Tiền bạc có phải là căn nguyên tội lỗi ?

CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN – NĂM C

Bài đọc 1: Am 8,4-7; Bài đọc 2: 1Tm 2,1-8; Phúc Âm: Lc 16,1-13

1.Tặng phẩm cao quý mà Thiên Chúa tặng ban cho con người chính là sự tự do. Tự do không phải để hành động theo của mình, nhưng theo ý muốn của Ðấng Tạo Thành. Bởi Thiên Chúa tạo dựng con người là để mong cho họ đạt tới hạnh phúc. Dẫu muốn, nhưng Thiên Chúa để cho con người tự do quyết định cho sự chọn lựa của mình. Bởi có như thế con người mới thể hiện lòng mến yêu và sự khao khát hạnh phúc do Thiên Chúa ban tặng. Tuy nhiên, tội xuất hiện làm vẩn đục tâm trí, khiến con người biến ân ban tự do trở thành phương tiện phục vụ cho ý riêng của mình. Và oái oăm thay, ý riêng con người có mấy khi tốt lành, nó chỉ chứa đầy tà ý, tham lam, ích kỷ, kiêu ngạo, ghen ghét. Tự do không còn mang đúng ý nghĩa ban đầu của ân ban là thể hiện lòng mến yêu sự thiện. Bị chi phối bởi tội, con người lạm dụng tự do để hành động ngược lại với thánh ý của Thiên Chúa, để rồi tự do trở thành phương thế dẫn tới hủy diệt.

2.Có một chiều kích trong cuộc sống khi nói đến dễ làm cho người ta có cái nhìn tiêu cực và rất phiến diện về nó, đó là tiền bạc. Khi nói đến tiền bạc người ta thường đổ cho nó là nguyên nhân của mọi sự dữ. Câu hỏi được đặt ra là phải chăng tiền bạc là nguồn gốc của sự hư hỏng? Không, tiền bạc cũng mang lại nhiều điều tốt đẹp trong cuộc sống. Trong một xã hội văn minh người ta luôn lên án những kẻ ăn không ngồi rồi, hoặc lười biếng lao động chỉ thích ăn bám xã hội. Ðiều đó nói lên giá trị của tiền bạc. Ðức Phanxicô trong sứ điệp Mùa chay 2018 nhấn mạnh: “Tôi mong chúng ta, những Kitô hữu, theo mẫu gương của các Tông Ðồ và thấy việc chia sẻ của cải của chúng ta là một bằng chứng hữu hình về sự hiệp thông, nghĩa là chúng ta ở trong Giáo hội! Vì lý do này, tôi nhắc lại lời mời gọi của Thánh Phaolô gởi cho tín hữu Côrintô để lạc quyên cho cộng đoàn Giêrusalem từ những lợi tức mà chính họ nhận được. Ðiều này càng thích hợp trong Mùa Chay khi nhiều nhóm lạc quyên để trợ giúp các Giáo hội và giúp những người có nhu cầu”.

3.Thế nhưng giá trị của tiền bạc thường bị lạm dụng và làm cho nó trở thành nguyên cớ gây ra bao nhiêu khổ đau. Nói như thánh Phaolô: “Cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc” (1 Tim 6:10). Lòng tham tiền bạc đã đẩy đưa con người tỏ một thái độ lệch lạc trước tiền bạc, và rồi thay vì coi tiền bạc là công cụ để phục vụ cho thiện ích của cuộc sống, người ta coi đó như cứu cánh. Trong thế giới hôm nay, người ta không còn coi Thiên Chúa là cùng đích, là cứu cánh duy nhất của cuộc sống, bên cạnh Thiên Chúa người ta còn tôn thờ một vị Chúa khác, đó là tiền bạc. Quả thật, để hướng dẫn cuộc sống, người ta không còn nói đến một chân lý tối hậu là Thiên Chúa, nhưng người ta còn nói đến nhiều chân lý khác để hình thành một khái niệm tương đối hóa chân lý. Với một chọn lựa như thế, con người đã kiến tạo nên một xã hội vô cảm, để rồi mối tương giao giữa người với người không còn được biểu lộ bằng con tim mà bằng những đồng tiền.

4.Lời Chúa trong bản văn vừa đọc là một lời nhắc nhở chúng ta hãy đưa ra chọn lựa dứt khoát, ai là ông chủ cuộc đời của mình? Nhưng hình như chúng ta cũng đang để Thiên Chúa đứng ra bên lề cuộc sống, và ưu tiên là làm sao kiếm được nhiều tiền hơn là tìm phương thế để được nhiều ân sủng Chúa. Có lẽ, đôi khi Chúa cũng đau lòng gạt lệ vì sự chọn lựa sai lầm của chúng ta khi bỏ Chúa chạy theo những đồng tiền phù du. Ước mong sao Lời Chúa là lời nhắc nhở để chúng ta ý thức lại về mối tương giao giữa mỗi người với Chúa để chỉ biết chọn Chúa làm cùng đích của cuộc đời.

LM. Antôn Hà Văn Minh, giáo xứ Chánh tòa, GP Phú Cường

Exit mobile version