CHÚA NHẬT LỄ CHÚA BA NGÔI – NĂM C
Bài đọc 1: Cn 8,22-31; Bài đọc 2: Rm 5,1-5; Phúc Âm: Ga 16,12-15
Ngày nay người ta hay nói đến hai chữ thương hiệu. Thương hiệu là cách thể hiện mình giữa thế giới thị trường. Thương hiệu càng uy tín thì càng được thị trường tiêu dùng ưa chuộng. Và không có thương hiệu thì sản phẩm mình làm ra sẽ không nhận được nhiều quan tâm.
Nhiều người ngày nay cũng nhầm việc nhãn hiệu và thương hiệu. Ðây là 2 điều khác nhau. Ví dụ: Nếu bạn tự chế ra một loại nước ngọt mới, đặt tên là “A” và tung ra thị trường. “A” chỉ mới là nhãn hiệu. Thường thì người ta sẽ chẳng thèm bận tâm đến nước ngọt của bạn. Nhưng Coca-Cola thì khác. Ðây là một thương hiệu lớn. Sản phẩm của bạn sẽ khó khăn để có thể cạnh tranh được với Coca-Cola, dù cho chất lượng và giá cả của “A” không hề tệ hơn. Khoảng cách chênh lệch đó chính là giá trị mà thương hiệu mang lại.
Ðã từng có thời kỳ thương hiệu được sử dụng như danh từ chung để chỉ sản phẩm. Coca-Cola hay Pepsi đồng nghĩa với nước ngọt. Nike và Adidas được hiểu là giày thể thao. Honda hay Suzuki nghĩa là xe máy… Nhưng giờ đây, ý niệm về thương hiệu tiến lên tầm mức mới: Thương hiệu có thể dành cho con người. Và không ít cá nhân là những thương hiệu đắt giá nhất. Như cầu thủ Ronaldo hay Messi đã có thương hiệu, nên chỉ cần có họ trong đội ngũ đội banh nào là đội banh đó đương nhiên có thế giá.
Ðạo Công giáo chúng ta ở trong thế giới này cũng có một thương hiệu rất lớn, đó là “tình yêu”. Tình yêu làm nên nét đẹp đạo Công giáo. Tình yêu đã làm cho đạo Công giáo được khắp năm châu bốn biển tin tưởng, yêu mến. Với con số 1 tỷ 3 triệu người mang danh là Kitô hữu cho thấy thương hiệu tình yêu của đạo Công giáo đã được đông đảo người tin theo. Ðây là niềm vui và trách nhiệm của người tín hữu chúng ta là phải duy trì thương hiệu tình yêu ấy trong chính cuộc sống hằng ngày.
Lễ Chúa Ba Ngôi, Giáo hội nhắc nhở về thương hiệu tình yêu được kín múc từ suối nguồn tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa tuôn tràn xuống trên cuộc đời mỗi người. Ba Ngôi yêu thương chúng ta. Ba Ngôi cùng đong đầy tình yêu của mình đến cho con người. Tuy khác nhau về cách thức biểu lộ nhưng vẫn bao la rộng lớn như đại dương, vẫn lồng lộng như gió trời làm dịu mát lòng người. Tình yêu của Ngôi Cha tựa như tình phụ tử luôn che chở, lo lắng, nuôi nấng, dạy dỗ con cái nên người. Cho dù con có đi sai đường lối, Người vẫn nhẹ nhàng, ân cần sửa lỗi và tiếp tục phủ lấp muôn vàn tình yêu xuống trên con người. Tình yêu của Ngôi Con tựa như tình yêu của một người tình. Yêu như say như dại đến độ dám chết cho người mình yêu. Tình yêu của Ngôi Ba tựa như tình yêu của một người mẹ luôn bao bọc, chở che, nhẹ nhàng uốn nắn dạy dỗ. Tuy thầm lặng nhưng vẫn rì rào như gió chiều trên đồng lúa xanh tươi mang lại sự dịu mát hạnh phúc bình an.
Mừng lễ Chúa Ba Ngôi là dịp để tạ ơn tình thương của Ba Ngôi Thiên Chúa luôn dành cho chúng ta. Nhờ tình yêu ấy mà ta được làm người và làm con Thiên Chúa. Nhờ tình yêu ấy mà ta luôn có cơ hội trở về làm lại cuộc đời sau những lần vấp ngã vì yếu đuối lỡ lầm. Nhờ tình yêu ấy mà ta được tắm gội trong nguồn ân thánh của Chúa.
Ước gì chúng ta luôn nhận ra Chúa yêu thương để biết sống đền đáp ân tình Chúa tặng ban. Ước gì đời chúng ta luôn là một lời ca tạ ơn vì muôn ơn lành hồn xác Chúa ban xuống trên cuộc đời. Và ước gì chúng ta biết sống và giới thiệu thương hiệu “tình yêu” của Chúa Ba Ngôi qua đời sống yêu thương và phục vụ của chính mình dành cho tha nhân.
LM. Giuse Tạ Duy Tuyền, giáo xứ Tân Bắc, Xuân Lộc