Trong ý thức tôn giáo của người Do Thái, họ rất quý trọng và hãnh diện về đền thờ Giêrusalem của mình. Sự nguy nga tráng lệ mà họ đã trầm trồ khen ngợi, hãnh diện, tưởng sẽ vững chãi qua thời gian, kết cục cũng đã trở nên tan hoang đúng như lời tiên báo của Chúa Giêsu “”Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào.” (Lc 21,6).
Cái mà con người tưởng có thể vững chắc lại chẳng có một bảo đảm nào, và cuối cùng rồi tan biến mất. Vậy mới hiểu được cái phù hoa tạm bợ của mọi thứ trần gian. Chỉ có một điều vĩnh cửu không bao giờ tan biến mà con người cần kiếm tìm và hướng về : Nước Trời mai sau.
Ðối với người Do thái, Ðền thờ Giêrusalem là biểu tượng cho niềm vui và hãnh diện, và là nơi Thiên Chúa ngự, là nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc, là nơi hằng năm muôn dân tuôn về đó để mừng lễ. Ðền thờ được xây bằng đá quí, sừng sững trên ngọn đồi này vẫn được xem là nơi nương tựa vững chắc có thể đương đầu với thời gian. Thế mà Chúa Giêsu lại tuyên bố sẽ có ngày nó bị tàn phá, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào.
Đền thờ Giêrusalem nguy nga, đồ sộ huy hoàng và kiên vững nhưng có ngày bị sụp đổ: gợi lên cho chúng ta những gì mà chúng ta coi như hấp dẫn, bền vững ở trần gian, sẽ có ngày sụp đổ tan tành, nên chúng ta hãy tỉnh thức đừng có bám vào thế gian nữa, mà hãy hướng về những sự trên trời để chuẩn bị xứng đáng khi giã từ cõi trần này. Qua đó, Người cũng cảnh tỉnh chúng ta đừng tuyệt đối hóa những sự ở đời, để làm nô lệ nó: như của cải vật chất, danh vọng, thú vui; nhưng hãy dùng nó như phương tiện Chúa ban để lập công chuẩn bị cho sự sống đời đời.
Những gì Chúa Giêsu tiên báo về ngày thành Giêrusalem bị sụp đổ cũng phù hợp với qui luật của muôn đời: “hữu hình hữu hoại.” Nhưng “hoại” như thế nào là điều cần suy nghĩ: “hoại” để được tái sinh cách phong nhiêu như hạt lúa gieo vào lòng đất, hay “hoại” để chịu hư mất đời đời? Chúa Giêsu không đe dọa ai bởi mọi sự trên trần gian này đều có ngày sẽ biến mất, nhưng Chúa cũng hứa ban phúc trường sinh cho những ai đặt tin tưởng nơi Ngài và sống công chính. Chúa vạch cho chúng ta con đường dẫn đến sự “bất hoại”, con đường đi qua cái chết trên thập giá để sống lại vinh quang: “Việc kẻ chết sống lại cũng vậy: gieo xuống thì hư hoại, mà chỗi dậy thì bất hoại” (1Cr 15,42).
Tất cả những huy hòang của thế gian là tạm bợ: ngay cả sự huy hòang của Đền Thờ Jerusalem. Nếu khách hành hương đứng từ Đồi Olive nhìn xuống Thành Gierusalem, Đền Thờ và cảnh huy hòang lộng lẫy của nó là cảnh đầu tiên đập vào mắt khách hành hương. Ngày nay, tuy Đền Thờ không còn nữa, nhưng vẻ huy hòang của nó vẫn còn sót lại qua những tảng đá khổng lồ và Bức Tường Than Khóc. Vào thời của Chúa Giêsu, Đền Thờ là niềm kiêu hãnh của người Do-Thái; vì thế, không lạ gì khi có mấy người nói về Đền Thờ được trang hoàng bằng những viên đá đẹp và những đồ dâng cúng, nhưng Đức Giêsu bảo: “Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào.”
Đền Thờ Gierusalem bị quân đội Rôma phá hủy hòan tòan vào năm 70 AD: Chỉ hơn 30 năm sau, lời tiên tri của Chúa Giêsu về Thành Jerusalem được ứng nghiệm. Quân đội Rôma đã đem quân vây hãm thành: dân chúng không còn thực phẩm nên đã phải ăn thịt lẫn nhau để sống, có những người đã phải nhai cả giầy dép cho đỡ đói. Họ san phẳng Thành Jerusalem đúng như lời Chúa Giêsu tiên báo: “không còn tảng đá nào trên tảng đá nào.” Sử gia Josephus ước chừng khỏang 1,100,000 người chết trong biến cố này, và 97,000 người khác bị đem đi lưu đày. Nước Do-Thái hòan tòan bị xóa sổ trên bản đồ cho đến thời hiện đại.
Hiện tại trong từng giờ, và trong mỗi ngày, xã hội mà con người đang sống có quá nhiều những bất ổn, những thảm họa. Cái đói nghèo, hệ lụy của một sự mất cân bằng kinh tế, lợi nhuận, của sự bóc lột và của sự vô tâm. Thảm trạng giáo dục hình thức tạo nên những thế hệ và con người chỉ muốn sống trong gian dối, chối từ sự thật. Bạo lực nảy sinh từ sự vô giáo dục, nhưng cũng phát sinh từ những con người đánh mất tính thiện trong cõi thâm sâu. Những cuộc chiến vì nhiều lý do, chính trị hay kinh tế, và ngay cả khi cuộc chiến được khoác chiếc áo vì mục đích cao cả…cũng đều để lại những vết thương sâu hoắm nhức nhối trong tâm hồn.
Con người tưởng chừng nắm bắt được cái vĩnh cửu, hóa ra chỉ còn lại cái bấp bênh và giới hạn và kéo theo những bất ổn trong đời sống. Cuộc sống dường như trở nên một thách đố khôn nguôi cho cái thân phận hữu hạn, cho những đau khổ mà con người tự gây ra và hứng chịu.
Đền thờ Giêrusalem, một công trình mất đến 40 năm mới hoàn tất, vậy mà Chúa bảo rồi sẽ có ngày bị tàn phá. Giữa những vẻ đẹp nhân tạo, những vẻ đẹp của trần thế chóng qua, Chúa muốn tôi tìm kiếm vẻ đẹp không bao giờ tàn úa. Chỉ có vẻ đẹp của tâm hồn, chỉ có sự thánh thiện mới không có gì phá huỷ được. Vẻ đẹp đó chỉ có thể tô điểm bằng yêu thương và phục vụ.
Vì thế, chúng ta đừng tìm kiếm đời này và những giá trị phù vân mau qua, nhưng hãy tìm những điều có giá trị cho sự sống đời đời trong việc phụng thờ Thiên Chúa, bác ái với tha nhân, thăng tiến vũ trụ vạn vật và nhất là thánh hóa đời sống mỗi ngày.
Huệ Minh