Tiếng Việt thời LM de Rhodes – cách dùng con và cái (phần 14)

Tài liệu tham khảo chính của bài viết này là ba tác phẩm của LM de Rhodes soạn: cuốn Phép Giảng Tám Ngày (viết tắt là PGTN), Bản Báo Cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đông Kinh (viết tắt là BBC) và từ điển Annam-Lusitan-Latinh (thường gọi là Việt-Bồ-La, viết tắt là VBL) có thể tra từ điển này trên mạng, như trang này chẳng hạn books.google.fr . Các chữ viết tắt khác là HV (Hán Việt), CN (Chỉ Nam ngọc âm giải nghĩa), NCT (Nguyễn Cung Thông), TVGT (Thuyết Văn Giải Tự/khoảng 100 SCN), NT (Ngọc Thiên/543), ĐV (Đường Vận/751), NKVT (Ngũ Kinh Văn Tự/776), LKTG (Long Kham Thủ Giám/997), QV (Quảng Vận/1008), TV (Tập Vận/1037/1067), TNAV (Trung Nguyên Âm Vận/1324), CV (Chính Vận/1375), TVi (Tự Vị/1615), VB (Vận Bổ/1100/1154), VH (Vận Hội/1297), LT (Loại Thiên/1039/1066), CTT (Chính Tự Thông/1670), TViB (Tự Vị Bổ/1666), TTTH (Tứ Thanh Thiên Hải), KH (Khang Hi/1716), P (tiếng Pháp), ĐNQATV (Đại Nam Quấc Âm Tự Vị), A (tiếng Anh), L (tiếng La Tinh), PG (Phật Giáo), CG (Công Giáo), VN (Việt Nam), TQ (Trung Quốc), BK (Bắc Kinh), TCTGKM (Thiên Chúa Thánh Giáo Khải Mông), KNLMPS (Kinh Những Lễ Mùa Phục Sinh – quyển thứ ba). Tương quan ngữ âm HV và Việt ghi trong bài không nhất thiết khẳng định nguồn gốc Việt hay Hán Cổ của chúng, cần nhiều dữ kiện hơn để thêm chính xác. Trang/cột/tờ của VBL được ghi xuống để người đọc dễ tra cứu thêm. Các cách đọc phiên thiết trình bày theo thời gian (lịch đại): từ thời Hán đến thế kỉ XVII (Tự Vị, Chính Tự Thông) cho đến giọng BK hiện nay so sánh với các phương ngữ khác cũng như âm HV (đồng đại). Dấu hoa thị * đứng trước một âm cổ phục nguyên (reconstructed sound), không nên lầm thanh điệu hay chỉ số đứng sau một âm tiết và số phụ chú.

1. Ngữ pháp tiếng Việt thời VBL – con và cái

Một điểm đáng chú ý là BBC không ghi rõ chi tiết như VBL: BBC không viết về các cách dùng chiếc, tấm, bức, đám, chùm, miếng, đứa … (nhưng VBL có ghi lại). Sau khi nhận xét rằng tiếng Việt không có danh từ riêng chỉ động vật thuộc giống cái hay giống đực mà phải dùng các từ như đực/cái, sống[1]/mái, trai/gái[2]đi sau danh từ. Nhưng khi đi trước danh từ và cũng là lần đầu tiên trong tài liệu viết về tiếng Việt – loại từ[3] con và cái được LM de Rhodes giải thích như sau: con dùng cho tất cả các loài vật (omnibus animalibus/L) như (1) con bò, con gà … Xem thêm phần 1.1 trang sau. VBL còn ghi con chỉ (2) con trai, nên con cái là con trai (con blai) và con gái, VBL ghi thêm con đẻ ~ con ruột, con nuôi ~ con mày, con ghẻ, con đầu lòng. Các nét nghĩa khác của con vào thời VBL là (3) còn nhỏ (chưa được hoàn hảo, còn bé) khi con đứng sau danh từ như gà con, bò con. Ngoài ba nghĩa chính trên ghi trong BBC, LM de Rhodes cũng ghi thêm cách dùng mở rộng của con để chỉ (4) những vật hay bộ phận thường phải chuyển động (không yên) trong VBL như con tiện (~ câu lơn/bao lơn), con lao,con mắt, con ngươi, con cờ, con toán, con lô (bộ phận sinh dục của đàn ông), (5) với ý coi thấp hơn[4] (không ngang hàng) như con hát (VBL ghi đĩ, và con bãi đĩ bãi nhưng không thấy dùng ‘con đĩ’), con hoa (hoa nương[5], mục hoa VBL), con thoả (mục thoả VBL), con bợm (mục bợm VBL): VBL[6] ghi 6 cách gọi đĩ! Một chi tiết đáng chú ý là VBL[7] dùng con lao (trang 399) so với cái giáo (trang 280) cho thấy hàm ý chuyển động (“đâm lao thì phải theo lao” tục ngữ – Béhaine/Taberd, tiếng Việt bây giờ vẫn dùng động từ kép “lao đi”).

Cái thời LM de Rhodes dùng để chỉ (1) các vật bất động hay nhân tạo (rebus inanimatis & artificialibus/L), vật chất (materialis/L) như cái nơm (CN cũng có ghi), cái thoi (CN), cái gối (CN), cái cuốc (CN), cái gối (CN)… Cái còn có nghĩa là (2) con cái (mái) của con vật có bốn chân (VBL) trái với đực (sống), (3) chỉ vật chính yếu hay to lớn hơn đồng loại: sông cái so với sông con (mục sông/VBL), đàng cái (không thấy dùng đàng/đường con vào thời VBL/PGTN), cửa cái (không thấy dùng cửa con trong VBL/PGTN), cột con (mục cột, không thấy dùng “cột cái”), ngón cái (mục ngón VBL, không thấy dùng “ngón con” so với ngón út). Tuy nhiên, không thấy[8] VBL giải thích cái dùng để ‘chỉ các loài động vật nhỏ’ nhưng VBL lại ghi cách dùng như bảng tổng kết sau đây :

1.1 Có 24 trường hợp dùng ‘con’ chỉ động vật trong VBL

1) con trâu

2) con bò (mục bò)

3) con bò lang (mục lang)

5) con cáo (vulpes/L, VBL ~fox/A)

5) con cày (gato do mato/VBL – tiếng Bồ-Đào-Nha nghĩa là loại mèo rừng, có thể nhỏ như loài mèo hayto hơn như loài beo có đốm ở trong rừng!). VBL phân biệt con càycái cày (cày đất để làm ruộng)

6) con hươu

7) con tây (không thấy VBL ghi tê – CN ghi tê tê)

8) con voi

9) con ngựa

10) con gà[9] (CN? – CN ghi gà ông, gà chọi, gà cái, gà mái, gà lôi))

11) con mèo

12) con chó – VBL ghi thêm các mục con chó sói (mục sói), con chó mởn mởn (mục mởn), con chó gặm xương (mục gặm), con chó sủa (mục sủa), con chó hít (mục hít), con chó ngủn ngoản (mục ngủn) …v.v…

13) con sinh (~ con heo/VBL). Cách dùng con sinh[10] khá đặc biệt: con (Việt cổ) + sinh HV, sinh HV 牲 là gia súc dùng trong việc cúng tế, thường gồm có heo/lợn.

14) con heo

15) con lợn

16) con chuột

17) con khỉ

18) con dê

19) con vịt – để ý Béhaine/Taberd không ghi con vịt, nhưng ghi vịt nước, và cái vịt là một dụng cụ chứa đồ – ĐNQATV ghi cái vịt là “giỏ nhốt cá”. CN ghi “cái vịt“.

20) con trăn (tlan) – VBL phân biệt cái trăn (tlan) để thờ thần thánh và con trăn

21) con nghê

22) con dím (không thấy VBL ghi nhím, rím)

23) con lừa (VBL ghi thêm cách dùng chở lừa cho thấy một phương tiện giao thông vào thời VBL, cũng như VBL có riêng một mục “chở thuyền”)

24) con gủ ~ con gấu (tương quan u-âu như cu ~ câu, dù ~ dầu …)

Một dạng chữ Nôm của concôn HV 昆:”Con cháu chớ hiềm song viết ngặt. Thi thư thực ấy báu ngàn đời” Ức Trai Thi Tập 7a – xem thêm mục 1.2 bên dưới.

Không thấy VBL dùng “con chiên” trong khi PGTN trang 225 dùng con chiên hai lần:”có đam (đem) đi giết người, như con chiên vậy, lại trước mặt ai cắt tóc mình, thì ở lặng như con chiên con”. LM Maiorica thường dùng chiên và con chiên trong các tác phẩm Nôm (không thấy dùng “cái chiên”) :”(nói vê việc bỏ đạo CG/NCT) một xưa nó đi như con chiên có tật” TCTGKM trang 79-80.

Không thấy VBL ghi con cá trong mục cá hay con, tuy nhiên PGTN dùng “con cá” 5 lần (có lúc dùng giống cá – trang 72): “nếu ông Adam có gọi con cá nào ở trong biển cả” trang 80 PGTN, CN cũng ghi “con cá”. Con rắn không thấy dùng trong VBL, nhưng PGTN dùng “con rắn” 9 lần: “vì nói khó cùng ma quỉ ẩn mình trong con rắn” trang 85 PGTN. Các tác phẩm Nôm của LM Maiorica cũng có lúc dùng con rắn, nhưng có lúc dùng cái rắn[11]:”Kẻ dạy người ta sự dối trá như cái rắn thuở xưa cám dỗ bà E-Va” KNLMPS trang 78 …v.v… Con còn có thể liên hệ đến côn HV (nghĩa con cháu) – hãy xem lại các cách đọc côn:

1.2 Chữ côn 昆 ( thanh mẫu kiến 見 vận mẫu hồn 魂 bình thanh, hợp khẩu nhất đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết

古渾切 cổ hồn thiết (TVGT, ĐV, QV)

古渾反 cổ hồn phản (LKTG)

古魂切 cổ hồn thiết (NT, TTTH)

古昏切 cổ hôn thiết (NT, TTTH)

公渾切,音崐 công hồn thiết, âm côn (TV, VH, LT, CV)

胡昆切,音魂 hồ côn thiết, âm hồn (TV, VH, TVi)

胡袞切,音混 hồ cổn thiết, âm hỗn (TV, LT)

胡昆切 hộ côn thiết (LT, CV)

戸本乀 hộ bổn phật (精嚴新集大藏音 TNTTĐTA)TNAV ghi vận bộ

真文 chân văn (dương bình)

CV ghi cùng vần/bình thanh 䰟 魂 渾 溷 沄 緷 緄 昆 (hồn *hỗn *hỗn/cổn)

CV ghi cùng vầ/bình thanh 昆 晜 崐 混 崑 琨 蜫 鯤 鵾 褌 (côn *cổn/hỗn)

公魂切, 袞平聲 công hồn thiết, cổn bình thanh (TVi)

公昏切, 袞平聲 công hôn thiết, cổn bình thanh (CTT)

古本切, 音袞 cổ bổn thiết, âm cổn (TVi)

俱倫切 câu luân thiết (VB, KH)

居員切 cư viên thiết (KH) …v.v…

Giọng BK bây giờ là kūn so với giọng Quảng Đông gwan1 kwan1 và các giọng Mân Nam 客家话:[东莞腔] kun1 [宝安腔] kun1 [梅县腔] kun1 [海陆丰腔] kun1 [客英字典] kwun1 [陆丰腔] kun1 [客语拼音字汇] kun1 [沙头角腔] kun1 [台湾四县腔] kun1, giọng Mân Nam/Đài Loan khun1, tiếng Nhật kon và tiếng Hàn kon hon. Dựa vào cách đọc phiên thiết và các phương ngữ, một dạng âm cổ phục nguyên của côn là *kuən, gần với âm con của tiếng Việt. Côn HV, con [12]tiếng Việt có thể liên hệ đến tiếng tiền Môn-Khme *kuun (nghĩa là con ~ child/A), như tiếng Khme កូន koon – xem thêm chi tiết trang này (từ điển Khme – Anh) http://sealang.net/khmer/dictionary.htm hay trang http://sealang.net/monkhmer/dictionary/ . GS Schuessler (sđd) còn đề nghị côn liên hệ đến kiển (người Mân Nam[13]gọi con là kiển).

1.3 Có 31 trường hợp dùng ‘cái’ chỉ động vật trong VBL

1) cái ruồi (CN – CN trong ngoặc nghĩa là CN có dùng y như VBL, còn CN? nghĩa là có dùng như không thấy dùng loại từ cái hay con đứng trước)

2) cái rụm

3) cái sâu rọm/ròm

4) cái rện (dện, nhện – CN?)

5) cái mối (CN?)

6) cái dế (CN)

7) cái dơi (CN)

8) cái kiến (CN)

9) cái ác (VBL còn ghi ác quạ, CN ghi “chim quạ”)

10) cái ba ba (CN)

11) cái bích (con rùa, con vích – CN ghi “cái vích”)

12) cái blạnh (con rùa biển)

13) cái chấu (VBL cũng ghi châu chấu – CN?)

14) cái cóc (CN)

15) cái nhông/dộng (VBL ghi thêm tàm, CN ghi con tằm/cái ngài[14])

16) cái lươn (CN)

17) cái hà (VBL ghi thêm “Chẳng thui thuyền thì hà ăn”, CN)

18) cái hầu

19) cái hến (CN)

20) cái ếch (CN?)

21) cái sóc

22) cái sò (CN)

23) cái én (VBL ghi thêm “tổ én” – CN ghi “chim én”)

24) cái tôm (CN)

25) cái ve (CN)

26) cái tép (VBL ghi thêm “tôm nhỏ” – CN?)

27) cái dang

28) cái đóm đóm (CN?)

29) cái đỉa (VBL cũng ghi đỉa là catinus là cái đĩa bây giờ, khác với cái đỉa là sanguisuga là con đỉa bây giờ)

30) cái các (bồ các – VBL – chỉ chim diều hâu, bồ cắt)

31) cái gián…v.v…

Không thấy VBL hay PGTN dùng con chim nhưng ghi muông chim, PGTN dùng cái chim 4 lần:”thì giữ bảy con mỗi một loài, cái chim cũng bảy con, vì chưng khỏi lụt cả đoạn” trang 97. Chim thường dùng trong cấu trúc ghép như chim cò (VBL), chim nhạn (VBL/CN), chim chìa vôi (VBL), chim sẻ (VBL/CN), chim vạc (VBL/CN), chim phượng hoàng (VBL)…

Không thấy VBL/PGTN ghi con hay cái cho các danh từ sau đây: thỏ (CN ghi “con thỏ”), rết, rệp, rận, rắn, hổ mang, muỗi (CN ghi “cái muỗi”), nhái, rái (con rái cá), bồ nông, chim phượng hoàng, diều, chim khách, ong (VBL ghi thêm tổ ong, mật ong, sáp ong, cá ong – CN ghi ong vàng), bươm bướm, sâu bọ, chiên (chăn chiên – VBL), cò (chim cò, trắng như cò – VBL), công, hạch (con hạc, VBL ghi thêm “bạch hạch” ~ con cò trắng), sứa, sư tử, sáo (chim sáo – VBL ghi cái sáo và thổi sáo), rùa (VBL ghi thêm đồi mồi là rùa biển), vạc (chim vạc), cua (VBL ghi thêm “gạch cua” – CN ghi “cái cua”, Các Thánh Truyện tháng 12 trang 15 “cái cua”), chuồn (VBL ghi là chuần), blun (con giun – CN ghi “cái giun”), bồ cu (bồ câu, chim câu – VBL), bồ cắt (chim diều hâu), vò vò (con tò vò), giòi, lần lần (thần lần – VBL – thằn lằn là tiếng Việt hiện đại), cút cút (cun cút – VBL, cút cút theo CN), chấy (VBL ghi là chếy, chải chấy, gãi chấy) chiên (VBL ghi thêm chăn chiên), cuốc (chim cuốc).

Một dạng chữ Nôm của cái là cái HV 丐:” Con là Phùng An nối quyền. Tôn cha hiệu bố, mẹ bèn cái nay” Thiên Nam Ngữ Lục 51a – xem thêm phụ chú 4; “Mẫu chỉ: ngón cái cả thay” CN 13b. Có lẽ nên xem thêm chi tiết về chữ cái và cách dùng đặc biệt được LM de Rhodes ghi chép lại.

1.4 ‘Cái’ là âm cổ của ‘cá’ HV

Vấn đề trở nên rất thú vị khi loại từ cái tiếng Việt mang một dạng âm cổ của cá HV. Chữ cá 個 箇 个 có các cách viết dựa vào bộ nhân (cho thấy lương từ[15] chỉ người, sinh vật) và cũng dựa vào bộ trúc (cho thấy lượng từ chỉ bất động vật như tre trúc, bàn ghế). Cá (thanh mẫu kiến 見 vận mẫu ca 歌 khứ thanh, khai khẩu nhất đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết:

一介行李, 卽一个 nhất giới hành lí, tức nhất cá (Tả truyện, Tương bát niên 左傳·襄八年): đây là bằng chứng cho thấy giới (một dạng âm cổ là *kaih) đọc như cá (cùng một dạng âm cổ *kaih).

古賀切 cổ hạ thiết (TVGT, QV, CV, TTTH)

古賀反 cổ hạ phản (NKVT 五經文字)

居賀切,歌去聲 cư hạ thiết, ca khứ thanh (TV, LT, LTCN 六書正?)

加賀切 gia hà thiết (NT, TTTH)

TNAV ghi vận bộ 歌戈 ca qua (khứ thanh)

CV ghi cùng vần/khứ thanh 箇 个 個 (cá)

古荷切 cổ hà thiết (CV)

古債切, 音介 cổ trái thiết, âm giới (TViB) – dựa vào cách đọc phiên thiết này, ta có thể phục nguyên một dạng âm cổ của cá là *kaih (so với tiếng Việt cái và Triều Châu gai5,, tiếng Thái cổ phục nguyên proto-Thai là *kaiB1 … vần cổ (Old Chinese) của cá là *-ai chứ không phải là *-a (như trong âm cá) – theo GS Axel Schuessler trong “ABC Etymological Dictionary of Old Chinese” (University of Hawai’i Press, 2007) – vần cổ này cũng có cơ sở khi xem dữ kiện về cách dùng giới như cá trong Tả truyện (xem bảng liệt kê cách đọc bên trên). VBL trang 79 đã cho ta thấy tương quan của cá và cái (loại từ): “cái này” cũng tương đương với “cá này”. Vấn đề cái (loại từ, lượng từ HV cá) trùng hợp với cái (giống cái, đàng/sông/cửa cái, mẹ) rất dễ làm cho ta hiểu lầm cách dùng con và cái trong tiếng Việt…v.v… Giọng BK bây giờ là gè so với giọng Quảng Đông go3 go2 và các giọng Mân Nam/Triều Châu 潮州话:gai5 go6, Đài Loan e5, tiếng Nhật ko ka và tiếng Hàn kay. Liên hệ giữa cái và cá (cái này ~ cá này) được LM de Rhodes ghi lại trong VBL trang 79 – xem hình chụp bên dưới

cai - Tiếng Việt thời LM de Rhodes - cách dùng con và cái (phần 14)

VBL trang 79

Để ý thứ tự chữ (word order) trong mục cái/VBL: cái (tính từ) đứng sau danh từ như bò cái, con cái – nhưng cái này thì loại từ cái đứng trước (LM de Rhodes lặp lại ý này trong BBC). LM de Rhodes đặc biệt chú ý đến thứ tự chữ như trong BBC, luật thứ nhất về cú pháp là sự khác biệt giữa “Chúa mến tôi” và “Tôi mến Chúa”; con bò (VBL) so với bò con (BBC); mười hai so với hai mươi, mười sáu so với sáu mươi, tháng ba so với ba tháng (VBL) …v.v…

2. Cái không còn dùng để chỉ động vật (và người)

Tiếng Việt từ cuối thế kỉ XVIII ở Đàng Trong đã không dùng cái để chỉ động vật hay người nữa[16], xem bảng tổng kết sau đây qua tỉ số cái và con dùng cho động vật – thí dụ CN có 61 lần dùng cái so với 9 lần dùng con chỉ loài động vật để cho ra tỉ số 61/9 ghi trong cột thứ nhì

CN 61/9 ~ 6.78

VBL31/24 ~ 1.29

PGTN[17]2/3 ~ 0.67

Thiên Nam Ngữ Lục 4/12 ~ 0.33

Tự điển Béhaine (1772/1773)
chỉ còn dùng cái 1 lần trong “cái chép chép“.

Tự điển Taberd (1838) hầu như chép lại tự điển Béhaine và hoàn toàn dùng con chỉ động vật, “cái chép chép” sửa lại thành “chép chép” (bỏ chữ cái), tự điển Génibrel (1898, Đàng Trong) ghi là “con chép chép” so với tự điển Vallot (1898, Đàng Ngoài) ghi là cái trai.

Đại Nam Quốc Ngữ[18]59/45 ~ 1.31

Truyện Kiều[19]1/4 ~ 0.25

ĐNQATV (1895/1896) giải thích con dùng để chỉ ‘tiếng kêu các loài sinh giác’ và ghi “con chép chép”.

Tiếng Việt hiện đại 0 (hoàn toàn không dùng cái để chỉ động vật như thời VBL)

Cái từng chỉ động vật (cái đười ươi/CN, cái ve/cái lươn/CN-VBL) và tĩnh vật[20] (vật bất động như cái thoi/cái cơi, cái chèo (CN-VBL), cũng như là một dạng âm cổ của cá HV (dùng chỉ động vật/tĩnh vật) cho ta cơ sở liên hệ cái và cá tương tự như nhận xét của LM de Rhodes trong trang 79 của VBL.

Có lẽ nên nhắc ở đây một chức năng của cái là dùng để nhấn mạnh – LM Taberd giải thích là modo turgido/L (~ làm lớn ra/thổi phồng – NCT): td. cái người (homo/L ~ con người), cái lời (verbum/L ~ lời nói), cái thân tôi – trích từ phần Ngữ Pháp tiếng Việt (tự điển Taberd) trang này reader.digitale-sammlungen.de .

3. Nhận xét thêm về con/cái

3.1 Một cách nhìn về cấu trúc ‘con/cái + danh từ’

Dựa vào quan sát của LM de Rhodes khi ghi nhận rằng con và cái đứng trước một danh từ thì mang nghĩa tổng quát chỉ động vật hay tĩnh vật (BBC), ta có thể thấy phần nào khả năng thể hiện tư duy tổng hợp qua ngôn ngữ. Tư duy tổng hợp truyền thống luôn liên kết các liên hệ hay tương quan với môi trường chung quanh với chủ thể (danh từ/đại từ): các liên hệ này có thể là liên hệ huyết thống (cha mẹ chú bác …, hàm ý tương quan thời gian – sinh trước/sinh sau), liên hệ không gian (hình thể: tấm, trái/quả, mảnh, cuốn/quyển …), liên hệ với sự sống/sinh vật (con, *cái) …v.v… Tương phản với tư duy phân tích có khuynh hướng nâng cao tính chất cá nhân (cái tôi trên hết) so với các liên hệ cộng đồng hay môi trường chung quanh. Thí dụ như câu nói “Tôi/tui sẽ đi chợ sáng hôm nay” có các cách thể hiện khác nhau

(Cha nói với gia đình) —>“Ba sẽ đi chợ sáng hôm nay”

(Vợ nói với chồng)—>“Em sẽ đi chợ sáng hôm nay”

(Con nói với cha mẹ) —>“Con sẽ đi chợ sáng hôm nay”

(Bạn bè nói chuyện với nhau) —>“Tao sẽ đi chợ sáng nay”…v.v…

So với chỉ một cách nói “I will go shopping this morning” trong tiếng Anh (hay Pháp …). Cái tôi (ego) đã biến mất hay mờ nhạt đi để thay vào đó tên gọi vị trí trong cộng đồng (gia đình) của người nói – xem thêm các bài viết về tư duy tổng hợp như “Tiếng Việt thời LM de Rhodes – cách dùng đỗ trạng nguyên, trên/dưới… (phần 4)”, “Tiếng Việt thời LM de Rhodes – Cách nói tôi, ta, tao, tớ, qua, min (phần 2)” cùng tác giả/NCT.

Trở lại với khái niệm tổng quát như táo (loài cây), khi nói “Có ba trái/quả táo trên bàn” thì tiếng Anh là “there are three apples on the table”, apple hàm ý trái hay quả táo rồi (có thể đã dùng quen nên trái/quả táo chỉ cần một danh từ apple mà thôi[21]). Nhưng tiếng Việt cần loại từ trái/quả, cây, bọc, thúng, giỏ … để xác định liên hệ (hình thể) với môi trường chung quanh – một khái niệm tổng quát hơn – đặt vào trước danh từ táo.

Tương tự như thế, câu nói (1) “Tôi thấy ba *bàn” không đúng với ngữ pháp tiếng Việt, *bàn phải được thay bằng cái bàn với cái là loại từ chỉ một khái niệm tổng quát hơn (đồ dùng, tĩnh vật) (2) “Nhà anh nuôi hai *chó” không phù hợp với ngữ pháp tiếng Việt, *chó phải được thay thế bằng con chó với con là loại từ chỉ động vật (sinh vật) có phạm trù nghĩa tổng quát hơn – một cách phân loại trong môi trường sống – sau loại từ con mới dùng chó (loài vật đặc biệt hơn, có bốn chân …). Tiếng Anh (dog ~ con chó) hay tiếng Pháp (chien ~ con chó) đã hàm ý sinh vật trong danh từ chung rồi: three dogs ~ ba con chó …

Một trường hợp khác cho thấy dấu ấn của môi trường (cách xếp loại trong xã hội) như trong CN phần “Chu xa bộ đệ thập nhị” có câu

(3) Thủ thuỷ là người con chèo

Rõ ràng là khái niệm người và con đã được dùng rất rõ nét cho người chèo thuyền khi được lặp lại trong câu trên[22]. Cấu trúc con hát cũng cho thấy khái niệm người đứng trước (tổng quát) hoạt động hát, khác hẳn với cấu trúc singer (động từ tiếng Anh sing là hát + hậu tố -er là người) hay chanteur (động từ tiếng Pháp chanter là hát + hậu tố -eur là người đàn ông) – chanteuse là người hát/P (đàn bà). Cấu trúc HV ca công 歌工, ca kĩ 歌妓, ca xướng gia 歌唱家, ca thủ 歌手 hay ca sĩ 歌士 cũng khác hẳn với cấu trúc tiếng Việt: người (sĩ, công, gia, kĩ, thủ ~ khái niệm tổng quát) đứng sau động từ ca (hoạt động đặc biệt).

Tiếng Việt hiện nay có thể dùng các dạng sau đây phản ánh loại từ chỉ người (lặp lại nghĩa) đứng trước danh từ trung tâm (con) trai để cho thấy liên hệ mở rộng hơn (tư duy tổng hợp)

(4) Tôi có hai trai

Tôi có hai trai

Tôi có hai con trai

Tôi có hai đứa con trai

Tôi có hai thằng con trai

Tôi có hai cậu con trai

Tôi có hai người con trai

Tôi có hai thằng nhóc …v.v…

3.2 Trong bài viết (2008) ‘A corpus-based analysis of Vietnamese classifiers con and cái’ các tác giả Phạm Giang Thúy và Kathryn Kohnert đã đặt vấn đề về cách xếp loại của loại từ cái và con, dựa vào thống kê tần suất của các chữ này qua văn bản. Kết quả xác nhận hai từ con và cái thường xuất hiện trong văn bản, nhưng nếu dựa trên định nghĩa của loại từ (xuất hiện trên 80%) thì cái (chỉ tĩnh vật/inanimacy như cái ghế) chỉ xuất hiện khoảng 65.40% so với con (chỉ sinh vật như con gấu) chỉ chiếm khoảng 23.97%. Các dữ kiện này khiến các tác giả trên đặt dấu hỏi về sự xếp loại con/cái như là loại từ và đóng góp phần nào về các tranh luận tương tự cho đến nay: là một nhóm từ riêng biệt cho đến một phần của danh từ. Bài viết cũng đưa ra một hướng đi khi học các từ con/cái, nhất là cho người phương Tây (không quen thuộc với khái niệm loại từ/classifier của ngôn ngữ Á châu), thì nên học các nét nghĩa và chức năng của những từ này trong đoản ngữ hay câu thay vì học riêng rẽ từng từ một.

3.3 Lẫn lộn cách dùng con và cái từ thời VBL

Như đã ghi lại trong mục 1.1 và 1.2, lẫn lộn cách dùng con và cái đã hiện diện vào thời LM de Rhodes[23]: td. con rắn ~ cái rắn, con vịt ~ cái vịt. Ngay cả đến thời cụ Huỳnh Tịnh Của (1834-1907), dầu các tài liệu ở trong Nam Kì phân biệt rất rõ ràng cách dùng con và cái, cụ vẫn còn viết rằng “con kiến ~ cái kiến, con vác ~ cái vác, con dao ~ cái dao” ĐNQATV trang 186, cái tu-hít (sifflet/P ~ cái còi, kèn) ghi là con tu-hít (ĐNQATV trang 423). Ở Hà Nội (Đàng Ngoài, 1898), P. G. Vallot dịch fourmi là con kiến et cái kiến[24] (sđd). Để thấy vấn đề từ một góc nhìn khác hơn, hãy xem cách gọi sản phẩm (nước ngoài) khi mới nhập vào VN như xe hơi (ô-tô), tem chẳng hạn. Loại từ cái từng được dùng cho các món này (trích từ tài liệu Pháp Việt giữa TK XIX đến đầu TK XX)

J’ai une voiture ~ Tôi có một cái xe

Un timbre~cái tem[25]

Sau này, cái xe mới trở thành chiếc xe, và cái tem trở thành con tem (con dấu). Hiện tượng lẫn lộn con và cái, tương tự như cách dùng chúng cho những từ mới nhập, còn hiện diện khi người nước ngoại học tiếng Việt – theo tác giả Nguyễn Thiên Nam trong bản báo cáo “Lỗi Loại Từ trong Tiếng Việt của Người Nước Ngoài” – trích từ bài viết này

(1) Hồ Gươm là một con Hồ đẹp nhất. (Hungari)

(2) Anh mua cho ai cái từ điển này? (CPC)

(3) Hôm nay mưa ba cái. (Nhật)

(4) Hôm qua tôi ăn một cái phở. (Trung Quốc) …

Chúng ta có thể liên hệ đến hiện tượng người dân tộc thiểu số khi nói tiếng Việt cũng thường dùng “cái” trước hàng loạt danh từ: cái cán bộ, cái chữ, cái mắt, cái sách…, hoặc trẻ em Việt Nam trong quá trình thủ đắc tiếng Việt cũng mắc những lỗi như vậy” (hết trích).

Tóm lại, con và cái đã được dùng rất linh hoạt, với nhiều nét nghĩa và chức năng, vào thời VBL: từ vai trò tính từ đứng sau danh từ cho đến khi đứng trước danh từ thì trở thành một loại từ như nhận xét của LM de Rhodes (BBC). Cái có nhiều cách dùng: loại từ chỉ tĩnh vật hay vật nhân tạo, chỉ loại người không được ‘trọng’ trong xã hội, nhưng vào thời VBL còn chỉ loài động vật có kích thước nhỏ bé[26] như kiến, muỗi, ong cho đến tận giữa thế kỉ XX. Khuynh hướng này hiện diện trong vài phương ngữ (Bắc Bộ), những tiếng nói địa phương còn bảo lưu phần nào vài đặc tính của tiếng Việt cổ. Một điểm nên nhắc lại ở đây là tuy chép lại hầu như là toàn văn tự điển của LM Béhaine (1772/1773), LM Taberd đã sửa lại cái chép chép[27] (một loại sò – một trường hợp dùng cái rất hiếm của LM Béhaine) thành chép chép hay không dùng cái nữa – các tài liệu sau đó (Nam Kì) đều dùng con chép chép. Cái ba ba (CN, VBL) đều trở thành con ba ba từ thời LM Béhaine/Taberd. Ngoài ra khuynh hướng nhân cách hoá như dùng con thay cái (cái thuyền[28]/đê —> con thuyền/đê, con nước, con trăng, con thoi …) cũng như khuynh hướng dùng cái thay con (thời VBL: cái ve, kiến …) làm biên giới phân định tĩnh vật (cái) và động vật (con) trở nên mờ nhạt đi nhiều. Điều này còn làm khái niệm con/cái trở nên rất phức tạp (đan xen lẫn nhau) và hầu như không thích hợp với logic của ‘khoa học khách quan truyền thống’ (cần chính xác và rõ ràng – logic nhị phân), cũng như rất dễ gây nhiều tranh luận[29] không đi đến kết quả cụ thể. Từ lăng kính tư duy tổng hợp hay nhìn rộng ra cho thấy toàn cảnh gồm người nói và người nghe, cùng với các tương quan HV sâu xa hơn của con và cái so với côn/kiển và cá HV, chúng ta có thể dễ hơn cảm thông cách dùng cái dao ~ con dao, cái kiến ~ con kiến cũng như xuống thuyền ~ lên thuyền, ra đời ~ vào đời, đánh bại ~ đánh thắng của tiếng Việt (tư duy tổng hợp ~ logic mờ/fuzzy logic). Hi vọng bài viết này sẽ gợi ý cho người đọc tìm hiểu sâu xa hơn tiếng Việt phong phú của chúng ta từ góc nhìn lịch đại và từ những cách dùng địa phương ở VN cũng như ở nước ngoài (đồng đại), cũng như từ tư duy tổng hợp (nhìn rộng ra hơn/toàn cảnh) truyền thống so với tư duy phân tích của phương Tây.

4. Tài liệu tham khảo chính

1) Pigneau de Béhaine (1772/1773) – Bá Đa Lộc Bỉ Nhu “Dictionarium Annamitico-Latinum” Dịch và giới thiệu bởi Nguyễn Khắc Xuyên, NXB Trẻ (Thành Phố HCM – 1999).

(1774/Quảng Đông à Địa phận Đàng Trong tái bản năm 1837) “Thánh Giáo Yếu Lý Quốc Ngữ” 聖教要理國語 viết bằng chữ Nôm theo dạng Hỏi-Thưa. Y Doãn Ninh/Lê Bảo Tịnh phiên âm và chú giải, La Vang Tùng Thư xuất bản (Mỹ).

2) J. F. M. Génibrel (1898) “Dictionnaire annamite français” Imprimerie de la Mission à Tân Định (SaiGon).

(1906) “Petit dictionnaire annamite français” Imprimerie de la Mission à Tân Định (SaiGon).

3) Cao Xuân Hạo (2003) “Tiếng Việt – mấy vấn đề ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa” NXB Giáo Dục

4) Nguyễn Quang Hồng (2015) “Tự điển chữ Nôm dẫn giải” Tập 1 và 2 – NXB Khoa Học Xã Hội/Hội Bảo Tồn Di Sản Chữ Nôm (Hà Nội).

5) Nguyễn Hồng (1959) “Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam – Quyển 1 – Các Thừa Sai dòng Tên 1615 – 1665” NXB Hiện Tại (Sài Gòn).

6) Gustave Hue (1937) “Dictionnaire annamite-chinois-français” Imprimerie Trung-hoà – NXB Khai Trí (Sài Gòn) in lại năm 1971 theo bản gốc năm 1937.

7) Phan Khôi (1954) “Việt ngữ nghiên cứu” NXB Đà Nẵng in lại (1997).

8) Trần Trọng Kim/Phạm Duy Khiêm/Bùi Kỷ (1940) “VIỆT NAM VĂN PHẠM” NXB Lê Thăng (Hà Nội).

9) Lưu Văn Lăng (1998) “Ngôn ngữ học và tiếng Việt” NXB Khoa Học Xã Hội (Hà Nội).

10) Giêrônimô Maiorica (thế kỷ XVII) “Mùa Ăn Chay Cả”, “Thiên Chúa Thánh Mẫu – Quyển thượng”, “Thiên Chúa Thánh Mẫu – Quyển trung”, “Đức Chúa Giê-Su – Quyển chi cửu & Quyển chi thập”, “Thiên Chúa Thánh Giáo Hối Tội Kinh”, “Thiên Chúa Thánh Giáo Khải Mông”, “Kinh Những Ngày Lễ Phục Sinh – Quyển thứ ba”, “Các Thánh Truyện”. Sách lưu hành nội bộ (năm xuất bản 2002/2003, LM Nguyễn Hưng).

11) Nguyễn Thiện Nam (2004) “Lỗi Loại Từ trong Tiếng Việt của Người Nước Ngoài” (dạng pdf). Electronic Journal of Foreign Language Teaching (Trung tâm Ngôn ngữ học Đại học Quốc gia Singapore) 1 (1): 81–88.

12) Hoàng Thị Ngọ (1999) “Chữ Nôm và tiếng Việt qua bản giải âm Phật Thuyết Đại Báo Phụ Mẫu Ân Trọng Kinh” NXB Khoa Học Xã Hội (Hà Nội).

(1999) “Phật Thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh – chữ Nôm và tiếng Việt” NXB Khoa Học Xã Hội – Hà Nội.

13) Alexandre de Rhodes (1651) “Phép Giảng Tám Ngày” – Tủ Sách Đại Kết in lại từ Tinh Việt Văn Đoàn (1961 – Sài Gòn) với phần giới thiệu của tác giả Nguyễn Khắc Xuyên.

(1651) “Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum” thường gọi là từ điển Việt-Bồ-La; bản dịch của Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính – NXB Khoa Học Xã Hội, Thành Phố HCM (1991).

“Tường Trình về Đàng Trong 1645” bản dịch của Hồng Nhuệ, NXB Ánh Sáng Publishing, Escondido (California/Mỹ, 1994?).

“Lịch sử Vương Quốc Đàng Ngoài từ 1627 tới năm 1646” dịch giả Nguyễn Khắc Xuyên – Tủ sách Đại Kết, Thành phố HCM (1994).

14) Jean Louis Taberd (1838) – tên Việt là cố Từ – “Dictionarium Annamitico-Latinum” Serampore (Bengale).

15) Hoàng Tất Thắng (1999/2010) “Giá trị biểu cảm của từ chỉ loại ‘cái’ trong tiếng Việt”, “Từ chỉ loại ‘con’ trong tiếng Việt và văn học” – có thể đọc hai bài viết này trên mạng như tapchisonghuong.com.vn …v.v…

16) Nguyễn Cung Thông (2015) “Con người suy nghĩ bằng bụng, dạ, ruột, gan hay tim … óc? (phần 6.1)” có thể xem toàn bài trang này daophatngaynay.com …

(2016) “Cách nói xuống thuyền, trên trời, ra đời, Đàng Trong/Ngoài … thời LM Alexandre de Rhodes (phần 1)” có thể xem toàn bài trang này chimvie3.free.fr

(2016) “Cách nói tôi, ta, tao, tớ, qua, min … Tiếng Việt thời LM de Rhodes” – có thể xem toàn bài trang này chimvie3.free.fr

17) Tạ Văn Thông (2017) “Những nghĩa khác nhau của từ ‘cái’ và ‘con’ trong tiếng Việt” đăng trên báo mạng như motthegioi.vn …v.v…

18) Phạm Giang Thúy & Kohnert, Kathryn (2008). “A corpus-based analysis of Vietnamese ‘classifiers’ con and cái” – Mon-Khmer Studies. 38: 161–171 (dạng pdf) – có thể đọc toàn bài trên trang này chẳng hạn.ncbi.nlm.nih.gov …

18) Pierre-Gabriel Vallot (1898) “Dictionnaire franco-tonkinois illustré” NXB F.H. Schneider (Hà Nội).

Nguyễn Cung Thông[30]

—————
[1]
LM de Rhodes ghi là sống (tiếng Đàng Ngoài), nhưng Béhaine/Taberd ghi là trống (tiếng Đàng Trong).

[2]VBL cũng ghi namnữ, đàn bàđàn ông (không ghi trong phần “Báo Cáo tóm tắt về tiếng An Nam hay Đông Kinh” được ghi lại ở đây). Các ngôn ngữ Ấn Âu thường có danh từ riêng chỉ giống đực và cái hay không cần phải thêm tính từ chỉ giới tính vào sau danh từ như tiếng Việt: con bò đực (bull/A, taureau/P), con bò cái (cow/A, vache/P),con gà trống (rooster/A coq/P), con gà mái (hen/A poule/P) …v.v…

[3]Loại từ con/cái còn có tên đặt là (danh) từ chỉ loại, danh từ chỉ loại thể (danh từ loại thể – Nguyễn Hữu Quỳnh “Ngữ pháp tiếng Việt” NXB Từ Điển bách khoa/2007), danh từ đơn vị, từ để đếm, từ chứng, tiền danh từ (Phan Khôi, sđd), phó danh từ (Nguyễn Kim Thản/1963, về sau ông xếp vào ‘danh từ phụ thuộc’ trong “Cơ sở ngữ pháp tiếng Việt” 1981), từ định tính, thể hiện từ, hạn từ (Lưu Văn Lăng – “Ngôn ngữ học và tiếng Việt” 1998), từ rỗng ruột (Phan Ngọc trong bài “Thử trở lại câu chuyện loại từ” đăng trong cuốn “Những vấn đề ngữ pháp tiếng Việt” Lưu Văn Lăng/chủ biên NXB Khoa Học Xã Hội – Hà Nội/1988), cái (mạo tự/Trần Trọng Kim), con (loại tự/Trần Trọng Kim), Classificateur (Loại từ, Lê Văn Lý “Le Parler Vietnamien” Paris, 1948), Mot générique (tiếng chỉ loại/chung, Gabriel Aubaret 1867; Louis Caspar 1878), Appelatif/nom générique/nom numérique (tiếng chỉ loại/số – Petrus Trương Vĩnh Ký/TVK “Grammaire de Ia Langue Annamite” Saigon – Guilland and Martinon, 1883 – TVK dựa theo cách gọi của các tác giả Pháp như Gabriel Aubaret/1867, Louis Caspar/1878: nom/mot/terme générique),Substantif générique (tiếng chỉ tên/loại – A. Chéon “Cours de Langue Annamite”, 2nd ed., Hanoi, F.-H. Schneider, 1904), Article (mạo từ, tiếng đệm, tiếng điểm đầu – Édouard Diguet (1904) trong cuốn “Éléments de grammaire annamite”, Alfred Bouchet (1908) trong cuốn “Cours élémentaire d’annamite : éléments de grammaire, textes en langue indigène, lexique annamite-français”), Classifier (Loại từ – M. B. Emeneau “Studies in Vietnamese (Annamese) Grammar” Berkeley, University of California, 1951), Article générique (Mạo từ – R. Bulteau “Cours d’Annamite” 3rd ed., Paris, Larose, 1950) …v.v… Để ý các cụ Trần Trọng Kim/Phạm Duy Khiêm/Bùi Kỷ gọi là mạo-tự chứ không phải là mạo từ (—> tiếng mạo-tự, tiếng loại-tự), cụ Trương Vĩnh Ký thì gọi article là tiếng điểm đầu, l’article défini là điểm đầu chỉ quyết (mạo từ xác định) và l’article indéfini là điểm đầu chỉ trống (mạo từ bất định).

[4]Sau này Béhaine/Taberd (1772/1773-1838) ghi nhận thêm con vác (~ vũ khí vác theo mình, so với cách dùng một vác/VBL), con đòi (người làm trong nhà), con mồi (người do thám), con buôn (thương gia) …v.v…

[5]Hoa nương花孃 hiện diện trong VBL cho thấy giao lưu Hán Việt từ thời nhà Nguyên (1271-1368), cũng như lịch sự trong VBL cho thấy giao lưu ngôn ngữ từ thời nhà Minh (1368-1661) …v.v… Đây là các dữ kiện cho thấy giao lưu ngôn ngữ/văn hoá vẫn phần nào liên tục sau thời kì lấy lại độc lập từ phương Bắc (thời Đinh). Sự đánh giá (value judgement) qua cách dùng từ “con” vẫn còn hiện diện trong tiếng Việt, như trong một bài viết trên báo của ca sĩ Phan Thu Lan, trích từ bài viết của GS Nguyễn Đức Dân “Loại từ con và cái“: “Nếu các em đã chọn con đường hoạt động âm nhạc, nhất định phải có kiến thức mọi mặt, cơ bản về âm nhạc, nếu không sẽ chỉ là “con hát (Phan Thu Lan, SGTT, 16.12.2013. Tít bài: Ca sĩ không học chỉ là con hát).

[6]So với CN dùng con bãi, con bợm, con chơi, tuyết nhi, cái nữ nương (để ý loại từ cái). LM Maiorica cũng từng dùng con chơi; LM de Rhodes cũng nhắc gián tiếp qua cách dùng chơi ác trong VBL (mục chơi – hàm ý chơi đĩ, không phải chơi ác theo nghĩa tiếng Việt hiện đại).

[7]Mục lao của VBL ghi thêm lao giáo, CN cũng ghi lao giáo:”Trống chiêng lao giáo tuỳ loài chép biên” …

[8]Cũng không thấy VBL hay PGTN dùng cái chỉ mẹ như trong cách dùng Bố Cái Đại Vương (Phùng Hưng 761-802 – con là Phùng An) hay trong Ức Trai Thi Tập 10b: “Rùa nằm hạc lẫn nên bầy bạn. Ủ ấp cùng ta làm cái con” (Nguyễn Trãi 1380-1442), tục ngữ có câu “con dại cái mang” …v.v… Tuy nhiên, nét nghĩa mẹ của cái có thể liên hệ trực tiếp đến “(3) chỉ vật chính yếu hay to lớn hơn đồng loại”. Tương tự như trên, CN từng dùng cái đười ươi:”Ly ly hiệu cái đười ươi”.

[9]Đại Nam Quốc Ngữ (xem thêm phụ chú 12) còn dùng cái gà:”Đồi thu cái gà” trang 296.

[10]Các cách dùng tương tự là con long (~ con rồng), con tâm (~ con tim) …

[11]Cái rắn cũng từng xuất hiện (1 lần) trong Thiên Nam Ngữ Lục câu 2936:”Đêm vắng gió vào thấy cái rắn xanh”, cùng với cái bạng (2 lần), cái gián (1 lần).

[12]Trong bài viết (2014) “上古楚語中的南亞語成分 (Thượng cổ Sở ngữ trung đích Nam Á ngữ thànhphân – bài viết đề nghị một số tiếng Sở có gốc Nam Á/NCT), học giả TQ Hiệp Hiểu Phong 晓锋 từng đưa ra ý kiến là chữ quan (âm cổ là *koːn) tiếng Sở nghĩa là con, cũng như các chữ quán (âm cổ là *kroːns) cũng từng có nghĩa là con. Côn HV là cá rất lớn (td. Bắc minh hữu ngư, kì danh vi côn 北冥有魚, 其名為鯤 – Trang Tử), nhưng tiếng Sở côn (âm cổ là *kru:n) lại có nghĩa là con của loài cá (ngư tử 魚子)…v.v… Xem bài viết dạng pdf trang này chẳng hạn acad.cssn.cn …v.v…

[13]Tập Vận (TV) ghi nhận về kiển như sau: Mân nhân hô nhi viết kiển 閩人呼兒曰囝. Thật ra, cách đây hơn bốn thập niên, các GS Jerry Norman và Tsu-lin Mei – trong bài viết “The Austroasiatics in ancient South China: some lexical evidence” (1976) đăng trong TC Monumenta Serica 32: 274-301 – đã cho biết thi sĩ nhà Đường Cổ Huống 顧況 (?725-?814) từng giải thích trong phần giới thiệu bài thơ mình “kiển đọc như kiển mà nghĩa dân gian ở Phúc Kiến là con” (điều này cũng phù hợp với chú thích của TV – NCT). Hai tác giả trên đề nghị nguồn gốc Nam Á của kiển, qua dạng con của tiếng Việt và kon kwen (tiếng Môn), kɔɔn (tiếng Bru), kɔn (tiếng Wa), kheen (tiếng Chong), khu:n (tiếng Khasi), kɔnɔn (nghĩa là nhỏ con, tiếng Kharia), hɔn (tiếng Santali), hon (tiếng Ho – phụ âm k trở thanh h/định luật Grimm kon > hon xemthe^m các phiên thiết của côn như 胡昆切 hồ côn thiết/TV – NCT). Các dạng đọc Mân Nam cho thấy khả năng nguyên âm cổ hơn có thể tròn (rounded – cũng như nguyên âm o tiếng Việt/NCT).

[14]CN 33a:”Tàm nga bay đỗ cái ngài”.

[15]Cá là một lượng từ HV rất thường gặp và khá phổ thông trong Hán ngữ dùng cho sinh vật và tĩnh vật, td. 二個饅頭 nhị cá man đầu (hai cái bánh bột), 一個工人 nhất cá công nhân (một người công nhân), 三個蘋果 tam cá bình quả (ba trái/quả táo), 一個學生 nhất cá học sinh (một người học sinh), 一個早上 nhất cá tảo thượng (một buổi sáng), 三個月 tam cá nguyệt (ba tháng) …v.v…

[16]Người Bắc vẫn còn gọi cái Hằng, cái Tí (cái chỉ người con gái ngang hàng hay dưới hơn). CN trong phần Mao trùng cũng ghi cách dùng “cái đười ươi”.

[17]PGTN dùng cái chim, cái kiến (2 lần) so với con cá, con chiên, con rắn (3 lần).

[18]“Khảo cứu từ điển song ngữ Hán Việt – Đại Nam Quốc Ngữ” nguyên bản Nguyễn Văn San – NXB Đại Học Quốc Gia (2013 – Hà Nội). Khảo, phiên, dịch, chú: Lã Minh Hằng, hiệu đính Vương Lộc.

[19]“Từ điển truyện Kiều” Đào Duy Anh – 1971.

[20]Tĩnh vật (NCT) là vật không hoạt động (Phan Khôi) hay các loài vật không biết cử động như cái nhà (Trần Trọng Kim/Phạm Duy Khiêm/Bùi Kỷ).

[21]Nhưng cây táo là apple tree, nước (trái) táo là apple juice (để ý cấu trúc ghép ngược). Apple tiếng Anh có nghĩa cổ là trái hay quả tổng quát, sau mới thu hẹp nghĩa thành trái/quả táo như trong tiếng Anh hiện đại.

[22]Đại Nam Quốc Ngữ trang 197 ghi “Thuỷ thủ người cầm sào” (sđd, xem phụ chú 12).

[23]VBL ghi ngôi sao (mục sao), PGTN có lúc dùng ngôi sao và có lúc dùng cái sao (2 lần); PGTN trang 30:”lấy ngón tay đá đến một cái sao trên trời chẳng được, huống lọ hoá ra làm sao cho được? Nói đến sự hoá ra ngôi sao làm chi?”, TCTGKM trang 30:”mặt trời, mặt trăng, ngôi sao cùng thiên thần vì là những sự ở trên”.

[24]Truyện Kiều câu 1758:”Con ong cái kiến kêu gì được oan”.

[25]Việt Nam Tự Điển (1931/1954 – Hội Khai Trí Tiến Đức) vẫn ghi “cái tem” và “” (—> con cò, người Nam Kì gọi con tem là con cò có lẽ vì hình con chim trên các con tem đầu tiên giống loại cò (hàm ý đưa tin từ xa đến)? Trước đó còn gọi là dấu trạm (timbre-poste/P – cụ Trương Vĩnh Ký ghi là con cò gắn thơ – 1884).

[26]Các học giả Trần Trọng Kim/Phạm Duy Khiêm/Bùi Kỷ (1940) cũng đưa ra nhận xét tương tự (mục 94, “Việt Nam văn phạm” sđd). Học giả Phan Khôi (1954) từng nhận xét:”Cái có khi dùng chỉ mấy thứ động vật nhỏ như cái ve sầu, cái kiến, cái muỗi, kể như ngoại lệ, ít lắm” – trích từ trang 93 “Việt ngữ nghiên cứu” (sđd); LM Gustave Hue (1937) trong “Dictionnaire annamite-chinois-français” Imprimerie Trung-hoà cũng ghi rằng:”Cái. 1. Numeral pour les hommes et les choses: cái người: l’homme (en question), cái nhà: la maison”. Có lẽ chính xác hơn là cái dùng để chỉ những sinh vật coi thấp hơn (bị đánh giá trị “nhỏ hơn bình thường”, kính thước chỉ là trường hợp cụ thể/điển hình) như cái đười ươi (CN – con đười ươi/dã nhân/người rừng có kích thước không nhỏ), cái Hằng (gọi tên con gái – có khi Hằng còn to con hơn người phát ngôn). Vì vậy mà ta có thể cảm thông được phần nào câu ca dao “Cái cò cái vạc cái nông. Sao mày giẫm lúa nhà ông hỡi cò?…” hay “Cái cò lặn lội bờ sông. Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non …”. Quán tính của ca dao tục ngữ cho ta cơ hội tra cứu thêm vết tích của tiếng Việt cổ.

[27]Chép chép (từ láy toàn phần) là tiền thân của chem chép. Cái chép chép (chữ Nôm/Béhaine/Taberd) 丐劄劄 – khuynh hướng đồng hoá âm thanh (phụ âm -p trở thành âm vang -*b > -m): chép chép > *cheb chép > chem chép. Tham khảo thêm loạt bài viết về “Hiện tượng đồng hoá âm thanh” cùng tác giả (NCT).

[28]Có nhiều cách nói dùng thuyền và ‘loại từ’: cái thuyền, con thuyền, chiếc thuyền, mảnh thuyền, lá thuyền … đều có một nét nghĩa đặc biệt và giá trị biểu cảm tuỳ theo ngữ cảnh …

[29]Bàn về các cách phân chia ‘loại từ’, học giả Cao Xuân Hạo đi đến nhận xét:”do đó chưa từng có hai tác giả nào đưa ra hai danh sách ‘loại từ’ giống nhau” trang 297 (sđd). Thật ra, chỉ xem cách phân loại và tên gọi trong ngữ pháp của con và cái (xem phụ chú 4) cũng thấy ngay vấn đề không hề đơn giản ngay từ thời gian đầu! Tranh luận về cách xếp loại con và cái đã bắt đầu căng thẳng từ giữa thế kỉ XX, trong bài viết “Con, cây, cục, cái” và “Tiền danh tự và mạo tự” của học giả Phan Khôi, cụ viết:”(viết về loại tự/NCT) Dùng chữ như ông Trần (Trần Trọng Kim/NCT) là không hợp với luận lý … tiền danh tự, chỉ nghĩa đơn giản là danh tự đứng trước danh tự, may ra khỏi vấp phải cái chướng ngại nào hết” (sđd).

[30]Nghiên cứu ngôn ngữ độc lập ở Melbourne (Úc) – email nguyencungthong@yahoo.com

Exit mobile version