Tiểu sử Giáo chủ Mahomet (giáo chủ đạo Hồi)

Tiểu sử Giáo chủ Mahomet (Giáo chủ đạo Hồi)

Giáo chủ Mahomet sinh khoảng năm 570 tại thành phố Mecca (La Mecque) nước Á-Rập Sê-út (Arabie Séoudite) ở vùng Trung Cận Đông, trong gia đình Hachim thuộc dòng họ Koraichites. Thân phụ là Abdulla và thân mẫu là Amina.

Mồ côi cha lúc được 2 tháng tuổi, và mồ côi mẹ năm lên 6 tuổi, Mahomet ở với ông nội và người bác là Abu Talib. Chẳng bao lâu, ông nội cũng qua đời, chỉ còn có bác, nhưng gia đình của bác cũng không khá giả, nên Mahomet phải đi chăn cừu để kiếm tiền phụ với bác nuôi sống gia đình.

Mahomet được bác cho đi theo đoàn lữ hành đến xứ Syrie, băng qua các sa mạc, tiếp xúc với nhiều dân tộc, nhiều tôn giáo nhất là Do Thái giáo, Thiên Chúa giáo . . .

Một sự kiện khác xảy ra trong cuộc đời thơ ấu của Mahomet là cuộc chiến đấu giữa 2 Bộ lạc Á Rập là Quraish và Beni Hawazin tại Hội chợ hằng năm Okaz. Mahomet đứng về phe của bác là Bộ lạc Quraish, có nhiệm vụ đi lượm các mũi tên của kẻ thù đã bắn rơi xuống đất để đem về cho bác và cho Bộ lạc của phe mình.  Cậu  bé  Mahomet  rất  được mọi người trong Bộ lạc yêu mến vì tánh cậu rất thành thật, trung hậu và khiêm tốn.

Nhưng Mahomet sống bằng nội tâm nhiều hơn, không thèm khát giàu sang. Cuộc sống thầm lặng có vẻ như  ẩn dật. Gia đình Abu Talib rất thích hợp để Mahomet suy tư những mối băn khoăn kỳ lạ của chính bản thân mình. Ông nhớ lại năm Ông được 5 tuổi, đang lúc thơ thẩn trong sa mạc, bỗng thấy một con chim lửa từ trên Trời sa xuống, lấy gươm rạch ngực Ông rồi moi tim Ông ra đem rửa sạch.  Lúc đó Ông bị mê man  đi.

Khi lớn lên, Mahomet gặp một tu sĩ Thiên Chúa giáo, Mahomét  mới thuật lại cho vị tu sĩ ấy nghe việc thấy chim lửa từ trên Trời sa xuống giữa sa mạc, thì vị tu sĩ đó nói rằng: “Con chim lửa đó là Thiên Thần Gabriel của Thượng Đế”. Nhân đó, Mahomet  mới hỏi về Đức Chúa Trời, Đức Chúa Jésus, và những điều giảng dạy của Chúa Jésus.

Sau đó, Mahomet lại quen với một người thợ mù tên là Ouaraka, thuật cho nghe về Kinh Thánh Cựu Ước, điều luật Talmud của Đạo Do Thái.

Bác Abu Talib giới thiệu Mahomet đi bảo vệ đàn lạc đà của bà góa phụ giàu có tên là Khadija đi đến Syrie. Công việc hoàn thành tốt đẹp. Sau đó Mahomet và Bà góa phụ Khadija yêu nhau, một mối tình hiếm có vì sự chênh lệnh tuổi tác khá lớn, bà Khadija 40 tuổi còn Mahomet  mới 25 tuổi.

Năm 595, hôn lễ được cử hành. Họ sống rất hạnh phúc, sanh được 2 con trai và 4 con gái, nhưng chỉ nuôi được một đứa con gái tên là Fatima.

Dù sống sung sướng trong sự giàu có của bà vợ Khadija, nhưng thỉnh thoảng Mahomet vẫn thích đi tìm nơi vắng vẻ, xa hẳn người nhà để suy tư và như có ý trông đợi một hiện tượng mầu nhiệm xảy đến.

Trong thời gian đó, tại Mecca, ngôi Đền linh thiêng Kaaba cần phải được xây cất lại. Những vật liệu cần thiết được cung cấp đầy đủ. Trong khi xây cất Đền, một cuộc tranh giành sôi nổi xảy ra giữa 4 người có thế lực nhất, xem ai là người có đủ tư cách cầm viên đá đen linh thiêng đặt vào trong bức tường chánh của ngôi Đền. Khi cuộc tranh cãi đến lúc gay cấn  thì Mahomet bước đến, lúc đó Ông được 35 tuổi, và được mời làm trọng tài để giải quyết việc rắc rối nầy.

Mahomet rất bình tỉnh, và ung dung lấy chiếc áo choàng của Ông trải xuống đất, đặt viên đá đen linh thiêng vào ngay giữa tấm áo rồi mời 4 người đại diện của 4 thế lực ở Bộ lạc Quraish,  mỗi người cầm một góc  áo choàng và cùng nhấc lên để đem viên đá đen đặt vào đúng vị trí của nó. Như vậy, danh dự được chia đồng đều lên 4 vị ấy, và hoà bình được vãn hồi mau chóng. Mọi người đều thán phục sự sáng suốt giải quyết vấn đề của Mahomet.

Năm 610, vào buổi chiều, Mahomet bước ra khỏi hang đá Hira trong sa mạc, nơi mà Ông thường đến để trầm tư mặc tưởng, bỗng Ông thấy một khối lửa to lớn từ trên trời sa xuống ập lên đầu Ông, Ông ngã lăn ra nằm mê man. Khi tỉnh dậy, Ông thấy trời tối thui và bầu trời đầy sao. Ông hồi tưởng lại việc kỳ lạ vừa  mới xảy ra, Ông nhớ rất rõ là có một vị Thiên Thần có cánh bay đến nắm cổ Ông, mạnh đến ngạt thở, đưa ra một lá cờ bằng lửa, và bảo: “Hãy đọc đi”.  Ông hoảng sợ và kêu lên là tôi không biết đọc. (Quả thật Mahomet dốt, không biết chữ). Vị Thiên Thần bảo Ông lần thứ 2, rồi lần thứ 3. Ông hỏi lại: “Đọc như thế nào?” Tức thì vị Thiên Thần liền đọc to lên cho Ông nghe, tiếng lớn như sấm vang, và các chữ trên lá cờ lửa đó tuần tự bay đến đâm thẳng vào mình Ông như những mũi tên lửa.

Đại ý 5 câu trên là cờ lửa như sau: “Hãy nhân danh Đấng Thượng Đế cao cả mà truyền rao rằng: Đức Thượng Đế tối cao đã tạo ra loài người, đã từng dùng cây bút chỉ dạy cho loài người mọi điều bí ẩn mà loài người không hiểu thấu. Hãy truyền rao đi.”

Mahomet hoảng sợ, cố chạy về nhà, thì tiếng nói của vị Thiên Thần vang theo: “Mahomet chính là sứ giả của Thượng Đế. Ta đây là Thiên Thần Gabriel.”

Mahomet đã ngộ Đạo. Đêm Thiên khải ngộ Đạo này được gọi là đêm Kadir, được người Hồi giáo làm lễ lớn và cử hành bằng lễ cầu kinh, nhịn ăn ban ngày trong suốt tháng chay Ramadan.

Mahomet dường như còn nghi ngờ nên chưa vội thực hành việc rao giảng, như Thiên Thần Gabriel đã truyền dạy.

Lại một hôm nữa, Mahomet đi vào sa mạc, bỗng nhiên lên cơn sốt mê man, té xỉu xuống cát, áo choàng che phủ kín đầu. Bỗng Thiên Thần Gabriel lại hiện ra truyền dạy: “Ngươi chớ nên núp dưới áo choàng làm gì! Hãy đứng dậy và truyền  rao đi. Hãy rao truyền quyền phép của Thượng Đế”.

Lần nầy, khi tỉnh dậy, Mahomet hết nghi ngờ, tin chắc mình là Sứ giả của Thượng Đế, và quyết tâm đi truyền rao một  Đạo  mới.

Trước hết, Ông phổ độ người nhà gồm: Vợ là bà Khadija, bạn là Abu Behr (một người giàu có thế lực lớn tại Mecca), em họ là Ali (cũng là con rễ sau nầy), và tên nô lệ Zaid (người được Ông cứu sống). Đó là 5 tín đồ đầu tiên của Mahomet.

Sau gần 4 năm lãnh sứ mạng Tiên tri của Thượng Đế, Mahomet truyền đạo chỉ thâu được khoảng 40 tín đồ. Những tín đồ của Mohamet được người đời gọi chung là  Muslims.

Phần lớn dân chúng bấy giờ có tín ngưỡng Đa Thần, nên không chịu nghe theo lời của nhà Tiên tri, Sứ giả của Đấng Thượng Đế, mà còn buông lời chế diễu, khinh bỉ, đôi khi còn xua đuổi hay khủng bố nữa. Những người Muslims phải trốn khỏi thành phố Mecca, sang sinh sống ở Abisinya, nơi đây họ được đối xử tử tế.

Năm 619, bà Khadija qua đời, một sự mất mát to lớn trong đời Mahomet, kế đến người Bác là Abu Talib cũng mất luôn sau đó.

Địa vị của nhà Tiên tri Mahomet tại Mecca trở nên nguy ngập. Ông quyết định di cư qua Taif, một thị trấn cách Mecca khoảng 60 cây số về phía Đông, nhưng ở đây, dân chúng cũng không nghe Ông giảng đạo, mà lại xua đuổi Ông. Tuy nhiên Ông cũng cảm hóa được một số ít người tin theo Ông và hứa trung thành với Ông trong một buổi thệ nguyện đầu tiên. Lời Thề như sau: “Chúng tôi sẽ không tôn thờ ai ngoài Thượng Đế, không trộm cắp, không thông dâm, không giết hại trẻ con, không buộc tội oan cho ai và chúng tôi sẽ vâng lịnh Đấng Tiên tri những điều gì đúng”.

Năm sau, một nhóm người ở Medina tới, gồm 73 đàn ông và 22 phụ nữ, đã đến tuyên thệ trước Mahomet bằng Lời Thề trên.

Những người Muslims ở Mecca bị bạc đãi và xua đuổi, nên đã họp thành từng nhóm, rời bỏ Mecca, di cư đến sống ở Medina. Nhà Tiên tri ở lại Mecca với 2 người bạn là Abu Bakar và Ali.

Bấy giờ Bộ lạc Quraish nghĩ cách để diệt trừ Mahomet. Họ bao vây nhà Ông  để  bắt  và  giết  Ông,  nhưng Ông được bí mật báo cho biết trước nên trốn thoát được cùng với Abu Bakar. Cả hai băng mình đi trong đêm tối, đến ẩn trú trong một căn hầm cách Mecca 3 dặm. Ngày hôm sau, Bộ lạc Quraish mở cuộc truy lùng, nhưng Mahomet đã rời căn hầm, đi thẳng đến Medina (Médine).

Ngày đó là ngày 16-7-622 sau Tây lịch, được gọi là ngày Thánh Di (Hégire). Ngày này được dùng làm ngày khởi đầu của Kỷ nguyên Hồi giáo, và sau ngày này, Hồi giáo phát triển mạnh.

Medina bây giờ trở thành một thành phố của người Hồi giáo (Muslims).

Người Muslims, sau khi ổn định đời sống, họ bắt đầu chung sức xây dựng Giáo đường Hồi giáo đầu tiên tại Medina.

Bô lạc Quraish vẫn nhất quyết tiêu diệt người Muslims, mà đứng đầu là Mahomet. Từ Mecca, họ đưa một đoàn quân khỏe mạnh gồm 1000 người tiến đánh Medina. Dân Hồi giáo tại Medina tập trung lại chỉ có 313 quân, nhưng vẫn hăng hái lên đường chống lại quân Quraish. Hai bên dàn quân tại Badr, cách Medina 30 dặm. Trước khi mở cuộc ác chiến, Mahomet vào căn lều của Ông để cầu nguyện.

Trận chiến bắt đầu. Quân Hồi giáo với một lòng hy sinh dũng cảm chiến đấu, đã đánh tan được đoàn quân của Bộ lạc Quraish đông gấp 3 lần. Nhiều vị tướng lãnh của Quraish bị giết chết tại chiến trường.

Cuộc chiến thắng của đoàn quân Muslims ở Badr đã làm tăng thêm lòng tin tưởng của người Muslims đối với vị lãnh tụ của họ là nhà Tiên tri Mahomet.

Một năm sau, Bộ lạc Quraish lại tiến đánh Medina để phục thù, quyết tiêu diệt Mahomet. Lần nầy, đoàn quân của họ đông hơn trước gấp 3 lần, được 3000 quân.

Mohamet tập trung lực lượng Hồi giáo tại Medina, chỉ được 1000 quân, vẫn quá ít so với quân của Quraish. Tình hình lại có phần nguy kịch hơn vì trong đoàn quân Muslims, có Abdulla Ubay dẫn 300 quân Hồi giáo bỏ trốn. Mahomet chỉ còn lại 700 quân.

Trận chiến diễn ra ác liệt tại núi Uhad, nhưng bất phân thắng bại, hai đạo quân đều bị thiệt hại nặng nề. Quân Quraish  ngã lòng nên liền rút lui.

Hai năm sau, Bộ lạc Quraish kết hợp với nhiều Bộ lạc khác, quyết mở cuộc tấn công tiêu diệt Mahomet và Hồi giáo. Họ tập trung được 24.000 quân, và họ đem đoàn quân đông đảo này quyết đè bẹp thành Medina, tiêu diệt Hồi giáo.

Lần nầy, Mahomet không dám đem quân ra chận đánh  Quraish, mà lại lập kế phòng thủ, lo đắp lại thành lũy cho kiên cố, đào hào sâu, tổ chức thủ thành thật chặt chẽ, đồng thời lo tích lũy lương thực dồi dào, sẵn sàng chống cự lâu dài với quân Quraish.

Quân Quraish bao vây, công phá thành Medina rất dữ dội trong suốt một tháng mà không làm gì được, binh sĩ mệt mỏi chán nản, lại bị một trận bão thổi qua, làm cho việc tiếp vận lương thực của quân Quraish bị ngưng trệ, nên quân Quraish đành  rút quân trở về Mecca.

Thế là 3 lần, quân Quraish tiến đánh Hồi giáo ở thành Medina đều thất bại.

Trong lúc đó, quân Hồi giáo, dưới sự lãnh đạo của Mahomet được bổ sung càng lúc càng đông, tổ chức huấn luyện  thuần  thục, trở thành một lực lượng khá hùng mạnh.

Năm 628 (năm thứ 6 Hồi lịch), Mahomet cảm thấy quân đội Hồi giáo hiện nay đủ sức mạnh chiến thắng Bộ lạc Quraish, nên Mahomet đích thân dẫn đại binh Hồi giáo đi đánh thành Mecca, trung tâm của Bộ lạc Quraish.

Kỵ binh của Mecca kéo ra cản đường. Cuộc chiến đấu kéo dài nhiều tuần lễ, và cuối cùng hai bên đình chiến, ký Thỏa ước Hudaibia. Theo Thỏa ước nầy, hai bên hưu chiến 10 năm, các tín đồ Hồi giáo hằng năm được quyền đến thành phố Mecca hành hương 3 ngày, bù lại, Mahomet phải giao trả lại các tù binh.

Với Thoả ước Hudaibia, Mahomet đã thắng lợi rõ rệt. Các lãnh tụ của Bộ lạc Quraish tại Mecca phải công nhận uy quyền của Mahomet bao trùm cả 2 lãnh vực Đạo và Đời, tức là tôn giáo và chánh trị.

Cũng trong thời gian kể trên, Mahomet khuếch trương thế lực của mình bằng những cuộc hôn nhân chánh trị. Ông kết hôn với con gái của những gia đình thế lực mà Ông muốn thuyết phục họ theo Hồi giáo, trong đó có Cô Maimuna là con gái của Ông Abu Sofyan, một lãnh tụ tại Mecca.

Mặt khác, Mahomet mở rộng thế lực bằng quân sự, đem quân tấn công người Do Thái vì không thuyết phục được họ theo đạo Hồi. Quân Do Thái thiếu đoàn kết nên bị Mahomet đánh bại. Các Ốc đảo Khaibar, Fabak bị quân Hồi giáo chiếm đóng.

Năm 630, lợi dụng tình trạng chia rẽ nội bộ trầm trọng giữa các lãnh tụ của các Bộ lạc tại Mecca, Mahomet kéo đại quân Hồi giáo tiến chiếm thành Mecca dễ dàng. Đây là một thắng lợi rực rỡ và quan trọng của đạo quân Hồi giáo, của Mahomet và của cả Hồi giáo.

Tại đây, Mahomet tẩy uế Đền Kaaba, phá nát các tượng Thần, thiết lập Đền Thờ Hồi giáo, chỉ thờ Đấng Thượng Đế  tối cao duy nhất. Mahomet thiết lập thành phố Mecca là Trung tâm Hồi giáo và cũng là Thánh Địa của Hồi giáo.

Đối với những người đã chống đối Ông trước đây, Mahomet tuyên bố tha tội cho họ, đồng thời răn cấm quân Hồi giáo không được cướp giật của dân hay phá hoại tài sản trong thành.

Lòng nhân đức và sự rộng lượng của Giáo chủ Mahomet làm cho mọi người cảm phục, nhờ đó, dân chúng nhập theo Hồi giáo rất đông. Dần Dần, dân các Bộ lạc chung quanh Mecca đều nhập theo Hồi giáo. Mahomet dạy các tín đồ quay mặt hướng về thành Mecca để cầu kinh hành lễ, để phân biệt với  các tín đồ của Đạo Do Thái. Các ngày lễ của Hồi giáo được thiết lập và duy trì mãi đến ngày nay, không hề thay đổi.

Mahomet đặt ra luật lệ cai trị, tổ chức quân đội, sửa đổi hình luật, thiết lập thuế má, hiệp các bộ lạc rời rạc thành một dân tộc, cùng theo một đạo là Hồi giáo, thương yêu giúp đỡ nhau, không phân biệt bộ lạc hay nòi giống, cùng tôn thờ một Đấng Thượng Đế Allah tối cao duy nhất. Đó là nền tảng của xã hội Hồi giáo.

Trong thời gian truyền bá và phát triển Hồi giáo, thỉnh thoảng Mahomet như lên đồng, mặt mày nhợt nhạt, mồ hôi đầm đìa, lăn lộn dưới đất, miệng thốt ra những lời giảng đạo. Các lời giảng đạo nầy được các đồ đệ ghi chép đầy đủ và tin rằng đây là những lời truyền dạy của Thượng Đế, rồi kết hợp tất cả lại, tạo thành Kinh Thánh CORAN.

Sau nhiều năm, Mahomet xây dựng được một xã hội Hồi giáo, với một Đức tin duy nhất nơi Thượng Đế Allah, một Thánh Kinh Coran, một ngôn ngữ và một dân tộc.

Lần cuối cùng, Mahomet lên giảng đạo trên núi Arafa trước một đám đông tín đồ và các đại biểu của các Bộ lạc. Ngài đã giảng, tóm tắt như sau:

“Hãy lắng nghe lời ta, vì đây có lẽ là lần cuối cùng ta gặp các  đồng đạo nơi đây. Ngày hôm nay, Satan đã hoàn toàn thất vọng không thể ngự trị được trên trái đất này. Nhưng nếu các tín đồ nghe lời nó, dù là về một việc nhỏ nhặt thì cũng là một nguồn vui cho Quỉ. Vậy các tín đồ hãy cẩn thận để giữ trọn niềm tin.

Các tín đồ có quyền đối với vợ và người vợ cũng có quyền đối với các tín đồ. Thượng Đế đã trao họ cho các tín đồ, các tín đồ phải đối xử với tất cả lòng thương yêu. Đối với bọn nô lệ, các tín đồ hãy cho họ ăn những thứ mà các tín đồ ăn và cho họ mặc như các tín đồ.

Hãy nghe kỹ lời ta và học lấy làm lòng. Phải biết rõ là một người Hồi giáo là anh em của một người Hồi giáo khác. Các tín đồ đều đồng đẳng và thuộc một đoàn thể huynh đệ.

Cấm lấy bất cứ thứ gì của người khác nếu không được người nầy vui lòng tặng.“.

Giảng xong, Ngài nói lại 3 lần rằng: “Ta đã làm xong sứ mạng chưa? Ta đã làm tròn Thiên sứ. Vậy Islamhãy là tôn giáo của các ngươi”.

Ngài trở về thành Medina, đem hết sức lực còn lại ra huấn luyện đoàn Thánh quân Hồi giáo cho thật tinh nhuệ để tiếp tục sứ mạng bảo vệ Hồi giáo ở khắp nơi. Ngài cử tướng U Sa Ma lên chức Tổng Chỉ huy đoàn Thánh quân và long trọng trao cho vị tướng này lá cờ lệnh.

Bấy giờ, Mahomet rất yếu vì thọ bệnh, nên trong các buổi lễ tại Giáo đường, Ngài giao cho Ông Abu Bakar thay Ngài cầm đầu các buổi lễ.

Sau đó, bệnh tình của Giáo chủ Mahomet trở nặng và Ngài mất vào ngày 8-6-632 (sau Tây lịch tại đây), hưởng thọ 62 tuổi (năm sanh 570, năm tử  632), lưu lại một sự nghiệp lớn lao và một nền văn minh mang sắc thái tôn giáo, gọi là nền Văn minh Hồi giáo.

Ngày hôm sau, Ông Abu Bakar lên thay Giáo chủ Mahomet, trở thành vị Calife (Khalifa)  thứ nhất chưởng quản Hồi giáo và cai trị đất nước Á Rập Hồi giáo.

Tóm lại, cuộc chiến đấu bằng vũ lực để sinh tồn và sau đó là để  mở rộng biên cương Hồi giáo đã kéo dài suốt hết cuộc đời của Mahomet. Quân đội Hồi giáo đã chiến đấu 64 trận, trong đó có 24 trận lớn do Mahomet đích thân chỉ huy. Sự thành công của Mahomet và của lực lượng Hồi giáo có thể được giải thích bằng một số lý do chính sau đây:

1.  Xã hội Á Rập đã tiến hóa, Đa Thần giáo không còn hợp thời nữa. Các sắc dân du mục bắt đầu  định cư và ranh giới giữa các bộ lạc bắt đầu  bị xóa bỏ để dân chúng hòa hợp nhau tạo thành một quốc gia hùng mạnh chống lại cuộc xâm lăng của các nước khác.

2. Mahomet đã tạo ra Hồi giáo với một Giáo lý đặc biệt làm cho tín đồ tuyệt đối trung thành và phục tùng vị Giáo chủ, tạo ra một quân đội hùng mạnh và hiếu chiến, gọi là Thánh quân,  để mở rộng Hồi giáo bằng vũ lực, gọi là các cuộc Thánh chiến.

3. Mahomet là người rất khôn ngoan và có tài năng lỗi lạc về nhiều mặt: Quân sự, Chánh trị, Ngoại giao.

Đối với các địch thủ, Ngài biết tùy thời và tùy trường hợp, khi thì dùng vũ lực,  khi  thì  dùng  ngoại  giao, điều đình hoặc nhượng bộ, để cuối cùng lừa được cơ hội mà thắng địch.

Đối với các tín đồ, Ngài tỏ ra là một người sành tâm lý, khéo dùng lời lẽ để thuyết phục, kích thích óc tưởng tượng, và củng cố đức tin.

Sự thành công rực rỡ của Giáo chủ Mahomet là nhờ sự kết hợp chặt chẽ  3 yếu tố: Tôn giáo, Chánh trị và Quân sự.

Sự Bành trướng của Hồi giáo sau khi Mahomet chết

Vấn đề kế vị Mahomet

Sau khi Mahomet chết, Cộng đồng Hồi giáo có nguy cơ tan rã. Các vị thân cận của Giáo chủ Mahomet hiểu rõ nguy cơ này nên quyết tâm bảo vệ Cộng đồng Hồi giáo, tức là thay thế Mahomet để lãnh đạo tôn giáo và chính trị.

Người đầu tiên kế vị Mahomet là Abu Bahr, một cha vợ của Mahomet, chức vụ lãnh đạo đó được gọi là Calife. Abu Bahr tại vị được 2 năm (632-634) đã duy trì được nền thống nhất của Cộng đồng Hồi giáo.

Kế đó là Omar, một cha vợ khác của Mahomet, ông cầm quyền được 10 năm (634-644). Omar  dốc  toàn  lực  vào các cuộc bành trướng Hồi giáo bằng đoàn Thánh quân chinh phục các nước: Syrie, Ba Tư, Ai Cập, Cyrénaique, Tripolitaine, đảo Chypre, Crète, làm chủ vùng Địa Trung Hải.

Omar bị một tên nô lệ ám sát chết.

Lên thay Omar là Othman, một người con rể của Mahomet, nhưng Othman bất tài, làm nội bộ của Hồi giáo chia rẽ trầm trọng, các phe nhóm được lập ra để chống đối nhau. Năm 656, Othman bị một đám đông vây nhà giết chết.

Ali lên thay, Ali cũng là một con rể của Mahomet. Tình trạng phân tán trong nội bộ vẫn tiếp tục. Đến năm 661, Ali bị ám sát chết.

Người lên thay là Mo’aouiya, sáng lập ra triều đại Omeyyade.

Triều đại Omeyyade (661-750)

Trung tâm của thế giới Hồi giáo lúc bấy giờ  di chuyển đến Damas, thủ đô của Syrie. Các Calife của triều đại này chế tạo được nhiều khí giới lợi hại nên đã tấn công vào đế  quốc Byzance, chinh phục Bắc Phi, tấn công nước Pháp và Y Pha Nho. Phía Á Châu, quân Hồi giáo xâm lăng A Phú Hãn, đe dọa Trung quốc, tiến về lưu vực sông Ấn Hà ở phía Nam. Đến năm 750, một cuộc nội loạn xảy ra ở Damas lật đổ triều đại Omeyyade, thay thế bằng triều đại Abbasside.

Triều đại Abbasside (750-1258)

Trung tâm của Đế quốc Hồi giáo bây giờ được di chuyển đến Bagdad, thủ đô của Irak. Đế quốc Hồi giáo bành trướng mạnh sang miền Đông Phi Châu, các xứ ớ Ấn Độ Dương và ở Đông Nam Á.

Văn minh của Hồi giáo trong thời đại này đạt đến đỉnh cao nhất.

Về sau, triều đại  Abbasside  suy  yếu,  các  Calife  của các nước nhỏ tách ra lập một nước riêng, đối nghịch với Calife ở Bagdad. Cuối cùng thì uy quyền của Calife Abbasside ở Bagdad bị thu hẹp trong lãnh thổ Irak, Ba Tư và miền Lưỡng Hà.

Người Mông Cổ chiếm Bagdad

Năm 1357, cháu của Thành Cát Tư Hãn (vua Mông Cổ) là Hốt Tất Liệt đem quân Mông Cổ viễn chinh tấn công Irak, chiếm thủ đô Bagdad, chấm dứt triều đại Abbasside.

Người Âu Châu lúc đó muốn dùng thế lực Mông Cổ để tiêu diệt Hồi giáo, nhưng người Mông Cổ lại bị Hồi hóa nên người Mông Cổ nối tiếp các công trình bành trướng Hồi giáo.

Trong lúc đó, người Thổ Nhĩ Kỳ Ottoman trở nên hùng mạnh, tạo thành một đế quốc rộng lớn ở phía Đông Nam Âu Châu và Tây Á Châu, nên Hồi giáo cũng được phát triển mạnh  trong  đế  quốc  Ottoman  nầy.

Như thế, Cộng đồng Hồi giáo đã chia làm 2: Đế quốc Mông Cổ và Đế quốc Ottoman. Nhờ đó mà Hồi giáo đã truyền bá được một vùng rộng lớn từ Phi Châu sang Trung Đông, Nam Á Châu và Đông Nam Á.

Số tín đồ Hồi giáo lúc đó lên đến 500 triệu người, nhưng phần lớn kém văn minh, còn trong vòng bán khai.

Đế quốc Hồi giáo sụp đổ

Các nước Âu Châu, nhờ văn minh cơ khí, sớm trở nên hùng mạnh. Trong vòng chưa đầy một thế kỷ, các nước Anh, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Y Pha Nho, Nga, đánh chiếm hầu hết các lãnh thổ của Đế quốc Hồi giáo làm thuộc địa. Các nước Âu Châu văn minh hùng mạnh chia cắt đế quốc Hồi giáo thành manh mún, để sau cùng chịu sự ảnh hưởng về kinh tế và chính trị giữa 2 khối thế lực hùng mạnh nhất trên thế giới  là Tư  bản và Cộng sản.

Các nước Hồi giáo lần lần tranh đấu giành lại độc lập. Nhưng từ đó, ý thức quốc gia trở nên mạnh mẽ, làm cho các nước Hồi giáo đánh chiếm lẫn nhau, tạo nên những Chi phái Hồi giáo thù nghịch nhau.

Một điều quan trọng là Giáo lý Hồi giáo không còn thích hợp nữa, nhất là Giáo lý này đưa con người đến cảnh giết chóc luôn luôn, trái với bổn tính thiên lương tự nhiên của con người, nên làm cho con người lần lần chán ghét. Sự sụp đổ của thế giới Hồi giáo tất nhiên không thể tránh khỏi được, và sự tư hủy diệt chỉ là vấn đề thời gian.

Các Chi phái của Hồi giáo

Đặc tính đầu tiên và căn bản của Hồi giáo là sự liên hệ mật thiết đến độ lẫn lộn giữa tôn giáo và chánh trị, tức là giữa Đời và Đạo, lý do là vì Thánh Kinh Coran chứa đựng lý thuyết tổ chức xã hội bao gồm cả tôn giáo và chánh trị của Cộng đồng Hồi giáo. Chính vì thế mà ngay sau khi Mahomet chết, sự chia rẽ xảy ra ngay giữa các đồng đạo, tạo thành các nhóm chính trị chống đối nhau, đưa đến sự thành hình nhiều Chi phái Hồi giáo. Có 3 Chi phái lớn kể ra:

Chi phái Chính Thống hay Sunna

Chi phái này lấy sách Sunna làm căn bản bên cạnh Thánh Kinh Coran và sách Hadith, nhất là những quyết định của 4 vị Calife đầu tiên liên tiếp kế vị nhau sau khi Mahomet qua đời.

Chi phái Kharejite

Chi phái nầy chủ trương rằng: Bất cứ  tín đồ Hồi giáo nào cũng đều có thể trở thành một vị Calife được và tất nhiên Calife  nào  không  làm  tròn  sứ  mạng  của  mình  thì sẽ bị truất phế. Do đó mà Ali bị ám sát chết vào năm 661. Chi phái Kharejite sau đó còn đi xa hơn nữa, họ không công nhận ngôi Calife như  đương thời quan niệm.

Tiếp theo, từ thế kỷ thứ 10, họ không công nhận bất cứ ai ở địa vị Imâm. Mỗi người trong Chi phái nầy tự tôn thờ Allah riêng cho mình, không cần tới những người trung gian.

Chi phái Shi’ite

Chi phái nầy chủ trương đích truyền, chỉ công nhận một mình Ông Ali  trong trong số 4 vị Calife đầu tiên, còn 3 vị kia  là thoán nghịch, và đồng thời họ cho rằng chỉ có những người nào dòng dõi của Ali  mới có thể làm Imâm được.

Về tổ chức, Chi phái nầy do 12 vị Imâm lần lượt cầm đầu, đều là dòng dõi của Ali.

Vị Imâm thứ 12 vào núi ẩn mình từ hồi trẻ (năm 878) và sẽ tái xuất hiện vào lúc đổi đời nhằm tái lập một xã hội công bằng. Một vị gọi là Mahdi được chọn ra thay thế. Nhưng các nhà giải thích luật pháp của Chi phái Shi’ite từ thời nầy vẫn nhân danh vị  Imâm  ẩn  cư.

Đối với Chi phái Shi’ite, hai Chi phái Sunna và Kharejite bị coi là kẻ thù truyền kiếp vì họ có trách nhiệm về cái chết của Ali.

Chi phái Shi’ite về sau lại phân ra làm nhiều Chi phái nhỏ nữa như: Notawal, Zaid, Ismai, Tân Ismail.

Các tín đồ của Chi phái Shi’ite rất cuồng tín, một số đã lập ra những tổ chức khủng bố hoạt động rất mạnh trong thời Trung cổ ở Iran (Ba Tư) và Syrie dưới danh hiệu là: Hachichin,  hay Assassin.

Hiện nay, Hồi giáo có rất nhiều Chi phái, vì Chi phái lại nảy sinh Chi phái, và các Chi phái thường chống đối nhau.

Nguồn : Phỏng theo: Đạo cao đài và các tôn giáo khác. http://www.daotam.info/tusachdd.htm Và https://vi.wikipedia.org/wiki/

Exit mobile version