Ngày nay người ta khoản đãi rất nhiều thứ tiệc: sinh nhật, đầy tháng, thôi nôi, giỗ chạp, cưới hỏi, quan thầy, họp mặt…. Mỗi thứ tiệc đều có ý nghĩa của nó và khách được mời cũng tùy theo đối tượng: có thể là họ hàng thân thiết, có thể là bạn bè, bà con láng giềng, và cũng có thể là những đối tác làm ăn…. Và thường khi đã mời, bao giờ chủ tiệc cũng muốn được sự đáp ứng của khách mời. Tuy nhiên, để không bị hố, bị lỗ khi tổ chức tiệc, chủ mời thường muốn biết chính xác khách được mời có tham dự được hay không để dễ dàng đặt tiệc. Các ngôn sứ đã dùng hình ảnh bữa tiệc để chỉ về điều Thiên Chúa sẽ thực hiện khi Triều đại Nước Thiên Chúa đến. Dân Chúa nóng lòng mong chờ ngày đó xảy đến. Chúa Giêsu cũng dùng hình ảnh bữa tiệc lớn để chỉ về Nước Thiên Chúa, nhưng Ngài xác định chính Thiên Chúa mới là Đấng nóng lòng và nhất quyết thực hiện bữa tiệc mà Ngài đã hứa trước. Điều bất thường là có nhiều người chống đối niềm vui, chống đối bữa tiệc đó. Đã có nhiều người không muốn tham dự, họ không muốn cộng tác vào một cuộc vui như thế. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà bữa tiệc đó bớt lộng lẫy và bị hủy bỏ. Ông chủ bữa tiệc rất quảng đại và nhất quyết thực hiện cho bằng được bằng cách mở rộng vòng tròn khách mời. Vòng tròn khách mời này có thể mở ra đến vô tận, từ đường phố đến thôn quê, từ những người tàn tật cho đến những người ở nơi hẻo lánh. Một trong những hình ảnh Kinh Thánh dùng để nói về Nước Thiên Chúa, đó là bữa tiệc. Sách Cách Ngôn đã mô tả bữa tiệc của Ðấng Khôn Ngoan như một giá trị cứu rỗi. Ngôn sứ Isaia nói đến một bữa tiệc Thiên Chúa dọn ra cho dân khi thời Cứu thế đến, tất cả mọi người đều được mời đến dụ, không phân biệt ai. Ðó cũng là bữa tiệc mà Chúa Giêsu dùng để nói về Vương Quốc của Ngài. Dụ ngôn trong Tin mừng hôm nay nói đến chuyện buồn và chuyện vui của một bữa tiệc. Bữa tiệc bao giờ cũng nói lên sự liên đới, hiệp thông với nhau trong xã hội. Người ta muốn chung chia tâm tình, sự hân hoan, niềm vui mừng của nhau khi dự tiệc. Chuyện buồn của bữa tiệc hôm nay là những khách được mời đã từ chối không đến dự – quả là bức xúc, mất vui cho chủ tiệc! Chuyện vui là tất cả những người ‘nghèo khó, tật nguyền’, những người ở ‘bờ rào, bờ dậu’ đều được mời vào để dự tiệc thỏa thích, no nê. Dụ ngôn cho chúng ta nhiều ý nghĩa để suy nghĩ. Tương tự như thế, người Do Thái có phong tục thông báo việc tổ chức tiệc cũng như mời khách trước ngày tổ chức tiệc khá lâu vì vậy người ta có thời gian để sắp xếp hoặc hồi đáp lại cách thuận tiện. Tuy nhiên, giờ dự tiệc chưa được thông báo, cho tới khi ngày tổ chức tiệc tới và bữa tiệc được chuẩn bị sẵn sàng thì chủ tiệc mới sai cácgia nhân đầy tớ đi mời các vị khách đã được mời và nhận lời đến dự tiệc. Vì vậy mà việc khách kiếu không đến dự tiệc vào những giờ phút cuối cùng thì quả là đã không nể mặt chủ nếu không nói là khinh khi, coi thường. Bữa tiệc trong dụ ngôn mà Tin mừng hôm nay nói đến là một Đại tiệc, nhưng trình thuật Tin mừng song song của thánh sử Matthêu thì cho biết đó là tiệc cưới của Hoàng tử do Đức vua thiết đãi (Mt 22,2) – như thế cho thấy được tầm quan trọng của bữa tiệc cũng như vinh dự của những khách được mời. Đồng thời cũng tô rõ hành vi phạm thượng của những vị khách ưu ái được mời, nhưng lại từ chối vì những lý do không đâu. Từ đó chúng ta có thể suy ra hệ quả của những hành vi thiếu khôn ngoan của các vị khách. Và cơn thịnh nộ của ông chủ đối với những con người ‘ngu ngốc’ kia thật khó lường – “Tôi nói cho các anh biết: Những khách đã được mời trước kia, không ai sẽ được dự tiệc của tôi”. – nói ‘thật khó lường’ là vì ý nghĩa của dụ ngôn: không ‘được dự tiệc trong nước Chúa’ thì cũng đồng nghĩa với ‘án phạt đời đời’ Trong Tin mừng ta thấy Chúa Giêsu hay ví nước trời giống như một tiệc cưới; và chủ đích của dụ ngôn hôm nay, Chúa Giêsu muốn nói đến việc dân Do Thái là dân được Thiên Chúa tuyển chọn ngay từ ban đầu để tham dự bữa tiệc ấy (làm dân riêng của nước Ngài), nhưng họ đã từ chối nên Thiên Chúa đã mời gọi các người nghèo khó, tàn tật, đui mù (là những người mà người Do thái loại trừ – thu thuế, gái điếm) và những người đến từ “nẻo đường, bờ rào, bờ dậu” (những người ngoại) vào dự yến tiệc trong nước của Người. Tin mừng cũng cảnh báo chúng ta – những Kitô hữu ngày nay, chúng ta được mời gọi tham dự yến tiệc của ‘Hoàng tử Giê-su’ mỗi ngày – yến tiệc của vua muôn vua, Chúa các chúa, nhưng chúng ta đã đáp lại thế nào? Có lẽ chúng ta cũng không khác người Do-thái xưa mấy; Chúng ta cũng viện lẽ bận rộn công việc làm ăn cũng như trăm ngàn sự bận rộn khác: bận ngủ, bận công việc, bận giao thiệp, bận xem ti vi, bận đi học, vân vân và vân vân. Thế nào là bàn tiệc Lời Chúa, thế nào là bàn tiệc Thánh Thể chúng ta chẳng thèm quan tâm. Và chúng ta đã hành xử thật khờ dại và ngu ngốc. Chúng ta sống như những người chẳng có đức tin – sống duy vật chất. Chúng ta coi thường mối tình thân với Thiên Chúa. Thiên Chúa là ông chủ của bữa tiệc Nước Trời cũng đã chuẩn bị một bữa tiệc lớn cho Israel. Các Tiên tri được sai đi gọi mời, và khách được mời cũng sống trong tâm tình chờ đợi. Nếu có các sách Tiên tri để loan báo về bữa tiệc thì cũng có các Thánh vịnh nói lên tâm tình tin tưởng và đợi chờ Thiên Chúa. Thế nhưng, khi giờ đến, lúc tiệc rượu đã chuẩn bị sẵn sàng thì kháck được mời lại từ chối. Chẳng ai xứng đáng được dự bàn tiệc Nước Thiên Chúa nếu Thiên Chúa không mời. Nhưng chẳng ai bị loại trừ khỏi bàn tiệc cánh chung nếu họ không cố ý từ chối lời mời đó. Chẳng ai có thể tự cứu mình mà không cần đến Thiên Chúa, nhưng con người có thể làm mình bị trầm luân mãi mãi chỉ vì thái độ khép kín của mình trước ơn Chúa ban. “Tôi xin kiếu”, đó là câu nói của nhiều người Kitô hữu hôm nay. Chúng ta xin kiếu một cách quá dễ dàng, chẳng để ý gì đến nỗi thất vọng và đau đớn của người đãi tiệc. Và rồi ta thấy lời mời của Thiên Chúa bị từ chối chỉ vì những chuyện không đâu. Chuyện tất bật làm ăn, chuyện vui chơi giải trí, chuyện mời mọc của bạn bè. Có nhiều chuyện thấy có vẻ quan trọng hơn, khẩn trương hơn, đến nỗi có người bỏ tham dự thánh lễ Chúa Nhật. Hãy chọn Thiên Chúa và biết quý những gì Ngài muốn ban cho ta. Đại tiệc Thiên Chúa đã dọn sẵn rồi, không chỉ ở đời sau, mà ngay ở đời này. Ngài mong ta đến để dự tiệc, hay đúng hơn để chia sẻ một tình bạn. Bàn tiệc Nước Trời vẫn được dọn ra và khách được mời hôm nay không ai khác hơn là mỗi người chúng ta. Bí tích Rửa tội là tấm thiệp cho phép chúng ta tham dự bàn tiệc này. Nhưng khi giờ đã đến, chúng ta lại để mình bị lôi cuốn bởi của cải vật chất, bởi thú vui trần thế, mà bỏ qua lời mời gọi đến tham dự bàn tiệc thánh. Thiên Chúa vẫn mời gọi và chờ đợi chúng ta. Ước gì chúng ta hiểu đúng giá trị của bữa tiệc Ngài dọn sẵn cho chúng ta mỗi ngày, để với tất cả lòng yêu mến biết ơn, chúng ta tham dự, ngõ hầu chúng ta được mạnh sức tiến tới bàn tiệc vĩnh cửu trên Thiên quốc. Bám víu vào đời sống tạm bợ chóng qua mà coi thường sự sống vĩnh cửu…. Đó chẳng phải là hành vi phạm thượng lắm sao? Thế mà chúng ta vẫn thấy rất ư bình thường! Nhưng Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót, Ngài vẫn kiên nhẫn chờ đợi ta mỗi ngày; Ngài muốn chúng ta dự tiệc Ngài dọn nơi Thánh lễ, để thắt chặt thêm tình thân với Ngài, để lấy năng lực, sức mạnh đi hết con đường trần thế hầu mai sau được dự yến tiệc vui muôn đời Ngài dọn sẵn cho mỗi người chúng ta trên nước thiên đàng. Huệ Minh