ngài và con, điều này sẽ luôn như vậy”. Chúa Giêsu muốn chúng ta trải nghiệm ơn cứu độ trong tình liên đới (hiệp thông) với nhau.

Hẳn ta còn nhớ đến khuôn mặt dễ thương mang tên Maximilianô Kolbe.

Maximilianô Kolbe người Ba Lan thuộc dòng thánh Phanxicô rất hăng say hoạt động. Cha tình nguyện sang truyền giáo ở Nhật Bản, chuyên ngành in ấn sách báo. Sau đó, vì bị bệnh đau phổi, cha phải về lại Ba Lan điều trị.

Ở chiến tranh thế giới thứ II, quân đội Phát Xít Ðức đã chiếm đóng Ba Lan, chúng thấy cha có ảnh hưởng mạnh trên quần chúng, nên đã bắt giam vào ngục. Một ngày nọ, trại giam của cha có một tù nhân vượt ngục. Sáng hôm sau, lúc điểm danh viên sĩ quan cai tù phát giác ra thiếu mất một người, viên sĩ quan liền áp dụng ngay luật lệ của Phát Xít Ðức: “Hễ một tù nhân trốn thoát thì mười tù nhân khác phải đền mạng”. Viên sĩ quan cai tù đang rão bước gọi tên chọn 10 tù nhân sẽ phải chết, chợt có tiếng kêu thất thanh: “Khốn cho tôi, tôi còn vợ và một đàn con nhỏ”.

Giữa bầu khí thinh lặng và rùng rợn ấy, một tù nhân đứng ra khỏi hàng, đứng im cách nghiêm chỉnh. Viên sĩ quan Ðức quát lớn và hỏi: “Mi là ai?”, và người đứng ra khỏi hàng ấy trả lời: “Tôi là Maximilianô Kolbe, linh mục Công giáo”. “Mi muốn gì?” Cha Maximilianô Kolbe trả lời: “Tôi xin tự nguyện chết thay cho anh bạn tù này”. Viên sĩ quan nói tiếp: “Vào xếp hàng thế chỗ đi”. Mọi tù nhân có mặt trên sân đều ngơ ngác ngạc nhiên và thán phục. Cha Maximilianô Kolbe đã chấp nhận chết thay cho người bạn tù.

Ngay ngày lễ phong thánh của cha Maximilianô Kolbe tại Rôma, có sự hiện diện của người bạn tù mà cha đã chết thay cho anh. Anh được đại diện lên dâng của lễ, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nói về mẫu người hy sinh mạng sống mình của cha Maximilianô Kolbe như sau: “Ước gì sự sống và gương sáng của thánh Maximilianô Kolbe hướng dẫn chúng ta biết yêu thương chân thành, yêu thương vô vị lợi, xứng với địa vị là người Kitô hữu đúng nghĩa đối với tất cả anh chị em trong một thế giới mà hận thù không ngừng dày xéo cuộc sống con người”.

Và đã có 26 nhà truyền giáo Công Giáo bị giết chết trong năm 2011, trong số đó có 18 linh mục, 4 nữ tu và 4 giáo dân. Các nhà truyền giáo này đã can đảm loan báo Tin Mừng qua đời sống phục vụ người nghèo, thăng tiến xã hội trong những hoàn cảnh khó khăn, nguy hiểm. Các ngài phải trả giá bằng cái chết như Thầy mình, để đem lại sự sống cho nhiều người. Đức Giêsu đã vui lòng trao ban sự sống mình, vì biết rằng cái chết của Ngài không chỉ thay cho dân Do Thái mà thôi, nhưng còn có sức qui tụ nhân loại đang bị phân rẽ, chia cắt khắp nơi trên thế giới về một mối. Ngài mong mọi người sẽ qui tụ trong gia đình của Thiên Chúa, nơi mọi chia rẽ, đối nghịch sẽ tiêu tan.

Phải! Chết thay có thể là một hành động do hận thù, bất công. Nhưng đối với tình yêu Chúa, người Kitô hữu có thể hiến mạng sống mình cho anh chị em. Ðó là một hành động của tình thương và nó sẽ khơi dậy những chuỗi tình thương tiếp nối. Chúa Giêsu Kitô đã trải qua kinh nghiệm này. Những người Do Thái không tin vào Chúa Giêsu, muốn bắt Chúa phải chết thay để người Roma không đến hủy diệt dân tộc Do Thái. Nhưng trong chương trình cứu rỗi nhiệm mầu của Thiên Chúa Cha, Chúa Giêsu chấp nhận tự hiến, chịu chết thay để mọi người được sống và được sống đời đời. Bài Tin Mừng hôm nay nhắc lại cảnh đời trớ trêu của Chúa như sau: “Quí vị không nghĩ rằng, thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt”.

Những người Do Thái không tin đã nhìn nhận những hành động của Chúa Giêsu trong một lăng kính phàm trần, đầy màu sắc chính trị. Họ đã thắc mắc: Chúng ta phải xử trí sao đây? Vì Người này làm nhiều phép lạ. Nếu chúng ta cứ để Người như thế này thì mọi người sẽ tin theo và quân đội Rôma sẽ kéo đến phá hủy nơi này và dân tộc ta”. Chúng ta lưu ý lối lý luận lộn xộn của người Do Thái không tin rằng: “Nếu dân chúng tin Thiên Chúa thì quân đội Rôma sẽ kéo đến phá hủy thành Giêrusalem và dân tộc Do Thái”.

Dân chúng tin theo Chúa là việc thuộc lãnh vực tôn giáo, còn quân đội Rôma đến phá hủy là việc chính trị. Vậy làm sao việc tôn giáo có thể kéo theo hậu quả của việc chính trị như vậy được? Nhà cầm quyền Rôma thời đó cho người Do Thái được tự do hành đạo, mà quan Philatô đâu có muốn kết án tử hình Chúa Giêsu vì lý do tôn giáo, vì những tranh tụng tôn giáo giữa Chúa và những vị lãnh đạo của dân chúng đối chất. Trước mặt quan Philatô, họ phải tố cáo Chúa Giêsu về một tội chính trị, đó là xúi dân làm loạn, không nộp thuế cho Xêsarê.

Thực là trớ trêu, nhưng Chúa Giêsu không phản đối, không dùng uy quyền của một vị Thiên Chúa để trốn thoát. Khi giờ Ngài đến, Chúa Giêsu im lặng tiến vào cuộc thương khó, chịu đòn, chịu đóng đinh trên Thập Giá để cứu chuộc nhân loại tội lỗi, để hòa giải và liên kết con người với Thiên Chúa Cha và với nhau. Những đồ đệ của Chúa được mời gọi để hiến dâng như vậy.

Ðức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, tác giả tập sách “Ðường Hy Vọng” đã khuyên nhủ những người con tinh thần của mình như sau: Ðây là bằng chứng để ta biết được lòng mến, là Ðấng ấy đã thí mạng sống vì ta và ta, ta cũng phải thí mạng sống vì anh em. Con hỏi cha: Ðâu là mức độ dấn thân?” Cha trả lời rằng: “Hãy làm như Chúa Giêsu thế mạng sống”. Nếu con tuyên bố rùm beng, hoạt động khơi khơi, sống đạo lè phè, con sợ cơ cực, sợ nghèo, sợ tù, sợ chết. Nếu con dấn thân theo lối cứu viện cho người thắng trận, thì thôi nên dẹp tiệm, dấn thân trá hình, dấn thân thương mại. Những người khác quanh con đang đau thương khốn khổ trên đường mịt mù, sao con không đến với họ.

Ðời ta phải hiến dâng để bắc nhịp cầu hy vọng đưa họ đến với Chúa là cùng đích, là tình yêu, là tất cả. Bên Chúa, nhân loại không còn ai là xa lạ, nhưng tất cả là anh em với con. Và ta xin Chúa cho ta cố gắng chấp nhận hao mòn từng giây phút và sẵn sàng tiêu hao để chinh phục anh em về với Chúa. Hãy sống kết hiệp với Chúa để có đủ sức mạnh biến cảnh phải chết thay vì bất công, mưu mô ích kỷ trở thành một hiến lễ chịu chết thay để đưa anh em về với Chúa.

Huệ Minh



Exit mobile version