Tính trần thế của Giáo dân trong sứ mệnh Hội Thánh rao giảng Tin Mừng cho thế giới

UBGD - Tính trần thế của Giáo dân trong sứ mệnh Hội Thánh rao giảng Tin Mừng cho thế giới

“Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần. Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian… Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian. Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật họ cũng được thánh hiến.” (Ga 17:14-19)

Trong bài 11 ở trên, chúng ta đã minh định rằng: việc rao giảng Tin Mừng là một trong các nhiệm vụ chính mà Hội Thánh của Đức Ki-tô phải thực hiện. Để chu toàn được nhiệm vụ này, tương tự như trong nhiệm cục cứu độ của chính Đức Giê-su, nhập thể là một đòi hỏi không thể thiếu của Hội Thánh. Lời cầu nguyện của Đức Giê-su cho các Tông Đồ trước hết, và cho toàn thể Hội Thánh nói chung, đã được thánh sử Gio-an ghi lại trong chương 17, sẽ mãi mãi là kim chỉ nam cho sự hiện diện của mọi phần tử Hội Thánh sống trên trần thế. Nếu các linh mục và tu sĩ làm toát lên yếu tố ‘không thuộc về thế gian’ của Hội Thánh, thì nơi các Ki-tô hữu giáo dân sẽ đề cao như nòng cốt yếu tố ‘không cất họ khỏi thế gian… con sai họ đến thế gian’. Chính vì thế mà Tông Huấn Người Ki-tô Hữu Giáo Dân số 15 đã mạnh dạn minh xác: “Phẩm giá của bí tích Thánh Tẩy có một dạng thức khác, làm cho người giáo dân khác biệt với linh mục và tu sĩ nam nữ, nhưng không tách biệt khỏi họ. Công Đồng Va-ti-can II đã chỉ ra rõ dạng thức đó là tính cách trần thế như sau: “Tính cách trần thế chính là tính cách riêng và đặc thù của các Ki-tô hữu giáo dân” (xem LG số 32)” (CFL 15)

1/ Tính cách trần thế là gì?

Để có thể hiểu được ý mà Công Đồng muốn nói khi đề cập tới ‘tính cách trần thể’, ta không nên chỉ đơn giản hình dung đó là việc ‘sống đạo ở giữa đời’, nhưng phải được hiểu trong ánh sáng của mầu nhiệm nhập thể, như Đức Giê-su đã từng sống khi còn ở trần gian. Trước hết, dầu hoàn toàn thuộc về Chúa Cha và sống trong tác động của Chúa Thánh Thần, Ngôi Hai đã nhập thể để trở thành một con người giống chúng ta mọi đàng, đồng thời Người cũng đã lãnh nhận và sống cách tròn đầy và sung mãn nhất tất cả những gì là tính nhân bản và xã hội tốt đẹp của cuộc sống nhân loại. Kinh thánh cho ta biết rằng: Người đã sống giống chúng ta mọi đàng ngoại trừ tội lỗi. Còn hơn thế nữa, việc nhập thể của Người không dừng lại ở việc mặc lấy xác phàm để sống giống chúng ta mọi đàng, nhưng còn mang một sứ mệnh vô cùng quan trọng và cao quí, là đem các giá trị Tin Mừng của tình yêu Thiên Chúa vào mọi thực tại trần thế của nhân loại, để cứu chuộc và thăng hoa nó tới giá trị vĩnh cửu.

Cũng tương tự như thế, Hội Thánh, trong tư cách là chi thể của nhiệm thể Đức Ki-tô, không bao giờ tách mình ra khỏi các thực tại trần gian. Trần thế là một phần không thể thiếu của Hội Thánh hữu hình, một phần cấu tạo cơ bản của Hội Thánh trong chính bản chất thánh thiện tự tại nhất của mình. Trước hết ta biết rằng: trần thế, trong đó có các thực tại đa diện của nó, là công trình do chính Thiên Chúa sáng tạo, cho nên nó rất cao đẹp; ngay từ khi được tạo dựng, nó đã hàm chứa rất nhiều giá trị chân chính. Tuy nhiên, lịch sử đã cho thấy: nó đồng thời cũng là một thực tại đổ vỡ, bị nhấn chìm trong tội lỗi và cần được cứu chuộc. Thế cho nên, Hội Thánh, tuy sống giữa và sống bằng các thực tại trần thế, nhưng vẫn không thể nào để mình bị chìm ngập trong trần gian, và bị hoàn toàn đồng hóa với nó. Ta có thể lấy câu ca dao Việt Nam bình dân để ví von kiếp sống các Ki-tô hữu với bông hoa sen mọc lên giữa đầm lầy: ‘gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn’. Bông sen rực rỡ, tuy sống trong bùn và hút các chất dinh dưỡng từ bùn, nhưng lại không hề bị lây nhiễm mùi tanh hôi và vẻ nhơ bẩn của vũng bùn đen.

Rồi còn hơn thế nữa, trong sứ mệnh cao cả mà Hội Thánh đảm nhận từ Đức Giê-su trước khi về trời là lên đường loan báo Tin Mừng cho toàn thể nhân loại khắp tứ phương thiên hạ, Hội Thánh hiểu rằng mình chỉ có thể chu toàn mệnh lệnh này nếu, mình không tự tách khỏi các thực tại trần gian. Hội Thánh thấy mình được sai đi vào trong trần thế, mình phải đồng hành với những bước đi gập gềnh của con người qua các thế hệ, và tiếp nhận những gì là giá trị chân thực của thực tại này như một phần của sức sống mình, hầu cứu chuộc nó. Yếu tố ở giữa ‘đời’ và đồng hành với cuộc sống nhân loại là một đòi hỏi không thể thiếu (sine qua non) cho sự tồn vong của Hội Thánh. Chính điều này đã là nền tảng cho thái độ mục vụ tích cực mà Công Đồng Va-ti-can II muốn cho Hội Thánh dấn bước, khi gọi Hội Thánh chính là Lumen Gentium – Ánh Sáng Muôn Dân.

2/ Ki-tô hữu Giáo Dân sống tính trần thế

Trong Hội Thánh của Đức Ki-tô, tất cả mọi phần tử đều là chi thể của một Đức Ki-tô – Thiên Chúa thật và người thật – nên đều phản ảnh nơi mình cả hai diện ‘thánh thiện’ và ‘trần thế. Tuy nhiên, nếu thánh hiến tính là đặc điểm được giới giáo sĩ và tu sĩ nhấn mạnh hơn, thì trần thế tính chính là điểm nhấn của các phần tử Ki-tô hữu giáo dân, khi mà đời sống họ được dìm sâu trong các thực tại trần thế. Đương nhiên, họ luôn phải là con cái Thiên Chúa, là đền thờ của Chúa Thánh Thần và là chi thể sinh động của Nhiệm Thể Đức Ki-tô, thế nhưng họ sống và làm lớn lên tất cả các thiên chức ấy ngay giữa các thực tại trần thế. Như đã từng xảy ra cho Ngôi Hai Thiên Chúa khi nhập thể làm người, các yếu tố trần thế, không những không hề làm giảm thiểu địa vị cao quí của các Ki-tô hữu giáo dân, mà còn làm cho họ thể hiện được tất cả sức mạnh Tin Mừng nơi mình ngay giữa lòng nhân loại hôm nay. Và còn hơn thế nữa, như Ngôi Hai đã cứu chuộc nhân loại bằng cách sống và sử dụng các phương tiện trần thế như thế nào, thì Ki-tô hữu giáo dân cũng tham gia vào công trình cứu độ và thánh hóa loài người như thế; nghĩa là họ sống giữa đời, và sử dụng ngay các phương tiện trần thế để thánh hóa thế gian. Như thế, nhờ dấn mình vào trần thế, yêu mến và sống sâu xa các giá trị của nó, Ki-tô hữu giáo dân làm cho thế gian được cứu độ và thăng hoa, khi chính họ sống và thể hiện các giá trị Tin Mừng của Đức Giê-su nhập thể ngay trong đời sống hàng ngày của mình.

3/ Sống Tin Mừng giữa đời

Từ nhiều năm trước Công Đồng Va-ti-can II (đặc biệt trong thế kỷ 17 với các trước tác lừng danh của Thánh Phan-xi-cô Sa-lê), người ta đã bắt đầu đề cập tới khái niệm ‘người giáo dân sống thánh giữa đời’. Khởi đầu, quan niệm này có thể chỉ hàm ý cho rằng: sự thánh thiện (đồng nghĩa với việc sống trong sạch, giữ các bổn phận tôn giáo, và làm tông đồ bác ái), thay vì chỉ dành riêng cho giới giáo sĩ và tu sĩ, cũng có thể được người giáo dân thực hiện ngay trong cuộc sống bận rộn giữa đời của họ. Ngày nay, khi Công Đồng nói tới ‘nên thánh’, từ ngữ này đã mang nội dung Tin Mừng nguyên thủy rõ nét hơn (như đã từng được Phao-lô và các Tông Đồ sử dụng trong các cộng đoàn tín hữu sơ khai), đó là: sự thánh thiện và ơn gọi nên thánh được đặt nền tảng trên bí tích Thánh Tẩy, và được sinh động nhờ các bí tích khác, nhất là bí tích Thánh Thể. Thật vậy, khi lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, mọi tín hữu trở thành Ki-tô, tức được tham dự vào sự thánh thiện của chính Đức Giê-su. Thánh Âu-tinh còn nói cách mạnh mẽ hơn rằng: “hãy ngạc nhiên và vui mừng vì chúng ta trở thành Ki-tô hữu”, đã trở thành các thánh trong cộng đoàn dân thánh (xem 1 Cr 1:1-9). Và để hiện thực được sự thánh thiện Tin Mừng này, ‘trần gian’ chính là nơi mà mỗi Ki-tô hữu và đoàn dân thánh này sống và thực hiện ơn gọi nên thánh của mình; và điều này là đặc biệt đúng, và cần được nhấn mạnh cách riêng cho các Ki-tô hữu giáo dân. Thực vậy, Tông Huấn Christi Fideles Laici số 17 đã minh định như sau: “Giáo dân phải tự thánh hóa bản thân trong cuộc sống thường ngày, với nghề nghiệp và giữa lòng xã hội. Để có thể đáp ứng được ơn gọi, giáo dân phải coi cuộc sống hàng ngày của họ như một cơ cấu để kết hiệp với Thiên Chúa và chu toàn thánh ý Ngài, đồng thời coi đó như cơ hội phục vụ tha nhân bằng cách đưa họ về hiệp thông với Thiên Chúa trong Đức Ki-tô”. Cũng chính trong ý thức này mà Hội Thánh đã mạnh dạn lên tiếng kêu gọi: “Ước mong các Hội Thánh địa phương, nhất là các Giáo Hội trẻ, hãy lưu tâm tìm ra, trong số các thành viên của mình, những người nam và nữ đã cống hiến những chứng tá về việc nên thánh giữa các hoàn cảnh như thế (giữa đời và trong bậc hôn nhân), để có thể làm gương mẫu cho người khác. Và khi có cơ hội, đề nghị phong chân phước và hiển thánh cho những người ấy(CFL số 17).

Thế cho nên Hội Thánh luôn nhắn nhủ các Ki-tô hữu giáo dân rằng: “Các hình ảnh trong Phúc Âm nói về muối men và ánh sáng, mặc dầu được Đức Giê-su sử dụng để nói về mọi môn đệ của Người không trừ một ai, thế nhưng chúng được ứng dụng một cách hoàn toàn đặc biệt cho các người giáo dân sống giữa đời(CFL số 15). Và thực hiện được điều này chính là việc canh tân chân chính nhất mà Công Đồng Va-ti-can II mong muốn được chứng kiến Hội Thánh sớm thể hiện nơi các giáo dân chân chính của mình.


Câu hỏi gợi ý:

· Bạn có hiểu, tại sao Thánh Phao-lô lại gọi các tín hữu của ngài, ngay cả khi họ còn vướng mắc nhiều lỗi phạm và nết xấu, là ‘các thánh’không? (xin xem chương I thư gửi giáo đoàn Cô-rin-thô).

· Bạn hãy thử xác định, có khác biệt nào giữa việc nên thánh của các ‘giáo sĩ’ và ‘tu sĩ’ với việc nên thánh của các giáo dân?

· Tình trạng sống giữa đời của giáo dân cản trở hay trợ giúp họ nên thánh? Tại sao?

Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty SBD

Exit mobile version