Phần này bàn về một số cách dùng trong tiếng Việt thời LM de Rhodes như toàn/tuyền/tiền, đam/đem, khứng/khẳng, mựa/vô, dòng Đức Chúa Giê-Su. Đây là những ‘cầu nối’ để có thể giải thích một số cách đọc tiếng Việt hiện đại cũng như cho ta thấy rõ hơn quá trình hình thành tiếng Việt. Các tài liệu tham khảo chính của bài viết này là ba tác phẩm của LM de Rhodes soạn: cuốn Phép Giảng Tám Ngày (viết tắt là PGTN), Bản Báo Cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đông Kinh (viết tắt là BBC) và từ điển Annam-Lusitan-Latinh (thường gọi là Việt-Bồ-La, viết tắt là VBL) có thể tra từ điển này trên mạng, như trang này chẳng hạn books.google.fr . Các chữ viết tắt khác là SSS (Sách Sổ Sang Chép Các Việc), NCT (Nguyễn Cung Thông), TVGT (Thuyết Văn Giải Tự/khoảng 100 SCN), NT (Ngọc Thiên/543), ĐV (Đường Vận/751), NKVT (Ngũ Kinh Văn Tự/776), LKTG (Long Kham Thủ Giám/997), QV (Quảng Vận/1008), TV (Tập Vận/1037/1067), TNAV (Trung Nguyên Âm Vận/1324), CV (Chính Vận/1375), TVi (Tự Vị/1615), VB (Vận Bổ/1100/1154), VH (Vận Hội/1297), LT (Loại Thiên/1039/1066), CTT (Chính Tự Thông/1670), TViB (Tự Vị Bổ/1666), TTTH (Tứ Thanh Thiên Hải), KH (Khang Hi/1716), P (tiếng Pháp), A (tiếng Anh), L (tiếng La Tinh), PG (Phật Giáo), CG (Công Giáo), VN (Việt Nam), TQ (Trung Quốc), HV (Hán Việt), BK (Bắc Kinh), MACC (Mùa Ăn Chay Cả/LM Maiorica), ĐCGS (Đức Chúa Giê-Su), CTTr (Các Thánh Truyện), TCTM (Thiên Chúa Thánh Mẫu). Trang/cột/tờ của VBL được trích lại từ bản La Tinh để người đọc tiện tra cứu thêm.
1. Tên gọi Tuyền, Tiền, Toàn và dòng ĐCGS
1.1Tên tục (tọuc, BBC trang 16) tương ứng với cụm từ HV tục danh 俗名 là tên cha mẹ đặt cho các trẻ nhỏ từ thời sinh ra, các người khác không thuộc gia đình thì không được gọi tên này, nhất là cho một gia đình quyền quý (theo BBC, VBL không ghi “tên tục”). LM de Rhodes đưa ra trường hợp tên tục của một bà quan Trấn Thủ là Tiền (có lẽ là tuyền/tiền[1] HV 泉 – NCT), thì người làm hay các người không thuộc gia đình bà thì không được dùng Tiền mà phải gọi là Toàn (tŏàn/VBL – BBC không viết hoa các tên Tiền hay Toàn), cách gọi trại đi như vậy cũng áp dụng cho các gia đình thấp hèn khác. Đây là đoạn văn – với các dạng kị húy bằng chữ quốc ngữ đầu tiên – viết về hiện tượng kị húy (kị huý/kiêng huý) trong tiếng Việt. Một phương pháp kị huý và chỉ sự tôn kính là dùng chức tước (tên quan/BBC) được vua chúa ban cho như “ông mậu tài”, hay dùng chữ đức như “đức Chúa bà” (chỉ vợ của Chúa Đàng Ngoài) …v.v… Cách gọi tên ở Tây phương khác với Đông phương, rất trân trọng tên tổ tiên và cố tình đặt tên con cháu mình giống vậy thay vì tránh đặt trùng tên (kị húy). LM Maiorica ý thức được sự khác biệt giữa hai nền văn hoá Đông và Tây trong cách thức đặt tên, nên thường ghi thêm là “cùng tên với cha hay mẹ” hay “cùng tên với con” trong các tác phẩm Nôm. Các trang 136-149 CTTr tháng ba chép lại cuộc đời của vua Louis IX (1214-1270) của Pháp, sau được phong Thánh[2] vì công nghiệp và đức hạnh: tên Louis cũng là tên cha (vua Louis VIII). Trang 45 trong CTTr có ghi lại chuyện ông thánh Am-Lô-Si-Ô (Ambrosius/L ~ Ambrose/A 340-397) cùng tên với cha mình, cũng được đặt tên là Aurelius Ambrosius[3] từng làm Trấn Thủ (prefect) xứ Gaul của đế quốc La Mã. Hoàng tử Casimir (1458-1484) sau được phong thánh, con trai thứ nhì của vua Ba-Lan Casimir IV (thứ tư), cũng lấy cùng tên cha là Casimir[4] – nhưng đọc là Casimiro trong tiếng Bồ-Đào-Nha (và Tây-Ban-Nha, Ý). Cách đọc Casimiro (viết Nôm là ca si mi lô, trang 22 CTTr tháng ba trang 22) cho thấy ảnh hưởng của tiếng Bồ-Đào-Nha trong các kinh sách CG soạn ở Đàng Trong/Ngoài thời LM Maiorica. Bà thánh Euphrasia (380-410) là con của nhà quyền thế Antigonus, cũng được đặt tên theo tên người mẹ (CTTr tháng ba trang 71). Ngay cả tên ĐCGS là Jesus (Yehua, tiếng Do Thái nghĩa là cứu thế) thời ĐCGS đã có nhiều người mang tên này. LM Maiorica cho ta biết (CTTr tháng giêng trang 21-22) ba nhân vật nổi tiếng từng có tên riêng là Giê-Su trước thời ĐCGS ra đời: (a) người cai quản và giúp đỡ dân Do Thái khỏi giặc (b) người hay chữ và viết kinh sách bằng tiếng Do Thái (c) thầy cả người Do Thái có tiếng là nhân đức. Gần đây hơn, cựu Tổng thống Mỹ George Bush (nhiệm kì 1995-2000) cũng trùng tên với cha cũng từng làm Tổng thống Mỹ (nhiệm kì 1989-1993), do đó tiếng Anh thường ghi thêm vào sau tên trùng chữ Junior (Jr. ~con) để phân biệt với tên cha Senior[5] (Sr. ~ cha). Thế hệ gần đây ở VN cũng có người đặt tên giống cha mẹ mình như cô MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên là con gái của cựu Phó Tổng Thống VNCH Nguyễn Cao Kỳ.
1.2 Một Điều đáng nhắc ở đây là cách gọi dòng ĐCGS (Societas Iesu/L viết tắt là S.J. ~ Society of Jesus/A) được thành lập bởi ông thánh Ignacio de Loyola (1491-1556) cùng các bạn vào năm 1535 ở Paris. Dòng ĐCGS viết chữ Nôm trong các bản Nôm của LM Maiorica là 用德主支秋(dụng đức chủ chi thu HV), td. CTTr tháng giêng trang 17. Vào thời LM de Rhodes và Maiorica, dòng ĐCGS vẫn được dùng như vậy cũng như cách dùng HV tương đương Giê-Su Hội 支秋會 (*chi *thu[6] hội, chi thu là âm đọc gần đúng của Jesus) so với cách dùng ở TQ cùng thời là 耶穌會 (Gia-Tô Hội, gia tô đọc theo giọng BK bây giờ là yē sū, một cách kí âm Jesus). VBL trang 159 ghi “Dòng ông thánh Chico (familia Sancti Francisci/L)” so với các bản Nôm của LM Maiorica:”khi các thầy dòng ông thánh Chi-Cô ăn cơm, nghe tiếng chuông ngoài của” TCTGKM trang 160, “Mồng hai – ông thánh Chi-Cô Xa-Vi-E” CTTr trang 10. Chi-Cô có một dạng chữ Nôm là chi cô HV 支姑. Ông thánh Chi-CôXa-Vi-E chính là LM Francisco Xavier (1506-1552, đồng sáng lập dòng Tên) được phong thánh vào năm 1622 bởi Đức Giáo Hoàng Gregory XV, không phải ngẫu nhiên mà VBL trang 159 lại chỉ có mục “Dòng ông thánh Chi-Cô” so với các dòng khác[7]. Dòng ông thánh Chico là dòng Franciscan hay Dòng Anh Em Hèn Mọn, Order of Friars Minor/OFM, có ý từ bỏ cuộc sống xa hoa mà theo gương ĐCGS. Ảnh hưởng của tiếng Bồ-Đào-Nha rõ nét trong cách dùng Chi-Cô, tên riêng Francisco trong tiếng Bồ-Đào-Nha. Francisco có gốc La Tinh francus nghĩa là tự do (tính từ) hay người đàn ông tự do (free man/A, danh từ). Nét nghĩa tự do/không bị bó buộc dẫn đến nét nghĩa hào phóng, rộng lượng hay thành thật của tính từ frank tiếng Anh hay franc tiếng Pháp. Frank còn là tên một bô lạc Germanic cổ đại ở hậu lưu sông Rhine (thế kỷ thứ III SCN), một nguồn xây dựng dân tộc và ngôn ngữ Pháp hiện nay. Các giáo sĩ sang Á Châu truyền đạo vào cuối thế kỷ XVI và đầu thế kỷ XVII thuộc các dòng khác nhau, và cũng có gây nhiều lấn cấn về phương pháp cũng như nội dung các tài liệu truyền giảng. Tuy nhiên các giáo sĩ dòng Tên được đào tạo kỹ lưỡng và bài bản, chịu khó ghi chép nên ta mới có nhiều tài liện quý giá sau này. CTTr rõ ràng là được soạn sau năm 1622 khi LM Francisco Xavier được Tòa thánh La Mã chính thức phong chức thánh (canonised/A). Dòng ông thánh Chi-Cô là cách gọi thông thường hơn vì dùng lại tên các vị LM sáng lập ra: cũng như dòng Đa Minh, dòng thánh Biển Đức (saint Benedict), dòng đức Bà Maria … Tên gọi ‘dòng đức Chúa Giê-Su’ khá đặc biệt vì dùng thẳng tên của ĐCGS, một số người xem cách gọi này mang tính chất ngạo mạn (coi thường ĐCGS ~ “kị huý”). Đọc qua các bản Nôm của LM Maiorica :”Các thầy dòng ĐCGS ở nước Ma-Ni-La[8] truyền rằng … khi đã gần qua đời thì họ hàng gọi một thầy dòng Đức Chúa Giê-Su” TCTGKM trang 16-17, “Có một thầy dòng ĐCGS tên là Giu-Ong Phi-Sô … Thầy cả Gia-Cô-Bê Mát-Ti-Nho, dòng ĐCGS …” TCTM quyển trung trang 81, 84 …v.v… VBL lại ghi là dòng ông thánh Chi Cô, so với cách gọi “dòng ĐCGS” của LM Maiorica, cũng như trong vài bản Nôm ông tự xưng là Giê-Su Hội Sĩ 支秋會士. Cách dùng dòng Tên chỉ xuất hiện về sau – ngay cả vào thời Béhaine (1772/1773) và Taberd (1838) cũng không thấy ghi cách dùng này – có thể là do kị húy[9] tên tục của ĐCGS, theo phong tục của người VN, học giả Trương Vĩnh Ký/1884 ghi dòng Tên[10] là cách gọi phát xuất ở Đàng Ngoài và Huỳnh Tịnh Của không ghi cách dùng dòng Tên (ĐNQATV – Nam Bộ). Ngoài ra, từ năm 1732 thì dòng Chúa Cứu Thế (viết tắt là C.Ss.R hay CSSR < Congregatio Sanctissimi Redemptoris/L) ra đời: cách gọi này có nét nghĩa gần giống với dòng Đức Chúa Giê-Su (Giê-Su là cứu thế, chữa đời). Do đó, dòng ĐCGS có lẽ gọi là dòng Tên cho phân biệt dễ hơn cũng như không dùng trực tiếp tên của ĐCGS. Trong vài tác phẩm chữ Nôm của LM Maiorica, ông còn ghi ở đầu trang là “Giê-Su Hội Sĩ” – tiếng Trung (Hoa) là 耶穌會士 Da Tô Hội Sĩ -không thấy dùng dòng Tên ở các văn bản Nôm. Bài thơ sau, trích từ quyển “Nhật trình kim thư khất chinh Chúa giáo (1797)” của LM Philiphê Bỉnh, cho thấy cách dùng Je-su hội sĩ: có lẽ bài thơ này được viết sau năm 1814, vì Đức Giáo Hoàng Clement XIV giải thể dòng Tên vào năm 1773 và chỉ được tái lập vào năm 1814 (vào thời Đức Giáo Hoàng Pope Pius VII). LM Philiphê Bỉnh cũng thường viết là “dòng Đức Chúa Giê-Su” hay viết tắt là “dòng ĐCJ” trong SSS.
Nhật trình kim thư khất chinh Chúa giáo (1797) – LM Philiphê Bỉnh
2. Đam (đem)
VBL ghi hai cả dạng đem và đam, nhưng chỉ ghi định nghĩa chi tiết ở mục đam (VBL trang 195) cho thấy đam là dạng thường gặp vào thời VBL, đam cũng thường xuất hiện trong PGTN và các tác phẩm Nôm của LM Maiorica. Ngoài ra, so sánh các từ như “đam đám đàm đảm đãm đạm” và “đem *đém *đèm *đẻm *đãm *đẹm” dùng trong tiếng Việt, ta có thể thấy dạng đem xuất hiện ít hơn và do đó gần đây hơn so với đam. Dựa vào dạng đam thời VBL, ta có thể liên kết động từ đem với động từ HV đam/đảm, cũng như tương quan giảm kém, giam[11] kem, khảm kẻm (thung lũng/VBL trang 355), lãm xem, trảm chém, tham thèm … Xem lại chữ đam/đảm 擔 (thanh mẫu đoan 端 vận mẫu đàm 談 bình/khứ thanh, khai khẩu nhất đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết
都甘切 đô cam thiết (ĐV, QV, TV, LT, LT, VH)
丁甘反 đinh cam phản (LKTG)
丁甘切 đinh cam thiết (NT, TTTH)
丁甘反 đinh cam phản (NKVT 五經文字)
丁淡反 đinh đạm phản (NKVT 五經文字) – 音膽 âm đảm
時豔切,音贍 thì diễm thiết, âm thiệm (TV, TVi) – TV ghi khứ thanh
以贍切,音豔 dĩ thiệm thiết, âm diễm (TV) – TV ghi khứ thanh
TNAV ghi vận bộ 監咸 giam hàm (dương bình và khứ thanh)
CV ghi cùng vần/bình thanh 儋擔檐甔 (đam diêm)
CV cũng ghi cùng vần/khứ thanh 擔儋檐甔 (*đam *diêm)
都藍切,膽平聲 đô lam thiết, đảm bình thanh (CV, TVi) – QV/TV đều ghi bình/khứ thanh
都濫切 đô lạm/lãm thiết (ĐV, QV, TV, VH, CV, TTTH, TVi)
舒豔切,音贍 thư diễm thiết, âm thiệm (TVi)
丁甘都濫二翻 đinh cam đô lạm/lãm nhị phiên (BH 佩觿)
丁暫反 đinh tạm phản (KH ghi lại)
丁但切 đinh đãn thiết (NT, TTTH)
都干切,膽平聲 đô can thiết, đảm bình thanh (CTT) – thời TVi (1615), CTT (1670), phụ âm cuối -m và -n đã nhập thành -n
多旱切, 音旦 đa hạn thiết, âm đán (CTT)
多簡切, 音亶 đa giản thiết, âm đản (TVi, CTT)
音檐 âm diêm/thiềm (CTT)
音贍 âm thiệm (CTT)
以贍切,音豔 dĩ thiệm thiết, âm diễm (KH)…v.v… Giọng BK bây giờ là dān dǎn so với giọng Quảng Đông daam1 daam3 và các giọng Mân Nam 客家话: [梅县腔] dam1 dam5 (tam1 tam5) [沙头角腔] dam1 dam5 [台湾四县腔] dam5 dam5 [客英字典] dam5 dam1 [宝安腔] dam1 | dam5 [客语拼音字汇] dam1 dam4 [海陆丰腔] dam5 dam5 [陆丰腔] dam5 dam1 [梅县腔] dam1 潮州话:dan1 (taⁿ) dan3 (tàⁿ), giọng Mân Nam/Đài Loan tan3, tiếng Nhật tan ketsu sen và tiếng Hàn tam. Một dạng âm cổ phục nguyên của đam/đảm là *tam (bình thanh) hay *tams (khứ thanh). Đem có một dạng chữ Nôm[12] là ? hay 冘. “Đam (đem) dân mực nỡ mất lòng dân” Quốc Âm Thi Tập, “Đam công danh đổi lấy cần câu” Quốc Âm Thi Tập, Mạn Thuật (Nguyễn Trãi). Đam/đem[13] là mang theo mình đi ra hay vào, thường xuất hiện trong PGTN và các tác phẩm Nôm của LM Maiorica. VBL trang 214 còn ghi dạng đem của đam, tuy nhiên trong PGTN hoàn toàn ghi dạng đam:”ĐCT đam người lên cho được chức gratia, là kết nghĩa cùng ĐCC … thì ĐCT đam vào ông Adam ở trong vườn vui vẻ … Mà khi đam xuống bởi trên cây Crux” PGTN trang 73, 74, 241 …”thì thánh An-Giô đam nước mắt ta lên” TCTGHTK trang 28b, “Ai hỏi bay đam con lừa đi đâu … mà đam hai con lừa đến” MACC trang 41. LM Halario de Jesu trong Sách Các Phép (giữa thế kỷ XVIII) cũng đích tay viết đam “lòng lành mà đam tôi tá người … cùng đam trí khôn lên” trang 27, 122. Thời Béhaine (1772/1773), Taberd (1838) và ngay cả đến thời Huỳnh Tịnh Của (1895) hai dạng đam và đem cùng hiện diện như đam ra/đem ra, đam lại/đem lại – Trương Vĩnh Ký ghi nghĩa của porter là đem nhưng mở ngoặc ghi thêm đam (1886). Đến thời Việt Nam Tự Điển (Hội Khai Trí Tiến Đức khởi thảo 1931/1954) thì đam (đam mê) và đem đã mang hai nghĩa khác biệt trong tiếng Việt. VBL còn ghi đài đảm trong hai mục đài và đảm (baiulus/L) có nghĩa là phu/thợ khuân vác, có thể tương ứng với đài đảm HV 抬擔, như đài đảm giá 抬擔架 hàm ý (phu) nâng và khiêng cáng đi: VBL đã cung cấp dữ kiện chính xác cho thấy dạng đam/đảm đã xuất hiện cùng với dạng đem nhưng thông dụng hơn, nhưng tiếng Việt hiện đại thì hoàn toàn dùng dạng đem. Một điểm nên nhắc ở đây là khả năng đam/đem còn có thể liên hệ đến đơm ? (chữ Nôm viết như đem), tương tự như tương quan đảm đởm, đàm đờm, đan đơn, đàn đờn … Đơm có nghĩa mở rộng là đem (đến) như đơm hoa (nở hoa), đơm cúng, đơm đặt:”Vườn tuy có cúc chửa đơm hoa” Ức Trai 63a; “Cơm trắng khéo đơm dầy dầy” Chỉ Nam Ngọc Âm Giải Nghĩa 15b. Các dạng đam, đảm, đem, đơm và các nét nghĩa liên hệ gợi ý chữ đam/đem đến từ phương Nam (Nam Á, Austroasiatic), tuy nhiên vấn đề khẳng định nguồn gốc (Hán Tạng, Nam Á …) không nằm trong phạm vi bài viết nhỏ này.
3. Kem, thằng kem
“Kem, thằng kem: người chăm sóc/hầu cận quan” (satellites præfecti/VBL trang 355). Giám/giam có nghĩa cổ là người chăm sóc hay giúp đỡ vua chúa (như giám tử là hoạn quan, thái giám 太監…) – giam hay *k(r)em từng dùng một mình chỉ thái giám như trong Sử Kí, Vệ ưởng 衛鞅 có câu “因景監求見孝公 Nhân cảnh giam cầu kiến Hiếu công”. Tiếng Việt còn duy trì một dạng âm cổ là “kem, thằng kem” (VBL/1651). Bây giờ thì ít ai biết dến nghĩa cổ này nữa! Một nét nghĩa cũng liên quan đến coi sóc của kem là “quỷ giữ hồn người chết hay sắp chết, quỷ cầu hồn” theo ĐNQATV, Génibrel và VNTĐ. Học giả Huỳnh Tịnh Của trong ĐNQATV trang 471 cũng giải thích kem là quỷ cầu hồn theo điển tích TH, do đó ta có cơ sở liên hệ kem và giam/giám 監. Kem còn là một chức việc trong tang lễ người Mường, cũng như người phụ tá vua trời (buaa kl’ơi). Béhaine (1772/1773), qua các dạng Nôm ? hay 兼 (kiêm HV), còn ghi câu nói “sánh giàu cùng kem” (Taberd/1838 cũng ghi kem là cách nói cổ). Thành ngữ trên còn cho thấy kem là hạng người giàu có, dĩ nhiên là vì được gần gũi với các quan lớn trong xã hội phong kiến thời xưa. Xem lại chữ giam/giám[14]監 (thanh mẫu kiến 見 vận mẫu hàm 銜 bình/khứ thanh, khai khẩu nhị đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết
古銜切 cổ hàm thiết (TVGT, ĐV, QV, NT, CV, LT, TTTH, LTCN 六書正擶, TVi)
居銜切,減平聲 cư hàm thiết, giảm bình thanh (TV, VH)
格懺切 cách sám thiết (ĐV, QV)
居懺切cư sám thiết (TV, VH, LT, LTCN 六書正擶)
古陷切,減去聲 cổ hãm thiết, giảm khứ thanh (NT, CV, TTTH, TVi)
苦濫切,音闞 khổ lãm thiết, âm khám (TV, LT, TViB, KH)
古嫌切,音蒹 cổ hiềm thiết, âm kiêm (TVi, KH)
監,音闞 giam âm khám (KH)
公陷切 công hãm thiết (NT, TTTH)
公衫切 công sam thiết (NT, TTTH)
TNAV ghi vận bộ 監咸 giam hàm (dương bình, khứ thanh)
CV ghi cùng vần/bình thanh 監緘瑊椷鑑鑒 (giam *giám)
CV cũng ghi cùng vần/khứ thanh 鑑鑒監 (giám)
古咸切, 減平聲 cổ hàm thiết, giảm bình thanh (TVi)
古陷切, 音鑑 cổ hãm thiết, âm giám (TVi, TĐTAT 重訂直音篇)
古銜切, 音緘 cổ hàm thiết, âm giam (CTT, TĐTAT 重訂直音篇)
公戶切, 音古 công hộ thiết, âm cổ (TViB)…v.v…Giọng BK bây giờ là jiàn so với giọng Quảng Đông gaam1 gaam3 và các giọng Mân Nam 客家话:[海陆丰腔] gam5 gam1 (kam1) [客英字典] gam5 gam1 [沙头角腔] gam1 gam5 [梅县腔] gam1 gam5 [台湾四县腔] gam5 gam1 [客语拼音字汇] gam1 gam4 [陆丰腔] gam5 gan1 [东莞腔] gam1 gam5 [宝安腔] gam5 | gam1 潮州话:哥庵1 哥庵3, gam1(kam) gam3(kàm) [澄海]gang1(kang) gang3(kàng), tiếng Nhật kan và tiếng Hàn kam.
4. “Mựa nói dối”
Mựa là không/đừng/chớ: “mựa nói dối” là chớ nói dối – VBL trang 487. VBL không có mục mựa riêng so với điều răn “mựa nói dối“, điều răn thứ tám[15] “chớ làm chứng dối” trong mười điều răn hàm ý là không được nói dối. Mựa ít dùng hơn so với chớ/đừng và mang tính cách tao nhã: “Mựa hề nói dối” (theo BBC), “Ắt mựa quên lòng đại từ trong bản nguyện” Phật Thuyết Đại Báo Phụ Mẫu Ân Trọng Kinh 44b, “Mựa cậy sang, mựa cậy tài” Quốc Âm Thi Tập bài 91, “Tới thu lại thấy yêu đương nữa. Mựa chớ đàn chi thiếp bạc duyên” Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập 53b, “Mựa lấy cớ khó mà tổn chí bình sinh” Truyền Kỳ Mạn Lục. Mựa là một dạng âm cổ của vô 無 như trong câu niệm PG Nam Mô[16]南無(kí âm tiếng Phạn नम namaḥ hay Pali namo). Vô hành là đừng làm, chớ làm (VBL trang 870) – khác với nghĩa trong Hán ngữ vô hành/hạnh 無行 là ác độc, bất hảo. Vô tố (quietus/mitis/L – VBL trang 817) là im lặng, nhẹ nhàng. Xem lại các cách đọc của chữ vô/mô 無 (thanh mẫu minh 明 vận mẫu ngu 虞 bình thanh, hợp khẩu tam đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết
文甫切 văn phủ thiết (TVGT, TTTH)
武扶切 vũ phù thiết (ĐV, TTTH, CTT) – CTT ghi thêm âm vu 音巫
武夫切 vũ phu thiết (QV, TTTH)
莫胡切,音模 mạc hồ thiết, âm mô (QV, TVi) – thường là phiên âm cho vô dạng 无
微夫切,音巫 vi phu thiết, âm vu (TV, CV, LT, TG 字鑑, TVi)
武于切 vũ vu thiết (NT)
罔甫切 võng phủ thiết (LT)
TNAV ghi cùng vận bộ 魚模 ngư mô (dương bình)
CV ghi cùng vần/bình thanh 無无亡武曼毋蕪巫誣 (vô vô/vong *man vu)
房鳩切,音浮 phòng cưu thiết, âm phù (TVi)
明由切,音謀 minh do thiết, âm mưu (TViB) …v.v…Giọng BK bây giờ là wú so với giọng Quảng Đông mou4 mo4 và các giọng Mân Nam 客家话: [陆丰腔] wu3 [宝安腔] wu2 [海陆丰腔] wu2 mo2 [东莞腔] wu2 [沙头角腔] wu2 [梅县腔] wu2 [台湾四县腔] wu2 mo2 [客语拼音字汇] mau2 mo2 vu2 [客英字典] mau2 mo2 vu2 潮州话:bho5, giọng Mân Nam/Đài Loan bo5, tiếng Nhật mu bu và tiếng Hàn mwu. Một dạng âm cổ phục nguyên của vô là *mio so với dạng mựa[17]rất thường gặp thời VBL (1651). Mựa có các dạng chữ Nôm dùng thanh phù mã 馬 (đọc theo giọng Quảng Nam bây giờ gần như mựa).
5. Khứng là âm cổ của khẳng (muốn)
Khứng (volo/L VBL trang 377) là ước được, muốn … Chẳng khứng là chẳng muốn (rất không muốn – NCT), động từ phủ định này dùng 11 lần so với khứng (xác định) dùng 1 lần trong PGTN. Có lẽ muốn nhấn mạnh đến nghĩa phủ định mà tiếng Việt thời VBL (và các bản Nôm của LM Maiorica) thường dùng “chẳng khứng” (chẳng *khẳng – NCT), so với cách dùng hiện đại “khẳng định” muốn nhấn mạnh đến nghĩa xác định hay quả quyết. Volo/L cũng dùng trong định nghĩa của động từ muốn (VBL trang 492). “Ví bằng có ai chẳng thảo kính, chẳng khứng vâng phép cha mẹ … Mày giễu ta, chẳng khứng thưa ru … dù mà cha mẹ con trẻ ấy chẳng hay, hay là chẳng khứng … vì chẳng có ai khứng sự mình lỗi còn kín, tỏ ra” PGTN trang 18, 34, 93, 302…”nhà kia dễ min chẳng khứng làm lành cùng nó” MACC quyển chi nhị trang 52. Một dạng chữ Nôm của khứng là khẳng[18] HV 肯: “Cha dắt mẹ dạy, sao hay khứng thuận đòi” Phật Thuyết Đại Báo Phụ Mẫu Ân Trọng Kinh 42b, “Thuyền mọn còn chèo chăng (chẳng) khứng đỗ. Trời ban tối, ước về đâu” Ức Trai Thi Tập 8a (Nguyễn Trãi 1380-1442), “Dắt con một mình đi. Con bèn kêu khóc chẳng khứng đi” Truyền Kỳ Mạn Lục IV, Nam Xương 4b, “Mày khứng theo chăng” Truyền Kỳ Mạn Lục, “khứng lòng, khứng nói, chẳng khứng, khứng tiếng” Béhaine, đến thời Huỳnh Tịnh Của còn dùng từ ghép “khứng chịu” cho thấy rõ nghĩa hơn. Để ý cách đọc 口狠切 khẩu ngận thiết của khẳng (CTT) cũng là cách đọc của khẩn (TV, VH, CV). Khẳng có khả năng đọc là khẩn hay khấn so với khấng/khứng ít nhất là từ thời TVi (1615): hai âm khẳng và khẩn đọc như nhau – TVi ghi âm khẩn 懇 (giọng Mân Nam ở Đài Loan là khun2, tiếng Tày khẩng là ưng thuận). Tiếng Việt thường không phân biệt rõ các trường hợp âm cuối là ân hay âng (nhất là vào thời kì chữ quốc ngữ còn phôi thai/VBL). Hai dạng khứng và khấn đều hiện diện vào thời VBL (1651), thời Béhaine (1772), Huỳnh Tịnh Của (1895) … đều ghi thêm dạng khẩng mà không thấy dùng dạng khẳng. Tiếng Việt hiện đại chỉ dùng dạng khẳng trong động từ khẳng định để nhấn mạnh sự xác định so với thời VBL thường dùng chẳng khứng để nhấn mạnh sự phủ định, cả hai ‘tình huống cực đoan’ này đều có liên hệ đến khẳng HV 肯. Xem lại các cách đọc của khẳng 肯 (thanh mẫu khê 溪 vận mẫu đăng/khai 登開 thượng thanh, khai khẩu nhất đẳng) theo phiên thiết
苦等切,音懇 khổ đắng thiết, âm khẩn (khấn) (TVGT, QV, TV, LT, LTCN, CV, TVi, TĐTAT)
苦等反 khổ đẳng phản (LKTG)
口等切 khẩu đẳng thiết (NT, TTTH)
可亥切,音愷 khả hợi thiết, âm khải (TV, LT)
TNAV ghi vận bộ 真文 chân văn (khứ thanh)
CV ghi cùng vần/thượng thanh 肯肎肻 (khẳng)
苦恩切 khổ ân thiết (TVi)
口狠切 khẩu ngận thiết (CTT) …v.v… Giọng Bắc Kinh bây giờ là kěn so với giọng Quảng Đông hang2 hoi2 và các giọng Mân Nam 客家话: [海陆丰腔] hen3 ken3 [客语拼音字汇] hen3 ken3 [客英字典] ken3 [梅县腔] hen3 ken3 [台湾四县腔] hen3 ken3 [东莞腔] ken3 [陆丰腔] ken3 hen3 [宝安腔] ken3 hen3. Một dạng âm cổ phục nguyên là *kʰəŋ gần với âm khứng (thời VBL).
6. Khuở/khüở và thuở
“Thuở/khuở/thŏở/khŏở ” (ex quo/L – VBL trang 374, 776, 784) là từ như: thuở bé,thuở xưa – PGTN hoàn toàn dùng dạng khuở so với thuở: “khuở xưa khi chưa có trời (blời) … Khi ấy có người nào tối mắt khuở đẻ ra … Tôi là kẻ tối mắt khuở đẻ chốc” PGTN trang 20, 195, 196; “Thuở xưa khi ĐCGS chịu nạn” MACC trang 81 VBL còn ghi dạng khác của thuở là khuở, rất phù hợp với các dạng chữ Nôm dùng khóa HV 課: “Khuở được ba tháng cưu mang lòng chửa, chỉn bằng hòn máu” PT 9a, “Xa lánh thân nhàn khuở việc rồi” Quốc Âm Thi Tập 4b. Tương quan th- và k(h)- còn thấy trong Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập 24b “Thoáng thấy mặt hoa mày liễu tốt. Rỡ phong trướng vóc đệm hương êm” – thoáng chữ Nôm viết băng bộ hỏa 火 hợp với chữ quảng/quáng 廣, cũng như chữ hoảng HV 爌. Hiện tượng biến âm cuối lưỡi/điếc kh- thành âm đầu lưỡi/điếc th- khá đặc biệt vào thời VBL, nhưng nếu so sánh một số tương quan giữa tiếng Mường Bi và tiếng Việt hiện đại, ta sẽ thấy liên hệ[19] th-kh vẫn còn bảo lưu phần nào (trích Tự Điển Mường Việt)
Mường BiViệt
khithi
khảngtháng
khảngtrăng
khây tlướcthưở trước, khi trước
khây hơthưở xưa, khi xưa
…v.v…
Tóm lại, VBL/BBC và các tác phẩm chữ Nôm của LM de Rhodes/Maiorica đã cung cấp một số dữ kiện ngữ âm giải thích tại sao một số dạng đọc khác nhau của cùng một ngữ căn như toàn/tuyền/tiền, đam/đem –> đơm, kem/giam, mựa/vô, khứng/khẳng. Cần phải để ý một số dạng là âm cổ hơn và một số dạng là âm đọc trại vì tránh dùng cùng một âm (kị huý), các trường hợp này có khả năng đan xen lẫn nhau và dẫn đến các cách dùng tương đương trong tiếng Việt hiện đại như Hoàng/Huỳnh so với Toàn/Tuyền … Một số từ dùng vào thời VBL như mựa, khứng, kem, đam là âm cổ hơn so với vô, khẳng, giam, đem và có tương quan ngữ âm HV – chứ không nhất thiết là tiếng Việt cổ. Ngoài ra, hiện tượng kị huý có thể là một nguyên nhân dẫn đến danh xưng “dòng Tên” trong tiếng Việt[20] vào khoảng giữa thế kỷ XIX so với cách dùng “dòng Đức Chúa Giê-Su” khi mới truyền qua Đại Nam.
6. Tài liệu tham khảo chính
1) Pigneau de Béhaine (1772/1773) – Bá Đa Lộc Bỉ Nhu “Dictionarium Annamitico-Latinum” Dịch và giới thiệu bởi Nguyễn Khắc Xuyên, NXB Trẻ (Thành Phố HCM – 1999).
(1774/Quảng Đông – Địa phận Đàng Trong tái bản năm 1837) “Thánh Giáo Yếu Lý Quốc Ngữ” 聖教要理國語 viết bằng chữ Nôm theo dạng Hỏi-Thưa. Y Doãn Ninh/Lê Bảo Tịnh phiên âm và chú giải, La Vang Tùng Thư xuất bản (Mỹ).
2) Phillipe Bỉnh (1822) “Sách Sổ Sang Chép Các Việc” NXB Viện Đại Học Đà Lạt, 1968.
(khoảng 1794-1802) “Nhật Trình Kim Thư Khất Chính Chúa Giáo” – xem bài viết trên mạng như https://www.scribd.com/document/118931952/Nh%E1%BA%ADt-Trinh-Kim-Th%C6%B0-Kh%E1%BA%A5t-Chinh-Chua-Giao-Philiphe-B%E1%BB%89nh
3) Nguyễn Quang Hồng (2015) “Tự điển chữ Nôm dẫn giải” Tập 1 và 2 – NXB Khoa Học Xã Hội/Hội Bảo Tồn Di Sản Chữ Nôm (Hà Nội).
4) Nguyễn Hồng (1959) “Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam – Quyển 1 – Các Thừa Sai dòng Tên 1615 – 1665” NXB Hiện Tại (Sài Gòn).
5) Halario de Jesu (thế kỷ XVIII) “Sách Các Phép” bằng 3 thứ chữ Nôm, La Tinh và quốc ngữ. Sách lưu hành nội bộ (1997).
6) Nguyễn Văn Khang (Chủ biên), Bùi Chỉ, Hoàng Văn Hành (2002) “Từ điển Mường Việt” NXB Văn Hóa Dân Tộc (Hà Nội).
7) Trương Vĩnh Ký J.B.P. (1884, 1920) “Petit dictionnaire francais annamite” Imprimerie de l’union Nguyễn Văn Của (SAIGON)
8) Vương Lộc (2002) “Từ điển từ cổ” NXB Đà Nẵng – Trung Tâm Từ Điển Học (Hà Nội).
9) Giêrônimô Maiorica (thế kỷ XVII) “Mùa Ăn Chay Cả”, “Thiên Chúa Thánh Mẫu – Quyển thượng”, “Thiên Chúa Thánh Mẫu – Quyển trung”, “Đức Chúa Giê-Su – Quyển chi cửu & Quyển chi thập”, “Thiên Chúa Thánh Giáo Hối Tội Kinh”, “Thiên Chúa Thánh Giáo Khải Mông”, “Kinh Những Ngày Lễ Phục Sinh – Quyển thứ ba”, “Các Thánh Truyện”. Sách lưu hành nội bộ (năm xuất bản 2002/2003 – LM Nguyễn Hưng).
10) Alexandre de Rhodes (1651) “Phép Giảng Tám Ngày” – Tủ Sách Đại Kết in lại từ Tinh Việt Văn Đoàn (1961 – Sài Gòn) với phần giới thiệu của tác giả Nguyễn Khắc Xuyên.
(1651) “Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum” thường gọi là từ điển Việt-Bồ-La; bản dịch của Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính – NXB Khoa Học Xã Hội, Thành Phố HCM (1991).
“Tường Trình về Đàng Trong 1645” bản dịch của Hồng Nhuệ, NXB Ánh Sáng Publishing, Escondido (California/Mỹ, 1994?).
“Lịch sử Vương Quốc Đàng Ngoài từ 1627 tới năm 1646” dịch giả Nguyễn Khắc Xuyên – Tủ sách Đại Kết, Thành phố HCM (1994).
11) Nguyễn Ngọc San/Đinh Văn Thiện (2001) “Từ điển từ Việt cổ” NXB Văn Hóa Thông Tin (Hà Nội).
12) Cao Tự Thanh (2008) “Lại ‘kiêng huý’!” – có thể đọc toàn bài trên mạng như tunguyenhoc.blogspot.com …v.v…
13) Nguyễn Cung Thông (2016) “Cách nói xuống thuyền, trên trời, ra đời, Đàng Trong/Ngoài … thời LM Alexandre de Rhodes (phần 1)” có thể xem toàn bài trang này chimvie3.free.fr
(2016) “Cách nói tôi, ta, tao, tớ, qua, min … Tiếng Việt thời LM de Rhodes” – có thể xem toàn bài trang này chimvie3.free.fr
(2018) “Tiếng Việt từ thời LM de Rhodes – Kinh Lạy Cha (phần 5A)” có thể xem toàn bài trên trang nghiencuulichsu.com hay facebook.com/conggiao.info…v.v…
(2018) “Tiếng Việt từ thời LM de Rhodes – Kinh Lạy Cha (phần 5B)” có thể xem toàn bài trên vandoanviet.blogspot.com …v.v…
Nguyễn Cung Thông[21]
—————–
[1]Chữ tuyền (thanh mẫu tùng 從 vận mẫu tiên 仙 bình thanh, hợp khẩu tam đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết 疾緣切 tật duyên thiết (TVGT, ĐV), 從緣切 tùng/tòng duyên thiết (TV, VH, LT)
才緣切,音全 tài duyên thiết, âm toàn (CV, TVi, CTT), 音全 âm toàn (LKTG), 慈鉛翻 từ duyên/diên phiên (BH 佩觿), 自緣切 tự duyên thiết (NT)
TNAV ghi vận bộ 先天 tiên thiên (dương bình)
CV ghi cùng vần/bình thanh 全牷泉 (toàn tuyền)
才勻切,音秦 tài quân thiết, âm tần (VB, TVi, KH), 音秦 âm tần (CTT) …v.v… Giọng BK bây giờ là quán juàn so với giọng Quảng Đông cyun4 và các giọng Mân Nam 客家话:[陆丰腔] can3 [客英字典] can2 [宝安腔] can2 [梅县腔] can2 [沙头角腔] can2 [客语拼音字汇] can2 qian2 [海陆丰腔] can2 [东莞腔] can2 [台湾四县腔] cien2 can2, giọng Mân Nam/Đài Loan choaN5; tiếng Nhật là sen và tiếng Hàn chen.
Tuyền đã từng có nghĩa là tiền (của cải):
帛幣。古錢幣名 貨泉徑一寸,重五銖,右文曰貨,左文曰泉,直一也.《周禮•外府》註
bạch tệ。 cổ tiền tệ danh“Hóa tuyền kính nhất thốn, trọng ngũ thù, hữu văn viết hóa, tả văn viết tuyền, trực nhất dã。《 Chu Lễ• Ngoại phủ》 chú. Thành ra nếu tiền (ghi trong BBC) còn có nghĩa là tiền bộ kim 錢 thì cũng không khác nhiều. Đây là một khuyết điểm của chữ quốc ngữ: một chữ có nhiều nghĩa. Tiền có thể là tiền 前 (trước), tiền 錢 (tiền bạc) hay đọc trại chữ tuyền 泉 (suối), tuyền 旋 (quay lại), tuyền 璇 (ngọc đẹp) …v.v…
[2]Ông là vị vua Pháp duy nhất được phong thánh nên có nhiều địa danh/công viên/nhà thờ mang tên ông: thành phố St. Louis ở tiểu bang Michigan (Mỹ), Lake Saint-Louis (hồ ở Quebec, Canada) …
[3]Cũng như truyền thống đặt tên Đông phương, mỗi tên riêng đều có nghĩa tích cực như Ambrose có gốc từ tiếng La Tinh, mà gốc La Tinh lại có nguồn xưa hơn là tiếng cổ Hi Lạp Αμβροσιος (Ambrosios) hàm ý bất tử (immortal/A). Tên bà Thánh Clare (St. Clair 1194-1253) có gốc La Tinh clarus nghĩa là trong sáng, nổi tiếng.
[4]Casimir có gốc (ngữ hệ) Slavic hàm ý ‘huỷ diệt thanh danh của đối thủ trong cuộc chiến’. Tuy không có tài liệu chính xác về năm phong thánh (1521?), Casimir được ghi chính thức ghi là thánh bởi đức Giáo Hoàng Clement VIII vào năm 1602. LM Maiorica còn nhận xét thêm là “mà bởi nên thánh thì trọng hơn cha nữa” CTTr tháng ba trang 22. Điều này cho thấy cuốn “Các Thánh Truyện tháng ba” có thể được soạn sau năm 1602, khi LM Maiorica bắt đầu truyền đạo ở An Nam (từ năm 1624/1625). Dòng Sisters of Saint Casimir thành lập năm 1908 và vẫn còn hoạt động ở Mỹ cũng như một số nhà thờ mang tên ông thánh này ở Ba-Lan và Lithinua.
[5]Khác với tiếng Mỹ, tiếng Anh viết tắt Senior là Snr, và Junior viết tắt là Jnr hay có lúc dùng số La Mã II.
[6]Chi 支 đọc theo giọng BK bây giờ là zhī, và thu 秋 đọc theo giọng BK bây giờ là qiū với phụ âm đầu là âm mặt lưỡi xát/vô thanh chứ không phải là âm tắc đầu lưỡi tʰ: một cách ghi âm đọc Jesus. Điều này cho thấy vào thời VBL (1651) và thời LM Maiorica (1591-1656), phụ âm xát (td. phụ âm s, sh) chưa hoàn toàn trở thành phụ âm tắc trong tiếng Việt (td. phụ âm t, th). Sự kiện này còn được VBL ghi vi thang còn đọc là vi thang (3 lần trong VBL – các trang 676, 743, 865), hay Thinh Hoa còn gọi là Thinh Huê và Sinufa (VBL trang 328) …v.v…
[7]Như dòng Đa Minh (Dominican/A) đã có từ lâu đời (giáo chỉ thành lập ngày 22/12/1216), dòng Phanxicô (Franciscans), dòng đức Bà Mariacó từ năm 1209 …v.v… Đã có những LM dòng khác đến An Nam truyền đạo nhưng không được kết quả gì lắm, theo bản tường thuật của LM Christophoro Borri (1631, sđd):”Chúng tôi chỉ biết rằng một vài LM của dòng thánh Phanxicô ở Ma-Ni-La, và một của dòng thánh Augustine ở Ma Cao, đã vào An Nam để cải đạo cho các tâm linh tại đây, nhưng ở đây có vô số khó khăn dưới nhiều hình thức khiến họ quay trở về nước. Thượng đế đời đời cũng đã sắp xếp an bày cánh đồng để các con của thánh tổ Ignace vun trồng”. Vào thời LM Philiphê Bỉnh, sau thời VBL khoảng 150 năm, ông đã ghi lại sự quan sát cá nhân:”mà nhiều Dòng thì những tên lạ lùng, ta chửa từng nghe, mà có nhiều ng˴ (người) Phương tây cũng chẳng biết cho hết các Dòng, phương chi là bổn đạo Anam ta thì ở xa xôi mà biết làm sao đc. (được)” SSS trang 237.
[8]Các giáo sĩ dòng Tên đã đến Manila (Phi-Luật-Tân) từ năm 1581 hay khoảng 43 năm trước khi các LM de Rhodes và Maiorica đến VN, như trường hợp các LM Antonio Sedeño và Alonso Sanchez. Ngoài việc truyền giáo, LM Antonio Sedeño cũng đã du nhập số kĩ thuật phương Tây như chỉ cho dân địa phương cách cắt đá (stone cutting) và làm gạch xây nhà (brick-making) – xem thêm chi tiết trang này phjesuits.org/
[9]Xem bài viết này chẳng hạn dongten.net – trích một đoạn “Vì khi Dòng Chúa Giêsu vào Việt Nam, thì trong bối cảnh xã hội thời đó, ai kêu tên của Ông Bà Cha Mẹ, đặc biệt tên của Chúa, thì rất phạm thượng, nên “Dòng Chúa Giêsu“ đã được kêu là “Dòng Tên“, để không phạmhúy, để mọi người dễ chấp nhận, và cũng dễ dàng cho anh em Giêsu Hữu thời đó trong việc truyền giáo”. Thật ra, danh xưng dòng Tên chỉ xuất hiện vào khoảng giữa thế kỷ XIX (xem bài viết này): thời gian xuất hiện phải là sau khi LM Philiphê Bỉnh (một LM dòng Tên) soạn cuốn Sách Sổ Sang Chép Các Việc (năm 1822) và trước thời Petit Dictionnaire Francais Annamite ra đời – năm 1884 – của học giả Trương Vĩnh Ký, một bổn đạo CG.
[10] “Jesuite sm. Thầy dòng Đức chúa Giê-giu (dòng Tên Tonkin)” – theo học giả Trương Vĩnh Ký, trang 752/sđd. Khi tiếng Pháp còn thông dụng ở VN, dòng Tên còn gọi là dòng Dê Zuýt (tiếng Pháp Jésuit là tu sĩ dòng Tên).
[11]Giam HV 監 là coi sóc: kem, thằng kem là lính hộ vệ quan (VBL trang 355).
[12]Đam và đem, đơm có các dạng chữ Nôm là ?hay 冘, khó biết cách đọc chính xác cũng như các trường hợp thì/thời, phạm/phạn, mắt/mặt, đao dao, tôn tông – đây là một khuyết điểm của chữ Nôm. Chữ đem trong truyện Kiều có thêm bộ thủ 扌cho rõ nghĩa hơn.
[13]Đam/đảm擔 còn chỉ một trăm cân, hay còn viết là 担. Cách dùng này đã từng hiện diện trong các tác phẩm của nhà thơ đời Đường Lí Kì 李颀(690? – 751?), có thể liên hệ đến dạng trăm tiếng Việt hay *tlam/*klam. Phụ âm đầu đ- và tr/tl- có liên hệ lâu đời như đồ 徒 còn là trò và điền 田 còn có thể đọc là trần 陳: sách Xuân Thu ghi Trần Hoàn 陳完 thì Luận Ngữ ghi Điền Hoàn 田完 … TVGT ghi rõ là điền: 田 trần dã 陳也 (biên hiệu 9123). Do đó, ta có cơ sở để đề nghị đam/đem (*tlam/*klam) có nguồn gốc phương Nam cũng như chữ đảm 膽 có khả năng đến từ phương Nam (Nam Á, Austroasiatic) và một dạng âm cổ phục nguyên là *tlam?. GS Axel Schuessler (2007) ghi nhận âm cổ Bahna Bắc/ProtoNorthBahnaric là *klàm (gan/liver), tiền Việt-Mường/Proto Viet-Muong *lɔ:m, Katuic *luam hay dạng khác hơn với phụ âm đầu t- như tiền Palaunic *kơntɔ:m (gan). Tra thêm các ngôn ngữ láng giềng ta thấy klơm (gan, tiếng Kơho), tho-lom (gan, tiếng Khme) so với LÒNG tiếng Việt gồm các bộ phận như ruột, gan … Phật Thuyết Đại Báo Ân Trọng Kinh còn dùng ‘lòng gan đều nát’ (lòng chữ Nôm thường dùng lộng 弄, làõ theo Việt Bồ La 1651) phản ánh tương quan mở rộng can đảm (Hán) và lòng gan/ruột gan (Việt); Ngoài ra cách dùng lõm súng (lòng súng, nòng súng), lõm chuối, lõm cây (lòng cây)… cho thấy liên hệ trực tiếp giữa dạng LÒNG – LÕM; Thật ra khi phát âm LÒNG bây giờ – tiếng Việt luôn đóng môi lại ở giai đoạn cuối (môi hoá, như LÒNG) chứ không để môi mở như các dạng LONG của tiếng Anh, Pháp… Lòm Tiếng Mường (Bi) là gan: ho ưa ăn lòm củi (tôi thích ăn gan heo). klơm là gan (tiếng Biat), k’lơm (gan, tiếng Boloven). Tuy nhiên, nguồn gốc của các từ đam/đem, đảm không phải là trọng tâm của loạt bài viết này.
[14]So sánh tương quan phụ âm đầu giam kem với giảm 減 – kém, giam 監 – khám, giái – giới 介 – cõi, giải 解 – cải, cởi, cổi , gỡ … giải 蟹 – cua, giới 疥 – ghẻ (bệnh), giới 戒 – cai (cai nghiện), giái – giới 芥 – cải (rau), giái (giới) 薤 – kiệu (rau), giác, giốc 角 – gạc (sừng nai) góc, giác 覺 – cóc, cốc (biết, hiểu), giả 赭 – ké (màu đỏ) vết tích còn trong cách dùng đỏ ké, giả 者 – kẻ (người ấy) …v.v…
[15]Hay còn là điều răn thứ chín (theo Anh giáo, Do Thái giáo, Tin Lành), thường hiện diện trong giáo lý của tôn giáo vì có áp dụng phổ quát (universal) trong quan hệ con người. Tương tự như điều răn thứ năm (“chớ giết” PGTN trang 297, “chớ giếtngười” VBL trang 284) là những nguyên lý đầu tiên và phổ quát như trong Ngũ Giới của PG, giới thứ nhất là Pànàtipàtà veramanì: 離殺生 li sát sinh (tránh sát sinh).
[16]Ngoài dạng kí âm Nam Mô 南無, ta còn có các dạng kí âm gần đây hơn như Nam Mưu 南牟, Nam Mô 南謨; Nam Mang 南忙, Na Mô 那謨 (hay 那模, 那麻), Nạp Mạc 納莫 (hay Nạp Mộ 納慕), Na Mẫu 娜母, Nẵng Mạc 曩莫 (hay Nẵng Mô 曩謨), Nại Ma 捺麻 (hay Nại Mô 捺謨) …v.v… Dân chúng Nepal, Ấn Độ và các vùng lân cận cũng thường dùng tiếng namaste để chào hỏi hàng ngày – tiếng này cùng có gốc Phạn là namas (chào, kính cẩn, tôn trọng …). Qua tiếng Phạn namah và qua ảnh hưởng PG ở VN từ lâu đời, ta có thể khẳng định dạng cổ của vô là *mio – so sánh với dạng cổ của vị未 là mùi, dạng cổ của vũ舞 là múa, dạng cổ của *vũ 武 là mậu戊, dạng cổ của vụ霧 là mù (sương mù) … Một điều đáng nhắc ở đây là chữ mậu 戊, âm BK bây giờ là wù (tương ứng với vụ HV), nhưng các giọng đọc phương Nam TQ và HV đều vẫn còn duy trì âm cổ hơn là mậu. Đến nỗi vua nhà Lương đã ra lệnh bắt phải đổi Mậu thành Vũ 武(wǔ BK bây giờ) để tránh phạm huý vào năm Khai Bình nguyên niên (907, theo Ngũ Đại Sử). Khác với GS Nguyễn Tài Cẩn, và dựa vào các phương ngữ Nam TQ (Quảng Đông, Đông Hoàn Khang …) và các tương quan múa vũ, mùi vị … Người viết (NCT) cho rằng âm Mậu đã hiện diện cùng lúc với âm Vũ (âm mới hơn) chứ không phải chờ đến sắc lệnh của vua nhà Lương! Sắc lệnh của vua Lương chỉ là hợp thức hoá (tiêu chuẩn) một cách đọc so với dạng cổ hơn hay phương ngữ – thí dụ như chính thức hoá cách đọc /jʊw˨˩˦/ (~ dũ) của vũ theo giọng Nam bây giờ chẳng hạn.
[17]Thanh nặng (mựa) so với thanh ngang (mô, vô – bình thanh) phản ánh liên hệ rất lâu đời trong tiếng Việt cũng như các tương quan 墓 mồ mộ mả mô, 共 cung cùng cũng cộng cọng, 句 cú cu cù câu cấu củ cửu, 揅研 nghiên nghiến nghiền nghiễn nghiện …v.v…
[18]Ngay cả Tam Thiên Tự cũng ghi 肯肯 khẳng khứng – Đoàn Trung Còn biên soạn, NXB Văn Hoá Thông Tin TP HCM (2004). So sánh khứng khẳng với các tương quan (a) nguyên âm ư ă: thừng thằng 繩, thưng thăng 繩, đực đặc 特 … (b) thanh điệu (bổng/trắc): 錦 cẩm gấm, 本 bản (bổn) vốn, 肺 phế phổi, 散 tán tản (tan)…v.v…
[19]So sánh các cách đọc chữ 挑 (土凋切 thổ điêu thiết TVGT, TTTH; 他彫切 tha điêu thiết TV, VH, CV, LT, TVi, CTT 音祧 âm thiêu) đáng lẽ phải đọc là *thiêu so với dạng khiêu tiếng Việt. VBL cũng ghi các dạng cọc tác ~ tọc tác so với khách thứa ~ khách khứa, tắc kè ~ cắc kè …v.v…
[20]Trong các văn hoá từng là đồng văn và cùng có hiện tượng kị huý trong ngôn ngữ: thì chỉ có VN mới dùng “dòng Tên”, các tiếng khác như Nhật/Hàn/TQ đều giữ dạng nguyên thuỷ là dòng (hội) Giê-Su (Gia-Tô) và duy trì tên gọi ĐCGS. Thí dụ như tiếng Hàn 예수회 (yesuhoe ~ Hội Giê-Su ~ dòng Tên), tiếng Nhật là イエズス会Iezusu-kai và tiếng TQ là 耶穌會(yēsū huì ~ Gia-Tô Hội). Hầu như tất cả các ngôn ngữ trên thế giới đều duy trì dạng nguyên thuỷ ‘dòng/hội Giê-Su’ trừ tiếng Việt hiện đại: có thể do kị huý hay do các cách đọc khác nhau của Giê-Su (Gi-su, Giê-giu, Yêsu, Da-Tô, Gia-Tô ..) và dẫn đến cách gọi ‘dòng Tên’ cho gọn và thuận tiện hơn! Hiện tượng dùng “dòng Tên” rất đặc biệt cũng như cách gọi “tên ngày” trong một tuần – tham khảo thêm bài viếtnghiencuulichsu.com
[21]Nghiên cứu ngôn ngữ độc lập ở Melbourne (Úc) – email nguyencungthong@yahoo.com