Bài đọc: 1 Kgs 17:1-6; Mt 5:1-12b.
Mọi sự trong thế giới là của Thiên Chúa vì Ngại dựng nên tất cả cho con người hưởng dùng trong những ngày họ sống trong thế gian; nhưng rất nhiều người, thay vì biết cám ơn Thiên Chúa đã ban cho, lại coi những gì mình có là do sức lực và tài khéo của mình, thay vì thờ phượng Người đã dựng nên tất cả lại quay sang thờ phượng những thứ Người đó tạo nên. Tiên tri Isaiah so sánh những người như thế còn thua cả loài vật, vì: “Con bò còn biết chủ, con lừa còn biết cái máng cỏ nhà chủ nó. Nhưng Israel thì không biết, dân Ta chẳng hiểu gì” (Isa 1:3).
Các bài đọc hôm nay muốn nhắc nhở cho con người biết hạnh phúc thật không phải là ở sự hưởng thụ vật chất; nhưng là ở chỗ tin tưởng vào tình yêu của Thiên Chúa quan phòng. Trong bài đọc I, ngôn sứ Elijah truyền lệnh đóng cửa trời. Mục đích là để cho dân nhận ra sự cần thiết của Thiên Chúa và quay trở về với Ngài. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu tóm tắt đạo lý của Người trong Bát Phúc; những gì con người phải làm để được Thiên Chúa chúc phúc.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Trong những năm sắp tới, sẽ chẳng có mưa, có sương, nếu tôi không ra lệnh.
1.1/ Lệnh truyền của tiên tri Elijah: Tiên tri tức giận vì nhà vua và dân chúng đã rời xa Thiên Chúa, vì muốn cho họ mở mắt nhìn thấy đâu là Thiên Chúa thật, ông nói với vua Ahab của Israel rằng: “Có Đức Chúa, Thiên Chúa hằng sống của Israel, Đấng tôi phục vụ: trong những năm sắp tới, sẽ chẳng có mưa, có sương, nếu tôi không ra lệnh.”
Thiên Chúa không những dựng nên cây cối và hạt giống làm thức ăn cho muôn loài, Người còn quan phòng cho mưa nắng, sương gió giúp hạt giống nẩy mầm và tăng trưởng. Nếu thiếu những yếu tố này, hạt giống sẽ không thể mang lại cho con người lương thực. Để giúp nhà vua và con cái Israel nhận ra sự quan phòng của Thiên Chúa, tiên tri được Thiên Chúa cho quyền năng “đóng cửa trời,” để không có mưa hay sương rơi xuống trên mặt đất cho tới khi tiên tri truyền lệnh lại.
Không có mưa hay sương, con người và thú vật sẽ chết vì khát, cây cỏ sẽ khô héo và không sinh lương thực, con người và thú vật sẽ chết vì đói. Tiên tri hy vọng khi con người phải đối diện với nguy hiểm chết vì đói khát, họ sẽ nhận ra sự cần thiết của Thiên Chúa và tin tưởng nơi Ngài.
1.2/ Thiên Chúa quan phòng cho Elijah: Khi không có mưa sương rơi xuống, cả tiên tri Elijah cũng bị ảnh hưởng, nhưng ông tin tưởng nơi sự quan phòng của Thiên Chúa. Thiên Chúa biết chỗ nào có nước để tiên tri có nước uống: “Ngươi hãy bỏ đây đi về phía đông, và ẩn mình trong thung lũng Cherith, phía đông sông Jordan. Ngươi sẽ uống nước suối.” Về thức ăn: “Ta đã truyền cho quạ nuôi ngươi ở đấy.” Ông ra đi và làm như Đức Chúa truyền: là đến ở thung lũng Cherith, phía đông sông Jordan. Buổi sáng, quạ mang bánh và thịt cho ông; rồi buổi chiều, cũng mang bánh và thịt cho ông. Ông uống nước suối.
Trình thuật trong Sách Các Vua dạy chúng ta bài học: Nếu con người không biết nhận ra và cám ơn những ân huệ Thiên Chúa đã làm, Ngài sẽ cất đi và con người sẽ chết; nhưng nếu con người nhận ra và tin tưởng nơi Thiên Chúa, Ngài sẽ có cách nuôi dưỡng con người ngay cả trong khi hạn hán, đói khát.
2/ Phúc Âm: Người có phúc là người biết trông cậy hoàn toàn nơi Thiên Chúa.
Có thể nói Bát Phúc là tóm tắt tất cả những gì Chúa Giêsu dạy dỗ con người trong những ngày Ngài rao giảng ở trần gian. Có thể tóm tắt Bát Phúc vào ba điều chính theo chủ đề hôm nay. Con người cần phải tin tưởng hoàn toàn vào sự quan phòng của Thiên Chúa.
2.1/ Trong khi thiếu thốn vật chất: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.” Có nhiều cách giải thích về cụm từ “tâm hồn nghèo khó.” Trước tiên, chúng ta không thể giản lược vào thiếu thốn vật chất; nhưng rất nhiều lần Chúa Giêsu tuyên bố người giầu có rất khó vào Nước Trời. Lý do đơn giản khi con người có đầy đủ mọi thứ, họ có khuynh hướng không cần Thiên Chúa; tối ngày chỉ lo kiếm nhiều tiền, và khi có nhiều tiền lại tìm kiếm hưởng thụ. Dĩ nhiên Chúa không cổ động lối sống nghèo đến độ không có của ăn nhà ở, con người cần có những thứ căn bản ổn định trước khi có thể phát triển tinh thần. Thứ hai, có người giầu nhưng biết dùng của cải Chúa ban để phân phát cho người nghèo, ủng hộ vào các chương trình phát triển hay nuôi dưỡng ơn gọi, hay mở rộng nhà cửa để tiếp đón những nhà truyền giáo. Có lẽ điều Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh đến ở đây là có lòng trông cậy vào sự quan phòng của Thiên Chúa trong mọi sự, chứ không thuần nhất chỉ của cải vật chất mà thôi.
2.2/ Trong khi thiếu thốn tinh thần: Hiền lành không có nghĩa khờ khạo để cho người khác muốn làm gì thì làm; nhưng phải biết khi nào và cách thức phản ứng để đạt được kết quả tốt đẹp như ý Thiên Chúa muốn. Trên đường nhân đức, người khao khát được trở nên người công chính là người dễ đạt tới đỉnh trọn lành, vì nếu coi thường hay xem nó không quan trọng, làm sao người đó chịu bỏ công sức để tập luyện! Xót thương tha nhân là điều kiện Chúa đòi để được Chúa xót thương. Ai không có lòng thương xót anh em mình, làm sao dám cầu xin lòng thương xót của Thiên Chúa. Ơn Phúc Kiến, nhìn thấy Thiên Chúa tỏ tường là mục đích của cuộc đời. Điều kiện Thiên Chúa đòi là tâm hồn trong sạch. Chữ trong sạch ở đây hiểu là “nguyên chất,” không pha trộn với điều gì khác. Nếu hiểu như thế, trong sạch không chỉ giản lược vào phạm vi tình dục; nhưng bao gồm tất cả các mong ước bất chính. Bình an là quà tặng Thiên Chúa ban cho những ai đặt trọn vẹn niềm tin tưởng vào Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời. Xây dựng bình an là giúp cho con người hoàn toàn tin nơi Thiên Chúa.
2.3/ Trong khi chịu đau khổ: Khi con người chịu đau khổ, họ có thể rơi vào một trong hay trạng thái: (1) than thân trách Thiên Chúa và mất niềm tin tưởng nơi Ngài; (2) nâng tâm hồn lên Thiên Chúa để xin Ngài ghé mắt nhìn tới. Con người dễ hướng lòng lên Thiên Chúa khi thiếu thốn đau khổ hơn là khi sung sướng hạnh phúc. Nhiều thánh mong ước được chịu đau khổ để họ được cảm thấy sự ủi an của Thiên Chúa. Đau khổ vì chính đạo là cơ hội cho con người chứng tỏ niềm tin yêu của họ nơi Thiên Chúa. Khi có dịp để chịu đau khổ vì Chúa, các tín hữu phải hãnh diện vì được thông phần vào Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu, và cũng sẽ được thông phần vào vinh quang của Ngài.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Vật chất chỉ là những phương tiện của cuộc sống không phải là đích điểm của cuộc đời. Chúng ta đừng vì vật chất mà sống xa Thiên Chúa.
– Chỉ một mình Thiên Chúa mới làm đầy những khao khát hạnh phúc của con người. Để chiếm hữu Thiên Chúa, con người cần khao khát tập luyện các nhân đức.
– Đau khổ vì chính đạo là cơ hội cho chúng ta biểu tỏ đức tin vào Thiên Chúa. Nếu chúng ta ao ước được chịu đau khổ với Đức Kitô, Ngài sẽ cho chúng ta cùng hưởng vinh quang với Ngài.
Anthony Đinh Minh Tiên, OP.