Tình Cha ấm áp như vầng thái dương

LoiChua - Tình Cha ấm áp như vầng thái dương

Trang Tin Mừng hôm nay đi vào lòng người bởi lẽ hình ảnh, tình cảm bao dung tha thứ của người Cha đến tột cùng chả ai hiểu nỗi …

Người cha tôn trọng tự do của các con, ông đã chia gia tài cho các con và để chúng tự do định liệu. Ông không ép người con thứ ở lại nhà. Ông cũng không tìm cách kéo nó trở về. Ông chỉ trông mong người con từng ngày, nên ngay khi anh còn ở đàng xa, ông đã trông thấy. Ông vội vã chạy ra đón con, ông cuống quýt thúc đầy tớ chuẩn bị lễ mừng. Ông chẳng màng đến bài diễn từ bần tiện của anh ta. Ở nhà có con bê béo, ông quyết định cho giết ngay để ăn mừng. Rõ ràng trong lòng ông, niềm vui đang bùng nổ. Ông chưa bao giờ thôi thương yêu con. Nó đi xa, nó đã mất; nay nó lại được tìm thấy. Quá khứ không còn gì đáng kể, Điều quan trọng là nó đã trở về!

Người cha như một biểu tượng về chính Thiên Chúa. Tình thương vô điều kiện và lòng thương xót của Ngài được tỏ ra không những đối với người tội lỗi hoán cải mà cả đối với kẻ chỉ trích vì không hiểu biết và thiếu thông cảm. Thiên Chúa mời gọi mọi người hoan hỷ khi người tội lỗi trở lại. Bởi vì lời mời gọi này được Đức Giêsu truyền đạt, và chính Người đã đón tiếp những người tội lỗi, ta hiểu là Người mời gọi mọi người hoan hỷ với Người. Nếu dụ ngôn nói với chúng ta về niềm vui của Thiên Chúa, thì lại chính là Đức Giêsu phác ra trong dụ ngôn đó cách thức hành động của chính Người. Có một sự đồng hóa ngầm giữa hành vi của Thiên Chúa và của Đức Giêsu. Trong khi thi hành sứ vụ, Đức Giêsu chính là Đấng đã diễn tả niềm vui và lòng thương xót của Thiên Chúa ra cho loài người.

Sau khi đã nhận đủ phần gia tài, người con thứ đi đến một xứ xa xôi, hẳn là một miền đất dân ngoại. Tại đó, anh đã xài hết tiền của. Rơi vào tình trạng khốn đốn, anh phải chăn heo: đây là sự sa cơ thất thế cùng cực! Anh ta suy nghĩ. Nhưng không phải là hối hận về lối sống, không phải là tiếc nuối vì đã làm cho cha đau buồn. Anh ta chỉ tự trách là ngu ngốc chịu đói chịu khát ở đây trong khi các tôi tớ ở nhà có ăn dư thừa. Thế là để có thể trở về và được nhạn vào nhà như người làm công, anh chuẩn bị một bài “diễn từ cảm đông” để mong cha nguôi giạn: các lời lẽ hối tiếc không đi đôi với các tâm tình của anh.

Thiên Chúa không mong gì hơn nơi con người, là con người nhận biết được tình yêu ấy. Không gì xúc phạm đến Thiên Chúa cho bằng khi con người khước từ tình yêu của Ngài. Chúa Giêsu đã kể câu chuyện dụ ngôn về người con hoang đàng trở về, nhưng điểm nhắm của Người lại là người con cả, hiện thân của những người biệt phái. Ðây là hạng người tự cho mình là những kẻ yêu mến Chúa, tuân giữ các giới răn của Ngài, nhưng kỳ thực họ lại tỏ ra lời phát biểu của người anh cả trong bài dụ ngôn.

Anh ta nói: “Ðã bao năm con hầu hạ cha, không hề trái lệnh cha một điều nào, vậy mà không bao giờ cha cho con riêng một con bê nhỏ để ăn mừng với chúng bạn. Còn thằng con của cha kia, sau khi phung phí hết tài sản của cha với bọn đàng điếm nay trở về, thì cha lại sai làm thịt bê béo ăn mừng nó”.

Lúc người con thứ trở về, người con cả đang làm việc ngoài đồng. Khi trở về, anh nhận ra trong nhà có chuyện lạ. Sau khi hỏi một người đầy tớ, anh ta hiểu chuyện; anh không thể chấp nhận được, anh nổi giận. Ta thông cảm với anh. Vì anh không chịu vào nhà, người cha đã ra gặp. Thế là anh cho tuôn ra hết những gì vẫn chất chứa tận đáy lòng: anh nói với giọng chua cay, nhưng kể ra đúng các sự việc. Theo anh, đúng là người cha đã xử sự bất công! Những người Pharisee và các kinh sư cũng nghĩ rằng họ có lý khi tỏ ra khó chịu với Đức Giêsu.

Trước tiên người con cả nói về chính mình: “Bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh”. Chắc chắn đấy cũng là lý tưởng của người Pharisee và các kinh sư: “phục vụ” Thiên Chúa bền bỉ, và rất chú ý để không bao giờ vi phạm một điều răn nào.

Sau đó, người con cả nói về em với giọng hết sức khinh bỉ. Anh không gọi là “em con”, nhưng nói là “thằng con của cha đó”. Điều này cũng giống như người Pharisee trong dụ ngôn Lc 18,10-14 nói đến “tên thu thuế kia” với giọng miệt thị

Quả thật, những người biệt phái tuân giữ không sai chạy tất cả mọi luật lệ của Chúa, nhưng họ chỉ tuân giữ lề luật trong tinh thần sợ sệt cứng ngắt và giả hình, bởi vì họ không cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa. Và bởi vì không cảm nhận được tha nhân là người anh em ruột thịt của mình.

Khước từ Thiên Chúa, con người cũng khước từ anh em của mình. Không cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa, con người cũng không muốn san sẻ tình yêu với người anh em. Tin Mừng hôm nay quả thực là một quảng diễn về hai giới răn cơ bản trong đạo của chúng ta đó là: Mến Chúa Yêu Người. Người ta không thể mến Chúa mà không yêu tha nhân.

Chúa Giêsu đã ngỏ lời với những người vẫn nghĩ rằng mình là những tôi tớ tốt lành, luôn quan tâm để không bao giờ thiếu sót một điều răn nhỏ. Khi đó, họ nghĩ họ có nhiều quyền; họ tỏ ra khó chịu, không phải đối với người tội lỗi, nhưng đối với chính Thiên Chúa vì Ngài đã đối xử với kẻ tội lỗi như vậy: Nếu như thế, sống đạo đức còn ích lợi gì? Nếu như thế, sống trung thành và vâng phục Thiên Chúa còn có ý nghĩa gì nữa?

Ta có thể thấy mình như người con thứ: không phải là tên ăn cắp, chỉ lấy đúng phần mình; chúng ta cũng còn biết nói “thưa cha!”, nhưng không hề vui thích được ở với cha, mà chỉ muốn ra đi “ăn chơi” cho thỏa thích. Và mỗi khi gặp khó khăn, thì chỉ dâng lên Thiên Chúa một lời cầu nguyện đầy vụ lợi, tính toán. Người con thứ không biết nghĩ rằng xin làm một “người làm công”, thì sỉ nhục cha quá nặng nề, bởi vì cha vẫn chỉ mong đón mình về để làm “con”. Nay được cha đón vào nhà rồi, anh có biết đáp lại tình cha không? Phần này, chính chúng ta sẽ phải viết tiếp bằng đời sống thực tế của mình.

Ta cũng có thể thấy mình như người con cả, không bao giờ trái lệnh cha, nhưng cũng chẳng thích ở với cha; trái lại chỉ tính toán, mong có ngay “thoát ly” để đi vui chơi với bạn bè. Đã thế, chúng ta lại tỏ ra khinh bỉ, miệt thị những kẻ bị coi là “tội lỗi”. Nay đã được cha ra gặp để tâm sự rồi, anh có vào nhà để chung vui không? Phần này, chính chúng ta cũng sẽ phải viết tiếp bằng đời sống thực tế của mình.

Vì không hiểu tình yêu của cha, cả hai người con, đặc biệt anh cả, không hiểu tiếng gọi kèm theo sự hiểu biết đó: anh chỉ thực sự là con của cha, khi yêu thương anh em mình. Ta không thể phục vụ Thiên Chúa như Ngài muốn nếu không yêu mến Ngài và thông chia tình yêu của Ngài cho anh chị em mình, cho dù họ thế nào.

Mùa Chay qua bí tích hòa giải, Giáo Hội mời gọi chúng ta cảm nhận một cách sâu sắc tình yêu vô bờ của Thiên Chúa. Thiên Chúa luôn dang rộng cánh tay để ôm ấp, để vỗ về và tha thứ cho chúng ta. Và tình yêu vô bờ của Người Cha ấy chờ đợi gì nơi chúng ta hơn là chúng ta biết nhìn ra nơi tha nhân, người anh em của chúng ta, để chúng ta cũng yêu mến và tha thứ không ngừng.

Huệ Minh



Exit mobile version