Tính ngôn sứ của những lời khấn dòng

Từ đó nẩy sinh tình trạng phân biệt đối xử ngày càng tăng, phân chia giai cấp ngày càng rõ rệt, nhân phẩm, nhân vị con người ngày càng bị hạ thấp, thước đo của nhân loại lúc này là: tiền tài, danh vọng, lạc thú và chức quyền. Trước thực trạng đó của xã hội, là tu sĩ, chúng ta “lựa chọn người nghèo” để làm toát lên sứ mạng ngôn sứ bắt nguồn từ Thiên Chúa qua Đức Giêsu. Và, chính khi phục vụ người nghèo, người bệnh, người kém may mắn…, tâm hồn người tận hiến được lớn lên trong tình yêu mến Chúa . Chúng ta không thể bình chân như vại trước những diễn biến và trào lưu của một nền luân lý suy thoái, một nền văn hóa sự chết với một lương tâm trai lì và mù quáng của thực trạng xã hội được coi là Tân Tự Do hiện lý nay. Vì thế, đời tu phải là những phản ánh rõ nét nhất về các giá trị Siêu Việt, nhằm đem lại cho nhân loại một giá trị đích thực, giá trị của Tin Mừng.

1. Tính ngôn sứ trong đời tu

Con người đang sống trong một giai đoạn mới của lịch sử, những chuyển biến sâu xa và mau lẹ do trí thông minh của con người ngày nay quả là một điều đáng lưu tâm. Biến chuyển đáng chú ý nhất là khoa học kỹ thuật, nhờ đó mà con người đi vào thế giới tự nhiên với những khám phá vượt bậc. Chính những biến chuyển đó ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống luân lý Kitô giáo và đời tu của người tu sĩ.

Trong “Tông huấn đời sống thánh hiến” của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã cho ta thấy rõ đặc tính ngôn sứ của đời thánh hiến, đó là: tham gia đặc biệt vào sứ vụ ngôn sứ của Đức Kitô, được Chúa Thánh Thần thông ban. Tính ngôn sứ đó gắn liền với đời thánh hiến, bởi lẽ nó đòi buộc phải triệt để bước theo Đức Kitô, và như vậy, nó mời gọi ta dấn thân vào sứ mệnh có tính ngôn sứ này .

Công đồng Vaticanô II cũng nhấn mạnh đến dấu chỉ có tính ngôn sứ về những giá trị Tin Mừng trong đời sống của người Kitô hữu nơi thế giới ngày hôm nay. Những dấu vết của Thiên Chúa dường như đang bị xoá nhòa trong ý niệm của con người, nên người ta lại càng cảm thấy nhu cầu khẩn trương của một chứng tá ngôn sứ thật mãnh liệt từ phía những người được thánh hiến .

Chức năng của ngôn sứ là dưỡng nuôi, là kêu gọi một ý thức khác giữa một thể chế thống trị. Ngôn sứ trình bày chọn lựa ân sủng trong một thế giới chủ trương mọi sự là nhân tạo, đem lại tự do trong một thế giới đang bị áp bức, thương cảm trong một thế giới oán phạt. Lựa chọn người nghèo, người bất hạnh, người bị bỏ rơi… là một dấu chỉ thời đại hôm nay. Mục đích của đời tu là sống giá trị thiêng liêng, bản chất đời tu là là toả sáng tình yêu. Đây cũng là một trong những thời kỳ mà chúng ta nhận rõ hoạt động của Chúa Thánh Thần và tiếng kêu gào của những con người sống bên lề. Vai trò của Chúa Thánh Thần trong sứ vụ loan báo Tin Mừng đã được Đức Giêsu xác tín: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được thứ tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4, 18-19).

Ý thức này mang lấy những năng lực mới, thiết lập một bậc thang giá trị mới. Ngôn sứ là người đề nghị một điều khác với những gì là hiển nhiên, tự tại. Vì thế, ngôn sứ là người mang lại niềm hy vọng mới, làm vơi bớt những khổ đau của con người và công khai loan báo Tin Mừng bình an tuyệt đối. Chính Công đồng Vaticanô II cũng đã xác định: “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không có âm hưởng trong lòng họ… Họ phải cảm thấy thực sự liên hệ mật thiết với loài người và lịch sử nhân loại” .

Ngôn Sứ luận trong đời sống thánh hiến luôn phải đối đầu với ba thách đố lớn, liên quan đến các lời khuyên Phúc Âm: khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục.

2. Chiều kích ngôn sứ của đức vâng phục

Đời tu hay đời sống thánh hiến cũng nảy sinh từ sứ vụ mang tính ngôn sứ. Mọi phần tử trong cộng đoàn tu trì đều được kêu gọi để chia sẻ sứ vụ của Đức Giêsu, chia sẻ việc Ngài tuân phục Chúa Cha trong Thần Khí.

Đức Giêsu đã tuân phục Chúa Cha, lãnh nhận sứ vụ từ nơi Cha là quy tụ muôn loài tản mác về một mối, bất chấp những hậu quả nguy hiểm đến mình. Vì những lý do này mà Ngài đã vâng lời cho đến chết và chết trên cây Thập Tự. Qua cái chết của Đức Giêsu, ta thấy toát lên tính ngôn sứ nơi Ngài khi Ngài đón nhận sứ vụ cứu chuộc nhân loại bằng cái chết để làm chứng cho sự thật .

Cũng vậy, đời tu bày tỏ đức vâng phục của mình là đi theo Đức Kitô, qua đó ta tiếp nhận việc sai đi thi hành sứ vụ của Thiên Chúa và tháp nhập vào việc tuân phục Đức Kitô, ta đón nhận và liên lỉ vâng phục thánh ý Chúa Cha trong đời tận hiến. Như thế ta có thể khám phá thấy mình được gọi, được chọn và sai đi để thể hiện ý muốn cứu độ của Thiên Chúa trong thế giới .

Nếu các ngôn sứ thời xưa đứng ra để phê phán xã hội, một xã hội bất công với người nghèo, đồng thời đem lại hay xây dựng một niềm hy vọng cho dân chúng, thì ngày nay người tu sĩ cũng là những ngôn sứ phản ánh đời sống bất công của xã hội bằng chính đời sống tu trì của mình.

Vâng phục trong đời tu là một đặc sủng và dự phóng tình yêu của chúng ta là dành cho hết mọi người, đặc biệt là những người bị áp bức và sống bên lề, chấp nhận tình cảnh của họ, và cùng với họ đấu tranh cho quyền lợi và sự giải phóng trong chân lý và bình an.

Chiều kích bên lề của đức vâng phục còn bắt nguồn từ Chúa Cha qua Đức Giêsu: “Như Cha sai Thầy Thầy cũng sai anh em…” (Ga 20, 19-31), lấy chính Đức Giêsu làm mẫu gương về sự từ bỏ: “Đức Kitô, tuy vốn là Thiên Chúa mà không nghĩ phải đòi cho mình được ngang hàng với Thiên Chúa. Nhưng Ngài đã khước từ tất cả, mặc lấy thân nô lệ thấp hèn, trở nên một kẻ phàm nhân, cuộc đời chẳng khác chi người thế. Lại còn tự hạ, sống phục tùng cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” ( Pl 2, 6-8). Như vậy, ta mang trong mình một khát vọng sâu xa muốn giải phóng và mong cho Nước Chúa ngự trị trên toàn thế giới. Tuân phục ý Thiên Chúa được chuyển thành tinh thần cảnh giác và nhạy bén trước những dấu chỉ thời đại, lưu ý đến tiếng kêu gào của người nghèo và người thiếu thốn, lắng nghe sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, đồng thời trung thành với sứ vụ đặc biệt này.

3. Chiều kích ngôn sứ của đức khó nghèo

Một cách khiêu khích hiện nay đến từ phía coi trọng chủ nghĩa thèm khát vật chất, thèm khát sở hữu, dửng dưng với nhu cầu và nỗi đau khổ của những con người yếu đuối nhất, mỗi tu sĩ đứng trước những bất công đó, đức khó nghèo trong đời tu là một phản đối mạnh mẽ việc tôn thờ tiền bạc, trong khi đó cũng muốn tỏ ra như một lời mời gọi có tính ngôn sứ gửi đến một xã hội mà ở nhiều nơi thuộc thế giới giàu sang đang có nguy cơ đánh mất ý thức về mức độ và cả giá trị của sự thật .

Hiệp thông với người nghèo là hành vi cao đẹp làm vui lòng Thiên Chúa, là điều các ngôn sứ và Đức Giêsu đã làm và cũng đòi hỏi chúng ta là những người tiếp bước. Đây là dấu chứng ngày nay rất được quý trọng .

Với tính ngôn sứ luận của mình, và trên hết lựa chọn đời tu vì người nghèo vốn hữu hiệu và có ảnh hưởng trong xã hội và Giáo Hội ngày hôm nay.

Đứng trước tình trạng đó, lương tâm Kitô giáo không thể chấp nhận tình trạng nghèo khổ đói khát và chết chóc như vậy xảy ra vào thế kỷ đầu của Thiên Niên Kỷ thứ III này. Lương tâm Kitô giáo phải cảm thấy bức xúc với thực tại đáng xấu hổ của những anh chị em chúng ta đang phải chịu. Mặt khác chúng ta cũng cần phải cảnh giác trước những hệ thống kinh tế bất công, những quyết định chính trị phân biệt đối xử, những quốc gia theo chủ nghĩa đế quốc và bóc lột, đặc biệt những hệ thống gọi là Tân Tự Do .

Đời tu coi chọn lựa người nghèo là một trong những đòi hỏi cấp bách nhất của thời đại chúng ta. Đây cũng là lòng yêu thương của Giáo Hội dành cho người nghèo. Qua cách lựa chọn này, người tu sĩ đánh thức lương tâm của những người hữu nhiệm, phải chấm dứt tình trạng bất công đày đọa trong các mặt xã hội, nhất là kinh tế, văn hóa . Tuy nhiên lựa chọn người nghèo không hề là chuyện dễ dàng, nó đòi hỏi ta phải sống một nếp sống đối nghịch triệt để với đời sống hưởng thụ và trưởng giả.

Tinh thần nghèo khó của Phúc Âm là một đặc sủng, một hồng ân của Thần Khí, đây là một đặc sủng có sức đồng hoá người tu sĩ với tấm lòng của Thiên Chúa, ân huệ đó đã đưa chúng ta đến với những người nhỏ bé, hèn mọn… Chính ở điểm này người tu sĩ trở thành dấu chỉ và một dụ ngôn về Nước Thiên Chúa, một Nước Thiên Chúa không hệ tại sự nghèo khổ nhưng hệ tại tình yêu luôn liên đới với người nghèo và cộng tác với họ để đi đến một nền luân lý dựa trên tình yêu và tự do đích thực .

4. Chiều kích ngôn sứ của đức khiết tịnh

Độc thân của Đức Giêsu và độc thân của Kitô giáo không phải là một kiểu độc thân khổ chế có mục đích tự coi mình là hoàn hảo. Nhưng đây là một nếp sống độc thân vì mối tương quan để gần gũi và thi hành sứ vụ. Sống độc thân vì Nước Thiên Chúa là một hoàn cảnh hiện sinh khiến cho Đức Giêsu gần gũi hơn với dân chúng.

Với nếp sống độc thân của mình, Đức Giêsu công bố rằng tất cả mọi người không trừ ai, đặc biệt những ai bị sống đơn độc và bị bỏ rơi, đều được kêu gọi và làm nên một gia đình duy nhất của những người con Thiên Chúa.

Người tu sĩ chọn đời sống độc thân vì yêu thương, qua đó họ như là ngôn sứ và tác nhân cho tập hợp gia đình lớn từ muôn con người. Sứ điệp mà người tu sĩ muốn nhắm đến cho mọi người trên thế giới đó là biết được ý định của Thiên Chúa Cha là mọi người phải có chung một tấm lòng. Những người sống đời thánh hiến họ đang muốn chống lại bất cứ xã hội đóng kín ưu tuyển và phân biệt nào, bên cạnh đó, những tu sĩ thúc dục mọi người phải vượt qua những biên cương gia đình riêng để xây dựng một đại gia đình gồm mọi con người, đây cũng chính là tính ngôn sứ được thể hiện rõ nhất .

Thách đố đầu tiên đến từ một nền văn hoá hưởng thụ, nó đang tháo gỡ mọi quy tắc đạo đức khách quan của tình dục, nó làm cho ta quan niệm đơn giản hoá tình dục thành một thứ trò chơi và một món hàng tiêu thụ, cũng như tôn thờ bản năng tính dục với sự đồng loã của các phương tiện truyền thông xã hội . Ai cũng thấy được hậu quả của tình trạng này: đủ mọi thứ vi phạm luân lý, kèm theo vô vàn đau khổ về mặt tâm lý và đạo đức cho nhiều cá nhân và gia đình. Hành vi đáp ứng của đời thánh hiến hệ tại trước tiên ở việc vui vẻ thực hành nhân đức khiết tịnh hoàn hảo, như một chứng tá về quyền năng của tình yêu Thiên Chúa trong sự mỏng dòn của thân phận con người.

Chúng ta hãy tự tìm hiểu, nhất là khi phải sống giữa một thời đại như thời đại ngày nay, không phải vì ai cũng chạy đua dục vọng, nhưng vì các thực tại trần thế trên đã chiếm quyền ưu tiên đến nỗi làm chúng ta mờ mắt trước thực tại cuối cùng. Thực tại này đang ở giữa chúng ta mà đức khiết tịnh làm dấu chỉ.

Đối với Đức Kitô, đức khiết tịnh là một mầu nhiệm liên đới với tình yêu mà người ban tặng cho chúng ta. Đức khiết tịnh là dấu chỉ, biểu dương rằng Đức Giêsu đã đến, và Nước Trời nay ở giữa chúng ta.

Là người tu sĩ, chúng ta tự nguyện lựa chọn đời sống độc thân để nói cho thế giới biết rằng: bên cạnh những giá trị trần thế, còn có một giá trị tinh thần, giá trị Siêu Nhiên và Siêu Việt. Mặt khác tu sĩ sống độc thân là để đến với mọi người cách dễ dàng mà không bị ràng buộc có tính giới hạn.

Kết Luận:

Trải qua nhiều thế kỷ, đã có biết bao vị thánh nam nữ đã tiếp bước theo Đức Giêsu bằng đời sống thánh hiến trọn vẹn. Đời sống thánh hiến đã làm nổi bật tầm quan trọng của những đặc tính thiêng liêng ngang qua những dấu chỉ và chức năng ngôn sứ của lời khấn khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục. Người tu sĩ tự nguyện quyết định chọn lựa cho mình một đời sống bước theo Đức Giêsu, hoạ lại nếp sống của Ngài, nhằm theo sát Đức Giêsu, lấy Đức Giêsu làm tâm điểm cho mọi hoạt động của mình, Đức Giêsu chính là mẫu gương hoàn hảo nhất của người tu sĩ.

Những lựa chọn này chính là đáp trả lại lời mời gọi đến từ Thiên Chúa, người tu sĩ ý thức rằng, cuộc đời thánh hiến là một hồng ân, nhưng cũng là một trách nhiệm. Nếu hồng ân đến từ Thiên Chúa, thì trách nhiệm của người tu sĩ là phải đến với thế giới. Qua đời sống dâng hiến, người tu sĩ bước theo Đức Giêsu trên con đường chân phúc để đến với muôn dân trong vai trò ngôn sứ của mình, nhằm làm toát lên thực tại Nước Trời ngay trong cuộc sống qua những giá trị chọn lựa của mình vì thực tại cuối cùng.


Jos. Vinc. Ngọc Biển

Exit mobile version