Học sinh nói dối tăng dần đều?!
Ca dao, tục ngữ hay thành ngữ đều được đúc kết từ trong cuộc sống, nhưng ở thời điểm hiện tại, những câu thành ngữ xưa cần phải update (cập nhật) lên phiên bản mới, ví dụ như câu “Đi hỏi già về nhà hỏi trẻ”…
“Đi hỏi già” ám chỉ người già nhiều kinh nghiệm sẽ giúp được bạn, “về nhà hỏi trẻ” ý nói mọi chuyện ở nhà nên hỏi trẻ vì trẻ con ngây thơ không biết nói dối, chúng sẽ kể hết chuyện nó biết khi ở nhà. Đây là một kinh nghiệm sống mà ông cha ta đúc kết và truyền dạy. Nhưng có một kết quả khác cũng mới được đúc kết gần đây. Một kết quả này không gây bất ngờ nhưng nó lại là một tiếng chuông báo động cho người lớn.
Tại hội thảo “Thực trạng văn hoá học đường và nhu cầu giáo dục kỹ năng sống cho học sinh trung học” tổ chức ngày 24/9 vừa qua, GS-TSKH Trần Ngọc Thêm, Giám đốc Trung tâm Văn hoá học lý luận và ứng dụng (đại học Quốc gia TP.HCM) đã đưa ra một kết quả điều tra: Tỉ lệ nói dối cha mẹ ở học sinh cấp tiểu học là 22%, cấp THCS là 50%, cấp THPT là 64%, sinh viên là 80%.
Nói con số này không gây bất ngờ vì chuyện nói dối trong môi trường giảng đường không hề mới, nhưng nhìn vào “bước tiến” của nó giữa các bậc học thì thật đáng lo ngại. Nghiên cứu mới chỉ dừng lại ở bậc đại học, không rõ ở những bậc sau đại học tỷ lệ này có được làm tròn lên… 100% không?
Tạm gác lại chuyện của người lớn để nhìn lại vấn đề nói dối ở trẻ. Ngay tại cấp I, lứa tuổi từ 6-10, đã có hơn 20% số trẻ nói dối cha mẹ. Có lẽ con số này cũng không chính xác theo kiểu cứ 5 trẻ thì có một trẻ nói dối, vì thực chất, người nào cũng nói dối một lần trong đời. Nhưng với trẻ con, việc nói dối có thể vô hại.
Trẻ sẽ nói dối nếu thấy điều đó có lợi. Ảnh minh họa.
Anh Nguyễn Văn Hưng (Định Công, Hà Nội) chia sẻ: “Việc con trẻ nói dối cũng vì nhiều lý do. Ban đầu có thể trẻ cũng không ý thức được đó là nói dối, câu chuyện của trẻ có thể thêm thắt chỗ này chỗ khác, không ảnh hưởng gì đến ai. Như có một lần đến trường đón con, trên đường về con bé kể chuyện nhìn một vụ cướp giật ở cổng trường, mô tả y như thật. Đến tối về cháu cũng kể cho cả nhà nghe, ai cũng tin và tỏ ra lo lắng. Ngày hôm sau tôi đến sớm ngồi ở quán nước, nói chuyện về vụ cướp nhưng những người ở xung quanh nói không có vụ cướp nào cả. Khi về tôi hỏi lại cháu thì cháu lại bảo nghe bạn kể lại”.
Vị phụ huynh này cũng cho biết, từ đó anh chú ý hơn đến những lời nói và cử chỉ của con gái và thấy rằng cháu rất hay bịa ra những câu chuyện kiểu ly kỳ để gây sự chú ý. Hay những lúc mắc phải tội gì, cháu hay tìm những lý do để chối tội hoặc đổ cho người khác. “Tôi nghĩ trẻ con đứa nào cũng sợ bị đòn nên thường nói dối, đó cũng là lẽ bình thường. Việc này phải dạy bảo dần dần chứ không thể một sớm một chiều là ổn được”.
“Xã hội buộc người ta nói dối”?
Theo kết quả khảo sát, càng lên cấp học cao hơn, mức độ nói dối của trẻ càng tăng. Thực chất là nó không chỉ tăng về số lượng mà cả về mặt “chất lượng”. Phổ biến nhất là những trường hợp nói dối để xin nghỉ học, để trốn học đi chơi hoặc để có tiền tiêu xài. Trong nhiều năm làm chủ nhiệm, cô Nguyễn Thu Lan, trường P.C.T (Hà Nội) cho biết: “Tôi đã xử lý nhiều trường hợp các con bịa ra các lý do để viết đơn xin nghỉ học, rồi tự mình ký vào đơn đó. Với kinh nghiệm nhiều năm giảng dạy, tôi chỉ cần nhìn chữ ký cũng đủ biết mức độ thật giả của tờ đơn. Nếu có nghi ngờ, tôi liên hệ ngay với gia đình học sinh để tìm hiểu thêm thông tin”.
Cô Lan cũng cho biết, khi trao đổi với các phụ huynh, cô nhận thấy rằng, nhiều khi chính các phụ huynh cũng bao che cho con em mình bằng cách… nói dối. Cô cho rằng, điều quan trọng là cần có sự phối hợp giữa phụ huynh với nhà trường để theo sát các em. Vì “nếu trẻ nói dối thành công một lần sẽ có những lần sau nữa, và hậu quả thế nào thì thật khó lường”, cô nói.
Trao đổi với Người đưa tin về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Ngọc Phú, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký, hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam cho biết: “Rõ ràng học sinh nói dối ngày càng nhiều so với trước đây. Bản thân trẻ em là tấm gương phản ánh xã hội. Nếu ở trong môi trường mà hàng ngày các em thấy cha mẹ nói dối, thầy cô nói dối thì trẻ sẽ tự nhiên mà nhiễm thói nói dối. Chỉ đơn cử như việc nghe cha mẹ nói chuyện trong bữa ăn, ông bố nói với người mẹ rằng “hôm nay anh phải kê vượt số liệu thì mới kiếm được tí chút” và nhận được sự đồng tình của người mẹ thì trẻ sẽ hiểu rằng nói dối có lợi. Hay khi ở trường, nếu thầy cô đánh giá sai về trẻ, trẻ cũng coi đó là nói dối và chẳng muốn phấn đấu nữa”.
Vị Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký, hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam phân tích: “Nguyên nhân sâu xa của hành vi này là do cơ chế buộc người ta phải nói dối. Ví dụ đơn giản nhất là các văn bản thanh toán về tài chính, theo quy định thì các đại biểu đến họp được 70.000 đồng thôi. Nhưng hiện nay ở nhiều nơi người ta vẫn “tạo điều kiện” để đại biểu được nhận 100.000 đồng bằng cách khai khống số lượng người tham gia hoặc chỉ họp một buổi nhưng lại ghi thành hai. Như vậy thì chính cơ quan Nhà nước cũng nói dối thì còn nói được ai? Nói cách khác thì xã hội hiện nay rất nhiều việc buộc người ta phải nói dối và người ta chấp nhận việc nói dối đó là hợp pháp vì các chế độ không đáp ứng được tình hình thực tế hiện nay. Học sinh “hưởng” hậu quả giáo dục của cả xã hội như thế thì chuyện các em nói dối không thể tránh và trách được”.
Người ta vẫn nói “Trẻ con như tờ giấy trắng”, thói quen nói dối tránh tội và đổ lỗi không phải tự trẻ con có thể nghĩ ra. Có thể nó đến tự nhiên qua cách dỗ dành của người lớn. Giờ tôi vẫn thấy các bà các chị mỗi khi thấy trẻ bị ngã thường chạy lại đỡ và dỗ dành: “Đánh chừa cái đất làm con/cháu ngã”.
Trẻ nói dối nhiều nhưng…
|
(Thanh Xuân, nguoiduatin.vn 10.10.2013)