Tin tưởng quay về cùng Chúa

Ngôi Hai Thiên Chúa làm người – Vị Cứu tinh đã sinh ra cho chúng ta – không như biết bao bậc Quân vương khác đến cai trị bằng sức mạnh của vương quyền, thống lĩnh bằng gươm đao chinh chiến – Ngài là “Người cha nhân hậu, ông vua thái bình” ; Người là vị mục tử nhân lành chăn dắt đoàn chiên nơi đồng cỏ xanh tươi, bến nước trong lành và không để “mất bất cứ con chiên nào” (x. Ed 34, 13-14).

Khi đi tìm con chiên lạc, người chăn chiên không bỏ rơi chín mươi chín con chiên khác, nhưng trao đàn chiên cho những người bạn đồng hành của mình chăm sóc. Điều đáng lưu ý ở đây là mỗi một con chiên đều quan trọng và quý giá đối với người mục tử.

Hình ảnh Thiên Chúa – Người Mục tử nhân hậu, mà Chúa Giêsu là hiện thân còn được Người diễn tả rõ nét trong Tin mừng Gioan chương 10, 7 – 18: “Vậy, Chúa Giêsu lại nói : “Thật, tôi bảo thật các ông : “…Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. Người làm thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn, vì anh ta là kẻ làm thuê, và không thiết gì đến chiên. Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi, như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.”

Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử. Sở dĩ Chúa Cha yêu mến tôi, là vì tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại. Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy. Đó là mệnh lệnh của Cha tôi mà tôi đã nhận được.”

Chúa Giêsu Là vị mục tử nhân lành, còn con chiên lạc thì sao? Tại sao nó lại bị lạc? Phải chăng nó đang mải mê thú gặm cỏ mà quên mất đàn bầy; Hay nó thích chạy chơi chốn lạ, rời đàn bầy mà quên mất đường về; hoặc nó đã bị sẩy chân sa hố?… Dù sao trong bất cứ hoàn cảnh nào, nó cũng là con chiên đang bị gặp hiểm nguy: thú dữ rình chực xé xác, bị thương tích cần được cứu chữa. Người chủ chiên nhân lành, yêu chiên như con; lòng lo lắng vô hạn, ông để chín mươi chín con ở lại, quên cả bản thân, tất tả, rong ruổi tìm con chiên lạc, bất chấp núi cao vực thẳm, đường đá lởm chởm, gập ghềnh… Càng gian khổ bao nhiêu, khi gặp lại lòng càng vui mừng bấy nhiêu – “Người chủ vác chiên trên vai trở về khoe với bạn bè” (x. Lc 15, 5 – 6) – Ông yêu chiên biết là ngần nào!

Hình ảnh diễn tả tình yêu Thiên Chúa dành cho “kẻ bé mọn” (tội nhân) thật xúc động. Thế nhưng con người vẫn mải mê chạy theo lạc thú, đam mê trần tục, lao vào những cám dỗ hiểm nguy, có biết đâu rằng Chúa vẫn kiên nhẫn rong ruổi kiếm tìm, “Ngài không muốn một con chiên nào của Ngài phải hư mất” (c.14)

Hình ảnh Thiên Chúa – Đức Giêsu Kitô – Mục tử nhân lành là mẫu gương cách riêng cho các mục tử, nhưng cũng là tấm gương cho từng người chúng ta. Chúng ta có cách cư xử thế nào đối với những người anh em “bé nhỏ” về nhiều mặt của cuộc đời – khinh khi, không quan tâm, loại trừ hay động lòng nhân hậu xót thương, giúp đỡ, cầu nguyện…? Mỗi người chúng ta cũng có những người thuộc về mình để mà quan tâm săn sóc, chúng ta đã hết mình trong bổn phận chưa hay chúng ta chỉ tà tà chủ chương ‘măc-kê-no’, thân ai nấy lo, đèn ai nấy rạng?

Điều mà Chúa Giêsu muốn cho chúng ta thấy qua dụ ngôn “con chiên lạc”, đó là: trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, mỗi con người đều có một phẩm giá và vị trí riêng biệt. Tình yêu của Thiên Chúa thì cao vời, hơn hẳn luận lý thông thường của con người. Lòng thương xót mà Thiên Chúa dành cho con người là vô bờ bến và lòng thương xót ấy được biểu lộ cách tuyệt hảo nơi Đức Giêsu Kitô. Qua Người Con Một dấu yêu, Thiên Chúa mạc khải cho nhân loại khuôn mặt dịu hiền, đầy bao dung, yêu thương và tha thứ của Người. Ngôi Hai Thiên Chúa đến trần gian là để đem ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại và cho từng cá nhân cụ thể. Đức Giêsu, Vị Mục Tử Nhân lành đã không tiếc thời giờ để đi tìm từng “con chiên lạc” như Giakêu (Lc 19, 1-10), như người phụ nữ Samari bên bờ giếng Giacóp (Ga 4, 7-42), hay như người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình (Ga 8, 1-11),…

Mùa Vọng lại về, ta đừng để cho những rộn ràng bên ngoài làm lóa mắt và chỉ nghĩ đến những vui chơi, phù phiếm, nhưng biết dừng lại, chìm lắng lòng mình để suy nghĩ– suy nghĩ về mục đích, ơn cứu độ đời mình; đồng thời nuôi niềm hy vọng – hy vọng, tin tưởng vào tình yêu của Thiên Chúa, hy vọng về ơn chữa lành, hy vọng vào một ngày mai tốt đẹp hơn hôm nay!

Thật vậy, ta chỉ có thể tin tưởng quay về với Chúa, nếu chúng ta ý thức được tình yêu và lòng tha thứ của Chúa dành cho ta. Như đại dương, lòng thương xót, lòng nhân từ Chúa sẽ xóa sạch tội lỗi chúng ta. Tuy nhiên, con người chỉ có thể cảm nhận được lòng tha thứ của Thiên Chúa khi biết tha thứ cho anh em mình mà thôi. Đó là điều Chúa Giêsu muốn nêu bật trong Tin mừng hôm nay. Qua cử chỉ này, Chúa Giêsu muốn nói với các tội nhân rằng Thiên Chúa yêu thương họ, tìm kiếm họ, và tha thứ cho họ; tuy vậy, Ngài còn mời gọi những kẻ tự cho mình là lành thánh cũng phải hoán cải.

Hoán cải trong quan niệm của họ về lòng nhân từ của Thiên Chúa, nhất là hoán cải trong cái nhìn của họ đối với người tội lỗi. Con người chỉ cảm nhận được tình yêu Thiên Chúa khi họ biết cảm thông và tha thứ cho tha nhân. Điều đó cũng có nghĩa là lòng nhân từ của Thiên Chúa không hề làm cho con người ra vong thân, nhưng biến nó trở thành người hơn, có trách nhiệm và dấn thân hơn. Con người chỉ thực sự thống hối khi nó biết thực thi lòng nhân ái với tha nhân.

Huệ Minh

Exit mobile version