Tiểu Dẫn vào Cựu Ước

Quy Ðiển

Trong Israel, rồi trong Hội thánh thời các tông đồ, có những thư tịch đã được sưu tập lại thành một Quy điển, tức là những văn thư được lấy làm qui luật cho đức tin và đời sống, bởi đã giữ lại lời mạc khải của Thiên Chúa;

Ðó là những sách được gọi là:

Cực Ước: Nghĩa là những sách thuộc giao ước cũ.

Tân Ước: Nghĩa là những sách thuộc giao ước mới. (xem phần tiểu dẫn vào Tân Ước).

Nhưng về Cựu Ước chúng ta phải nói đến hai quy điển:

Quy điển Hipri (các sách viết bằng tiếng Hipri).

Quy điển Hilạp (các sách hoặc dịch, hoặc viết bằng tiếng Hilạp).

1- Cực Ước Theo Tiếng Hipri

Văn kiện thứ nhất cho chúng ta một số lược kê các sách bằng tiếng Hipri là Lời tựa của sách Huấn ca, do tay dịch giả (viết vào năm -132 trước kỷ nguyên): “Lề luật, các tiên tri và các thư truớc khác kế theo, đã chuyển lại cho ta biết bao điều lớn lao”. Kiểu kê Sách thánh như vậy vẫn còn hiện hành giữa người Dothái. Và Tân Ước cũng dùng một kiểu kê sổ như thế (Lc 24 44, nhưng thay vì “các thư trước khác” thì nói đến sách tiêu biểu là Thánh vịnh).

– Lề Luật hay Ngũ Kinh

Kinh Khởi nguyên (Kn) (Genesis)

Kinh Xuất hành (Xh) (Exodus)

Kinh Lêvi (Lv) (Leviticus)

Kinh Dân số (Ds) (Numeri)

Kinh Thứ luật (Tl) (Deuteronomium)

– Các tiên tri

Tiên tri trong Quy điển tiếng Hipri có nghĩa rộng và được chia ra:

Các tiên tri tiền gồm có:

Sách Yôsua (Yôs) nói đến việc Israel chiếm Ðất Hứa dưới quyền lãnh đạo của Yôsua.

Sách Thẩm phán (Thp) (Judices), nói đến thời Israel ở Canaan, từ Yôsua cho đến khi lập vương quyền.

Hai sách Samuel (1-2S) (Samuel) nói đến vai trò của Samuel khi lập vương quyền, và truyện Saul và Ðavít.

Hai sách Các Vua (1-2V) (Reges), thuật lại chuyện Salômon, truyện các vua dòng họ Ðavít ở Yuđa, và các vua ở Israel (tiếng này giới hạn trong nước phía Bắc gồm 10 chi tộc).

Trong loạt sách này, loại văn lịch sử càng ngày càng đúng nghĩa hơn. Sách Các Vua đuợc tổ chức theo trình tự niên biểu, và đối chiếu nhân vật và biến cố của hai nước Yuđa và Israel.

Rồi đến những nhân vật mà ta thường dành cho biệt hiệu Tiên tri. Còn người Dothái lại gọi là:

– Các tiên tri hậu

Ysaya (Ys), Yêrêmya (Yr), Êzêkiel (Ez).

12 tiên tri nhỏ: Hôsê (Hs), Yôel (Yô), Amos (Am), Abđya (Ab), Yôna (Yôn), Mica (Mi), Nahum (Na), Habacuc (Ha), Sôphônya (So), Haggai (Hag), Zacarya (Za), Malaki (Ma).

Loại sách này cựu trào, phần nhiều đã dựa trên những ký ức đồng thời của nhân vật chính, nhưng nhiều khi phải nhận là có tay người thời sau soạn thêm hay nhuận chính. Có những sưu tập sấm ngôn còn bỏ ngỏ mãi lâu sau thời các tiên tri.

Loại sách Tiên tri tiền và hậu đối với đạo Dothái cũng có tính cách Quy điển, làm qui luật cho đạo, nhưng không cốt thiết bằng Torah (Ngũ kinh). Vào thời Chúa Yêsu, những nhóm như bè Sađốc và người Samari vẫn không công nhận các sách ấy làm qui luật cho đạo Yavê. Còn Tân Ước lại rất năng nói đến: “Lề luật và tiên tri” (Mt 5 12 11 13 Lc 16 16 Yn 1 45 Cv 13 15…) và nhận là có uy tín như nhau.

– Các thư trước

Loại sách này muộn thời hơn và phức tạp hơn Kinh thánh bằng tiếng Hipri kê thứ tự như sau:

Thánh Vịnh (Tv) (Psalmi), những bản kinh hát ở Ðền thờ.

Yob (Yb), suy về phúc họa và lành dữ.

Cách ngôn (Cn) (Proverbia), những châm ngôn của các hiền nhân Israel.

Rut, một truyện đạo đức (lòng hiếu thảo của Rut, một nàng dâu) đã làm cho nàng trở nên bà tổ của hoàng tộc Yuđa. (Truyện này thường được đặt sau sách Thẩm phán theo Kinh thánh Hipri).

Diệu ca (Dc) (Cantica canticorum), những bài thơ tình được chuyển nghĩa để hát lên nỗi hân hoan của Israel và Thiên Chúa Israel thờ đã được tái ngộ.

Giảng viên, hay Qohelet (Gv): Suy tư trên sự đời.

Aicao (Ai) (Lamentationes) (thường sắp sau sách Yêrêmya, theo Kinh thánh Hilạp).

Esther (Eth), truyện điển hình về việc Israel thoát nạn.

Ðaniel (Ðn), có những đề tài này: Suy tư về lịch sử, khích lệ những người phải chịu khổ vì đạo Dothái năm 165 trước kỷ nguyên, lời tiên tri về Nước Thiên Chúa đến.

(Kinh thánh Hipri đặt Ðaniel vào loạt “Thư trước, vì xuất hiện muộn. Còn Kinh thánh Hilạp đặt Ðaniel vào loạt các Tiên tri vì nội dung. Quả thật sách này có giáo huấn quan trọng về Mêsia (Con Người) và về sự kẻ chết sống lại).

Ezra và Nêhêmya (Er, Nê), bản điều trần của hai nhà cải cách đạo Dothái vào thế kỷ thứ 5 về sứ vụ của họ, cùng những hồ sơ liên hệ.

Sách Ký sự (1-2 Ks) (Paralipomena), toát lược lịch sử từ khởi thủy nhân loại cho đến cuối thời Các Vua. (Kỳ thủy, ba sách Ký sự, Ezra và Nêhêmya là một toàn thư duy nhất, có lẽ do cùng một soạn giả).

Loạt sách này lâu ngày không được xác định minh bạch. Lối năm 90 sau Kỷ nguyên, Hội đồng Dothái tại Jamnia, gồm những luật sĩ Biệt phái, có thái độ chống đối với bè Essêni và Kitô-giáo, đã ấn định Quy điển Hipri: Một sổ công khai gồm có 24 sách (hay 22 nếu liệt sách Rut chung với sách Thẩm phán, và Ai ca với sách Yêrêmya).

2- Cựu Ước Theo Tiếng Hilạp

Từ thế kỷ thứ 3 trước Kỷ nguyên đã có một bang Do-kiều đông đảo ở Alexanđria (Alexanđrô đại đế đã thành lập thành này, năm -331). Do-kiều ở đây chuyển qua tiếng Hilạp tức là tiếng của các vua Ptôlêmê đã chiếm đóng toàn cõi Aicập từ Alexanđrô trở đi. Và như thế chẳng bao lâu phải cần đến một bản dịch Kinh thánh. Cùng những sách có trong Quy điển Hipri, người Dothái ở đây đã đem theo ít sách khác, và tạo nên một Quy điển mới mệnh danh là Bản Bảy Mươi (một tương truyền cho rằng chính vua Ptôlêmê II (-285-246) đã mời 70 (hay 72) cụ rabbi chuyển Torah qua tiếng Hilạp). Kitô-giáo lan rộng trong thế giới Hilạp đã nhận bản dịch này. Và từ cuối thế kỷ thứ I bản Bảy Mươi chỉ còn lưu tồn trong Kitô-giáo.

Ta gặp thấy sổ ghi đầy đủ những sách này trong Hội thánh Latinh trước hết. Sổ cựu trào nhất lên đến thế kỷ thứ 3, và sổ có tính cách công khai đã được thiết lập trong Công đồng thành Hippona, ở Phi châu năm 393. Sổ này người ta còn gặp thấy trong các thư tịch của các Ðức Giáo Hoàng Innocentê I (401-417) và Gelasius (492-496).

Kinh thánh Hilạp gồm có tất cả Kinh thánh Hipri. Ngoài ra còn thêm những sách này trong loại “thư trước”:

– 2 truyện đạo đức: Tobya (Tb); Yuđita (Yđt)

– 2 sách lịch sử: I-II Macabê (1-2 M)

– 2 sách Khôn ngoan: Sách Khôn ngoan (của Salômon) (Kng); Huấn ca (Hc)

– Một sách soạn theo tinh thần Yêrêmya và gán cho thơ ký của Yêrêmya là: Baruk,

– những bổ túc cho các sách Esther và Ðaniel.

Ngoài ra các thủ bản và sổ xưa để lại còn kèm theo những sách khác nữa (như sách Hênóc). Những sách này sau đã bị loại ra. Như thế, ta thấy được là giới hạn Kinh thánh Hilạp có một thời còn bất định.

Các sách Kinh thánh Hilạp không có trong Kinh thánh Hipri, được gọi là Quy điển thứ. Nhưng ngoại trừ những phần bổ túc của sách Esther, Baruk 4 5-5 9, và sách Khôn ngoan, thì tất cả các sách Quy điển thứ khác đều có nguyên văn Hipri hay Aram. Sách thứ 2 Macabê chỉ là một bản toát yếu, thích nghi sách của Yasôn người Kyrênê (2M 2 19-30) ra tiếng Hilạp. Thỉnh thoảng người ta còn tìm ra được những di tích của nguyên văn, hoặc trong các văn kiện Qumran (Tôbya, Huấn ca) hay là Masađa (Huấn ca), hoặc ở Ghêniza tại Cairô (Huấn ca).

Trong Hội thánh cũng có một thời nảy ra khuynh hướng muốn hạn chế Quy điển vào Kinh thánh Hipri. Thánh Hiêrônymô chuộng “veritas hebraica” (sự xác thực nơi bản Hipri) cũng đồng ý như thế trong công việc nghiên cứu khoa học của ngài. Khuynh hướng này đã giúp loại ra khỏi Quy điển những sách mạo nhập muộn thời, hay những quyển trùng với những sách đã có trong Quy điển, hay là giá trị chẳng có bao nhiêu. Tuy vậy, không phải tất cả Hội thánh đều đã chấp nhận khuynh hướng này. Hội thánh vẫn giữ Quy điển Hilạp. Và ngay cả thánh Hiêrônymô cũng dịch những sách không có trong Kinh thánh bằng tiếng Hipri. Nhân lúc dịch sách Tôbya, ngài nói: “Tôi đành lòng không đồng ý với Biệt phái để phục vụ các Giám mục”.

Bởi truyền thống Hội thánh xưa, kế thừa cách xử sự của các thánh Tông đồ, đã tìm trong bản Bảy Mươi kiểu diễn đạt thần học căn bản, y nhận trong đó có sự tiến triển về đạo lý so với nguyên văn Hipri, và dùng tất cả các sách Kinh thánh Hilạp, coi như văn bản được thần hứng, có giá trị làm qui luật về mạc khải, nên hiện nay nhiều tác giả nhận bản dịch Bảy Mươi cũng là sách được thần hứng, tuy Hội thánh chưa tuyên bố công khai và nhiều người khác vẫn còn coi như một vấn đề tranh luận.

Nhãn Giới Lịch Sử

Niên biểu các sách Cựu Ước

Sau đây là niên biểu các sách Cựu Ước, một niên biểu mà bình luận về Kinh thánh ngày nay thường nhận, sắp theo các thế kỷ trước Công nguyên:

XIII Xuất hành khỏi Aicập

XII Ðịnh cư ở Phalệtin

XI Chinh chiến với các dân Canaan

Thành lập quân chủ. (Ðavit: -1000)

(Truyền khẩu (luật lệ, truyền kỳ, thi ca) còn lưu lại trong các sách thời sau).

X Ký sự của triều vua (sau đã sát nhập vào các sách)

IX Luật lệ và truyền tụng xưa được san định thành những sưu tập: Sưu tập của Yuđa (Yavít), và sưu tập của Israel (Elohit), sau này đã được sát nhập vào Ngũ kinh.

VIII Amos, Hôsê, Mica, Ysaya (Samari thất thủ -721)

VII Cải cách tôn giáo của Yôsya (-621)

Kinh Thứ luật, Yêrêmya, Sôphônya Nahum.

VI Habacuc. (Yêrusalem thất thủ -587)

San định các sách: Thẩm phán, Samuel, Các Vua.

Êzêkiel, Ysaya-Thứ, Haggai, Zacarya.

V Luật lệ và sử quan tư tế (Văn kiện P) soạn thảo các truyền thống có trước.

Yôel. Malaki. Abđya? Yob? Cách ngôn? Diệu ca? Rut? Nhiều Thánh vịnh.

IV Nhuận chính Ngũ kinh (Y.E.P. và Thứ luật).

III Ký sự. Ezra-Nêhêmya. Zacarya 9-14.

Yôna. Tôbya. Giảng viên (Qohelet). Esther. Bản dịch LXX.

II Huấn ca. Ðaniel. 1-2 Macabê. (Ngụy thư: Hênóc)

I Khôn ngoan.

Thoáng coi qua niên biểu, ta thấy là không có sách Cựu Ước nào theo hình thức cuối cùng còn lưu lại trong Quy điển mà lại có trước thế kỷ 9 trước Kỷ nguyên. Trước đó, đã có những truyền thống khẩu truyền và những biên niên ký cùng những hồ sơ. Nếu có lưu lại được là nhờ các tác giả thời sau thâu lượm. Còn các sách Cựu Ước trong Quy điển đều được viết từ thời các tiên tri lớn về sau, tức là từ giữa thế kỷ thứ 8, với Amos, Hôsê, Mica, Ysaya. Vậy chính sự nghiệp của các tiên tri ấy đã định đoạt, trực tiếp hay gián tiếp, cho tính cách của Quy điển Kinh thánh. Họ đã in dấu của họ, cách này hay cách khác trên toàn bộ Kinh thánh Cựu Ước.

Một phần lớn những tài liệu có trước các tiên tri đã do từ những thời xa xưa để lại. Giá trị của các truyền tụng ấy cho ta thấy cái tính cách thực là nhân loại của thánh sử. Lịch sự mạc khải không căn cứ trên một nhân loại lý tưởng, Nhưng trên những tình cảm, những phản ứng nhân loại cơ bản, có khi man rợ là đàng khác, những điều mà sinh hoạt thời nay, dẫu có phiền phức và văn minh mấy, vẫn còn bị chi phối. Bởi tính cách nhân loại muôn thuở, và nền móng ấy mà những truyện xưa của Kinh thánh vẫn còn hấp dẫn. Ðó là nói về các tài liệu sử dụng. Chứ các sách trong đó truyền tụng còn lưu lại đều chịu ảnh hưởng sâu đậm của các tiên tri. Những truyện ấy nếu có được ý nghĩa cho tôn giáo, thì đều do giáo huấn của các tiên tri hướng đạo mà có.

Lược sử thời các tiên tri

Vì vai trò của các tiên tri quan trọng như thế đối với mạc khải Cựu Ước, nên chúng ta khởi sự với các tiên tri, những vị đã giảng giải và trước thuật trong vòng hai thế kỷ đi từ giữa thế kỷ thứ 8 đến giữa thế kỷ thứ 6, sớm muộn hơn vài chục năm.

Vào giữa thế kỷ thứ 8, dân của Cựu Ước chia làm hai tiểu quốc, chủng tộc và ngôn ngữ tương đồng, chiếm khoảng giữa giải đất ngày nay gọi là Phalệtin: Nước phía Nam là Yuđa, có kinh đô là Yêrusalem. Nước phía Bắc được gọi là Israel (cũng gọi là Ephraim) có kinh đô là Samari. Hai nước nhỏ bé, rất bé mà lại bị cái số phận làm trái độn cho hai cường quốc thời bấy giờ là Assur và Aicập. Chính việc tranh hùng của hai cường quốc này đã làm bối cảnh cho tất cả bao thảm kịch mà hai nước Israel và Yuđa phải hứng chịu.

Vào giữa thế kỷ thứ 8, tình thế Phalệtin nói được là khả quan. Dân chúng còn được an cư lạc nghiệp. Nước Israel phía Bắc, lúc bấy giờ, dưới triều vua Yơrôbôam II, được hưởng một thời thịnh vượng xa hoa hiếm có, nhờ vào ưu thế binh bị và giao dịch thương mại. Nước nhà tạm gọi được là phú cường và văn kiến. Nhưng giàu sang thì lại thường sinh ra: Lủng củng và chênh lệch bên trong, điều này sẽ dẫn tới cảnh cốt nhục tương tàn, và quốc gia đến ngày khánh tận. Ðàng khác mối đe dọa từ Lưỡng-hà-địa đã ngày một nên cấp bách “Long xà vĩ đại” (một kiểu tự xưng của vua Assur) đã thanh toán tất cả những cản ngăn xung quanh, và sắp thực hiện dự định bá chủ thiên hạ. Khi chính quyền Israel cảm thấy mối đe dọa, thì như thường tình, họ tìm cách chấn án, lật đật vá víu bằng liên minh, rồi tổ chức kháng cự một cách tuyệt vọng, để rồi bị chà đạp. Israel mất dần đất đai, rồi kinh thành thất thủ và bị phá bình địa, một phần lớn dân chúng bị phát lưu và dân tứ chiếng khác đến chiếm cứ đất đai, theo chính sách đô hộ di dân phòng loạn của Assur. Thế là Israel khánh tận.

Cuộc xâm lăng tràn qua cả nước Yuđa. Sennakêrib cho lịnh phong tỏa Yêrusalem, sau khi đã hạ 46 thành của Yuđa và như Sennakêrib thuật trên bia của ông “Êzêkya, người Yuđa, ta đã nhốt nó lại như chim trong lồng”. Êzêkya đã phải nộp cống hiến nặng nề và bị xén đất đai. Nhưng trong một lần viễn chinh khác, Sennakêrib cũng đã cho quân bủa vây Yêrusalem. Lần này tình cảnh nguy kịch hơn trước. Vì một khi nước nào đã hàng mà lại dấy loạn, thì Assur không bao giờ dung thứ. Mọi sự hầu như tuyệt vọng. Thì chính bấy giờ một điều bất ngờ xảy đến. Nhất đán binh đội Assur cuốn gói về nước! Tại sao? Sách thánh dùng hình ảnh thông thường là thần sứ Yavê đến tru diệt địch thù Israel. Theo sử địa Hilạp là Hêrôđôt, thì chuột đã ra gặm bao tên dây nỏ của những binh bắn cung của Assur. Ôn dịch? Các sử gia ra ức thuyết. Xét đến tình hình Assur theo văn kiện, thì có lẽ Assur gần có giặc nội. Dù sao, Yuđa cũng bị một trận hú hồn.

Sau một thời gian tao loạn, thì đến thời Yôsya. Một vua lên ngôi khi mới tám tuổi! Khi trưởng thành Yôsya tỏ ra là một ông vua minh mẫn, mạnh bạo. Quyền bính của ông được củng cố, và ông muốn thực hiện cái hoài bão của cả dân là thống nhất tất cả Israel mười hai họ. Trước hết ông đứng đầu một cuộc cải cách sâu rộng về tôn giáo, tập trung tế tự nơi Ðền thờ duy nhất Yêrusalem. Nhưng thực ra, một nước bé nhỏ như Yuđa làm sao có thể đứng một mình, không bị lôi kéo vào chính cuộc giữa những nước lớn mạnh cạnh tranh nhau thời ấy. Và Yôsya đã dũng cảm một cách nói được là dại dột, đem binh ra hãm chân đạo binh Aicập, và bị tử thương, để lại một nước làm chư hầu cho Aicập.

Assur khánh tận. Nhưng lại một nước Lưỡng-hà-địa đã lâu năm lăm le thay chỗ rồi: Babylon với Nabukôđônôsor. Vua này là một vua có tài năng, sáng suốt, có tài thao lược, ưa kiến trúc. Cho mình như người kế thừa đế quốc Assur, ông lanh tay đoạt lại đất đai của Assur và không đầy 5 năm sau, Yuđa bị giựt khỏi tay Aicập, để làm chư hầu cho Babylon. Con và cháu của Yôsya đều bất tài (Yôakhaz, Yôyayim, Yôyakin, Sêđêqya): Chính trị lẩn quẩn khi xiêu qua phía Aicập, khi hàng Babylon, trong nước năm bè bảy mối. Những ngày tàn của triều đại Ðavit đã đến, Sêđêqya nhu nhược bỏ kinh đô chạy trốn, trong khi thành bị vây và bị đói, nhưng đã rơi vào tay quân địch. Yêrusalem bị hạ, Ðền thờ bị phá, thành lũy đều bị triệt hạ, và những hạng khá giả trong dân đều bị bắt đi đày. Trong xứ, chỉ còn lại đám dân quê dốt nát, nghèo khó. Những người này cố sống qua ngày trên giải đất bị tàn phá gớm ghê. Nước Yuđa cũng đã khánh tận.

Về những người bị bắt đi đày. Thực sự nhóm người bị đày không bị hành hạ lắm. Babylon đã có văn minh, lại quen nghề giao thương. Những người thông minh và cần cù như người Dothái chẳng bao lâu cũng lập được một sinh hoạt bình thường, bề thế là đàng khác. Vào một hoàn cảnh như thế, sự đồng hóa là lẽ tất nhiên. Những người thuộc các nước xung quanh Israel chẳng bao lâu đã hòa lẫn với nhau làm dân đế quốc. Nhưng người Dothái đã không bị đồng hóa. Ngay sau khi vong quốc, một nhóm người ái quốc, nhưng nhất là sùng tín đã ra tay chuẩn bị cuộc phục hưng. Dẫu tương lai không có gì sáng sủa, họ đã tin dân họ còn một viễn tượng, họ đã kiên trì trong nỗ lực.

Nửa thế kỷ sau, Babylon bị Batư thôn tính. Kyrô cầm vận mạng thiên hạ. Chính sách Batư cởi mở về tôn giáo: Mọi dân bị phát lưu đều được phép hồi hương và giữ đạo tổ tiên của mình. Người Dothái cũng được hưởng phép ấy. Một nhóm người Dothái đã lên đường về nước, rồi dần dà nhiều nhóm khác theo sau: Trong vòng một thế kỷ rưỡi. Ðiều ấy cho ta thấy, hồi hương cũng đã là mối e ngại cho nhiều người. Và thực, tình cảnh của người hồi hương chẳng có gì là khích lệ. Nhưng cộng đoàn Dothái hồi hương đã kiện cường kiến tạo trên cảnh thê lương một chế độ, nói được là một chế độ thần quyền, nhờ đó dân Dothái giữ vững và phát triển thêm những truyền thống của dân tộc họ, dưới quyền đô hộ khá nhân đạo của Ðế quốc Batư.

Các tiên tri trong thời này

Trình tự lịch sử trong vòng hai thế kỷ 8 đến 6 toát yếu là thế. Một lịch sử có căn cứ trên văn kiện bên trong Israel cũng như bên ngoài (các văn kiện Assur và Babylon). Lịch sử ấy không có gì là đặc biệt. Nhiều nước nho xung quanh cũng suy tàn tương tự như vậy. Ðối với chúng ta, tự nó lịch sử ấy cũng không có gì quan trọng bắt phải để ý, nếu không có một cái gì đặc biệt cùng diễn ra một trật với và nhân với biến cố bên ngoài. Chúng ta lại sẽ duyệt qua thời này mà chiêm nghiệm các sự kiện như thể trong hồn của chúng, nhờ các thư tịch tiên tri đồng thời, tức là như những bình luận thời cuộc theo một phương diện độc đáo. Các biến cố xảy ra tự nó cũng chỉ là những sự việc hiện đang xảy ra mà chúng ta nghe phát thanh hay đăng tải trên báo chí. Nhưng đối với các tiên tri, lịch sử có cái gì hơn là những sự kiện kế tiếp theo nhau, một cái gì như cái hướng, cái ý nghĩa. Ðiều chúng ta có thể so sánh như kinh nghiệm các nhà khảo cổ hiện cho thấy: Dưới bước chân đi, có mô đất nhợt nhạt, có lùm cây, khi xanh tươi, khi vàng úa, nhưng chụp bóng từ trên phi cơ xuống nhiều khi nhận ra được cả một làng mạc cổ thời còn lộ mờ mờ. Tiên tri ở một nhãn giới xa đã đọc thấy một hướng, cái hướng ấy là điều rất quan trọng, vì ích gì cho chúng ta, việc Sêđêqya bỏ kinh thành chạy trốn, hay việc Gôđôlya bị một nhóm cuồng tín giết hại.

Amos

Tiên tri chúng ta gặp trước tiên trong thời này là Amos, một người chăn cừu trong vùng sa mạc Yuđa (ở Têqoa), một miền nghèo khó và quê mùa. Ông lên Nước Israel phía Bắc ngay vào thời cực thịnh nước ấy, dưới triều Yơrôbôam II. Ông nhìn thấy những hậu quả của giàu sang và cảnh xa hoa đang tiến. Nhưng ngang qua cái vẻ hào nhoáng ấy, ông nhận ra căn bịnh suy đồi của xã hội. Xã hội Israel đã ra thối nát vì khoái cảm, vì những bất công và áp bức trên hạng lê dân nghèo khó. Ðối với lòng tin vào Giao Ước của ông, đó là một sự lăng nhục đến chính Thiên Chúa. Ðạo quốc gia bề ngoài được ưu đãi, và nguồn lợi tức dồi dào. Trên có nhà vua bảo vệ, dưới thì có hạng giàu có, những mệnh phụ Samari, vực đỡ. Lễ nghi rất mực trang trọng, phụng vụ cử hành oai nghiêm. Người Israel trung lưu bình thường có thể cảm thấy hãnh diện vì đặc ân thuộc về một dân tộc sùng tín, và như vậy thịnh vượng kinh tế kia được họ coi là phần thưởng đích đáng cho lòng đạo đức. Nhưng Amos lại phán đoán theo những tiêu chuẩn khác. Những phê phán minh bạch và cứng cáp của ông trên sự trạng, chiếu theo một quan niệm cao siêu về tôn giáo, cho thấy vai trò siêu bạt của ông trong lịch sử mạc khải.

Trên hết Amos cùng chung với đại đa số đồng bào của ông về những xác tín căn bản truyền thống tôn giáo đã chuyển lại. Ông tin về liên lạc mật thiết đã có giữa Thiên Chúa và Israel: Ðó là Giao ước, kết lại trong châm ngôn: Israel là dân của Yavê, và Yavê là Thần của Israel. Amos tin Thiên Chúa của Israel là một “Thần sống”, hoạt động một cách quyền năng trên lịch sử. Ông cầm chắc rằng, không chóng thì chầy, quyền năng phép tắc của Thiên Chúa sẽ tỏ mình ra trong một biến cố lịch sử kinh hoàng. Vào Ngài của Yavê, Thiên Chúa của Israel sẽ thi thố uy quyền của Người trên mọi dân thiên hạ.

Những điều Amos tin đó, Amos nắm giữ như căn bản chung với mọi người Israel. Nhưng những điều tin ấy không ru ngủ ông để ỷ thị vào cái mã bên ngoài. Thiên Chúa yêu mến Israel, dĩ nhiên rồi. Nhưng Người còn chuộng sự chính trực hơn. Người không lo đến quyền lợi của dân Người, cho bằng sự thiện muôn thuở. Israel mà rẻ rúng sự thiện, thì án Thiên Chúa sẽ đến trên họ.

Trong loạt sấm ngôn mở đầu (Amos 1 3 2 16), Amos hạch tội các dân láng giềng. Dân Aram sẽ bị phạt vì đã dã man giết người. Dân Philitin, dân Phênikia mắc tội bán người là nô lệ cho Eđom, vì chém giết một dân anh em. Dân Ammôn, vì muốn khuếch trương bờ cõi mà gieo chiến tranh tàn khốc, giết cả đàn bà trẻ con. Dân Moab, vì đã hành hạ dã man thây chết một vua Eđom bại trận. Một lũ phạm nhân chiến tranh đáng tội theo quả báo việc chúng làm. Nhưng tội nhân được dành cho án phạt nặng nhất, một cách bất ngờ lại là Israel (Am 2 6-7).

Như vậy, được làm dân của Thiên Chúa có nghĩa là mang một trách nhiệm đặc biệt, chứ đâu có phải là để hưởng đặc ân (coi Am 3 2).

Lễ nghi, tế tự dẫu có tăng thêm mấy đi nữa cũng không thể thay đổi được sự thật này là: Thiên Chúa hằng sống chí công quản cai vũ trụ, đâu có tội, đó có vạ, dân có tội, dân sẽ chịu lấy họa. Những kẻ coi như tín điều là Ngày của Yavê đến, Israel vì là dân của Thiên Chúa, sẽ toàn thắng mọi địch thù: những kẻ đó chỉ ôm ấp một ảo tưởng. Ðích Thiên Chúa nhắm đến trong ý định của Người không phải là cái thắng trận của Israel, nhưng là sự toàn thắng của sự thiện.

Hiện bấy giờ, mọi sự dường như xuôi thuận yên hàn. Nhưng tiên tri có linh cảm là thời thế nguy ngập. Cuộc xâm lược của Assur coi như xa xôi, nhưng chẳng bao lâu nữa cơn giông sẽ đến, và án Thiên Chúa sẽ trút xuống dân phản bội. Chỉ còn một điều có thể ngăn được đại họa là ghét sự dữ và mến điều lành, chuộng công lý (Am 5 15).

Ðó là tín thư cốt yếu của các sấm ngôn Amos, vào giữa thế kỷ thứ 8. Một quả quyết: Lịch sử được diễn ra trong một trật tự luân lý. Theo giòng lịch sử, lanh hay chậm, tương quan quả báo tội và vạ sẽ không phải là sự ngẫu nhiên, đó là phán xét của Thiên Chúa hằng sống và chí công, vì chính Người là Chúa trên lịch sử. Mạc khải sẽ còn tiến, và vì thế cái nhìn của Amos có khi còn khá giản lược. Nhưng quả quyết của ông: Lịch sử không phải do ngẫu nhiên mù quáng hướng dẫn, nhưng được đặt trên bình diện lý trí phán đoán và tự do lựa chọn và có trách nhiệm dưới sự quản cai của Thiên Chúa – quả quyết ấy rất căn bản, đó là khởi điểm cho tư tưởng tiên tri, cũng như cho sự am hiểu lịch sử và thực tế nếu không muốn hạ giá vũ trụ nhân loại xuống dưới luật dã thú rừng hoang vô tư vô hại.

Hôsê

Tiên tri thứ hai xuất hiện, hầu như đồng thời với Amos. Ông là người chính quán miền Bắc. Có lẽ ông thuộc hạng nông gia trung bình, sống giữa những người trung tín với Giao ước, mà lý tưởng là bình đẳng giữa người với người (một di sản thời du mục để lại), Hôsê không thể không lên tiếng đả kích những sự sa đọa, bóc lột trong dân, và lặp lại án phạt của Thiên Chúa trên dân phản ngụy, cũng như Amos. Nhưng ông không chỉ dừng lại ở đó. Ông được xác tín sâu xa rằng có một cái gì trong liên lạc giữa Thiên Chúa và Israel, bền vững, không gì lay chuyển được, ngay cả những thất trung của Israel, đó là “khesed” (cái tình, cái nghĩa) nơi lòng Thiên Chúa (coi Hs 11 1-9).

Thiên Chúa không thể để mặc dân của Người. Nhóm người đã từng có liên lạc với Người, dù chỉ một lần thôi, Thiên Chúa không ngơi canh phòng coi sóc. Dân có tội, dân sẽ chịu lấy hậu quả. Một hậu quả hầu như tất nhiên. Cái hậu quả ấy, nói được rằng Thiên Chúa hằng tìm cách giảm đi, dường như giơ tay cản ngăn người ta tự hủy hoại chính mình. Vì lý do nền tảng cho sự lựa chọn và dẫn đưa Israel là chính lòng mến của Thiên Chúa. Lòng Mến ấy không phải là một cảm tình tách rời được với Thiên Chúa, nhưng là chính cái bản lĩnh tuyệt đối và thánh thiện của Thiên Chúa. Yavê không thể rời bỏ lòng mến của Người, cũng như người không thể rời khỏi thần tính của Người. Do đó, Hôsê nhận thấy là tai biến đe dọa qua đi, hi vọng sẽ có giảng hòa và một đời sống mới cho Israel.

Như thế, quan niệm Thiên Chúa hoạt động trong lịch sử như Amos đã rao giảng lại được đào sâu hơn về một khía cạnh nữa. Thiên Chúa là Thần lân mẫn, cũng như là Thần công lý. Chưa hẳn Hôsê đã có phương giảng hòa hai nguyên lý ấy. Nhưng từ nay, tư tưởng Cựu Ước sẽ đi qua đi về giữa hai mút cùng ấy: Thiên Chúa hằng sống hoạt động trong phán xét, và cũng Thiên Chúa ấy hoạt động trong lòng thương xót.

Ysaya

Sứ vụ của Hôsê chưa chấm dứt, thì ở miền Nam đã chỗi dậy một vì tiên tri khác còn lớn hơn nữa: Ysaya, người Yêrusalem, thuộc hạng thượng lưu, có lẽ thuộc hoàng tộc nữa. Một phần lớn đời ngài, ngài đã sát cánh với những nhân vật chính trị nơi kinh đô, ngài lịch duyệt về các vấn đề chính trị, xã hội và quốc tế thời ấy liên can đến xứ sở của ngài. Và giáo huấn tôn giáo của ngài, chính nhân các biến cố mà ngài đã diễn giải.

Cùng với những tiên tri đi trước, Ysaya nói lên quan niệm căn bản về Thiên Chúa hằng sống và công minh, chưởng trị lịch sử nhân loại, hoạt động trong phán xét và thương xót. Vào thời đầu sự nghiệp, ngài đã chứng kiến sự thực hiện các tiên cảm về phán xét: Án Thiên Chúa đã ra, nước Bắc đã khánh tận. Và rồi đây ngay xứ sở của ngài cũng sẽ chịu đồng một số phận. Trước sự công bình của Thiên Chúa, Yuđa nào có hơn gì Israel. Lời rao giảng của Ysaya cũng nghiêm khắc như lời của Amos, nhưng ngài cũng xác tín về lòng thương xót của Thiên Chúa như Hôsê.

Từ những nguyên tắc hầu như trái nghịch nhau đó của sự quan phòng của Thiên Chúa, Ysaya tổ thuật một thứ triết lý còn sơ sài về lịch sử. Nước như một khối sẽ chịu lấy án của phép công minh Thiên Chúa ra và thế nào cũng bị tiêu diệt, khi không có một sự thay đổi triệt để. Nhưng dù sao, Thiên Chúa không thể bỏ dân của Người. Tai họa tàn phá thế nào đi nữa, Thiên Chúa sẽ chừa lại một số nào đó, dẫu là ít oi, giữa một nước ngụy tặc, nhóm người ấy sẽ quay đầu về với Yavê, trong thống hối và vâng phục, chính nhóm người ấy sẽ là mầm giống cho dân mới của Thiên Chúa: “Số sót sẽ trở lại” (Ys 10 16-23): Ðó là khẩu hiệu, nói lên sự trông cậy của tiên tri vào tương lai của dân Chúa, và tượng trưng cho điều ấy, tiên tri đã đặt tên cho con mình: Shoar yashub.

Và khi cái họa Assur nên trầm trọng, Yuđa cũng như Israel trước kia chỉ loay hoay tìm phương kế bảo toàn mạng sống, bằng những mưu mô người đời, Ysaya đã đành phải rút lui một thời, và ghi tạc giáo huấn vào lòng môn đệ đức tin bất chuyển vào sự trung tín của Yavê. Và Ysaya lại lấy lòng tin bất khuất can gián không được đầu hàng. Và, như ta đã thấy trên kia, binh đội Assur nhất đán đã triệt thoái. Yêrusalem đã thoát nạn! Tại sao tiên tri không có lý mà coi đó là một dấu chỉ của lòng lân mẫn của Thiên Chúa đối với dân của Người. Biến cố ấy so với hậu quả đến sau thực có một tầm quan trọng như tiên tri nghĩ, nhờ đó, mà có một thời chấn chỉnh trước khi khánh tận. Và cũng nhờ đó mà Yuđa có số phận khác Israel phía Bắc: Nước tuy mất, nhưng dân Dothái sống sót để chuyển đi mạc khải họ đã chịu lấy. Biến cố không đánh dấu cho phục hưng tôn giáo trực tiếp, nhưng ít là tiên tri đã có thể thu họp một nhóm môn đệ trung kiên, để niêm ký di chúc giáo huấn của ngài, bắt đầu gầy tạo số sót của Israel, cái cội sẽ đâm chồi nảy lên được một dân thánh mai sau (Ys 8 16-17 6 13).

Việc cải cách tôn giáo theo phong trào Thứ luật

Ðồ đệ các tiên tri lâm nguy kịch dưới triều Manassê. Êzêqya dấy lên chống Assur, và được thoát nạn cách lạ thường với sự chống đỡ của Ysaya như nói trên. Nhưng chẳng bao lâu, sau khi Sennakêrib chết, Assur lại trở lại. Manassê vì nịnh tôn chủ, thì đã để đạo Assur xâm nhập sâu rộng trong dân, và đi cấm cách bắt bớ cả những người trung tín với đạo Yavê. Ðồ đệ các tiên tri phải ẩn núp. Và chẳng bao lâu họ lại xuất hiện: Dưới triều Yôsya. Một cuộc cải cách tôn giáo được tuyên bố. Quyền đô hộ của Assur suy giảm, Yôsya dần dần rũ ách, cái ách phải rũ trước tiên là ách tôn giáo ngoại lai. Người ta nhuận chính lại tất cả luật lệ Israel chiếu theo những nguyên tắc luân lý và tôn giáo các tiên tri đã giảng dạy từ trước đến nay hơn một thế kỷ, từ Amos, Hôsê, Ysaya. Bộ luật mới này được thành hình trong phần chính yếu của Thứ-luật-kinh. Thứ-luật-kinh nói được là công việc san định luật lệ Israel theo các tiên tri. Ðó là một cố gắng đáng được tham khảo như một gương mẫu cho thấy những nguyên tắc tôn giáo được áp dụng làm sao cho những nhu cầu xã hội thực tiễn, lý tưởng công bằng và nhân đạo thành hình thế nào trong một trật tự xã hội còn thô sơ.

Yêrêmya

Nhưng cuộc cải cách của Yôsya không kéo dài được quá 13 năm (621-609). Yuđa bị lôi cuốn vào cuộc chiến đã làm đổ sụp đế quốc Assur. Yôsya chết không đầy 40 tuổi, không để lại một người kế thừa nào tài cán. Những ngày bi đát cho Yuđa bắt đầu. Ðế quốc Babylon dần dần thu lại vào tay mình cơ nghiệp Assur. Các tiểu quốc lại bị đô hộ. Chính trong thời này, một tiên tri lớn khác xuất hiện: Yêrêmya, thuộc dòng dõi tư tế vùng quê, ở Anatôt, một thôn nhỏ của Yuđa, giáp giới Benyamin. Ông là một vị tiên tri mà chúng ta biết rõ hơn các vị khác, nói được là hơn mọi nhân vật nói đến trong Cựu Ước. Trong các chương sách Yêrêmya, có những chương tự thuật cho ta biết được tâm lý của một vị tiên tri, bày tỏ cho ta thấy một dung mạo cô quạnh, bi thảm giữa một xã hội gần tàn.

Ông tiếp tục truyền thống tiên tri, lập lại những giáo huấn căn bản thích ứng với một tình thế đen tối. Trong tình cảnh bi đát ấy, ông đã nhận định một cách sáng suốt về số phận nước ông. Do đó, ông kết luận là cuộc hỏi tội cuối cùng, các tiên tri đã báo trước, bây giờ đã đến nơi rồi, không sao tránh khỏi. Ông chứng kiến việc tàn phá xứ sở ông, đồng bào ông tốp này tốp khác lê thê lên đường đày ải, năm bè bảy mối xâu xé nhau, luân thường đạo nghĩa suy sụp: Án kinh khủng của Thiên Chúa đang diễn ra trước mắt ông.

Bao nhiêu linh cảm đau thương đều đã ứng nghiệm. Nhưng chính khi quốc gia ông sắp sửa tan hoang, ông lại có gì phải đem đến cho dân. Thiên Chúa đã thi hành án công minh. Người còn phải hoạt động theo lòng lân mẫn xót thương, vì một khi Thiên Chúa đã yêu thương dân Người, Người không thể dứt hẳn tình thương của Người. Dân đã vi phạm mọi khoản của trách nhiệm làm dân của Thiên Chúa, đã đơn phương bãi bỏ “Giao ước”, và đã tự mình xóa bỏ mọi đặc ân dân được có trước mặt Người. Thế thì sao?

Này sẽ đến những ngày – Sấm của Yavê,

Ta kết với Nhà Israel, cùng với Nhà Yuđa,

một Giao ước mới,

không phải như Giao ước

Ta đã kết với cha ông chúng,

ngày Ta cầm tay chúng,

để đem chúng ra khỏi đất Aicập,

chúng đã hủy bỏ Giao ước của Ta,

mặc dù Ta là tôn chủ của chúng – Sấm của Yavê.

Quả vậy này đây Giao ước


Ta sẽ kết với Nhà Israel,

sau những ngày ấy – Sấm của Yavê,

Ta sẽ đặt luật của Ta nơi tâm tạng chúng,

và trong lòng chúng, Ta sẽ viết vào,

Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng,

còn chúng, chúng sẽ là thần dân của Ta.

Chúng sẽ không còn phải mỗi người dạy bảo nhau,

hay anh em (giáo huấn) nau, những rằng:

Hãy biết Yavê!

Vì chúng hết thảy đều sẽ biết Ta,

từ kẻ bé đến người lớn – Sấm của Yavê,

vì Ta sẽ tha tội ác chúng làm,

và lỗi lầm của chúng, Ta sẽ không còn nhớ đến. (Yr 31 31-34)

Ðó là một trong những sấm ngôn cắm chặng lịch sử tôn giáo.

Vào lúc thời niên tráng, Yêrêmya đã chứng kiến cuộc cải cách tôn giáo của Yôsya. Ông đã tham dự làm sao vào công việc ấy? Có tác giả hoài nghi. Nhưng có lẽ nhằm với sự thực, khi ta nghĩ rằng ông đã tham gia tích cực, và nồng nhiệt. Cũng như nhiều môn đồ các tiên tri xưa, ông nhìn thấy đó cái đích mà gần một thế kỷ rưỡi rồi, các tâm hồn ưu ái với dân của Thiên Chúa đã nhắm đến. Cả nước đã hồi đầu trở lại với Yavê, Thần của họ, và đã chứng thực lòng hoán cải là long trọng thề nguyền giữ một bộ luật hoàn hảo hơn, và về luân lý xã hội, thì cũng ứng đáp phần nào với rao giảng của các tiên tri. Nhưng làm sao biết một nước thành dân lương thiện bằng một nghị định được! Như Yêrêmya nói: Há dân Á (dân da đen) lại thay da? Beo hùm đổi lốt? Các ngươi, làm sao các ngươi có thể làm lành, các ngươi, phường đã quen với sự dữ! (Yr 13 23). Viết điều lương thiện thành luật không đủ, có ghi khắc trong lòng người ta mới mong cải hóa. Nói cách khác, căn cứ độc nhất xứng hợp với nghĩa tâm giao với Thiên Chúa, phải là một sự am hiểu tự bên trong, tự chính mình người ta, và cùng với sự am hiểu, phải có một sự ứng đáp bên trong, tự chính mình người ta nữa. Các tiên tri trước không phải là không biết vai trò của nhân bản trong tôn giáo. Giáo huấn của các tiên tri bao giờ cũng đòi hỏi có thái độ đích thân trước những yêu sách của Thiên Chúa. Nhưng trong khi tất cả cơ cấu của đạo đã thành qui chế đều tan rã, điều Yêrêmya tiên báo, sự canh tân đổi mới sâu thẳm do tự Thiên Chúa đến cho con người để thực hiện Giao ước mới, điều ấy có tầm quan trọng đặc biệt cho tất cả trình tự diễn tiến của mạc khải sau này.

Êzêkiel

Bấy giờ là thời lưu đày. Năm -598, -586, rồi -582, người Dothái lượt này lượt khác bị bắt đi lưu đày, mãi tận vùng Babylon. Có một tiên tri sống giữa họ, Êzêkiel. Cũng như Yêrêmya, ông thuộc hàng tư tế, và lại là tư tế ở kinh đô, tư tế họ Sađốc, chủ trì tại đền thờ Yêrusalem từ thời Salômon. Người ta mệnh danh ông là “tiên tri về sự tái thiết”. Quả thực, trong sách của ông có lắm điều nhắm đến việc cải tổ cộng đoàn, có cả những đồ án về việc xây lại Ðền thờ, và phân chia Ðất Hứa. Ngang qua những chương không mấy tí hấp dẫn ấy, lóe lên xác tín sâu thẳm: Israel dù thế nào cũng có một tương lai. Cứ theo thực trạng mà xét, thì không có tí gì bảo đảm cho hi vọng ấy. Thế mà thực sự, các hoài vọng ấy đã được thực hiện (tuy có khác với dự tưởng của Êzêkiel). Lý do làm ông trông cậy, không phải vì ông đã biến nhìn thời thế mà so đo hơn thiệt, nhưng chính là lòng tin vào sự trung thành bất biến của Thiên Chúa Giao Ước. Dù trái nghịch với những điều thấy được, ông cũng như các tiên tri trước đều tin vào lòng thương xót của Thiên Chúa với dân Israel mà Người đã chọn.

Êzêkiel đã thấm nhuần đạo lý của Yêrêmya về phần cá nhân trong Giao ước mới. Ông nhấn một cách, hầu nói được là quá đáng vào trách nhiệm của mỗi người trước mặt Thiên Chúa. Có khi ông quên cân nhắc phần nào về ảnh hưởng của di truyền, của xã hội trên tính tình và vận mạng của cá nhân. Nhưng cứ xét một cách tổng quát, thì Êzêkiel không có chủ trương chủ nghĩa cá nhân. Ðiều ông muốn cho thấy, là không thể có canh tân đoàn thể, nếu từng người một mà không hối cải. Và nguyên nhân cuối cùng của việc đổi mới lại chính là lòng thương xót của Thiên Chúa, nhưng lòng thương xót ấy kêu gọi từng người ứng đáp lại.

Một chương đặc sắc của ông, là đoạn 37: Trong đó Êzêkiel lấy tưởng tượng mà họa cuộc phục sinh của dân tộc. Ông thấy mình đứng giữa chiến trường năm xưa, xương tử sĩ phơi bày trắng xóa khắp cánh đồng. Lời Thiên Chúa hô lên, và các xương rải rác mỗi nơi một cái đến chắp nối, đâu lại với nhau, mặc lấy da thịt. Một luồng khí thiêng thổi đến, và các thây ma không hồn hồi dương đứng lên (Coi Ez 37 1-14).

Và thực sự, cuộc phục hưng của Israel nói được là một sự phục sinh từ cõi chết. Nhưng ý nghĩa hàm ẩn là không có một tình cảnh nào thất vọng đến nỗi ơn Thiên Chúa không thể tái tạo trùng hưng. Người là Ðấng dẫn đưa lịch sử theo những con đường huyền bí khôn lường. Ðến thời Người đã định, sẽ không có mãnh lực nào cản ngăn được Người. Ðó là lòng tin khắc sâu trong tâm hồn những kẻ lưu đày khi họ phải chạm trán với tương lai mịt mù của dân họ.

Ysaya thứ hai

Yêrusalem đã bị triệt hạ gần một nửa thế kỷ. Một thế hệ mới đã lớn lên trong chốn lưu đày. Một quyền bá chủ khác đã thay chân Babylon. Vua Kyrô, người sáng lập đế quốc Batư, thi hành một chính sách khoan hồng, và cho mọi kẻ lưu đày được phép hồi hương. Nhưng đất khách quê người đã nên quê thật cho nhiều người. Ít người sốt sắng hưởng ứng tiếng gọi quê hương, một cái quê hương hoang tàn, đã ra nghèo xơ xác. Chỉ có một nhóm nhỏ nhìn thấy nơi sắc chỉ nhà vua một dấu hiệu họ ngóng chờ. Họ mới nhận ra đó là việc của Thiên Chúa: Thời phục hưng Israel đã đến. Các người ấy đã được chuẩn bị tâm hồn nhờ lời giảng dạy của một tiên tri lớn vào bậc nhất, nhưng lại vô danh đối với ta. Các lời sấm của ông được di lưu trong sách sấm ngôn của Ysaya, tiên tri thế kỷ thứ 8 ở Yêrusalem. Ðó là các đoạn 40 đến 55. Ðể tiện bề nói năng, người ta mệnh danh ông là Ysaya thứ hai.

Vị tiên tri này đã để lại những bài thơ tuyệt cú vào hạng nhất trong Kinh thánh – thơ đã thoát những cái khúc mắc tối tăm của ít nhiều vị tiền bối, hình ảnh lộng lẫy và khí khái, ngôn ngữ phong phú, tư tưởng cao siêu, chạm đến tuyệt đỉnh. Các điều bàn đến là những chủ đề cùng tột của tư tưởng tôn giáo: Vương quyền, vinh quang của Thiên Chúa đối với nhân loại. Nhân danh Thiên Chúa, tiên tri loan báo thời phục hưng của Israel, và kêu gọi dân Lưu đày hồi hương, lập lại cơ nghiệp:

Ðẹp thay trên các núi non

chân người sứ giả

kẻ báo cáo bình an,

kẻ loan báo tin mừng,

kẻ báo cáo ơn cứu độ,

kẻ nói với Sion:

“Người đã làm vua, Thiên Chúa ngươi thờ!”

Quân canh của ngươi gióng tiếng,

tất cả một trật chúng hò reo,

vì mọi mắt đổ dồn, chúng sẽ thấy

Yavê trở lại Sion.

Hãy hân hoan, hãy reo hò cả lên,

hỡi cảnh hoang tàn Salem,

vì Yavê an ủi dân Người,

Người đã chuộc lại Salem.

Yavê đã xắn cánh tay thần thánh của Người,

trước mắt muôn dân,

và cùng cốc địa hoàn hết thảy

sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa ta thờ.

Lui đi! Lui đi, ra khỏi đây!

Ðừng rờ đến những gì ô uế.

Ra khỏi nó đi, thanh tẩy ngay đi,

hỡi những người khiêng kiệu đồ thờ Yavê!

Các ngươi sẽ không phải vội vã ra đi,

không phải lên đường như quân tẩu thoát,

vì Yavê cầm đầu đi trước các ngươi,

và binh bọc hậu sẽ là Thiên Chúa Israel thờ. (Ys 52 7-12)

Ðó là tâm trạng của những người hồi hương khi tra tay vào việc tái thiết. Ðoàn thể của những người ấy: Về chính trị, nói được là một con số không, về đất đai, không tày một tỉnh nhỏ của ta, về binh bị và tài nguyên, rất hạn chế. Nhưng cộng đoàn của họ đã nên trung tâm một đạo lan rộng khắp nơi, theo một tổ chức không hề thấy đâu có như thế, còn về ảnh hưởng nói được là khôn lường. Xét cả lịch sử sau này, ta sẽ không nói quá, khi bảo rằng nếu nhóm người ấy không tra tay vào việc, thì thế giới sẽ không bao giờ biết đến 3 yếu tố quan hệ bậc nhất cho tất cả lịch sử vị lai: Tức là đạo Dothái-giáo, Kitô-giáo, và Hồi-giáo. Việc hồi hương của những người Dothái đi đày về là một biến cố, cho dù xét về kích thước địa dư thì hầu như số không, nhưng xét về mọi mặt khác, thực là một lúc quyết định, mà một sử gia phải để ý.

Giải thích lịch sử theo tiên tri

Biến cố vừa nói không phải là điều thường xảy ra. Làm sao dân Dothái lại sống sót, trong khi biết bao dân tộc thời xưa khác không chóng thì chầy đã mất tất cả cái bản ngã, và danh tính của họ mai một khi phải trà trộn làm dân các đế quốc Tiểu Á cổ thời? Không mấy dân bị tàn phá như thế: Bại trận liên tiếp, vỏn vẹn còn một nhóm sót lại, bị phát lưu tha phương, dưới một ách đô hộ lâu năm của những quyền bính xa lạ và lại văn minh! Thế mà người Dothái vẫn còn sống, đã tái thiết cộng đoàn của họ và chuyển lại một truyền thống luôn phát triển thêm, một truyền thống chứng tỏ có ảnh hưởng kiến tạo trên tất cả lịch sử về sau. Tại sao như vậy? Câu trả lời chỉ có thể là: Các tiên tri trong vòng hai thế kỷ đã tổ thuật được một giải thích đặc biệt về trình tự lịch sử và đã gây được người hưởng ứng, một số người vừa đủ để làm cho lịch sử đến sau phải quay hướng mới.

Thực ra chính các tiên tri, thì họ không nghĩ thế. Họ không phải là triết gia lập thuyết một cách trừu tượng, sau khi đã quan sát sự đời. Họ tự giới thiệu bằng kiểu nói của sứ giả: Yavê phán thế này! Họ tin chắc rằng chính Thiên Chúa đã phán với họ (cách nào, một vấn đề thuộc hiện tượng thần bí). Thiên Chúa phán với họ qua các biến cố họ sống. Cách họ giải thích lịch sử không phải do hoạt động của trí khôn họ. Ðó là ý nghĩa họ thấy chính trong biến cố, khi lòng trí họ mở ra cho Thiên Chúa, cũng như giác quan họ mở ra cho sự kiện bên ngoài. Vì thế cho nên việc giải thích lịch sử do các tiên tri, cũng như hướng và ảnh hưởng trên lịch sử, được đồng hóa với Lời Thiên Chúa ngỏ với loài người.

Trong các chương tiên tri, không có chương nào tỏ cho ta thấy minh bạch và sống động những nguồn hứng của tiên tri cho bằng trình thuật của Ysaya về thiên triệu của ông. Ông được kêu gọi trong một thị kiến. Một thị kiến tả với tất cả những hình ảnh tôn nghiêm về tôn giáo trong môi trường của ông. Muốn họi được ý nghĩa, phải tưởng tượng khung cảnh, và cho mỗi hình ảnh cái sức nặng của nó trên tình cảm của người xưa. Một người quí phái ưu thời mẫn thế, kinh lịch về những vấn đề chính trị xã hội của nước nhà, vào thời chuyển ngôi trong lúc eo le trên chính trường quốc tế, trang thiếu niên này cũng sẽ có phần trong các vấn đề ấy, nhưng trên một bình diện khác xa cái bình diện của việc đàm luận chính trị thường tình. Ông vừa tham dự lễ bái trong Ðền thờ và còn đứng đó trầm ngâm suy nghĩ, mắt đăm đăm nhìn tế đàn khói hi sinh nghi ngút và nhấp nhô trong làn khói những hình thù chạm trổ những linh vật diệu kỳ. Với cảnh trí ấy ta hãy đọc:

Năm vua Ôzya chết, tôi đã được thấy Ðức Chúa ngự trên ngai cao thăm thẳm, tà cẩm bào lấp đầy Ðền thờ. Có những Sêraphim đứng chầu bên trên, mỗi vị có sáu cánh, lấy hai cánh phủ mặt, hai cánh che thân, và hai cánh để bay. Vị này hô, vị khác đáp, rằng:

“Thánh, Thánh, Thánh, Yavê các cơ binh!

vinh quang Người mãn đầy càn khôn”.

Trụ cửa bên thềm rung chuyển cả lên vì tiếng các vị hô ra, còn đền trong nghi ngút khói

Bấy giờ tôi nói: “Khốn cho tôi! Tôi bị tiêu diệt mất, vì tôi môi phàm ô uế, tôi lại ngụ giữa một dân môi phàm ô uế, mà chính mắt tôi đã thấy Ðức Vua, Yavê các cơ binh!” Nhưng một vị trong hàng Sêraphim bay lại bên tôi, nơi tay ngài một cục than hồng, ngài đã lấy kẹp gắp ở tế đàn. Ngài để than hồng chạm miệng tôi và nói: “Ðây, cái này đã chạm miệng ngươi, thì tội ác ngươi tan, lỗi lầm của ngươi được khỏa”. Ðoạn tôi đã nghe tiếng Ðức Chúa phán: “Ta sẽ sai ai? Ai sẽ đi thay chúng ta?” Và tôi đã thưa: “Này tôi đây, xin Người sai tôi”. (Ysaya 6 1-8)

Ðó là một kinh nghiệm căn bản, cắm sâu vào bản ngã của một con người. Nơi kinh nghiệm ấy, đã gồm tóm tất cả những gì là cốt thiết cho việc giải thích lịch sử của các tiên tri: Có trong kinh nghiệm ấy cái ý thức về uy quyền và thánh thiện của Thiên Chúa Yavê như điều căn bản của tất cả mọi sự. Ðã có con người trước nhan Thiên Chúa, vừa bị lên án vừa được thứ tha. Ðã có lời kêu gọi của Thiên Chúa và tiếng ứng đáp của người ta. Ysaya cũng như tất cả các bạn tiên tri, hết thảy đều nói: Ý nghĩa lịch sử là gì? Ấy là chính Thiên Chúa đứng trước mặt loài người, trong sự phán xét và trong lòng thương xót của Người, ra một lời hiệu triệu đòi phải ứng đáp. Họ đã giải thích lịch sử như thế, và họ đã lôi kéo được một nhóm người sẵn sàng đón nhận phưong diện của họ. Chính vì thế mà lịch sử đã mặc lấy cái chiều lịch sử đã có. Như lược toát công việc các tiên tri trên này đã cho ta thấy, từ Ysaya được thị kiến và được kêu gọi làm tiên tri cho đến việc tái tạo cộng đoàn Dothái vào thế kỷ thứ 6, đã có một chuỗi biến cố liên tiếp và cùng với biến cố có kèm theo sự am hiểu chúng. Chính chuỗi biến cố cùng với sự am hiểu theo nhỡn giới tiên tri ấy đã có những hậu quả vĩ đại cho lịch sử về những thế kỷ sau.

Ta phải lấy sự am hiểu lịch sử theo các tiên tri đó làm chỉ nam để đi vào ý nghĩa của tất cả Cựu Ước. Như trên kia đã nói, các sách Cựu Ước, trong hình thức còn lại, đều đã được viết sau thời các tiên tri, và mang dấu tích của ảnh hưởng tiên tri. Các sách lịch sử đã được soạn lại, theo những biên niên sử, và hồ sơ xưa để lại, nhưng do tay các đồ đệ của các tiên tri. Và Ngũ kinh cũng được san định dưới ảnh hưởng các tiên tri. Ơn kêu gọi của Abraham, ơn kêu gọi của Môsê đều đã được tả lại bằng những từ ngữ các tiên tri đã dùng để nói về thiên triệu của họ. Các môn đồ tiên tri đã tra tay viết lại lịch sử Israel là có ý cho thấy ý nghĩa chấp chứa trong đó, chiếu theo giáo huấn của các tiên tri. Sau khi đã biết qua lịch sử những thế kỷ quyết định về ý nghĩa tôn giáo của lịch sử, chúng ta xét qua những phần khác của Quy điển Cựu Ước, trong trình tự lịch sử.

Thời Xuất hành khỏi Aicập

Các tiên tri không xuất hiện như những người sáng lập tôn giáo. Ðiều họ nói không phải là mới lạ. Trước họ, Israel đã biết đến những mạc khải của Thiên Chúa trong lịch sử. Chặng nền tảng mà các tiên tri đã dựa vào là việc Thiên Chúa đã đưa Israel ra khỏi Aicập. Xuất hành khỏi Aicập đối với các tiên tri là một việc can thiệp quyết liệt của Thiên Chúa hằng sống trong lịch sử đã qua và cái mốc vững chãi hướng dẫn mọi bàn luận về đường lối của Thiên Chúa đối với dân của Người.

Về các biến cố xảy ra thời Xuất hành, chúng ta không có trình thuật nào xấp xỉ đồng thời. Truyện được lưu lại bằng những truyền tụng có tính cách truyền kỳ. Nhưng đối với nhân chủng học ngày nay, truyền kỳ cũng là nguồn tham khảo lịch sử rất đáng kể. Vì truyền kỳ là thể văn những ký ức về thời khai sáng các dân tộc thường mặc lấy. Những thời kỳ trong đó một văn minh, hay một trật tự xã hội mới khai diễn, bắt đầu tự những giao động khó xác định tiếp theo sau những cuộc di dân lớn. Trong những thời ấy, lịch sử ở vào thế động. Những đòi hỏi của thời thế làm xuất thế những bậc anh tài, những thủ lĩnh lỗi lạc, làm nên những huân công nói được là siêu phàm. Các sử gia thường so sánh những ngày đầu của Israel và Môsê với những năm đầu của Hồi giáo và Môhamet. Trong những trường hợp ấy, người ta không nghĩ đến viết sử, nhưng các việc xảy ra in sâu vào ký ức dân tộc và chuyển lại hậu thế bằng truyền tụng. Thời đầu của Israel đây kéo dài từ Xuất hành cho đến hết thời các Thẩm phán: Thời oanh liệt của Israel đi vào lịch sử. Thời này dung mạo nổi bật là Môsê.

Những sự kiện bên ngoài có thể nói sơ lược thế này: Hình như có ít bộ lạc, sau này sẽ làm thành Israel, đã đến ngụ cư ở bên rìa Aicập, như nhiều dân du mục văn kiện Aicập còn thuật lại, để sống độ nhờ, nhân những thời khó sinh sống trong sa mạc. Dân du mục chuộng tự do, họ đã quen vẫy vùng trong sa mạc. Vậy những người Hipri này vào một thời có chinh chiến, đã bị quyền bính Aicập biên thùy sử dụng làm nô dịch. Tính tình phóng khoáng của họ không thể chịu được áp bức, và họ đã rũ bỏ ách nô lệ, mà rong vào sa mạc, sống lại đời du mục. Họ đã có quả cảm làm thế bởi được một người cầm đầu tài cán hướng dẫn và đem họ vào sa mạc. Trong sa mạc, người ấy đã làm cho họ chấp nhận một tổ chức sơ lược về luật lệ và tôn giáo, nhờ đó họ đã có được một sinh hoạt chung tạm tạm, dẫn họ dần dần đến ý thức đoàn kết chính trị, manh nha cho việc kết thành dân tộc sau này. Ðược các kinh nghiệm ấy đào luyện và xiết chặt nội bộ hơn, họ đã vào đất Canaan, tức là Phalệtin ngày nay và choán lấy đất đai từ những vùng ít dân cư, rồi lấn dần các nhóm dân trong xứ.

Tất cả lịch sử thời này quây quần xung quanh một dung mạo, Môsê. Lấy các tiên tri chúng ta biết rõ thời sau mà so sánh, ta có thể nhận ra được nơi ông, một vị tiên tri lớn, theo một mẫu cựu trào. Cũng như Ysaya và các vị khác, ông đã được Thiên Chúa kêu gọi. Trong khi ông còn đang chăn cừu, ông đã được nghe tiếng gọi giữa một ngọn lửa bốc cháy:

“Cởi dép khỏi chân đi! Vì chỗ ngươi đứng là thánh địa đó!” Và Môsê che mặt đi, vì ông sợ không dám nhìn đến Thần Linh. Yavê phán: “Ta thấy rõ cảnh khốn đốn của dân Ta ở Aicập, và Ta đã nghe tiếng chúng kêu lên trước mặt bọn đốc công, quả Ta đã biết các nỗi đau đớn của chúng… Vậy bây giờ, ngươi hãy đi! Ta sai ngươi đến với Pharaô. Ngươi hãy đem dân Ta, con cái Israel, ra khỏi Aicập” (Xh 3 1-10).

Môsê đã muốn cưỡng lại, nhưng sau cùng ông đã chịu lấy sứ mạng và lịch sử bắt đầu diễn theo một hướng mới.

Ngang qua trình thuật có vẻ truyền kỳ ấy, ta đọc ra được một kinh nghiệm thẳm sâu của con người, cũng như trong đoạn trích lục trên kia về Ysaya: Ý thức lạ lùng về bí nhiệm và uy quyền của Thiên Chúa, con người rụt rè kinh sợ bởi sự tao phùng kỳ diệu ấy và sự tùng phục cuối cùng trước lịnh truyền của Thiên Chúa. Thiên triệu, một kinh nghiệm độc đáo của một cá nhân, nhưng liên lạc trực tiếp với những nhu cầu và số mạng một dân tộc. Chính do Lời Thiên Chúa, ban xuống cho một người, mà toàn dân được hứng khởi lăn xả vào cuộc phiêu lưu. Chính nhờ bởi Thiên Chúa quan phòng mà họ đã ngang qua khúc biển vô sự, thoát khỏi binh đội biên thùy Aicập. Luật lệ Môsê đã làm cho dân chịu lấy những khoản của Giao ước, do đó Israel trở thành dân của Thần Linh họ thờ. Tất cả sự việc được doãn lại như một hành động của Thiên Chúa trong lịch sử. Bởi các biến cố đã được hiểu như thế, và các nước Israel và Yuđa sau này phát xuất từ việc các bộ lạc Israel chiếm được Phalệtin đã sống trong Giao ước Môsê, có Yavê làm như tôn chủ, nên các nước ấy đã có thể làm môi trường cho giáo huấn của các tiên tri về Mạc khải của Thiên Chúa trong lịch sử.

Thời các Tổ phụ

Nhưng Xuất hành là kết thúc cho một quá khứ dần dà đem Israel xuống Aicập. Và điều Israel tin trước tiên là Ðấng đã đưa Israel ra khỏi Aicập vẫn là Thần linh cha ông các ngươi thờ, Thần của Abraham, Thần của Isaac, Thần của Yacob (Xh 3 6-15). Các dân tộc đều có những truyền kỳ về tổ tiên xa xưa của họ. Những tổ tiên Israel nhận là của họ không có gì là đặc sắc. Một nét son đáng ghi về tính cách lịch sử. Trong lời tuyên xưng đức tin Giao ước vào dịp lễ Ðầu mùa: Cha tôi là một người Aram phiêu lạc, ngài xuống Aicập và đã ngụ nhờ ở đó, với ít mạng người (Tl 26 5). Israel nhận rằng vị tổ của dòng giống thuộc nhóm du mục, gốc Aram, miền Bắc Syri rồi lan dần xuống Nam, mãi cho đến Aicập. Tên gọi các người nay đây mai đó trên “vành trăng khuyết phì nhiêu” (giải đất cong vòng cung, ép giữa Ðịa-trung-hải và sa mạc Árập, chạy từ Lưỡng-hà-địa qua Aicập) là Abraham, Ysaac và Yacob. Truyện tích về họ, miệng truyền miệng qua hằng mấy thế đại, sau cùng đã được ghi lại trong kinh Khởi Nguyên. Những sự tích bình dân, không móc nối với lịch sử một thời rõ rệt.

Nhưng đằng sau, có lịch sử. Bức họa vẽ lại sinh hoạt du mục ngang dọc trong giải đất đi từ Nilô đến Phơrát xác đáng cách lạ. Ðàng khác dân Aram du mục không phải là hạng người man rợ. Họ đã đụng chạm với văn minh Lưỡng-hà-địa. Vào thời chúng ta có thể phỏng đoán để đặt Abraham, Lưỡng-hà-địa đã có một dĩ vãng văn hiến gần hai ngàn năm. Giữa cả phong trào di dân thời ấy, bộ lạc Abraham nói được chỉ là gợn nước trong biển cả. Nhưng xét chung với những gì vị lai đem đến, việc Abraham ra đi là một khúc ngoặt trong lịch sử.

Trong hoàn cảnh nào, chính trị, kinh tế, hay chiến tranh, đã khiến bộ lạc Abraham bước chân ra đi? Văn kiện đồng thời không hòng có được. Thánh sử chỉ tuyên ngôn rằng: Abraham đã được kêu gọi:

Yavê phán với Abraham:

“Hãy đi khỏi xứ sở ngươi, khỏi sinh quán ngươi,

khỏi nhà cha ngươi, mà đến Ðất Ta sẽ trỏ cho ngươi”. (Kn 12 1)

Và thư Hipri chú thích: Bởi tin, Abraham vâng theo lời kêu gọi, ra đi đến xứ ông sẽ được hưởng làm gia nghiệp, ông ra đi mà không biết mình đến nơi nào. Lời ứng đáp với tiếng gọi bên trong được bày tỏ ra một cách đặc biệt trong sự từ bỏ, sẵn sàng cắt đức mọi liên lạc cốt nhục để liều mạng đi vào phiêu lưu vô định. Trở lại tín thư của các tiên tri, ta nhớ lại cách thức Thiên Chúa can thiệp. Lời Thiên Chúa nhồi nặn lịch sử làm sao khi đến cho một người, và khi người ấy nhìn thấy ở đó ý nghĩa của sự nghiệp đời mình và ứng đáp, thì Lời Thiên Chúa đã chuyển hướng lịch sử làm sao. Ðây cũng vậy, tuy còn là mới khai mào, thực có một sứ mạng tiên tri.

Thánh sử là thế, biến cố được soi dọi bởi lời tiên tri. Và những chóp đỉnh là các biến cố chúng ta vừa lược toát: Thiên triệu của Abraham, Xuất hành khỏi Aicập, cuộc tranh đấu lâu dài kết thúc nơi việc phát lưu ở Babylon và cuộc phục hưng sau đó. Ðó là những điểm quyết liệt cho trình tự thánh sử ngang qua đó Kinh Thánh muốn cho ta nhận thấy Mạc khải của Thiên Chúa hoạt động và cũng phác ra cái mẫu mà toàn thể lịch sử cũng họa lại cách này hay cách khác.

Thời sau Lưu đày

Chúng ta đã nói trên kia đến thời Israel phục hưng, tức là cuối thế kỷ thứ 6. Trong năm thế kỷ còn lại cho đến thời Tân Ước, các thư tịch Cựu Ước được thành hình như ta có ngày nay. Nhưng về biến cố bên ngoài, văn chương thời này không còn để lại cho ta mấy tí, khác với những hồ sơ phong phú của năm thế kỷ trước.

Ðiều cũng lạ. Vì trong thế giới xung quanh biết bao là biến động: Những đế quốc bao la dồn dập thăng trầm, Ðế quốc Batư sụp đổ, Alexandrô Ðại đế chinh Ðông kích Tây, đem quân cho mãi đến Ấnđộ, nhưng đế quốc của ông tan rã ngay khi ông chết, rồi các tướng lãnh của ông tranh hùng tranh bá, mãi cho đến khi Rôma vào cuộc và chiếm lấy cả gia tài thiên hạ. Nước Yuđa tí tẹo dạt bên này, dạt bên kia, khong còn làm chủ vận mạng của mình. Và trí não dân Dothái cũng dửng dưng với thời cuộc ấy. Thời cuộc ấy không làm cho lòng tin của họ phải đặt lại vấn đề: Hiểu sao về đường lối của Thiên Chúa đối với loài người.

Duy chỉ có một lần, mà biến cố đã kích động thâm sâu đến lòng tin của Israel: Ấy là vào thế kỷ thứ hai, ông vua Hilạp bá chủ Syri, hiệu là Antiôkhô Êpiphanê, nảy ra mưu đồ thống nhất giang sơn bằng văn hóa Hilạp, để làm cho xong công việc đồng hóa những dân khác biệt trong đế quốc. Ông nhất định áp dụng chương trình ấy cho cả người Dothái. Họ cũng phải tuân theo luật lệ của nhà nước về tôn giáo, một tôn giáo hỗn hợp. Người Dothái từ trước đến giờ không hề có thái độ câu nệ đối với văn hoá Hilạp, họ nói tiếng Hilạp, họ cũng học đòi nhiều tục lệ Hilạp như những thành phần khác của đế quốc Syri. Nhưng bây giờ họ đã kháng cự, vì lịnh nhà vua bây giờ đả động tới chính sự trung tín của họ đối với đạo. Chính quyền đàn áp, và xui lên dấy loạn: Một cuộc khởi nghĩa vừa là tôn giáo, vừa thuộc quốc gia, dưới sự lãnh đạo của một gia đình, với sự điều khiển của vị anh hùng Yuđa Macabê. Nhờ tài cán của ông và sự khôn khéo của những kẻ kế tiếp ông, người Dothái đã dành được quyền độc lập chính trị. Giao đoạn lịch sử này đã được thuật lại trong các sách Macabê, và đã in dấu sâu đậm trên các trước tác viết vào thời này. Ðó là biến cố có lẽ là độc nhất thời sau Lưu đày đã gợi lên được ý nghĩa thiêng liêng cao cả sánh được với lịch sử thời các tiên tri.

Nhưng tầm quan trọng của thời sau Lưu đày không cốt là nơi các biến cố bên ngoài, mà chính là ở nơi nỗ lực gầy dựng sinh hoạt bên trong của cộng đoàn Dothái. Ðây là thời Giáo huấn của các tiên tri được bá cập dến dân chúng, chứ không còn đóng kín trong một nhóm môn đệ. Cộng đoàn Dothái luôn luôn cố gắng đặt tất cả trật tự xã hội trên nền tảng là Luật của Thiên Chúa, làm sao cho Luật ấy được ăn sâu vào lòng người ta, theo lý tưởng các tiên tri Yêrêmya và Êzêkiel.

Các luật lệ của Israel, thuộc nhiều thời đại, có khi lên rất xa trong quá khứ, đã được sưu tập và kết thành bộ, kèm theo những chú thích này khác. Công việc được làm thành sách chúng ta gọi là Ngũ Kinh. Ngũ kinh được thành hình như có hiện tại vào lối thế kỷ thứ 4 trước Kỷ nguyên. Cũng vậy bút tích của các tiên tri cũng được sưu tầm, sắp đặt lại và viết thành sách để truyền lại cho hậu thế. Các biên niên sử của các thời xưa được san định với mục đích là làm nổi bật giáo huấn của các tiên tri, cái quan tâm đến sử như sử học ngày nay là một hiện tượng khá muộn thời trong lịch sử nhân loại. Còn tế tự nơi Ðền thờ cũng được chỉnh đốn một cách ngăn nắp, và tỉ mỉ, để duy trì tất cả những truyền thống cổ thời của phụng vụ Israel, và thích nghi sao để có thể diễn tả những quan niệm cao siêu theo đạo lý các tiên tri về việc phụng thờ Thiên Chúa. Sách Thánh Vịnh được soạn ra gồm các bài hát tụng, xưa có (có bản lên đến Ðavít), nay có, để làm thành sách ca ngợi dùng trong phụng vụ của Ðền thờ.

Cùng với Lề luật và phụng vụ, còn có việc đào tạo về tôn giáo, giáo dục con người sống trong Giao ước. Khu vực văn chương này được tiêu biểu nơi các sách mệnh danh là các “sách Khôn ngoan”: Như sách Cách ngôn, sách Huấn ca, tàng trữ lại những châm ngôn của hiền nhân và những lời răn khuyên đạo nghĩa. Lời lẽ muốn nói với hạng bình dân, mà cũng là bài học cho những thanh niên thụ giáo với hiền nhân. Thuộc một suy tư cao hơn, sách Yob là cuộc đàm thoại bằng thơ, những câu thơ bất hủ, lộng lẫy về hình ảnh, rất kêu về âm thanh, nói lên vấn đề đau khổ và vai trò đau khổ trong trật tự quan phòng của Thiên Chúa. Còn muộn hơn cả là Sách Khôn ngoan có tính cách một thiên luận triết lý với áo thơ đài các, cống hiến của Dothái nói tiếng Hilạp ở Alexandria.

Cộng đoàn đã được tái thiết với tinh thần của các tiên tri. Nhưng càng lâu, với kinh nghiệm tôn giáo và sự đời, người ta cảm thấy có gì còn thiếu sót. Giải thích lịch sử về nền tảng cho xã hội đạo Dothái, vẫn chưa đạt thấu cái tối hậu. Các tiên tri tuyên bố lịch sử diễn ra trong một trật tự luân lý, xác định bởi thánh ý Thiên Chúa. Nói tổng quát, thì tội và họa đi liền với nhau, và hoàn toàn trung tín với luật của Thiên Chúa thì thế nào cũng được chúc lành.

Không có ai lên tiếng phủ nhận lập trường căn bản ấy. Nhưng làm sao lấy kinh nghiệm thực tế mà chứng minh điều ấy? Khi ngó đến số mạng mỗi người để áp dụng nguyên tắc, “thiện ác đáo đầu chung hữu báo”, họa tai trên đời dành cho kẻ dữ, thịnh vượng là phần kẻ lành, thì thực tế khác hẳn: Chẳng những một người hoài nghi như Qohelet cho thế là sai, mà nhà thơ thâm thúy như Yob cũng đả kích. Rồi ngay việc áp dụng cho đoàn thể, nguyên tắc cũng khó nghiệm thấy sau bao thế kỷ trôi qua. Dân Dothái sau Lưu đày mài miệt với Lề luật của Thiên Chúa, mà suốt cả thời gian ấy bao giờ cũng vẫn là dân bị trị, bị áp bức và luôn ở trong tình cảnh bần cùng.

Tư tưởng Dothái dần dần đi đến một lập trường uyển chuyển hơn, hay đúng hơn, đến một tế nhận đầy đủ hơn. Lịch sử đứng trong một trật tự luân lý, điều ấy có thực, một trật tự ở dưới sự phán xét của Thiên Chúa hằng sống. Nhưng điều ấy không thể chứng nghiệm được nơi bình diện lịch sử như chúng ta biết được. Lịch sử nhân loại có tính cách bi kịch, mà lý lẽ không giải nổi. Ðiều ấy chỉ có thể nhận được trên một bình diện siêu lịch sử, siêu thời gian, khác với bình diện mà loài người kinh nghiệm được. Phải, lịch sử theo bình diện ấy mới chắc chắn có thành tựu, có hoàn tất. Một cách nào đó, vào một thời Thiên Chúa định, lịch sử sẽ đạt thấu chóp đỉnh. Ý định của Thiên Chúa, tỏ bày phần nào đó suốt lịch sử, sẽ được dẫn đến chung cục, mạc khải ra toàn diện. Ðạo lý ấy (đạo lý Cánh chung, vì nói đến sự cùng sau hết) được thể hiện trong một loại văn chương mới, đã phát sinh một phần nào đó với Êzêkiel, nhưng chỉ bành trướng vào những thời khó khăn khá muộn, đó là loại văn chương thường gọi là “khải huyền” (tỏ bày ra sự huyền bí trong ý định của Thiên Chúa).

Sách tiêu biểu nhất cho loại văn này còn lưu tồn trong Cựu Ước là Sách Ðaniel. Sách này phát xuất trong thời Antiôkhô Êpiphanê cấm đạo. Bao nhiêu đau khổ người Dothái phải chịu vào thời này làm cho những nghi vấn về sự Thiên Chúa quan phòng trong lịch sử bấy giờ đạt đến mức gay cấn. Các đau khổ ấy không chỉ xảy đến cho một dân đã nỗ lực sống theo luật của Thiên Chúa, mà hơn nữa, lại giáng xuống những thành phần ưu tú nhất của dân Chúa. Vậy thì còn nói làm sao được là lịch sử thi hành sự phán xét của Thiên Chúa?

Ðể trả lời cho nghi vấn, tác giả sách Ðaniel viện đến một thứ triết lý về lịch sử: trong thời hiện tại, vì những lý do riêng chỉ có Người biết, Thiên Chúa để cho các mãnh lực thế gian này được tự ý hoạt động. Chúng được tự do đến nỗi có thể kháng cự được cả ý định của Người. Và bởi đó, những ai mến chuộng thánh ý Người, đành lòng giữ luật của Người sẽ phải chịu đựng nhiều sự đau đớn. Nhưng cho dù thế, Ðấng Tối Cao trị vì trên vương quyền nhân loại (Ðaniel 4 14-22). Sự đau khổ người lành phải chịu chẳng những thử luyện lòng trung kiên và tăng thêm can đảm cho họ, mà còn dọn một cách bí nhiệm lịch sử kết thúc một ngày kia như ý Thiên Chúa muốn. Khi Thời ấy đến, Thiên Chúa sẽ thi thố quyền năng của Người ra mà lập một Nước công chính vô cùng vô tận.

Ðạo lý ấy được diễn đạt bằng những hình ảnh tượng trưng, những cảnh thị kiến. Cách riêng có hai thị kiến song song đối chiếu và bổ túc cho nhau. Thị kiến thứ nhất cho thấy một pho tượng khổng lồ, thể hiện cho tất cả các đế quốc ngoại đạo. Tượng làm bằng những chất liệu khác nhau, tức là những bạo quyền thống trị nhân loại, khác nhau, nhưng cũng chỉ là một quyền bính, quyền bính của sự dữ. Nhưng bỗng đâu có viên đá từ núi tách ra, không do tay phàm nào cả, mà đập vào chân tượng làm nó tan tành thành mảnh.

Bấy giờ tan tành cả một trật, sắt với đất, đồng với bạc vàng. Chúng ra như trấu lép nơi sân lúa mùa hè và gió cuốn chúng bay đi hết, không còn một dấu vết nào nữa. Còn viên đá đập phá pho tượng đã trở thành núi lớn và lấp đầy càn khôn tất cả (Ðaniel 22 31-45).

Không có tay nhân loại nào đã tạo nên khí giới hủy diệt mãnh lực sự dữ trên trần gian: Ðó là công việc của một mình Thiên Chúa. Ðến bấy giờ, Nước Thiên Chúa mới nên một sự thực trên cả tạo thành.

Thị kiến thứ hai dẫn đến cả một bầy quái vật: Sư tử có cánh, gấu, báo có cánh và một vật hì hợm hình thù không thể tả được và dữ dằn khủng khiếp. Một lần nữa, các quái vật ám chỉ đến các mãnh lực xấu xa nơi trần gian, nhập thể suốt giòng lịch sử nơi những đế quốc kế tục theo nhau. Các quái vật ấy vươn lên, hung bạo. Nhưng trên chúng, ngự trên ngai có Lão đại thâm niên (Thiên Chúa hằng có), và các thẩm phán an tọa, sổ sách đã mở ra. Các mãnh thú lãnh án phạt và biến mất: Các mãnh lực sự dữ bị bại, không phải nhờ sức lực người phàm, nhưng là chính bởi sự hiện diện và quyền năng của Thiên Chúa hằng sống. Nhưng khi ấy một nhân vật mới xuất hiện: Thì này với mây trời đi đến, có vị giống tợ Con Người (một dung mạo người ta, không còn là thú vật), ngài tiến đến gần nơi Lão đại thâm niên và người ta để ngài đến gần. Và ngài được ban cho quyền thống trị, vinh hiển, vương quyền, và mọi dân, mọi nước, mọi tiếng nói đã làm tôi ngài. Quyền thống trị của ngài, quyền thống trị muôn thuở, không hề qua đi, và vương quyền của ngài sẽ không tiêu diệt (Ðaniel 7 1-14).

Lời giải thích đến sau nói: Con người thể hiện cho dân của chư thánh của Ðấng Tối cao. Thế nghĩa là quyền quản cai cùng tận của Thiên Chúa sẽ được thực hiện trong và nhờ cộng đoàn hoàn toàn suy phục thánh ý Thiên Chúa, tức là dân trung thành của Thiên Chúa.

Nói được là tất cả Cựu Ước kết thúc bằng sự bỏ ngỏ: Chính thị kiến về Con Người đến với mây trời: Trong cần cù vâng giữ Lời Thiên Chúa, trong đau khổ vì trung tín với Lời của Người, Cựu Ước nhắm một điều sẽ đến, nhưng đang được dọn trong hiện tại: Vương quyền của Thiên Chúa đang tiến lại.

Còn Tân Ước bắt đầu với Lời rao giảng của Chúa Kitô: Thời buổi đã mãn và Nước Thiên Chúa đã gần bên! Hãy hối cải và tin vào Tin Mừng (Mc 1 15).

Và vì thế mà Hội thánh của Chúa Kitô, Ðấng đã xưng mình là Con Người (Mt 26 64), hằng xác tín rằng:

“Nhiệm cục Cựu Ước có được, ấy cốt là để dọn đàng chờ cuộc quang lâm của Chúa Kitô, Ðấng cứu chuộc muôn loài và Nước Cánh chung của Người, bằng lời tiên tri loan báo và bằng các hình bóng nhiều kiểu”. (Hiến chế Lời Thiên Chúa, số 15).

Trở về Mục Lục Kinh Thánh Cựu Ước

Exit mobile version