Theo Cựu Ước, cổ thành Ziklag là nơi che chở vua David trong lúc chạy trốn khỏi cơn giận dữ của vua Saul, người trị vì đầu tiên của Vương quốc Israel và Judah Thống nhất vào cuối thế kỷ 11 TCN.
Trong nhiều thập niên, giới học giả luôn tìm kiếm vị trí của thành Ziklag, nơi mà Cựu Ước ghi chép rằng đã được vua Achish của người Philistine trao cho vua David làm nơi ẩn náu dưới thời trị vì của vua Saul. Mới đây, các nhà khảo cổ học cho rằng họ đã tìm ra cổ thành 3.200 tuổi này ở miền trung Israel.
Quan hệ với vua Philistine
Philistine là tộc người cổ từng sống tại Trung Ðông từ giữa thế kỷ 12 trước Công nguyên (TCN) đến năm 604 TCN, trước khi lâm vào tình trạng bị lưu đày xa xứ. Theo lịch sử ghi lại, họ thuộc phe “xấu” và thường xuyên xảy ra xung đột với người Do Thái. Có lẽ người Philistine nổi tiếng nhất là gã khổng lồ Goliath, kẻ thua cuộc trước vua David. Tuy nhiên, kết quả phân tích ADN gần đây về dân tộc này và thêm nhiều cuộc khai quật mới cho thấy dường như người Philistine không quá xấu xa. Bên cạnh đó, tất cả các ghi chép về họ đều được phe “đối địch” ghi lại và giới khảo cổ học cũng tìm được chứng cứ cho thấy đây là dân tộc có nền văn minh phát triển và thạo nghề. Trong báo cáo mới, rõ ràng vua Achish đã cưu mang David và người của ông trong giai đoạn khó khăn.
Như được ghi lại trong Sách Samuel, thành Ziklag, nằm giữa Kiryat Gat và Lachish, là nơi ẩn náu của vị vua tương lai David khi ông đang chạy trốn vua Saul. Tổng cộng David và 600 người của ông đóng quân ở đây khoảng 14 tháng dưới sự bảo hộ của vua Philistine, và dùng Ziklag làm căn cứ tấn công các khu vực gần đấy. Sau thời gian lưu trú tạm thời ở Ziklag, David lên ngôi vua tại Hebron, trở thành vị vua thứ hai của vương quốc Israel và Judah Thống nhất từ 1005 TCN đến năm 970 TCN. Trong sách Nehemiah của Cựu Ước, Ziklag một lần nữa được nhắc lại và lúc này trở thành cứ địa của người Do Thái quay về từ Babylon.
Chứng cứ xác thực
Không ít nhà khảo cổ học từng tuyên bố đã tìm được Ziklag trước đó, nhưng cuộc khai quật tại địa điểm gọi là Khirbet Al-Rai, bắt đầu từ năm 2015, mang đến nhiều chứng cứ hợp lý hơn cả. Dựa trên các cổ vật và kết quả phân tích đồng vị carbon 14, các học giả xác định khu khảo cổ ở ngọn đồi thấp dưới chân rặng núi Judaea chính là cổ thành thất lạc lâu nay. Cuộc nghiên cứu do Cơ quan Cổ vật Israel dẫn đầu và họ đã tìm được các cấu trúc xây dựng và cổ vật từ thời Philistine tại đây. Sau 7 mùa khai quật, các chuyên gia đã tỉ mỉ khai phá được khoảng 1.000 m2, chứa tàn tích của một khu định cư Philistine từ thế kỷ 12 TCN – thế kỷ 11 TCN, trong đó bao gồm các các cấu trúc bằng đá to lớn và cổ vật đặc trưng của dân tộc này. Các cổ vật thu thập được, cùng với công cụ bằng đá và kim loại, hoàn toàn tương tự với những loại được tìm thấy ở các thành phố khác của người Philistine, bao gồm Ashdod, Ashkelon, Ekron và Gath
Theo thông cáo báo chí của Ðại học Hebrew và Cơ quan Cổ vật Israel, bên cạnh các dấu hiệu cho thấy có sự chuyển tiếp văn hóa từ cấu trúc xây dựng của người Philistine sang nơi ở thường thấy của người Do Thái, các tàn tích còn sót lại vẫn in dấu ấn của một cơn hỏa hoạn lớn đã phá hủy nơi này. Cựu Ước ghi lại người Amalekite từng kéo đến phóng hỏa Ziklag trong lúc vua David tham gia chinh chiến ở xa, nên các cổ vật bị cháy mà nhóm chuyên gia thu thập tại địa điểm này phù hợp với câu chuyện được phản ánh.
UPI dẫn lời nhà khảo cổ học Yosef Garfinkel của Ðại học Hebrew (Israel) nhận xét: “Có thể không chắc chắn 100%, nhưng tôi cho rằng có đến 90% nơi đây là cổ thành Ziklag”. Cho đến nay, các cổ vật thu thập được bao gồm nhiều tượng và vò sứ. Cơ quan Cổ vật Israel thông báo: “Nhiều dạng vò tại khu khảo cổ, kích thước từ trung bình đến lớn, là minh chứng cho cuộc sống thường nhật đầy thú vị dưới thời vua David trị vì”. Những chiếc vò này được dùng để chứa dầu và rượu của người thời xưa. Tuy nhiên, cần phải tiến hành thêm các cuộc khai quật và nghiên cứu trong thời gian tới tại đây trước khi có thể chính thức xác nhận nó chính là Ziklag.
LING LANG