Tài liệu tham khảo chính của bài viết này là ba tác phẩm của LM de Rhodes soạn: cuốn Phép Giảng Tám Ngày (viết tắt là PGTN), Bản Báo Cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đông Kinh (viết tắt là BBC) và từ điển Annam-Lusitan-Latinh (thường gọi là Việt-Bồ-La, viết tắt là VBL) có thể tra từ điển này trên mạng, như trang này chẳng hạn
books.google.fr . Các chữ viết tắt khác là TMGL (Thọ Mai Gia Lễ), SSS (Sách Sổ Sang Chép Các Việc), NCT (Nguyễn Cung Thông), TVGT (Thuyết Văn Giải Tự/khoảng 100 SCN), NT (Ngọc Thiên/543), ĐV (Đường Vận/751), NKVT (Ngũ Kinh Văn Tự/776), LKTG (Long Kham Thủ Giám/997), QV (Quảng Vận/1008), TV (Tập Vận/1037/1067), TNAV (Trung Nguyên Âm Vận/1324), CV (Chính Vận/1375), TVi (Tự Vị/1615), VB (Vận Bổ/1100/1154), VH (Vận Hội/1297), LT (Loại Thiên/1039/1066), CTT (Chính Tự Thông/1670), TViB (Tự Vị Bổ/1666), TTTH (Tứ Thanh Thiên Hải), KH (Khang Hi/1716), ĐNQATV (Đại Nam Quốc Âm Tự Vị), P (tiếng Pháp), A (tiếng Anh), L (tiếng La Tinh), PG (Phật Giáo), CG (Công Giáo), VN (Việt Nam), TQ (Trung Quốc), HV (Hán Việt), Bắc Kinh (BK). Trang/cột/tờ của VBL được trích lại từ bản La Tinh để người đọc tiện tra cứu thêm. Chỉ một phần nhỏ của trang 461 (VBL, mục mẫu/mẹ) mà nếu đọc kỹ từng chữ sẽ cho ta nhiều chi tiết rất thú vị về xã hội, văn hoá và ngôn ngữ trong quá trình hình thành tiếng Việt hiện đại. Bắt đầu bằng mục từ mẫu (số 1 trong mục mẫu/VBL) trong tám bà mẹ được LM de Rhodes ghi lại. Tuy LM de Rhodes không ghi “Tam phụ” hay “bát mẫu[2]” nhưng mục cha lại ghi ba loại (a) “cha ruột, cha đẻ” (pater generans/L biological father/A) (b) “cha ghẻ” (vitricus/L stepfather/A) và (c) “cha mày[3], cha nuôi” (pater adoprans/L foster father/A). Thành ra có ba người cha, phù hợp với định nghĩa của TMGL[4] về tam phụ. Cách dùng “Tam phụ bát mẫu” 三父八母đã có mặt trong Nguyên Điển Chương 元典章 (Lễ bộ tam – Tang lễ) soạn vào năm 1322 : tam phụ[5] chỉ (a) cha ghẻ sống chung (b) cha ghẻ không sống chung (c) cha (và mẹ) đã tái hôn. 10 mục của phần sau dựa vào các ghi chép của LM de Rhodes bằng chữ quốc ngữ (mục 1 đến mục 8 của bài viết này) và bằng chữ La Tinh (mục 9 và mục 10 của bài viết này) trong trang 461 VBL. Đây là lần đầu tiên khái niệm tám bà mẹ được ghi nhận trong tiếng Việt, đặc biệt là trong thời kì manh nha chữ quốc ngữ.VBL trang 461.
1. Từ mẫu 慈母
Từ mẫu (mục số 1 – VBL) là mẹ hiền (hiền mẫu, a loving/affectionate mother/A), cách dùng này đã hiện diện từ thời cổ đại, nghĩa không hoàn toàn chính xác cho lắm, như trong bộ sách Nghi Lễ[6] 儀禮 (phần Tang phục, chương thứ 11 trong 17 chương), trong câu 慈母如母 từ mẫu như mẫu, và sau đó xuất hiện trong Hậu Hán Thư. Đến đời Đường thì có thi sĩ Mạnh Giao 孟郊 (751-814) từng làm bài thơ “Du tử ngâm “遊子吟”rất thấm thía và viết về tình mẫu tử của con người – từ đời Đường về sau từ mẫu có nghĩa là mẹ ruột:
慈母手中線,
遊子身上衣
。臨行密密縫,
意恐遲遲歸
。誰言寸草心,
報得三春暉。
Từ mẫu thủ trung tuyến,
Du tử thân thượng y.
Lâm hành mật mật phùng,
Ý khủng trì trì quy.
Thuỳ ngôn thốn thảo tâm,
Báo đắc tam xuân huy.
“Từ mẫu”, hay “mẹ sinh đẻ” (VBL trang 461) là định nghĩa theo LM de Rhodes (mater quae peperit/L) nhưng cũng gần giống cách hiểu của đa số người VN chúng ta cho tới hiện tại (từ mẫu ~ người mẹ hiền lành/mẹ ruột). Thật ra, một nét nghĩa cổ đại của từ mẫu là mẹ kế (mẹ ghẻ): người mẹ này không có con nhưng theo chồng nuôi con cho người vợ trước đã mất. Hay đúng hơn từ mẫu là thứ mẫu (mẹ kế, nghĩa tổng quát – nét nghĩa số 6 VBL) so với nét nghĩa rộng hơn là người mẹ ‘hiền lương’ trong gia đình. Trích ‘Nghi Lễ, Tang phục 儀禮.喪服:”慈母如母。傳曰:慈母者何也?傳曰:妾之無子者,妾子之無母者,父命妾曰:女(汝)以為子;命子曰:女(汝)以為母。若是,則生養之,終其身如母,死則喪之三年如母.《後漢書.清河孝王慶傳》:“蓋庶子慈母,尚有終身之恩,豈若嫡後事正義明哉!“từ mẫu như mẫu. truyện viết:từ mẫu giả hà dã? truyện viết: thiếp chi vô tử giả,thiếp tử chi vô mẫu giả, phụ mệnh thiếp viết: nữ( nhữ)dĩ vi tử;Mạnh Tử viết: nữ( nhữ)dĩ vi mẫu。nhược thị,tắc sanh dưỡng chi,chung kì thân như mẫu, tử tắc tang chi tam niên như mẫu”.《 Hậu Hán Thư. Thanh hà hiếu vương khánh truyện》:“ cái thứ tử từ mẫu, thượng hữu chung thân chi ân, khởi nhược đích hậu sự chánh nghĩa minh tai. Nghĩa của từ mẫu vào thời xa xưa không rõ ràng cho lắm, ngay từ thời học giả Triệu Kì 趙岐 (108-201), ông đã dùng từ mẫu chỉ mẹ ruột[7]của Mạnh Tử: “孟子生有淑質,夙喪其父,幼被慈母三遷之教 Mạnh Tử sanh hữu thục chất, túc tang kì phụ, ấu bị từ mẫu tam thiên chi giáo”. Nhưng GS Quách Xán Kim[8] thì quả quyết từ mẫu (chỉ mẹ ruột) là hiểu sai theo nghĩa cổ đại như đã ghi ở trên (Nghi Lễ).
Ở VN hiền mẫu 賢母 hay mẹ hiền thường được dùng so với từ mẫu, như ngày của mẹ (Mother’s day) thì thường gọi là ngày từ mẫu hay ngày hiền mẫu – người TQ thì lại gọi là 母親節 mẫu thân tiết (ngày tết của mẹ). Thật ra nghĩa cổ của hiền [9]không kém phần thú vị như phạm trù nghĩa của từ mẫu: hiền đã từng có nghĩa là tài năng/giỏi và có đức độ như TVGT ghi hiền là 多才也 đa tài dã, hiền nhân là người có tài và đức. Tiếng Việt thời VBL ghi nghĩa hiền đã nghiêng về phạm trù đức hạnh (nét nghĩa tài giỏi đã mờ hẳn):”hiền lành ~ mitis/L nhẹ nhàng/hoà nhã/NCT” VBL trang 322 – sau này LM Béhaine (1772/1773) đã ghi thêm nghĩa prudens/L cho thêm chính xác (prudens/L ~ khôn ngoan/NCT). Ngoài ra, để ý sự không đối xứng (asymmetry) trong các cách dùng này: không thấy cách dùng hiền phu/phụ (người cha hiền/lành) so với hiền mẫu/mẹ hiền, hiền thê, cũng như từ phụ và từ mẫu (không thấy dùng “mẹ từ” trong tiếng Việt).
2. Kế mẫu 繼母
“Kế mẫu[10]” hay “mẹ ghẻ” (noverca/L VBL – mục số 2), nghĩa của tiếng La Tinh của kế mẫu là người vợ mà cha cưới sau khi vợ trước đã chết hay đã ly dị. Mẹ ghẻ tiếng Anh là stepmother so với tiếng Pháp belle-mère, tuy belle-mère có phạm trù nghĩa rộng hơn như cũng chỉ mẹ chồng hay mẹ vợ (hàm ý không phải là mẹ ruột). Một điều khá thú vị là tiếng Anh stepmother (mẹ ghẻ) hay stepfather (cha ghẻ) nguyên nghĩa là mẹ hay cha của đứa con khi cha hay mẹ ruột đã mất (đứa trẻ trở thành mồ côi/orphan), sau thế kỷ XX thì nghĩa đã mở rộng để chỉ mẹ hay cha ghẻ. Một điểm đáng chú ý ở đây là kế HV và ghẻ có tương quan ngữ âm khá rõ nét. Chữ kế 繼 (thanh mẫu kiến 見 vận mẫu tề 齊 khứ thanh, khai khẩu tứ đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết
古詣切,音計 cổ nghệ thiết, âm kế (TVGT, QV, TV, VH, CV, TVi)
吉棄切, 音繫 cát khí thiết, âm hệ (TV)
音計 âm kế (NKVT 五經文字, LKTG)
公第切 công đệ thiết (NT, TTTH)
吉詣切 cát nghệ thiết (LTCN 六書正?)
TNAV ghi vận bộ 齊微 tề vi (khứ thanh)CV ghi cùng vần/khứ thanh
計 薊 繫 係 繼 㡭 髻 紒 結 ? 轚 (kế hệ *kết)
古噐切,音計 cổ khí thiết, âm kế (CTT) – thời CTT (1670) vần khí (qì BK bây giờ) gần với vần kế (jì BK bây giờ) …v.v…
Giọng BK bây giờ là jì so với giọng Quảng Đông gai3 và các giọng Mân Nam [Kwangtung] ki5 [Bao’an] ki5 [Dongguan] ki5 [Hailu] ki5 kie5 [Siyan] ki5 kie5 [Meixian] ki5, tiếng Nhật kei và tiếng Hàn kyey. Một dạng âm cổ phục nguyên của kế là *kɛj mà tiếng Việt còn bảo lưu qua dạng ghẻ, so sánh với các liên hệ cận ~ gần, cân ~ gân, can ~ gan, cẩm ~ gấm, kiếm ~ gươm, kí ~ gửi, cấp ~ gấp, kế ~ ghẻ (và các biến âm kề, ké, kè, ghé, ghè …).
3. Đích mẫu 嫡母
Con của vợ nhỏ gọi vợ lớn (vợ cả, cũng là chị ruột của vợ nhỏ) của cha là đích mẫu, VBL ghi “em mẹ đã nuôi ngày sau”. Không thấy VBL ghi trường hợp của vợ cả (chị ruột còn sống hay chết), có lẽ vì thế nên nhóm dịch giả của LM Thanh Lãng đã thêm vào câu “mà mẹ mình đã chết” trong ngoặc. Thường thì các từ HV ghép với đích hàm ý chính (cả) hay có liên hệ huyết thống: đích phụ 嫡父 là thân phụ, sinh phụ (cha ruột), đích tôn 嫡孫 là cháu trưởng…v.v…
4. Dưỡng mẫu 養母
“Dưỡng mẫu, mẹ nuôi, mẹ mày” theo VBL (mater adoptans/L adoptive mother/A), một trường hợp là khi cha mẹ nghèo túng nhờ người khác nuôi con mình thì gọi người đàn bà đó là dưỡng mẫu theo TMGL. VBL ghi trong mục mày trang 448 qua các cách dùng “ăn mày, ăn mày ăn mót, bị ăn mày, ăn mày Chúa” (được Chúa của Đàng Trong hay Đàng Ngoài giúp đỡ/cấp dưỡng), “con mày ~ con nuôi” (filius adoptiuus/L adopted son/A). Dưỡng mẫu còn gọi là giả mẫu 假母 (giả là không thật), nghĩa mẫu 義母 hay dưỡng nương 養娘.Phạm trù nghĩa của dưỡng mẫu có phần trùng hợp với nhũ mẫu (mục 8), sau thời VBL thì các LM Béhaine (1772/1772) và Taberd (1838) đều định nghĩa dưỡng mẫu và nhũ mẫu là nutrix/L (vú nuôi, còn có nghĩa là y tá phản ánh truyền thống ‘thực dụng’ của Tây phương). Truyền thống Đông phương kính trọng người lớn tuổi và có công nuôi nấng đã nâng cấp vú nuôi thành mẹ nuôi[11]. Khuynh hướng ‘nâng cấp’ để chỉ sự kính nể này còn thấy trong cách dùng sư phụ 師父, bá phụ 伯父 bác, thúc phụ 叔父 chú, cữu phụ 舅父 cậu hoặc bác (anh em với mẹ), tổ phụ 祖父 ông – có thể chỉ ông nội và cha – phụ ở các từ ghép này không hoàn toàn có nghĩa là cha ruột nhưng vai vế đã được ‘nâng cấp’. Về phần mẹ, phó mẫu 傅母 là bà thầy dạy dỗ con nhà quyền thế, còn gọi là bảo mỗ 保姆 hay bảo mẫu 保母 … Ngoài ra cha vợ còn gọi là nhạc phụ 岳父 và mẹ vợ là nhạc mẫu 岳母… v.v…
5. Giá mẫu 嫁母
VBL ghi “Giã (giá/NCT) mẫu, mẹ đã lấy chồng khác mà còn nuôi con”. Theo Nguyên Điển Chương (1322), phần Lễ bộ tam, giá mẫu: 父亡母改嫁適人者 phụ vong mẫu cải giá thích nhân giả. Tài liệu trên cho thêm chi tiết là người chồng đã chết, vợ lấy chồng khác mà vẫn nuôi con trước thì gọi là giá mẫu, phù hợp với định nghĩa trong TMGL. Giã trong VBL liên hệ đến giá HV 嫁 hay gả tiếng Việt. Gả (td. gả con, cưới gả, gả không, dựng vợ gả chồng) là một dạng âm cổ của giá còn bảo lưu trong tiếng Việt. Chữ giá 嫁 (thanh mẫu kiến 見 vận mẫu ma 麻 khứ thanh, khai khẩu nhị đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết
古訝切 cổ nhạ thiết (TVGT, QV, NT, TTTH)
居迓切 cư nhạ thiết (TV, LT, VH)
TNAV ghi vận bộ 家麻 gia ma (khứ thanh)
CV ghi cùng vần/khứ thanh 駕 價 賈 斝 假 嫁 架 枷 稼 幏 (giá giá/cổ giá/gia)
居亞切,音駕 cư á thiết, âm giá (CV, TVi, CTT)…v.v…
Giọng BK bây giờ là jià so với giọng Quảng Đông gaa và các giọng Mân Nam 客家话: [梅县腔] ga5 [海陆丰腔] ga5 [客语拼音字汇] ga4 [台湾四县腔] ga5 [客英字典] ga5 [宝安腔] ga5 [沙头角腔] ga5 [东莞腔] ga5 [陆丰腔] ga5 潮州话:gê3, giọng Mân Nam/Đài Loan ke3, tiếng Nhật ka ke và tiếng Hàn ka. Một dạng âm cổ phục nguyên của giá là *ka so với gả tiếng Việt.
6. Thứ mẫu 庶母
VBL ghi “Thứ mẫu, vợ mọn cha”. Theo TMGL thì thứ mẫu là vợ nhỏ (lẽ, thiếp) và là mẹ sinh ra mình. Chư mẫu[12] 諸母 cũng là một cách gọi thứ mẫu thời xưa: như trong Lễ Kí/Khúc Lễ Thường “諸母不漱裳” chư mẫu bất sấu thường. Học giả Trịnh Huyền từng ghi chú là: chư mẫu, thứ mẫu dã – cho thấy nghĩa của chư mẫu là mẹ kế/thứ.
7. Xuất mẫu 出母
VBL ghi “Xuất mẫu, mẹ còn nuôi con, khi chồng đã trốn đi”. Một cách hiểu khác là mẹ ruột nhưng đã ly dị, hay theo MTGL là mẹ sinh ra mình nhưng bị cha ruồng rẫy… Xuất mẫu còn là sinh mẫu[13] 生母 (mẹ đẻ/mẹ ruột, biological, natural mother/A) vì chữ xuất hàm ý sinh ra. Không thấy học giả Huỳnh Tịnh Của ghi xuất mẫu (ĐNQATV) như tự điển Génibrel.
8. Nhũ mẫu 乳母
VBL ghi “Nhũ mẫu, vú” (nutrix/L < nūtriō/L là cho bú), phù hợp với định nghĩa của MTGL là bà mẹ vú (wet nurse[14]/A), người cho mình bú mớm từ khi còn tấm bé. Nhũ mẫu[15] còn gọi là nãi ma 奶媽 (nãi là vú, sữa, cho bú cũng như nhũ 乳).
9. Tunkinenses (thuộc về/từ Đông Kinh/ Kẻ Chợ/Đàng Ngoài)
Trong phần La Tinh của mục mẫu, LM de Rhodes cho ta thấy cách dùng Tunkinenses, gốc là chữ Tunkin hay kí âm La Tinh của Đông Kinh[16] (Đàng Ngoài) – để ý phần tiếng Bồ-Đào-Nha[17] lại ghi là Tonquim với phụ âm cuối là -im. Hậu tố La Tinh (suffix) -enses (trong Tunkinenses) có gốc là -ensis nhưng thay đổi để phù hợp với Danh Cách (Nominative case). Thường dùng cho các địa danh như Nicomedia[18] –> Nicomedenses (thuộc về thành phố Nicodemia), Europa –> Europensis (thuộc về Âu châu) …v.v… Nhập vào tiếng Anh, hậu tố La Tinh -ensis trở thành -ese so với tiếng Pháp -ais và -ois: Chinese (A) ~ Chinois (P, người TQ), Viennese (A) ~ Viennois (P, dân ở thành phố Vienne). Chỉ cách đây 70 năm, Annamese cũng được học giả P.K. Benedict dùng trong các bài viết, như “An analysis of Annamese kinship terms” (1947). Tiếng Anh hiện đại thì dùng Vietnamese thay vì Annamese với cấu trúc tương tự: Vietnam + ese (hậu tố).
Một điểm đáng chú ý là trong PGTN, LM de Rhodes đôi khi nhầm lẫn An Nam với Tunchin (Đông Kinh):”đạo thánh ĐCT đã sáng soi đến nước An nam này” PGTN trang 26, phần tiếng La Tinh lại dùng “Tunchinensi” dù rằng VBL ghi rõ An nam gồm cả Đông Kinh (Đàng Ngoài) và Cochincina (Đàng Trong). Đáng lẽ trong mục mẫu/mẹ (VBL trang 460-461), LM de Rhodes nên dùng Cocincina (Đàng Trong) thay vì Annamitæ (chỉ cả nước An Nam, hay Đàng Trong và Đàng Ngoài). Tuy nhiên, nhận xét về cách dùng tám bà mẹ ‘giống nhau’ ở Đàng Trong và Đàng Ngoài còn cho thấy LM de Rhodes đã thấy có khả năng khác biệt ngôn ngữ giữa các vùng (phương ngữ). Bản đồ An Nam bên dưới của LM de Rhodes được trích từ trang commons.wikimedia.org. Để ý Regnum Annam = nước An Nam (góc phải ở trên bản đồ), Tvnkin (~ Tunkin) = Đông Kinh/Đàng Ngoài, theo cách viết trong VBL (cũng như Tunchin trong PGTN), Cocincina = Đàng Trong, KEDOM ~ Kẻ Đông (ảnh hưởng của tiếng Bồ-Đào-Nha: -ông trở thành -om) so với Ke nam (Kẻ nam), Ke bac (Kẻ Bắc), Ke tay (Kẻ Tây): đây là những địa danh hiếm gặp trong văn bản/lịch sử[19] (khẩu ngữ).
Bản đồ An Nam theo LM de Rhodes (1651)
10. Annamitæ (thuộc về An Nam)
VBL phần La Tinh dùng chữ Annamitæ[20], có gốc là An Nam HV 安南 nhưng theo truyền thống Tây phương nên viết liền và thêm hậu tố La Tinh –ites chỉ nhóm người/dân tộc.
Một điều đáng chú ý là không hiểu tại sao LM de Rhodes và Maiorica lại không dùng tên nước Đại Việt (so với Đại Minh vào thời VBL chẳng hạn), có lẽ vì tính cách nhạy cảm ngoại giao và ảnh hưởng không nhỏ của Trung Hoa vào thời này hay cộng sự viên bản địa/lương dân không biết đến/không phổ thông trong đại chúng? VBL đã ghi khá chính xác an là sự yên ổn (ứng với an HV 安 – NCT) và Nam là phía Nam (ứng với nam HV 南). Một điểm quan trọng cần chú thêm ở đây là cách dùng annamite (An Nam Mít) lần đầu hiện diện trong tựa và nội dung của VBL ‘Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum’ cũng như trong PGTN. Vì tên ‘thường nghe’ là An Nam, nên để chỉ dân hay người thuộc về xứ này, các LM đã dựa vào ngữ pháp La Tinh với hậu tố -ites (chỉ dân, nhóm người) để cho ra các dạng Annamiticum, Annamitas, Annamitæ … tùy theo thể/cách/giống/số … PGTN trang 11 ghi “Annamitas proverbium … có chữ trong sách An Nam”. LM Béhaine (1772/1773) và Taberd (1838) ghi An Nam bằng tiếng La Tinh Anamita (để ý chỉ có một mẫu tự n). Sau đó người Pháp đã mượn nguyên dạng Annamite (danh/tính từ, Annam là danh từ, giống đực) trong các văn bản, và có thể qua kinh nghiệm tiêu cực với thực dân Pháp đã làm cho dạng Annamite mang thêm nét nghĩa không được tốt (An Nam Mít –> dân Mít chỉ chung người Việt Nam). Tiếng Ý, thuộc nhánh ngôn ngữ La Mã như tiếng Pháp, cũng dùng các từ Annam, Annamita, Annamitico … Các danh từ chỉ nhóm người/dân tộc có cấu trúc giống như Annamite là Balkanite (dân tộc ở bán đảo Balkan), Israelites (dân Do Thái), Elamite (dân tộc Elam cổ ở Tây Nam Iran), Carmelite (tu sĩ CG dòng Carmel) … Gần đây hơn, tiếng Anh bên Úc còn có các từ Brisbanite (người ở thành phố Brisbane), Sydneyite (người ở thành phố Sydney) …v.v… Tiếng La Tinh thời Béhaine/Taberd ghi An Nam là Anamita (một phụ âm n), so với tựa đề của từ điển VBL Annnamiticum lại có ba[21]phụ âm n! LM Philiphê Bỉnh[22]cũng ghi là An Nam là Anam (một phụ âm n – SSS). Một dạng khác ít thấy ai dùng là Annamique (hậu tố/prefix -ique), tuy học giả Pháp Léon de Rosny sử dụng rất thường như từ sino-annamique (Hán Việt) trong bài viết “Aperçu de la langue coréenne” (1864), hay bài viết “Notice sur le langue annamique” (1855). Ngoài ra dạng Annamensis cũng hiện diện, dựa theo cấu trúc như chữ Tunkinenis (xem mục 9) và thường hiện diện trong các cách gọi khoa học của tên cây cỏ hay động vật (danh pháp) tìm thấy ở VN. Thí dụ như Nemanthus annamensis (loài hải quỳ), Dalbergia annamensis (trắc dây, thuộc họ đậu ở Phú Yên/Khánh Hoà) …v.v… Do đó An Nam Mít có gốc La Tinh từ thời VBL và không liên quan gì đến mít (cây/trái mít), đây là một sự liên tưởng dân dã hay từ nguyên dân gian[23] (folk etymology) từ thời Pháp thuộc vì âm đọc giống nhau (âm mít).
Sách Sổ Sang Chép Các Việc/SSS
PGTN trang 22 – lẫn lộn An nam và Tunchin
Tóm lại, chỉ một đoạn nhỏ của mục “Mẫu/mẹ” trong VBL, ta có thể hình dung ra bức tranh toàn cảnh của một gia đình và xã hội VN vào thế kỉ XVII: ngoài gia đình thông thường với cha mẹ ruột và con ruột, ta còn thấy một dạng gia đình chỉ có mẹ mà không có cha, hay có cha mà mẹ đã qua đời cho đến dạng gia đình có cha và nhiều thê thiếp hay những đứa con cùng cha khác mẹ hay cùng mẹ khác cha … Chế độ “đa thê” truyền thống có thể dẫn đến nhiều kết quả, trong đó có hiện tượng “đa mẫu” (nhiều mẹ) mà LM de Rhodes/cộng sự viên đã ghi chép khá rõ tuy vắn tắt trong trang 461 (xem hình chụp bên trên). Đây cũng là một nỗi quan tâm lớn của các thừa sai Tây phương khi sang Á Đông truyền đạo, vì truyền thống trên đã tạo một khoảng cách xã hội và tín ngưỡng lớn giữa Đông và Tây – xã hội VN vào thời VBL, hay rộng hơn là xã hội Á Đông so với xã hội Âu châu. Xã hội VN vào thời VBL còn cho thấy sự không quân bằng giữa phái nam và phái nữ, phản ánh qua thành ngữ[24] “tam phụ bát mẫu” chứ không phải là “tam mẫu bát phụ”. Ngoài ra, chỉ một đoạn nhỏ của trang 461 mà ta có thể thấy tình trạng của nước VN thời đó với hai khu vực Đông Kinh (Đàng Ngoài) và Đàng Trong (một vua hai chúa), tuy cả hai miền đều có cách dùng tám bà mẹ trong ngôn ngữ. Tiếng nói của hai Đàng cũng rất giống nhau[25]. Cách dùng An Nam Mít cũng có thể bắt đầu khi các giáo sĩ dùng tiếng La Tinh để kí âm tên An Nam, theo truyền thống CG thời trung cổ, và từ cấu trúc chữ La Tinh và qua truyền thống ngôn ngữ Pháp (thời thực dân) đã phát sinh ra dạng An Nam Mít sau này . Các dạng khác như Annamique/P, Annamese/A, annamien[26] (và annamienne)/P đều đã hiện diện so với dạng ‘Annamit’ đã có từ thời bình minh của chữ quốc ngữ, tuy nhiên dạng An Nam Mít thường hàm ý tiêu cực (mỉa mai < ‘tâm lý đen’) qua khả năng ‘liên tưởng’ của âm mít[27] trong tiếng Việt.
11. Tài liệu tham khảo chính
1) Phillipe Bỉnh (1822) “Sách Sổ Sang Chép Các Việc” NXB Viện Đại Học Đà Lạt, 1968. khoảng 1794-1802) “Nhật Trình Kim Thư Khất Chính Chúa Giáo” – xem bài viết trên mạng như scribd.com
2) An Chi (2013) “Lương y như từ mẫu” đăng trên mạng PetroTimes petrotimes.vn
3) Huỳnh Tịnh Của (1895-1896) “Đại Nam Quấc Âm Tự Vị” Tome I, II – Imprimerie REY, CURIOL & Cie, 4 rue d’Adran (SaiGon).
4) J. F. M. Génibrel (1898) “Dictionnaire annamite français” Imprimerie de la Mission à Tân Định (SaiGon).
5) Lã Minh Hằng (2013) “NGUỒN TƯ LIỆU TỪ VỰNG THẾ KỈ 17 – QUA KHẢO SÁT TRUYỆN ÔNG THÁNH INAXU” – bài viết cho Hội Nghị thông báo Hán Nôm Học năm 2013 – có thể xem toàn bài trang này xuandienhannom.blogspot.com.au
(2013) “Khảo cứu từ điển song ngữ Hán-Việt Đại Nam Quốc Ngữ – nguyên bản Nguyễn Văn San” NXB Đại Học Quốc Gia Hà Nội.
6) Giêrônimô Maiorica (thế kỷ XVII) “Mùa Ăn Chay Cả”, “Thiên Chúa Thánh Mẫu – Quyển thượng”, “Thiên Chúa Thánh Mẫu – Quyển trung”, “Đức Chúa Giê-Su – Quyển chi cửu & Quyển chi thập”, “Thiên Chúa Thánh Giáo Hối Tội Kinh”, “Thiên Chúa Thánh Giáo Khải Mông”, “Kinh Những Ngày Lễ Phục Sinh – Quyển thứ ba”, “Các Thánh Truyện”. Sách lưu hành nội bộ (năm xuất bản 2002/2003).
7) Alexandre de Rhodes (1651) “Phép Giảng Tám Ngày” – Tủ Sách Đại Kết in lại từ Tinh Việt Văn Đoàn (1961 – Sài Gòn) với phần giới thiệu của tác giả Nguyễn Khắc Xuyên.
(1651) “Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum” thường gọi là từ điển Việt-Bồ-La; bản dịch của Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính – NXB Khoa Học Xã Hội, Thành Phố HCM (1991).
“Tường Trình về Đàng Trong 1645” bản dịch của Hồng Nhuệ, NXB Ánh Sáng Publishing, Escondido (California/Mỹ, 1994?).
“Lịch sử Vương Quốc Đàng Ngoài từ 1627 tới năm 1646” dịch giả Nguyễn Khắc Xuyên – Tủ sách Đại Kết, Thành phố HCM (1994).
8) Nguyễn Cung Thông (2016) “Cách nói xuống thuyền, trên trời, ra đời, Đàng Trong/Ngoài … thời LM Alexandre de Rhodes (phần 1)” có thể xem toàn bài trang này chimvie3.free.fr
(2016) “Cách nói tôi, ta, tao, tớ, qua, min … Tiếng Việt thời LM de Rhodes” – có thể xem toàn bài trang này chimvie3.free.fr
(2012) “Những thành kiến hoá thạch về phái nữ qua chữ viết (bộ nữ 女)” có thể đọc toàn bài trên trang này chẳng hạn vanchuongviet.org
(2018) “Tiếng Việt từ thời LM de Rhodes – Kinh Lạy Cha (phần 5A)” có thể xem toàn bài trên trang nghiencuulichsu.com hay facebook.com/conggiao.info…v.v…
(2018) “Tiếng Việt từ thời LM de Rhodes – Kinh Lạy Cha (phần 5B)” có thể xem toàn bài trên vandoanviet.blogspot.com …v.v…
9) Stêphanô Huỳnh Trụ (2014) “Từ vựng: Hiền mẫu, từ mẫu” bài viết đăng trên trang này chẳng hạn tgpsaigon.net
Nguyễn Cung Thông[28]
[1] Nếu tuân theo đúng phép “Nhất phu nhất phụ” thì thường chỉ có một người mẹ duy nhất đẻ và nuôi nấng con cái cho đến khi lập gia đình mới. Đây cũng liên hệ trực tiếp đến điều răn thứ 6 và thứ 9 trong Mười Điều Răn (Decalogue) của giáo hội CG, một nỗi quan tâm không nhỏ của các thừa sai Tây phương khi sang Đại Việt truyền đạo – nhất là khi truyền thống đa thê đã hiện diện từ lâu đời và hầu như không ai dám đặt vấn đề. Vì vậy, CG còn có khi gọi là nhất thê giáo一妻教.
[2] VBL đều có các mục riêng là “tam, ba”, “bát, tám”, “mẫu, mẹ” và “phụ, cha” với thứ tự như vậy: HV và Việt – tuy số từ HV hiện diện khá ít trong VBL.
[3] Sau này, các LM Béhaine (1772/1773) và Taberd (1838) ghi rõ thêm về cha mày (cha nuôi, pater adoptivus/L) và cha mầy (cha của anh/chị, pater tuus/L) trong mục cha. Mày và mầy có nghĩa khác nhau nhưng đều dùng một dạng chữ Nôm là mi HV 眉.
[4] Thọ Mai Gia Lễ là tài liệu tập hợp các phong tục tang lễ dựa vào Chu Công Gia Lễ nhưng không hoàn toàn theo khuôn thước của TH. Tác giả của TMGL là Hồ Sỹ Tân (1690-1760) hiệu Thọ Mai người làng Hoàn Hậu, huyện Quỳnh Lưu, đậu Tiến sĩ năm 1721. TMGL có nhiều định nghĩa về liên hệ gia đình như “Tam phụ bát mẫu” để làm tang lễ cho thích đáng với “hiếu thờ cha mẹ, thuận cùng anh em, họ hàng thân tộc”. VBL cũng có các cách dùng và tục lệ ghi trong TMGL như trai có ba hồn bảy vía, gái có ba hồn chín vía, tang lễ ba năm, ba cha tám mẹ, hành khiển, minh tinh, thổ công, Đoan Ngọ, hoá vàng (VBL ghi trong mục hoá), bánh trôi …v.v…
[5]Tam phụcòn mang nghĩa khác hơn theo các giáo sĩ dòng Tên như Matteo Ricci: thượng phụ (đức Chúa trời), trung phụ (vua chúa) và hạ phụ (cha ruột). LM de Rhodes cũng theo truyền thống này và ghi lại các nét nghĩa trên trong VBL và PGTN. Đây là một nỗ lực hoà nhập CG với văn hoá bản địa của các thừa sai dòng Tên nói chung trong quá trình truyền đạo CG ở Á châu.
[6] Nghi Lễ, một trong bộ Tam Lễ, có thể được viết vào khoảng đời Tần (221-207 TCN) và có thể là một phần trong Ngũ Kinh. Có nhiều học giả viết lời bàn/bổ túc cho tác phẩm này như Trịnh Huyền (127-200) … Xem thêm chi tiết trên trang này chẳng hạn chinaknowledge.de …Từ mẫu (mẹ ghẻ nuôi con chồng khi mẹ ruột đã chết) cũng được dùng trong Đại Thanh Luật Lệ 大清律例 (như trong các việc tang lễ, kiện cáo …), nhưng để ý là luật này chép lại phần lớn luật lệ thời Minh và xuất hiện sau thời VBL khá lâu. Tham khảo các tài liệu về Đại Thanh Luật Lệ trên trang này chẳng hạn kuscholarworks.ku.edu.
[7] Câu chuyện về mẹ của Mạnh Tử còn tóm gọn qua câu thành ngữ bốn chữ HV 孟母三遷 Mạnh Mẫu tam thiên, để nói lại chuyện bà đã cố tình dời nhà ở ba lần (tam thiên) để Mạnh Tử được sống trong môi trường giáo dục tốt nhất: từ quyết định dời nhà đến gần nghĩa địa, gần chợ và cuối cùng là gần trường học.
[8] Quach Xán Kim 郭灿金 (1967-?) là GS đại học Hà Nam, soạn nhiều tác phẩm về văn học TQ cổ đại, chú trọng về phương pháp đọc và hiểu cho đúng cổ văn/nghĩa cổ thí dụ như “từ mẫu”, “nội tử” 内子(từng chỉ vợ của anh/mi) …v.v… Xem thêm chi tiết trên trang này chẳng hạn baike.baidu.com
[9] Chữ hiền 賢 (thanh mẫu hạp 匣 vận mẫu tiên 先 bình thanh, khai khẩu tứ đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết 戸田切 hộ điền thiết (TVGT, QV, CV), 下田切 hạ điền thiết (NT, TTTH), 下見切 hạ kiến thiết (NT, TTTH, KH) -音現 âm hiện (KH), 戸千切,音弦 hộ thiên thiết, âm huyền (TV, VH) – huyền đọc là xián (giọng BK bây giờ), 下珍切 hạ trân thiết (VB, LT, TVi)
TNAV ghi vận bộ 先天 tiên thiên (dương bình)
CV ghi cùng vần/bình thanh 賢 弦 絃 誸 舷 蚿 (hiền huyền)
魚巾切ngư cân thiết (CV, TVi), 胡田切 hồ điền thiết (CV, LT, TVi) …v.v… Giọng BK bây giờ là xián xiàn so với giọng Quảng Đông 粤语:jin4 và các giọng Mân Nam 客家话: [台湾四县腔] hien2 [客语拼音字汇] hian2 [沙头角腔] hen2 [客英字典] hien2 [海陆丰腔] hien2 [东莞腔] hen2 [宝安腔] hen2 [陆丰腔] hian3 [梅县腔] hien2, giọng MânNam/Đài Loan hian5, tiếng Nhật ken và tiếng Hàn hyen.
[10]Kế mẫu còn gọi là hậu ma 後媽, hậu mẫu 後母, hậu nương 後娘 (hậu là sau). Học giả Huỳnh Tịnh Của cũng ghi nhận cách dùng “Tam phụ bát mẫu” (ĐNQATV) nhưng không ghi kế mẫu trong mục mẫu mà ghi trong mục kế (kế mẫu, kế thất, kế phụ – ĐNQATV trang 470).
[11] Có lẽ nên nhắc ở đây về tình trạng cha mẹ nuôi vào thời đại này. Có hai dạng mẹ nuôi trong tiếng Anh: mẹ nuôi có thể dịch là adoptive mother hay foster mother (tiếng Anh hiện đại). Adoptive mother (mẹ nuôi loại 1) hay adoptive father (cha nuôi loại 1) có toàn quyền quyết định về các hoạt động trong đời sốngcủa con nuôi như một đứa con ruột, cũng như thời gian sống ở trong gia đình (có thể sống hết đời chẳng hạn). Foster mother/father (cha mẹ nuôi loại 2) chỉ có một số quyền giới hạn, với hi vọng trong tương lại đứa con nuôi sẽ trở lại sống cùng gia đình cha mẹ ruột, td.vì các trục trặc gia đình đã được giải quyết xong, đứa trẻ có thể trở lại gia đình cha mẹ ruột mà không gặp phải một vấn đề gì…v.v… Với tiến bộ khoa học ngày nay, người ta lại có một hạng “mẹ nuôi” rất khác so với “tám bà mẹ” thời VBL vì có thể cấy tinh trùng (td. thụ tinh trong ống nghiệm/IVF) từ một người đàn ông X vào người đàn bà Y để có thai và đẻ con cho ông X. Người đàn bà Y được gọi là surrogate mother (mẹ nuôi thai/mang thai hộ khác với mẹ ruột), bà Y có thể ở một nước khác hay không cần phải là cùng chủng tộc với ông X. Ở Úc, vì hiếm muộn mà đã có người cấy tinh trùng vào người thân như chị/em ruột để đẻ con ra bình thường và bảo đảm hơn so với người dưng/khác dòng máu …
[12]Chư/gia mẫu còn có nghĩa là bác gái (bá mẫu) hoặc một người cùng vai vế với cha mẹ.
[13] Xem chi tiết trên trang này chẳng hạn baike.baidu.com.Một cách dùng tương tự là sinh phụ 生父: cha ruột (birth/biological father/A). Các từ ghép HV dùng sinh 生 hay thân 親 đều hàm ý ruột thịt như mẫu thân/sinh mẫu là mẹ ruột/mẹ đẻ, phụ thân/sinh phụ là cha ruột/cha đẻ.
[14] Cũng như tiếng Anh wet-nurse, bà mẹ vú (nhũ mẫu) không được ‘nâng cấp’ thành mẹ trong tiếng Pháp mà dùng từ nourrice (người chăm sóc trẻ) theo truyền thống ‘thực dụng’ của Tây phương.
[15] cũng như các cách gọi nãi mẫu 奶母, nãi nương 奶娘, nãi mỗ 奶姥, nãi tử 奶子, nãi ảo 奶媼, nãi ẩu 奶嫗, nãi tử 嬭子, nhũ mẫu 乳母, nhũ nương 乳娘 …
[16] LM Béhaine (1772/1773) và Taberd (1838) đều ghi Tunquinum là Đàng Ngoài.
[17] Xem thêm chi tiết về ảnh hưởng tiếng Bồ-Dào-Nha trong các bài viết về Kinh Lạy Cha và cách gọi ngày của tiếng Việt (NCT). VBL cũng thường dựa vào tiếng Bồ-Đào-Nha (một lingua franca vào thời VBL) trong các mục giải thích, td. bưởi, mít, xôi, xoài/tlôi, me …v.v…
[18] Nicodemia là thủ đô của nước Bithynia cổ đại, hiện nay là thành phố Izmit ở Thổ-Nhĩ-Kì.
[19] Học giả Nguyễn Đình Đầu đã so sánh bản đồ của LM de Rhodes (dựa vào kỹ thuật Tây phương/kinh tuyến và vĩ tuyến) với bản đồ Hồng Đức – xem bài viết trên trang này dongten.net
[20] Chữ Annamitæ này cũng hiện diện nhiều lần trong PGTN: trang 11, 104, 117, 121 …
[21] Trang đầu VBL ghi DICTIONARIVM ANNNAMITICVM LVSITANVM ET LATINVM … với ba phụ âm n trong chữ ANNNAMITICVM. Cách ghi An Nam không hoàn toàn thống nhất trong VBL và PGTN.
[22] Là người VN và có học rộng (biết Hán Nôm), LM Philiphê Bỉnh chắc phải biết An Nam安南 là hai từ HV riêng biệt, vậy mà ông luôn viết Anam (một phụ âm n, viết liền nhau) trong các tác phẩm chữ quốc ngữ – xem thêm chi tiết hình chụp một trang SSS trong mục 10 của bài này (trang 11).
[23] Một trường hợp của từ nguyên dân gian là danh từ (cây/trái) sầu riêng. Nguồn gốc chính xác của cây sầu riêng không rõ ràng cho lắm nhưng đại khái theo các nhà khoa học thì sầu riêng là thổ sản của các nước Inđônêsia, Mã Lai và Brunei … (các xứ rất nóng và ẩm chung quanh đường xích đạo). Điều này cũng dễ hiểu khi biết được cây sầu riêng không mọc được khi nhiệt độ trung bình xuống thấp hơn 220C. Quá trình biến âm có thể là *durian (Proto-Malayic) > *lulien (lưu/lâu liên) 流連 , 榴槤 > *sâu *riên > sầuriêng … Cụm từ sầu riêng (sầu tư, sầu tây) đã hiện diện sẵn trong tiếng Việt (Huỳnh Tịnh Của/ĐNQATV) – bây giờ mở rộng phạm trù nghĩa – và thêm những “huyền thoại”trắc ẩn sau này trong trong văn hoá dân gian (td. hai người yêu nhau mà không lấy nhau được nên tự tử, sau đó trở thành tên trái cây …v.v…).
[24]Thành ngữ “Ngũ phụ thập mẫu” 五父十母 cũng cho thấy nhiều đấng mẹ hơn so với cha. Ngũ phụ là năm đấng cha: cha ruột, cha ghẻ, cha nuôi, cha đỡ đầu và thầy dạy học, thập mẫu là mười đấng mẹ: thêm sinh mẫu (mẹ đẻ) và chư mẫu/gia mẫu (thiếp của cha) vào bát mẫu đã nói bên trên. Các thành ngữ bốn chữ này phản ánh ngôn ngữ sử dụng và xã hội phần nào ‘thuận lợi’ hơn cho phái nam. Truyền thống “trọng nam khinh nữ”, “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” thời phong kiến cũng để lại dấu ấn qua các câu ca dao như “Trai anh hùng năm thê bảy thiếp, gái trung trinh trăm tuổi một chồng” hay “Trai tam thê tứ thiếp” …v.v… Sự không công bằng về giới tính cũng được LM Maiorica gián tiếp xác nhận trong “Thiên Chúa Thánh Giáo Khải Mông” trang 165, khi giải thích điều răn thứ chín:”Mà thiên hạ biết sự tà dâm làm xấu hổ cho đàn bà hơn đàn ông, và người nữ giữ mình sạch sẽ thì người ta khen hơn đàn ông”. Trừ việc lăp lại vấn đề “một vợ một chồng” trong PGTN, không thấy LM de Rhodes đưa ra các nhận xét giống như LM Maiorica ở trên. Điều răn thứ 9 theo CG cơ bản là không được chiếm đoạt/tham vợ của người khác: để ý cách dùng vợ làm túc từ (object) so với chủ từ (subject).
[25] Tuy đã có những khác biệt vì chiến tranh và chia cắt (địa lý) giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài: td. cách dùng heo, lợn, vừng, mè … Và “ở một số miền của người Đông Kinh, thì d ấy phát âm giống r, nhưng đó là khuyết điểm của tiếng nói” BBC trang 6 (sđd), VBL còn ghi nhận các cách đọc của nhà như rà, dà và rốn, rún…v.v…
[26] Tiếng Pháp: thí dụ như câu “Tôn Thất Thuyết est un mandarin annamien” (Tôn Thất Thuyết là một vị quan xứ An Nam) – xem trang này chẳng hạn fr.wikipedia.org , hay bàn về khu vực có khí hậu ẩm và nóng như Hà Nội, tác giả Clément Mathieu phân loại là type annamien trong cuốn “Les principaux sols du monde” (2009) …v.v…
[27] Thời nữ sĩ Hồ Xuân Hương (1772-1822) đã thấy dùng (quả) mít theo cách ẩn dụ: “Thân em như quả mít trên cây. Vỏ nó sù sì, múi nó dày”. Tới thời Génibrel (1898, sđd trang 455) ghi thêm nét nghĩa “Dại đặc như mít ~ excessivement sot, td. Thằng nầy mít quá ~ Qu’il est bête ce garçon!”. Việt Nam Tự Điển (1931/1954) không thấy ghi nét nghĩa mở rộng của mít. Mít ướt trong tiếng Việt hiện đại còn có nghĩa bóng là người dễ cảm động/yếu đuối và hay khóc.
[28] Nghiên cứu ngôn ngữ độc lập ở Melbourne (Úc) – email nguyencungthong@yahoo.com