Tính cách bí tích và sự liên hiệp thông

Một khi Chúa Kitô đã công bố rằng giao ước mới sẽ trao ban cho con người khả thể gặp gỡ Thiên Chúa trong ”trong tinh thần và sự thật”, và như thế có nghĩa là không bị bắt buộc phải qua các thời gian thánh, các nơi thánh, các vật thánh, người ta không hiểu tại sao các khả thể gặp gỡ ấy lại phải đi vào trong một lược đồ của một buổi cử hành. Nền thần học thời Trung Cổ đã đưa ra một câu trả lời cho câu hỏi này rồi, khi cho rằng việc thành lập các bí tích diễn tả sư phạm cứu độ của Thiên Chúa. Thiên Chúa lựa chọn các phương tiện cứu rỗi thích hợp nhất với bản chất và các nhu cầu của con người. Nhưng bên cạnh lý do nền tảng này cần phải kể thêm các lý do khác bắt nguồn trực tiếp từ nhiệm vụ biểu tượng của việc cử hành. Trong việc cử hành cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và chúng ta không chỉ hiểu ngầm một ý niệm rất định đoạt của tương quan tôn giáo, mà cũng hiểu ngầm một nền nhân chủng học và một ý niêm của lịch sử và của vũ trụ, định tính bản chất và các nhiệm vụ của chính cuộc gặp gỡ nữa.

Trước hết, việc cử hành có nghĩa là cuộc gặp gỡ nảy sinh từ một sáng kiến của Thiên Chúa, chứ không phải của con người, nhưng nhất là nó ám chỉ rằng chính Thiên Chúa thiết định kiểu gặp gỡ và các nội dung của cuộc đối thoại cần đan dệt giữa hai phía. Đây là một kết luận bắt nguồn trực tiếp từ vai trò của Lời Chúa trong môi trường buổi cử hành, cũng như từ sự kiện việc cử hành thời sự hóa các mầu nhiệm cuộc sống của Chúa Kitô. Không phải tình cờ mà trong việc cử hành bí tích lời Chúa được thực thi cùng lúc hai vai trò: vai trò thông truyền lời hứa cứu độ của Thiên Chúa và câu trả lời chấp nhận lời hứa từ phía con người. Chính trong viễn tượng này các bí tích cũng đồng thời là các hành động cứu độ của Thiên Chúa và hành động phụng tự của con người. Còn hơn thế nữa, việc cử hành thực tại hóa các mầu nhiệm cuộc sống của Chúa Kitô, có nghĩa là cuộc gặp gỡ bí tích không phải là để cho phép con người ký kết với Thiên Chúa bất cứ loại cứu rỗi nào, mà chính con người tưởng nghĩ ra và đề nghị. Cuộc gặp gỡ bí tích chỉ trở thành cuộc gặp gỡ cứu độ trong mức độ, trong đó con người chấp nhận ơn cứu rỗi cũng như cái luận lý cứu độ, với nó cả Chúa Kitô cũng đã trở thành Trưởng Tử của những người được cứu rỗi. Trong nghĩa này việc cử hành bí tích trở thành cuộc gặp gỡ, bởi vì ơn cứu rỗi của con người và vinh quang của Thiên Chúa nhận lấy cùng diện mạo.

Từ đó cũng phát xuất ra sự kiện việc cử hành bí tích diễn tả một nhân chủng học và một quan niệm lịch sử và vũ trụ tuyệt đối mới mẻ.

Một khi vinh quang của Thiên Chúa nhập thể và nhận lấy cùng gương mặt của ơn cứu độ nhân loại, việc cử hành có nghĩa là chương trình cứu độ của Thiên Chúa không kết thúc trong bầu khí thuần túy tinh thần, nhưng cũng lôi cuốn con người và toàn thực tại mà con người liên đới nữa. Điều mà Thiên Chúa muốn cứu rỗi không chỉ là tinh thần của con người, mà là con người trong sự toàn vẹn của nó; không phải con người cá biệt mà toàn cộng đoàn nhân loại; không phải cộng đoàn nhân loại tách rời khỏi thực tại thụ tạo trong đó nó dìm mình, nhưng toàn thế giới như nó là khi xuất phát từ bàn tay của Thiên Chúa Tạo Hóa. Như vậy, việc cử hành bí tích phủ nhận mọi nhân chủng học nhị nguyên, mọi chủ thuyết cá nhân và quan niệm được tiêm vào trong nền văn hóa tây phương từ chủ thuyết hy lạp, theo đó thực tại ở bên dưới con người và vũ trụ chỉ là một quang cảnh làm bình phong cho lịch sử con người. Từ quan niệm này, việc cử hành bí tích nói rằng cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người dãi sáng rất rộng rãi: sự trung tín của Thiên Chúa đối với con người và lòng trung thành của con người đối với Thiên Chúa cũng nhận lấy gương mặt sự trung thành của Thiên Chúa và của con người đối với các sự vật. Việc dùng các sự vật được tạo dựng và nhậy cảm trong việc cử hành bí tích có một ý nghĩa và một vai trò rộng rãi hơn là vai trò giúp chúng ta hiểu biết các thực tại siêu nhiên và vô hình được ban cho chúng ta trong các bí tích. Con người mới phát xuất từ cuộc gặp gỡ bí tích cũng là lịch sử mới và vũ trụ mới. Sau cùng là tính cách lễ hội nằm ở bên trong biểu tượng của mỗi cử hành bí tích. Nó nói rằng cái luận lý duy nhất khiến cho một cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa với con người có thể có khả năng được giải quyết trong một cuộc gặp gỡ giữa con người với nhau và giữa con người với các sự vật. Đó là cái luận lý của sự nhưng không và cuộc chơi, chứ không phải cái luận lý của thuyết hiệu qủa.

Từ các nhận xét trên đây trước hết có thể suy luận rằng việc cử hành bí tích không thể được hiểu như là một đầu cơ tích trữ ơn cứu độ, ít nhất không thể là như vậy trong nghĩa thánh thiêng, thuần túy cá nhân và cánh chung, đôi khi có thể khiến cho người ta nghĩ tới cử chỉ bí tích như là một điểm tới, bên kia nó con người không còn gì nữa để làm hầu bảo đảm ơn cứu độ cho mình. Tính cách biểu tượng của việc cử hành một đàng khẳng định thực tại hiệu qủa của cuộc gặp gỡ cứu độ được thực hiện trong bí tích, đàng khác nhấn mạnh tính năng động của cuộc gặp gỡ. Bí tích là điểm khởi hành để cho phép một cuộc gặp gỡ đối thoại rộng rãi hơn và trải dài như sự hiện hữu của con người và của thế giới loài người.

Trong mức độ, trong đó việc cử hành bí tích nhận lãnh vai trò loan báo và thành lập một giao ước, khởi hành từ cuộc gặp gỡ giữa con người và Thiên Chúa, trải dài ra và lây lan cho tới chỗ ôm trọn mọi thực tại, nó cũng trở thành kiểu diễn tả gương mẫu, và có ý nghĩa đối với mọi hình thức gặp gỡ tôn giáo, nhân bản và vũ trụ khác, mà trong bối cảnh lịch sử nó đã và đang được thực hiện. Nếu được sống một cách đích thật, việc cử hành bí tích không bao giờ là một sự kiện kỳ thị trên bình diện tôn giáo cũng như trên bình diện thuần túy nhân loại. Tất cả mọi giá trị tích cực, cả khi chỉ có mầm giống hay trong hình thái méo mó, có thể gặp thấy trong mọi tôn giáo khác, hay trong bất cứ tình trạng sống nào của con người, trong cử chỉ bí tích đều tìm thấy một sự diễn tả chúng rõ ràng, và cả đến sự tán dương nữa. Trong nghĩa này, do ơn gọi nguyên thủy của nó, việc cử hành là một sự kiện của sự liên hiệp thông sâu xa, không chỉ giữa các Giáo Hội Kitô khác nhau, mà cũng là sự liên hiệp thông giữa các tôn giáo khác nhau nữa.

Đến đây chúng ta có thể vạch ra phác thảo một câu trả lời cho vấn đề liên hiệp thông, được hiểu trong nghĩa hẹp nhất của nó, như đã nói từ đầu. Có nhiều lý do có thể được đưa ra để biện minh cho các cử hành bí tích của sự liên hiệp thông giữa các Giáo Hội Kitô khác nhau. Ngoài xác tín các cuộc găp gỡ cầu nguyện có thể tạo thuận tiện cho phong trào đại kết rất nhiều hơn là các cuộc thảo luận thần học, còn có xác tín đúng đắn là việc giảng hòa và sự hiệp nhất các kitô hữu trong Chúa Kitô là hoa trái sáng kiến của Thiên Chúa hơn là sáng kiến của con người. Sau cùng, vì mỗi một cử hành phụng tự diễn tả, trong tính cách biểu tượng bẩm sinh của nó, các giá trị nòng cốt của tâm tình tôn giáo chung cho tất cả mọi tín hữu tin nơi Thiên Chúa, người ta không thấy tại sao lại không thể quy tụ lại với nhau những người có chung niềm tin nơi Thiên Chúa, cũng như niềm tin nơi Chúa Kitô. Tuy tất cả các lý do này đều có nền tảng, nhưng không khó nhận ra rằng cũng có các lý lẽ sâu xa hơn, mời gọi không nên thăng tiến các sáng kiến loại này một cách thiếu phân định.

Trước hết các cử hành bí tích không phải là một lời cầu nguyện đơn sơ hay bất cứ sinh hoạt lễ nghi nào khác, trong đó có thể bằng lòng với bất cứ việc đồng quy niềm tin tôn giáo nào khác. Các bí tích là việc cử hành một sáng kiến cứu độ của Thiên Chúa, tuy là suối nguồn của sự hiệp nhất các tín hữu kitô, nhưng không thể được thực hiện, nếu không trong mức độ trong đó các kitô hữu trung thành chấp nhận sáng kiến ấy, như nó được đặt để trong bí tích. Và vấn đề tương quan rất chặt chẽ giữa đức tin và các bí tích, mà chúng ta đã đề cập đến trong phần đầu khảo luận, và có thể được lập lại như vấn đề giáo thuyết đúng đắn – thực hành đúng đắn. Từ lúc trong môi trường kitô giáo thuyết đúng đắn và thực hành đúng đắn tuyệt đối không thể tách rời nhau, bởi vì chúng không phải là hai thái độ độc lập, thì kết qủa là một đồng quy thực hành đúng đắn không thể có được ở nơi đâu không có một sự đồng quy giáo thuyết đúng đắn trên bình diện bí tích. Tính cách biểu tượng có thể là điểm liên hiệp thông, nhưng chỉ cho tới nơi đâu diễn tả một sự đồng quy đức tin thực sự. Nơi đâu việc cử hành trở thành nặng tính cách biểu tượng, mà ý nghĩa qúa chuyên biệt và sâu xa đến độ không thể được chia sẻ bởi tất cả các tham dự viên, thì nó thôi là suối nguồn của sự liên hiệp thông, và chỉ đơn thuần trở thành một giàn xếp không đáng cầu chúc. Còn hơn thế nữa, một cử hành bí tích mà chỉ để lại vài chia rẽ cả khi ở bên lề đi nữa, thì không diễn tả và không thực hiện được một sư hiệp thông đích thực và hoàn toàn giữa các tham dự viên; nó sẽ phủ nhận và khiến cho sự hiện diện của một hành động cứu độ của Thiên Chúa không thể tin được, trong khi nó phải tạo ra sự hiệp nhất, mà vì sự bất trung của con người nên không thành công trong việc đó.

(Thần Học Kinh Thánh bài số 1191)


Linh Tiến Khải

Exit mobile version