Tin Lành – Protestantism

Mặc dù ngày nay người Công Giáo và nhiều người Anh Giáo truyền thống đang có sự thân thiện và ngày càng hỗ tương cộng tác, vẫn còn vấn đề tế nhị về giá trị của chức thánh trong Anh Giáo. Giáo Hội Công Giáo tiếp tục phủ nhận giá trị này.


Vào năm 1896, Ðức Giáo Hoàng Leo XIII ra tông thư Apostolicae Curae, trong đó ngài duy trì lập trường của Giáo Hội là coi chức thánh của Anh Giáo “tuyệt đối vô giá trị và không có hiệu lực.” Khi Tổng Giám Mục Canterbury của Anh Giáo đầu tiên là Thomas Cranmer, lên nắm quyền dưới thời Vua Henry VIII, ngài đã thay đổi nghi thức truyền chức một cách quyết liệt, cắt bỏ mọi liên quan đến sự thánh thiện của chức tư tế.


Ðể có giá trị, các bí tích phải có nghi thức và ý nghĩa thích hợp, do đó nhiều câu hỏi nghiêm trọng về giá trị của chức thánh trong Anh Giáo được nêu lên. Sau những nghiên cứu, Giáo Hội Công Giáo quyết định rằng, mặc dù việc phong chức linh mục được cử hành bởi một giám mục Công Giáo hợp lệ nhưng lạc đạo, vì nghi thức tấn phong của Anh Giáo bị sái lệch quá nhiều nên chức thánh không còn giá trị.


Do đó, chỉ trong vòng một hay hai thế hệ sau khi Giáo Hội Anh Giáo khởi đầu thì không còn giám mục Anh Giáo hợp lệ (vì các giám mục Công Giáo nguyên thủy đi theo giáo thuyết này đã từ trần). Bởi đó, các giám mục Anh Giáo (là những người về phương diện kỹ thuật không phải là giám mục hay ngay cả linh mục) không thể phong chức linh mục cho bất cứ ai.


Tuy nhiên, tình trạng còn rắc rối hơn nữa. Một số người sắp chịu chức linh mục Anh Giáo, nhận thấy tình trạng vô hiệu của chức thánh trong giáo hội của họ, đã chịu chức dưới tay các giám mục ly giáo đã được tấn phong cách hợp lệ (tỉ như người Công Giáo Cổ, ly khai Rôma sau Công Ðồng Vatican I). Giả như các giám mục này dùng nghi thức hợp lệ và có ý định thiết yếu, việc phong chức sẽ có giá trị, dù trái phép. Vấn đề là sự khó khăn để xác định giá trị chức thánh của linh mục Anh Giáo.


Ðó là lý do tại sao khi linh mục Anh Giáo muốn trở lại đạo Công Giáo và làm việc như một linh mục họ phải được truyền chức lại trong Giáo Hội Công Giáo. Họ được tấn phong “một cách vô điều kiện” –nghĩa là, họ được giả sử rằng chưa được tấn phong cách hợp lệ trong Anh Giáo, bất kể vị giám mục tấn phong là ai.


2. Một số người trong phong trào Giáo Hội Ðức Kitô

(Church of Christ) lý luận rằng giáo hội của họ là giáo hội thật, được Chúa Giêsu thiết lập, vì đó là tên trong phúc âm (Rôma 16:16 đề cập đến “các giáo hội của Ðức Kitô”). Họ giải thích rằng khi người đàn bà lấy chồng, bà lấy tên họ của chồng. Vì Giáo Hội được gọi là tân nương của Ðức Kitô, họ lý luận rằng tên thực sự của Giáo Hội phải là Giáo Hội Ðức Kitô.s


Ở đây có hai lý lẽ. Một thuộc về phúc âm và một thuộc về văn hóa.


Lý lẽ phúc âm thì dễ để bác bỏ. Trong thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Rôma 16:16 là đoạn đề cập đến “các giáo hội của Ðức Kitô.” Trong đoạn này, câu ấy không được dùng như một danh hiệu, nhưng liên quan đến tính cách địa lý ám chỉ các giáo đoàn địa phương của một Giáo Hội thật do Ðức Kitô thiết lập. Không thể hiểu câu ấy là Ðức Kitô thiết lập vài giáo hội khác nhau.


Về lý lẽ văn hóa, trong khi các bà vợ có thể lấy tên chồng, họ thường không lấy danh hiệu. “Kitô” là một danh hiệu, chứ không phải cái tên. Nếu Giáo Hội được đặt tên theo Ðức Kitô, thì phải là “Giáo Hội Ðức Giêsu–Church of Jesus” (là câu không có trong Kinh Thánh).


3. Con gái tôi vừa lấy một người theo đạo Seventh-Day Adventist

— Cơ Ðốc Phục Lâm Ngày Thứ Bảy (trái với sự chống đối của vợ chồng chúng tôi). Khi có cơ hội là chồng nó tấn công đạo Công Giáo. Một trong những khinh miệt chính yếu là Ðức Thánh Cha, là người mà hắn nói là con quái vật được đề cập đến trong Khải Huyền 13. Hắn nói có thể “chứng minh” điều này vì danh hiệu của đức giáo hoàng, Vicarius Filii Dei, có nghĩa Vị Ðại Diện Con Thiên Chúa, cộng thành con số 666–là “số của con quái vật” được nhắc đến trong Khải Huyền 13. Ðiều này có đúng không? Chúng tôi phải trả lời thế nào?


Bà chống đối hôn nhân này là đúng. Với thái độ như vậy, chắc chắn con rể của bà sẽ làm bất cứ gì để cướp đoạt đức tin Công Giáo của cô con gái, và lôi cô ta ra khỏi Giáo Hội (đây là lý do Thánh Phaolô khuyến cáo chúng ta đừng “chung một ách với kẻ không tin” [2 Cor. 6:14]). Hãy khuyến khích cô con gái giữ vững đức tin, và cố gắng hết sức để phản ứng với các tấn công một cách chắc chắn nhưng độ lượng.


Trước hết hãy tìm hiểu điều cáo buộc này. Trong tiếng La Tinh, Hy Lạp, và Do Thái các mẫu tự được dùng để chỉ các trị số. Trong tiếng La Tinh các trị số này là: I=1, V=5, X=10, L=50, C=100, D=500, M=1,000. Nới rộng thêm thì W=10 (vì W là hai chữ V ghép lại), và U=V (vì người La Mã không có chữ U; nếu trong văn từ hiện tại bạn muốn dùng chữ U thì phải dùng chữ V thay thế).


Như bà thấy, câu Vicarius Fillii Dei thực sự cộng thành 666 theo tiếng La Tinh: Vicarius=112, Filii=53, Dei=501. (Hãy bỏ qua những chữ không có trị số). Vấn đề là Vicarius Fillii Dei không phải là danh hiệu của đức giáo hoàng. Một trong những danh hiệu của ngài là Vicarius Christi (Ðại Ðiện Ðức Kitô), là danh hiệu chính thức, nhưng không may cho người theo Cơ Ðốc Phục Lâm Ngày Thứ Bảy và những người chống Công Giáo muốn dùng thủ đoạn này, chữ Vicarius Christi cộng lại chỉ có 214, chứ không phải là con số quỷ quái 666.


Với những người trung bình, dù Công Giáo hay Tin Lành, không biết mô tê gì về danh hiệu của đức giáo hoàng bằng tiếng La Tinh thì những người chống Công Giáo mới có thể dùng trò bịp bợm này.


Nhưng nếu một trong những danh hiệu của đức giáo hoàng cộng lại thành 666 thì sao? Sự trùng hợp đó có thể chứng minh đức giáo hoàng là quái vật được không? Làm sao được. Nó không chứng minh được gì vì rất nhiều tên và danh hiệu cộng lại thành số 666. Với một chút thông minh, bà có thể khiến người theo Cơ Ðốc Phục Lâm thú nhận rằng con số 666 chẳng chứng minh được gì, ngay cả nếu đó là danh hiệu của đức giáo hoàng. Hãy làm như sau.


Bảo con rể bà làm toán cộng, và hắn sẽ sửng sốt khi thấy cái tên của người phụ nữ sáng lập Cơ Ðốc Phục Lâm Ngày Thứ Bảy là Ellen Gould White, cộng thành số 666: Ellen=100, Gould=555, White=11. Hỏi nó xem điều đó có “chứng minh” là người sáng lập đạo của hắn là quái vật không? Nếu nó trả lời “Không,” thì việc tính toán cái tên chẳng có ý nghĩa gì. Nếu nó trả lời “Phải”, thì nó làm gì với cái giáo hội được quái vật thành lập? Cách trả lời nào đi nữa thì lý luận của hắn cũng vỡ vụn.

(nguoitinhuu)

Exit mobile version