“Tình yêu” của nữ tu thừa sai Thánh Phêrô Claver

“Chính tình yêu Thiên Chúa đã đưa chúng tôi đến đây” là câu nói nổi tiếng của chân phước Maria Têrêsa Ledóchowska, đấng sáng lập hội dòng. Ðó cũng chính là kim chỉ nam mà các nữ tu Thừa Sai Thánh Phêrô Claver luôn ghi nhớ khi dấn thân đi khắp năm châu, bốn biển.

Ra đời tại Áo từ năm 1894 nhưng cho đến tháng 10.2012, các nữ tu Thừa Sai Thánh Phêrô Claver mới đặt chân đến Việt Nam. Đất Việt cũng là quốc gia thứ 24 trên thế giới có sự hiện diện của các chị em trong hội dòng.

Sơ Têrêsa Ngô Thị Hoài Bích và sơ Maria Nguyễn Thị Xuân là hai nữ tu đầu tiên mang theo ngọn lửa truyền giáo của dòng từ nước ngoài về Việt Nam. Hai sơ đã theo con đường ơn gọi tại Mỹ và Canada, rồi nhận sứ mạng “mở cánh cửa mới” trên chính quê hương mình. Từ cuối năm 2012, trải qua suốt mấy năm ròng ngược xuôi tìm kiếm, nơi dừng chân được các chị chọn là mảnh đất Sài Gòn đông đúc. Nhớ lại ngày tháng cũ, sơ Xuân vẫn còn bồi hồi: “Ngày ấy cũng gần tới Noel, hai chị em chẳng quen ai, chỉ nhớ tới lời giới thiệu về một vị linh mục vùng cao nổi tiếng về tinh thần đi với người nghèo, thế là quyết định lên đó mừng lễ Giáng Sinh với những hoàn cảnh khốn khó. Lần đó, chúng tôi may mắn gặp được Đức cha Oanh. Thật mừng vì được ngài giới thiệu giúp cho chỗ ăn ở trong bước đầu gầy dựng cộng đoàn ở Thủ Đức…”. Theo lời sơ Xuân, những ơn gọi đầu tiên cũng bắt đầu từ đây. Hành trình xây dựng cộng đoàn cứ từng bước dần hoàn thiện dù vấp váp không ít khó khăn. Cho đến đầu năm 2017, dòng chính thức được công nhận tại Việt Nam với hai cộng đoàn, một ở Long Thành (Đồng Nai) và một ở quận Bình Tân (TPHCM).

Trong ngày lễ tiên khấn tại Việt Nam

Cơ sở ở Long Thành dành cho giai đoạn huấn luyện nhà tập, còn cơ sở ở Sài Gòn dành cho các đệ tử, tiền tập…, riêng cơ sở Sài Gòn năm vừa qua đã mở thêm nhóm trẻ. Nhà dòng chỉ giới hạn quy mô ở nhóm trẻ, không phát triển trường mẫu giáo, để các chị em cân bằng với các hoạt động khác. Sơ Xuân chia sẻ tinh thần của hội dòng: “Chúng tôi muốn hiện diện và sống giữa các thành phần dân cư, thông qua cử chỉ hay chỉ một nụ cười, lời thăm hỏi, thái độ trong đời sống hằng ngày của bản thân để từng chút một, như một cơn mưa dầm thấm lâu xuống lòng đất rao truyền mà không cần lời lẽ…”. Khi hỏi về các hoạt động mang tính đặc trưng của hội dòng là gì, chúng tôi nhận được câu trả lời thật đơn giản mà gợi nhiều nghĩ suy: “các nữ tu là chiếc cầu nối”, tức là người sẵn sàng hỗ trợ trong mọi công việc mà các nhà thừa sai cần… Dâng lời cầu nguyện với đời sống chiêm niệm cũng là cách các nữ tu của hội dòng tâm niệm. Nở nụ cười nhẹ nhàng, một chị góp chuyện: “Có lẽ vì còn khá mới và không dễ cảm ngay được linh đạo, sứ mạng của hội dòng, nên ơn gọi ban đầu có chút khó khăn…”. Hiện nay, nhiều tín hiệu tốt đã được ghi nhận. Cụ thể, ngoài hai sơ Xuân và sơ Bích đã khấn trọn, tại Việt Nam, dòng đã có hơn hai mươi chị em đệ tử và khấn tạm…

Để làm rõ hơn về chặng đường dài mà hội dòng đã trải qua và chân dung của đấng sáng lập, những dòng sử cũ được các nữ tu giới thiệu rất tỉ mỉ cho khách : Tháng 9 năm 1894, mẹ Maria Têrêsa Ledóchowska lập hội dòng tại Áo, dần dà phát triển đến các quốc gia châu Âu khác. Ngay trong năm đầu tiên, chi nhánh đầu tiên được mở tại Kracow, Ba Lan. Từ năm 1895 trở đi, một số chi nhánh được mở tại Đức. Tại Pháp, dòng có mặt năm 1899, kế đến là hiện diện ở Thụy Điển vào năm 1905… Sự phát triển nhanh chóng này được lý giải bởi lòng nhiệt thành của đấng sáng lập dòng. Những bài viết, buổi nói chuyện của mẹ Maria Têrêsa Ledóchowska thúc đẩy tinh thần hành động. Một lý do khác là nhờ sự lựa chọn cơ cấu tổ chức có quy định rõ và công việc đa dạng với ba cấp độ gồm hạt nhân là các nữ tu tận hiến với lời tuyên khấn công khai; những “thành viên tại thế” gồm những người tự nguyện đến với hội dòng cùng lời hứa phục vụ; cuối cùng là những ân nhân nhiệt thành, nghiêm túc dấn thân cho công việc truyền giáo. Đáng lưu ý, thời kỳ đầu hội dòng ra mắt nhiều ấn phẩm như tập san “Tiếng vọng từ châu Phi”, nay đổi tên thành “Tiếng gọi truyền giáo”

Các nữ tu phụ trách lớp mẫu giáo

Sự ảnh hưởng của mẹ sáng lập với ngọn lửa truyền giáo trong các ấn phẩm của nhà dòng đã bén rễ sâu trong từng tâm hồn các chị em. Ngày nay, hoạt động cổ vũ cho việc truyền giáo vẫn được dòng giữ nguyên, mục tiêu chính là mời gọi mọi Kitô hữu rao truyền Tin Mừng đi khắp mọi nơi bằng lời nói cũng như hành động của mình.

Cha thánh Phêrô Claver với tước hiệu “Quan thầy của việc truyền giáo cho người châu Phi”, dành trọn cuộc đời để phục vụ những người nô lệ, là nguồn cảm hứng của đấng sáng lập dòng – mẹ Maria Têrêsa Ledóchowska, sinh năm 1863 tại Áo và về với Chúa ngày 6.7.1922. Di hài của mẹ được chôn ở Camposanto Teutonico (Ðức), tới năm 1934 thì được di chuyển về nhà nguyện của dòng trên đồi Esquiline (Rome, Ý). 25 năm sau khi qua đời, tiến trình tuyên thánh cho mẹ được mở. Ngày 19.10.1975, Ðức Thánh Cha Phaolô VI đã tuyên chân phước cho mẹ Maria Têrêsa Ledóchowska.

Minh Minh

Exit mobile version