Tình yêu hơn lề luật

LoiChua - Tình yêu hơn lề luật

Người Do Thái rất tôn trọng lề luật, nhất là luật về ngày sa-bát. Nhưng họ tôn trọng một cách thái quá đến việc giải thích sai lạc. Và Chúa Giêsu đã lên án họ về cách giải thích sai lạc này, nhất là giải thích sai lạc về luật ngày sa-bát. Họ trách cứ các tông đồ bức lúa mà ăn trong ngày sa-bát mà họ lại quên đi giới răn yêu thương nhân hậu. Mặt khác, họ không biết rằng Con vua Đa-vít, là Con Người, còn cao trọng hơn cả đền thờ nữa, Người đã được Thiên Chúa ban cho quyền giải thích việc giữ luật ngày sa-bát. “Ngày sa-bát vì con người, chứ không phải con người vì ngày Sabát”.

Nhóm biệt phái coi Chúa Giêsu như là đối thủ, họ thường hay bắt bẻ Chúa và các môn đệ về những chuyện lặt vặt như rửa tay trước khi ăn, giao tiếp chuyện trò với dân ngoại và người tội lỗi… Hôm nay họ lại bắt lỗi các môn đệvề việc bứt bông lúa miến mà ăn trong ngày Sabbat. Nhân việc này Chúa Giêsu dạy một bài học phải đối xử với nhaubằng tấm lòng yêu mến chân thành vì Thiên Chúa ưa thích lòng nhân từ chứ không cần hy lễ.

Những biệt phái thông luật lại không nắm được cái cốt tuỷ của lề luật đó là sự yêu thương và lòng nhân hậu. Chúa Giêsu là Đấng Mê-si-a đến để chấn chỉnh lại lề luật, Ngài muốn con người được yêu thương và được sống. Đa-vít khi đói còn được ăn “bánh tiến” nữa là… Thế nên, sự sống con người quý trọng hơn thái độ nệ luật biết bao. Nếu chúng ta giữ luật mà không chú trọng đến trọng tâm của luật thì luật chỉ còn là gánh nặng và là xích xiềng ràng buộc chúng ta.

Chúa Giêsu luôn luôn huấn luyện các môn đệ không chỉ bằng lời giảng dạy, nhưng còn bằng việc làm, bằng thái độ và gương sáng đời sống của Người. Chúa chữa lành những người tật nguyền, ủi an những người sầu khổ, và phục sinh kẻ chết. Chúa bày tỏ lòng nhân từ đối với những kẻ tội lỗi và làm cho con người nhận ra tình yêu thương tha thứ của Thiên Chúa.

Sống ở đời “nước trong quá thì không có cá, người xét nét quá thì không có bạn”. Cũng vậy, lề luật chỉ là phương tiện ví như con thuyền đưa lữ khách qua sông. Đến bến bờ rồi, người lữ khách phải để lại con thuyền ở đó mà tiếp tục hành trình. Nhóm biệt phái chỉ giữ luật một cách máy móc hình thức, nô lệ cho luật mà quên rằng tinh thần của luật mới là điều quan trọng.

Một lần nữa Chúa Giêsu đặt lại bậc thang giá trị của luật. Thời các ngôn sứ đã qua đi, Chúa Giêsu đến để mở ra một thời kỳ mới đầy tự do với luật yêu thương, một giới luật được viết trong trái tim mỗi người. Tình yêu ấy thấm đẫm từng trang Tin Mừng. Mỗi bước chân Chúa đi tới đâu là mọi người được thi ân giáng phúc tới đấy. Nơi này Chúa chữa người bại liệt, chỗ khác Người cho kẻ chết sống lại. Chúa Giêsu đến để thực hiện sứ mạng của Đấng Mêsia là cứu rỗi con người. Nếu việc giữ luật làm cho con người cảm thấy nặng nề, bế tắc, tình huynh đệ bị tổn hại thì lề luật đó khác nào cái ách đè lên đầu lên cổ người khác. Thiên Chúa muốn con người sốnglề luật để tăng tưởng về đức tin với Thiên Chúa và tăng thêm tình yêu mến với tha nhân đồng loại thì việc giữ luật đó mới có ý nghĩa.

Ngày xưa biệt phái thuộc cả một “rừng luật” còn xã hội hôm nay thì xử với nhau bằng “luật rừng”, đây là một vấn đề nhức nhối. Sống trong một xã hội còn nhiều bất công, người ta dùng luật để đàn áp, công kích nhau hơn là để xây dựng, lòng người trở nên hẹp hòi ích kỷ, tình tương thân tương ái cạn kiệt, héo hon. Một khi thế giới này vắng bóng yêu thương thì hệ lụy của nó là sự bất chính, gian dối, lừa đảo và mọi thứ xấu xa khác. Hơn lúc nào hết người kitô hữu chúng ta phải soi mình vào gương sống của Chúa Giêsu để hiểu thế nào là tình yêu thương. Bởi lẽ Ngài chính là gương mẫu phản ánh dung mạo và tình yêu của Thiên Chúa Cha và đã yêu mến vâng phục ý Cha một cách trọn vẹn.

Để diễn tả kinh nghiệm về tình yêu đối với Thiên Chúa Cha, Ngài nói: “Thầy và Cha Thầy là một”. Tình yêu càng sâu đậm bao nhiêu, sự gắn bó càng bền chặt bấy nhiêu. Bản chất của tình yêu là sự trao hiến, “ở lại” trong người khác và được nên một với nhau. Điều này Chúa Giêsu đã khẳng định rõ ràng “Ai yêu thương thì ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lại trong người ấy”. “Ở lại” để thuộc về nhau một cách trọn vẹn. Đức Giêsu Kitô đã không ngần ngại xóa mình đi, bỏ địa vị làm Con Thiên Chúa nhập thể vào trần gian mặc lấy thân phận con người bé nhỏ để ở lại với con người mãi mãi.

Chúa chú trọng đến tâm tình bên trong hơn là hình thức bên ngoài. “Hãy xé lòng chứ đừng xé áo”. Và người hằng đề cao, quan tâm đến hạnh phúc của con người trước, chứ không chỉ đề cao lề luật. Trong Tin mừng hôm nay một cách cụ thể : Chúa quan tâm đến các môn đệ đang đói hơn là chỉ chú ý đến việc chu toàn lề luật kiêng việc phần xác ngày sa-bát. Qua đó, Chúa bày tỏ tâm tình : “Ta muốn lòng nhân, chứ đâu cần lễ tế”.

Việc giữ ngày sa-bat đối với người Do Thái rất quan trọng. Nhưng đối với Đức Giêsu, ngày sa-bát được tạo ra cho loài người, để giải thoát loài người chứ không phải để ràng buộc. Chúa Giêsu không hủy bỏ luật sabat như người Do Thái nghĩ. Chúa đã đến để mang lại ý nghĩa nguyên thủy của nó: làm điều lành và mang lại sự sống cho con người. Chúa cũng muốn mỗi chúng ta tuân giữ luật Chúa không dựa trên sự khô cứng mà dựa trên tình người để đối xử với nhau.

Tình yêu Thiên Chúa đã xóa bỏ mọi ngăn cách về không gian, thời gian, xóa mọi rào cản, mọi sự chênh lệch giữa một bên là phàm nhân đầy yếu hèn tội lỗi với một vị Thiên Chúa đầy thánh thiện. Đức Giêsu nhập thể đã nối trời với đất, đem sự thánh thiện trải xuống trần gian, rút lại mọi khoảng cách và nâng con người lên địa vị làm con cái Thiên Chúa. Đây quả là một ân huệ lớn lao mà chỉ có Đức Giêsu thực hiện được qua cuộc khổ nạn và phục sinh. Trên thánh giá, trong giây phút cuối cùng, một dòng máu từ trái tim cực thánh Chúa Giêsu đổ ra, dòng máu tình yêu, dòng suối cứu độ.

Huệ Minh

Exit mobile version