Thực vậy, “Từ thập niên 60, từ ‘Phúc âm’ rất được phổ biến ở Việt Nam: sách Phúc âm, rao giảng Phúc âm, các lời khuyên Phúc âm. Từ thập niên 90, thấy từ ‘Tin Mừng’ dần dần xuất hiện trong thánh đường, tuy rằng cho đến nay, trong giới nhà tu, người ta vẫn còn nói đến ‘ba lời khuyên Phúc âm, tinh thần Phúc âm’. ” (LM Giuse Phan Tấn Thành, OP, bài “Loan báo Tin Mừng cách mới mẻ”, nguồn simonhoadalat.com).
Vậy, ý nghĩa của hai chữ “Tin Mừng” là gì?
LM Stêphanô Huỳnh Trụ, trong bài “Phúc Âm – Tin Mừng” đã giải thích: “Đối với chúng ta, evangelium chỉ bản văn kể lại cuộc đời Chúa Giêsu hoặc chỉ những phân đoạn của bản văn đó đọc trong Thánh Lễ. Trên phương diện thần học, evangelium được hiểu là: 1- Tin về ơn cứu độ do Đấng Messia mang đến cho loài người; 2- Giáo huấn của Chúa Giêsu, do các Tông Đồ rao giảng; 3- Sự ghi chép của lời giáo huấn này thành sách; 4- Mỗi cuốn trong bốn cuốn ghi lại lời giảng dạy này và được nhận vào Thư Quy” (Nguồn UBGLĐT/ HĐGMVN).
Tuy nhiên, xét một cách sâu xa hơn, Tin Mừng Ki-tô giáo không chỉ bao hàm tin vui, giáo huấn, chuyện kể hay sự ghi chép gì đó, mà còn là sứ điệp cứu rỗi được Đấng thiên sai từ trời đem đến. Ngài vừa là sứ giả của Thiên Chúa và cũng chính là Tin Mừng mà muôn dân mong đợi.
* TIN MỪNG KI-TÔ GIÁO: TỪ SỨ ĐIỆP ĐẾN SỨ GIẢ
Đức Giê-su từng khẳng định Ngài được Chúa Cha sai đến trần gian để đem Tin Mừng cho con người. Để trả lời cho những người được Gio-an Tẩy giả sai đến chất vấn Ngài, “ ’Thưa Thầy, Thầy có đúng là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?’ Đức Giê-su trả lời: ‘Các anh cứ về thuật lại cho ông Gio-an những điều mắt thấy tai nghe: Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng, và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi’” (Mt 11, 3-6).
Thánh Luca cũng ghi lại như sau: “Rồi Đức Giê-su đến Na-da-rét, là nơi Người sinh trưởng. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sa-bát, và đứng lên đọc Sách Thánh. Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ I-sai-a. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng: Thần Khí Chúa ngự trên tôi, / vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, / để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. / Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, / cho người mù biết họ được sáng mắt, / trả lại tự do cho người bị áp bức, / công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4, 16-18).
Đối với các môn đệ và những ai tin theo Đức Giê-su Na-da-rét, thì Ngài đích thực là sứ giả thiên sai mà mọi người mong đợi. Sứ điệp của Ngài là sứ điệp từ trời, hàm chứa nội dung tin mừng cứu độ. Ngài vừa là người loan báo vừa là người thực hiện những lời hứa của Thiên Chúa. Ngài khác hẳn với các ngôn sứ trong Cựu Ước và Gio-an Tẩy Giả, vì chính Ngài là Đấng Thiên Sai và Đấng Cứu Thế. “Tin mừng luôn luôn là tin mừng về Nước Thiên Chúa (CvSđ 8,12; 14, 21; 19,8; 20, 25; 28, 23)…Đó là ơn tha thứ, ơn của Thần Khí (2, 38; 3, 26; 10, 43; 13, 38; 17, 30). Nhưng từ nay tin ấy cũng chính là ‘tin mừng Giê-su’ (8, 35; 17, 18), ‘về Danh Đức Giê-su Ki-tô’ (8, 12), ‘về Chúa Giê-su’ (11, 20, ‘về hòa bình bởi Đức Giê-su Ki-tô’ (10, 36). Sự phục sinh của Đức Ki-tô trở nên trung tâm của tin mừng” (x. Mục từ “Tin Mừng”, Điển ngữ THTK GHHV Pi-ô X Đalat).
Thực vậy, “ ‘Thời gian đã hoàn tất, Nước Thiên Chúa đã gần kề’ (Mc 1, 15), đó là nội dung chính yếu của sứ điệp. Nhưng lần này chính con người của sứ giả trở nên trung tâm của tin mừng. Tin Mừng chính là Đức Giê-su (x. Mc 1,1)“ (x. Mục từ “Tin Mừng”, sđd).
LM Nguyễn Thế Thuấn, DCCT, trong phần chú giải Mt 4,23 về chữ “Tin Mừng” bản dịch Kinh Thánh 1976, đã viết: “Tin Mừng (Tin lành) hay Phúc Âm (Mc 1,1; Rm 1,16; Ga 1,6; 1Th 1,5) trước tiên không phải là một sách, hay chính lời rao giảng, nhưng là ơn cứu thoát Chúa Giêsu đem đến, và chính Ngài lại là nội dung cốt yếu”.
Thời giáo hội sơ khai, các tông đồ và môn đệ của Đức Giêsu coi Tin Mừng là một thực tại huyền nhiệm, vừa sống động, vừa thân thiết. Thánh Gio-an tông đồ đã nói về thực tại ấy như sau: “Điều vẫn có ngay từ lúc khởi đầu, điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống. Quả vậy, sự sống đã được tỏ bày, chúng tôi đã thấy và làm chứng, chúng tôi loan báo cho anh em sự sống đời đời: sự sống ấy vẫn hướng về Chúa Cha và nay đã được tỏ bày cho chúng tôi.” (1Ga 1,1-2).
Riêng thánh Phaolô, với cảm nghiệm về tính chất sâu xa và hiệu quả kỳ diệu của thực tại Tin Mừng, đã xác quyết như sau: “Thưa anh em là những người được Thiên Chúa thương mến, chúng tôi biết rằng Thiên Chúa đã chọn anh em, vì khi chúng tôi loan báo Tin Mừng cho anh em, thì không phải chỉ có lời chúng tôi nói, mà còn có quyền năng, có Thánh Thần, và một niềm xác tín sâu xa” (1Tx 1,4-5).
* KI-TÔ HỮU ĐÓN NHẬN VÀ SỐNG TIN MỪNG
Tất cả Ki-tô hữu chúng ta đều đã được đón nhận ơn huệ của Tin Mừng khi tuyên xưng đức tin và lãnh nhận bí tích Thánh tẩy. Vì trước khi về trời, Chúa Giêsu đã căn dặn các môn đồ: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án. ” (Mc 16, 15-16).
Tuy nhiên, trong thực tế đời sống đức tin của mình, chúng ta chỉ “nghe” Tin Mừng nhiều mà chưa thực sự “sống Tin Mừng”. Vì thế chúng ta chưa thực sự vui mừng và phấn khởi.
Sống Tin Mừng là đón nhận Chúa Giê-su Ki-tô phục sinh vào trong đời mình. Như thánh Phao-lô đã xác tín, “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi” (Gl 2, 20). Khi có Chúa trong đời mình, chúng ta an tâm, vui mừng vì đã được ơn tha thứ, được ơn bình an, được hưởng những hoa quả của Thần Khí, được hạnh phúc làm con cái Thiên Chúa. Lúc đó Chúa chính là sự sống của ta, “Đối với tôi, sống là Đức Ki-tô, và chết là một mối lợi” (Pl 1, 21).
Sống Tin Mừng là chúng ta hoàn toàn tin tưởng và phó thác vào tình thương và sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa, theo như lời căn dặn của Chúa Giê-su: “Vì thế anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây? Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó. Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6, 31-33). Vậy sống Tin Mừng là chúng ta lo tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước hết, coi đó là chọn lựa ưu tiên hàng đầu trong đời sống đức tin của mình.
Sống Tin Mừng là chúng ta biết chú tâm lắng nghe và thực hành Lời Chúa. Đối với người Ki-tô hữu chân chính, thì việc lắng nghe Lời Chúa luôn kèm theo việc thi hành Lời Chúa. Đây cũng là điều được Đức Giêsu rất quan tâm. Ngài nói: “Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” (Lc 8,21). Không thực hành Lời Chúa thì tất cả chỉ là ảo tưởng, là xây nhà trên cát. Thậm chí không thể nói là đã hiểu Lời Chúa, vì như thánh Grê-gô-ri-ô Cả đã viết, “Người ta chỉ thực sự hiểu Lời khi bắt đầu đem ra thực hành”.
Sống Tin Mừng là khi chúng ta luôn giữ được niềm vui và sự bình an trong tâm hồn. Đồng thời cũng lan tỏa niềm vui và bình an ấy đến với mọi người. Chúng ta thực sự trở thành tin vui, tin mừng cho tha nhân. Bởi vì sức hút nơi người tông đồ là niềm vui có Chúa. “ĐTC Phan-xi-cô nhân ngày Thế giới Truyền giáo, đã thổ lộ tâm tình của mình với các nhà truyền giáo như sau: ‘Chúng ta đừng để mình bị tước mất niềm vui của việc loan báo Tin Mừng! Tôi mời gọi anh chị em đắm mình vào niềm vui của Tin Mừng và nuôi dưỡng một tình yêu có thể thắp sáng ơn gọi và sứ mạng của anh chị em’ (x. Sứ điệp truyền giáo năm 2014)” (Jos. Vinc. Ngọc Biển, bài “Niềm vui của người loan báo Tin Mừng”, nguồn conggiao.info).
Sống Tin Mừng đòi hỏi chúng ta tích cực thi hành lòng mến Ki-tô giáo. Đó là cách chúng ta làm chứng tá Tin Mừng Đức Ki-tô và là cách thức truyền giáo hiệu quả nhất. Thực vậy, “Muốn trở nên người tông đồ thực thụ vì chan chứa niềm vui, người được sai đi loan báo Tin Mừng phải gặp gỡ thân tình với Đức Kitô, cảm nghiệm được ơn gọi và sứ vụ cao quý của mình, và phải yêu mến những người mà mình có cơ may tiếp xúc, nhất là với người nghèo, người bị bỏ rơi, người sống bên lề… Có được điều đó, người tông đồ sẽ đem lại cho họ niềm vui đích thực khi trong mình đang tỏa lan một niềm vui có Chúa” (Jos. Vinc. Ngọc Biển, bài và nguồn đd)./.
Aug. Trần Cao Khải