Theo văn hóa Do Thái, nghi lễ hôn nhân được tổ chức vào ban đêm và vào giờ thời gian bất ngờ không ai được biết trước. Vì thế mọi người phải canh thức chờ đợi. Tác giả Tin Mừng cho biết, tất cả mười cô trinh nữ đều cầm đèn trong tay chờ đợi, nhưng chỉ có 5 cô khôn ngoan biết mang theo dầu để dự trữ.
Ta vẫn quen gọi đây là dụ ngôn 10 trinh nữ nhưng ở miệng Chúa Giêsu, thì đó chỉ là 10 cô thiếu nữ, 10 cô phù dâu như thói quen trong các đám cưới nơi các dân tộc. Thế nhưng khi thánh Matthêu đọc lại dụ ngôn này và viết lại thành văn bản để lưu lại cho hậu thế, thì lúc ấy ở trong Giáo hội đã có những người sống đồng trinh và Giáo hội rất hãnh diện vì những người trinh nữ này.
Thánh Matthêu dùng danh từ trinh nữ như để chú ý đến sự hiện diện của họ ở trong Giáo hội và đồng thời cũng để khuyên bảo đề phòng họ đừng mất cảnh giác. Ðàng khác, bấy giờ quan niệm Hội Thánh là người Trinh Nữ vẹn tuyền dành cho tiệc cưới của Chiên Con cũng đã phổ thông. Nên khi dùng danh từ trinh nữ, Thánh Matthêu muốn nói với Giáo hội và mọi người ở trong, để đừng ai coi dụ ngôn này như không có hệ đến mình.
Và vì được viết trong hoàn cảnh mới mẻ đó, dụ ngôn từ miệng Chúa Kitô đã được uốn nắn lại ít nhiều để phù hợp với khung cảnh của Giáo hội. Có thể nói bây giờ nó nhằm phục vụ giáo lý của Hội Thánh, thành ra nó có hơi gò bó những nét tả về mộc cuộc đón dâu.
Dẫu sao ở đây cũng nói đến 10 cô thiếu nữ đang cùng với cô dâu chờ nhà trai đến xin rước dâu về. Có 5 cô khôn và 5 cô khờ. Nhờ trong một thái độ thôi, chứ không phải là những người khờ thật sự về hết mọi mặt. Vì chắc chắn cô dâu đã không mời nhiều những con người như thế để vây quanh mình. Phải nói đó là những cô được chọn lọc. Và nếu không có việc các cô sơ suất quên đổ dầu vào đèn thì chắc chắn các cô cũng là những thiếu nữ phù dâu lý tưởng như 5 cô kia.
Nhưng tại sao các cô lại khờ đến như vậy ?
Trang Tin Mừng đặt ra cho chúng ta một giá trị phải chọn lựa. Đó là chọn khôn ngoan theo kiểu loài người hay theo kiểu của Thiên Chúa. Sự khôn ngoan của Nước Trời đó là thái độ sẵn sàng và tỉnh thức, sống trọn vẹn giây phút hiện tại, chu toàn bổn phận hàng ngày với lòng yêu mến. Là sống như lời Thánh Phaolô khuyên nhủ giáo đoàn Ephêsô: “Anh em hãy cẩn thận xem xét cách ăn nết ở của mình, đừng sống như kẻ khờ dại, nhưng hãy sống như người khôn ngoan biết tận dụng thời buổi hiện tại vì chúng ta đang sống giữa những ngày đen tối” (Ep 5, 15-16).
Sắm sửa xiêm y hẳn hoi và trang sức lộng lẫy mà lại quên đổ dầu vào đèn! Thật là xây nhà trên cát. Matthêô gọi tất cả những hạng người như thế là khờ. Ở đây 5 cô lại khờ đến hết chỗ nói. Ðã không có dầu thì chịu khó đi chung dưới ánh sáng của người khác, chứ ai lại khờ đến nỗi lúc đó còn đi mua dầu. Ðã có 5 cô có đèn dầu hẳn hoi thì 5 cô kia cứ việc đi chung vào đi đã sao! Nhưng họ khờ.
Nói đúng hơn, Thánh Matthêu không chú trọng đến những chi tiết ấy. Người không quan tâm mô tả cuộc rước dâu. Người muốn nói lên những bài học đạo đức, nên người có tả một đám cưới hơi khác thường thì cũng chẳng sao.
Và quả thật, cuộc đưa dâu này hơi khác thường. Có lý nào nhà trai chậm đến đến nỗi nửa đêm mới tới? Và khi tới không có tiếng kèn tiếng hát, tiếng nói chuyện để làm cho nhà gái biết đã đến giờ hay sao mà lại phải có tiếng kêu lên: “Kìa vị lang quân đến, hãy ra mà đón”. Và khi đã vào tiệc, người nhà ở đâu mà đến nỗi vị lang quân như phải đứng coi cửa? Nếu chú trọng đến những chi tiết như thế, người ta sẽ thấy dụng ý của Matthêô không phải là mô tả cuộc rước dâu, nhưng chỉ mượn khung cảnh này để diễn tả thần học đạo đức. Và chính những nét khác thường trong cách mô tả là những điểm giáo lý cần phải chú ý.
Ranh giới giữa khôn và dại rất “mỏng”, khó mà phân biệt rạch ròi. Bởi lẽ chỉ cần ta tích chứa “một chút dầu” ắt sẽ trở thành người khôn, trái lại chỉ cần lơ là quên “một chút dầu”, ta trở thành kẻ dại khờ bất hạnh. Và sâu xa hơn nữa, cái khôn ngoan theo kiểu thế gian lại là cái dại dột đối với Thiên Chúa. Và cái dại dột của thế gian mới thật là cái khôn ngoan mà Thiên Chúa đòi hỏi.
Ta đã nói đến sự khờ khạo của 5 cô thiếu nữ. Chúng ta phải lưu tâm đến việc chàng rể đến trễ, trễ quá chừng, đến nỗi cả 10 cô phù dâu đều thiếp đi mà ngủ cả. Matthêu có ý nói đến việc Ðức Kitô trở lại trễ.
Muốn gặp Chúa phải tìm kiếm; nhưng chỉ ai yêu mến Chúa mới tìm kiếm Người. Duy trì được lòng yêu mến Chúa là có thái độ sẵn sàng; và ai làm như thế là người khôn. Vì để chỉ người “khôn” thánh Matthêô đã dùng một từ ngữ phronimos, có nghĩa là có lòng, có lòng đối với tha nhân, tức là có lòng yêu mến; còn kẻ khờ thiếu lòng yêu mến nên không thi hành Ý Chúa (Tv 14, 1; Mt 7, 24). Vậy người khôn có đèn cháy sáng trong tay để sẵn sàng đi gặp Chúa là người có đức mến đã được đốt cháy khi chịu phép Rửa tội và đã nhận lấy một cây đèn cháy.
Hội Thánh khuyên nhủ chúng ta trong thời gian chờ ngày Chúa trở lại hãy giữ lòng mến Chúa cháy mãi. Hãy luôn luôn tưởng nhớ và yêu mến Người. Nhất là hãy luôn luôn thi hành giới răn Người để lại là thi hành lòng bác ái. Như thế, Người đến lúc nào chúng ta vẫn sẵn sàng để vào dự tiệc đời đời với Người.
Muốn cho ngọn đèn đức tin luôn cháy sáng, chúng ta phải nỗ lực “châm dầu” vào. Một giọt dầu của hy sinh nhỏ bé âm thầm, giọt dầu của sự cho đi, tiêu hao vì bổn phận. Có thể đó là dầu của những trái ý, những giằng xé trong tâm hồn khi phải đối diện và chọn lựa giữa điều tốt và điều xấu. Giọt dầu đó phải được châm vào mỗi ngày, bền bỉ và tha thiết trong cầu nguyện, tận tụy và vẹn tròn trong bổn phận. Giọt dầu ấy có thể khô cạn vì những đam mê của tính xác thịt, vì những ươn hèn do bản tính yếu đuối mỏng dòn của thân phận con người nhưng nếu không có nó chúng ta sẽ bị loại khỏi Nước Trời.
Người Kitô hữu chúng ta được mời gọi trở thành người khôn ngoan trong ý nghĩ, lời nói và hành động. Muốn chiếm được Nước Trời, chúng ta phải từ bỏ thái độ sống ươn hèn, không sống buông thả và dễ dãi chiều theo những lời mời gọi của thế gian mà quên đi bổn phận hàng ngày. Chỉ có con tim yêu mến Chúa Giêsu chúng ta mới vượt qua được những lời mời mọc của thế gian mà sống cho những giá trị Nước Trời.
Trang Tin Mừng hôm nay gợi lên cho ta giáo huấn cho ta rằng không phải tất cả những người được gọi đến với lễ cưới của chú rể sẽ thật sự được tham dự vào. Đến ngày phán xét cuối cùng, sẽ có một cuộc chia cắt xuyên qua khối các tín hữu để tách những người được chọn với những người được gọi (x. 22, 14). Quan trọng không phải là được gọi nhưng là được thử thách, không phải là đèn nhưng là dầu, không phải là tư cách thành viên Hội Thánh nhưng là những việc làm.
Xin cho ta đừng mải mê chuyện đời thế sự mà quên đi bổn phận làm con cái Chúa. Xin cho ta luôn tỉnh thức chờ đợi với hy vọng được vào dự tiệc hoan lạc trên Nước Trời.
Huệ Minh