Thuộc về Chúa cõi đời đời

LoiChua - Thuộc về Chúa cõi đời đời

Chúa Giêsu, trước khi bước vào giờ khổ nạn, đã cầu nguyện thật nhiều với Chúa Cha, cách riêng cho các môn đệ của Ngài. Lời cầu nguyện này được gọi là “Lời nguyện hiến tế” (x. Ga 17, 1-26). Trang Tin Mừng hôm nay (Ga 17, 1-11) là phần đầu của lời nguyện hiến tế. Phần đầu này, thánh Gioan làm nổi bật vai trò tư tế của Chúa Giêsu: “Con cầu nguyện cho họ bởi vì họ thuộc về Cha. Lạy Cha, giờ đã đến, xin Cha tôn vinh Con Cha, để Con Cha tôn vinh Cha”.

Lời cầu nguyện Đức Giê-su dành riêng cho các môn đệ của Người hôm nay mang đến niềm hy vọng, hân hoan, vui mừng và phấn khởi cho mỗi người Kitô hữu chúng ta. Bởi vì nhờ ơn sủng của phép Thanh tầy, mỗi người Kitô hữu chúng ta được trở nên môn đệ của Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta.

Cốt yếu việc Chúa Giêsu ngước mắt lên trời và lớn tiếng cầu nguyện để dạy cho các Tông đồ và cho chúng ta biết cầu nguyện.

Trong bữa Tiệc ly, nghĩa là trong bài nói chuyện với các Tông đồ và trong kinh nguyện cho chức vụ tư tế này, Chúa Giêsu đã nói đến Chúa Cha rất nhiều lần, đếm được cả thảy 45 lần, để như là kéo chúng ta đến với Chúa Cha, qui tất cả về Cha. Ngài cho biết rằng Ngài được Chúa Cha sai đến để làm công việc của Cha.

Và rồi đây cũng là dịp nhắc nhở chúng ta đến với Chúa Cha không phải như Ðấng có quyền phép mà chúng ta đứng từ xa nhìn và run sợ, song như là một người Cha hiền lành và nhân từ. Hôm nay trong bữa Tiệc Ly, Chúa Cha như một Cha già ngồi giữa đoàn con chung quanh bàn tiệc, Người Cha yêu thương con cái, muốn ở giữa con cái mình và muốn ban cho họ hạnh phúc trọn vẹn, nghĩa là muốn cho họ được sống đời đời.

Ta được thuộc về Chúa, được hưởng nhờ lời cầu nguyện và sự sống đời đời Người ban tặng cho chúng ta qua tình yêu và giá máu cứu chuộc của Người; đồng thời có bổn phận làm cho tình yêu và giá cứu chuộc ấy được phát sinh hoa trái phong phú trên toàn thế giới.

Sự sống đời đời! Có nhiều người cho rằng cuộc sống này có quá nhiều thương đau và nước mắt. Tám, chín mươi, trăm năm cuộc đời là quá nhiều. Sống đời đời làm chi cho thêm phần khổ ải. Cứ chết là hết có phải hay hơn không. Và thực tế rất nhiều người đã chủ trương như vậy. Họ lao vào cuộc sống hưởng thụ, vì cho rằng cuộc đời có là bao mà không thỏa mãn cho sướng, tội chi mà chịu khổ, dù có phải dùng những thủ đoạn đê hèn đen tối để đạt mục đích thì cũng chẳng hề chi. Bên cạnh đó lại có những người tìm mọi phương cách để được trường sinh; họ là người quyền thế và có nhiều của cải nên muốn sống mãi để hưởng vinh hoa phú quí…, nhưng rồi họ vẫn phải chết.

Tuy nhiên, càng chạy theo cuộc sống hưởng thụ vật chất nhiều khi xem ra sướng như tiên ấy, thì tự sâu thẳm tâm hồn người ta càng cảm thấy sự vô vọng và trống rỗng không cùng – một sự trống rỗng tâm linh mà không chi có thể bù đắp được.

Mặt khác, nếu cuộc đời chỉ có vật chất, thì làm sao lý giải được những mảng đời từ khi mới sinh ra đã cam chịu bi thương và khốn khổ và bao cảnh ngộ trái ngang phi lý?

Do đó, cuộc sống đời đời mà Chúa Giêsu hứa ban ở đây chẳng phải là cứ sống đời ở trần gian này vì trần gian chỉ là quán trọ, là nơi để thực hiện những dự án của Thiên Chúa, là con đường để tiến về quê hương đích thực của con người là nước Thiên Chúa, là cuộc sống hạnh phúc bên Chúa mãi mãi. Từ đó cho thấy được cuộc sống trần gian tuy tạm bợ nhưng cũng rất quan trọng, vì nó sẽ quyết định số phận của mỗi người; con người có được sống đời, có được hưởng hạnh phúc bất diệt hay không là tùy theo thái độ sống của họ.

Chúa Giêsu Kitô đã đến trần gian; Ngài yêu mến Chúa Cha và luôn làm vinh danh Cha bằng việc thực thi ý muốn của Cha để cứu độ nhân loại khỏi ách nô lệ của tử thần và đưa họ đến cuộc sống hạnh phúc bất diệt ở nơi Thiên Chúa. Việc làm của Ngườiđã tôn vinh danh cha và Ngườibiết rằng Cha cũng sẽ tôn vinh Người khi “giờ” đến -“giờ” mà Chúa Giêsu tự nguyện tiến tới đón nhận cái chết đau thương và khổ nhục trên Thập giá; cái giá mà Người phải trả để sống cho tình yêu và sự thật. Và đó cũng là giờ mà sự sống tình yêu chân thật chiến thắng tử thần – tên chuyên lường gạt, gieo đau thương, chết chóc, và hận thù.

Sự sống đời đời là con người nhận biết Thiên Chúa duy nhất và chân thật và Đức Giêsu Kitô con của Người (c.3). Sự nhận biết này được xác định trong việc tin yêu, đón nhận và thi hành lời dạy của Chúa (c.6 – 8). Vâng, người môn đệ bước theo Chúa Giêsu trong cuộc sống thì như một nhạc công trong dàn nhạc giao hưởng, cùng với vũ trụ hòa vang lên khúc hát tôn vinh cảm tạ Thiên Chúa Đấng hằng yêu thương, chăm sóc mọi loài. Bởi vì họ thấy cần phải đáp đền tình yêu nhưng không màhọ đã lãnh nhận – một tình yêu cao cả, bao la, rộng lớn vượt không gian, thời gian và mọi cương giới – bằng chính cuộc sống của mình.

Chúa Giêsu đã tôn vinh danh Cha ở dưới đất bằng việc hoàn tất ‘công trình Cha giao phó’ (c. 4). Ngài là mẫu gương cho Kitô hữu chúng ta biết cách làm tôn vinh danh Cha trên trời đó là tuân giữ Lời Cha mà chu toàn nhiệm vụ Cha đã trao cho con người ngay từ buổi đầu tạo dựng là làm chủ vũ trụ và đồng thời làm cho nó phát triển ngày càng phong phú tốt đẹp (x. St).

Vì thế, đời sống con người không thể là cuộc sống hưởng thụ cách ích kỷ, nhưng là một cuộc sống có trách nhiệm. Bên cạnh việc hưởng thụ công trình tạo dựng tốt đẹp của Thiên Chúa, con người còn phải nỗ lực làm phát triển nó; đó là bổn phận, và cũng là vinh dự Thiên Chúa dành riêng cho con người.

Khi tin và chịu phép rửa, chúng ta được gọi là Kitô hữu; nghĩa là được trở nên con Chúa Cha trong Người Con đích thực của Ngài là Chúa Giêsu. Noi gương Đức Giêsu, chúng ta cũng có thể làm vinh danh Thiên Chúa Cha bằng cách ‘sống đời hiến tế’ qua việc ‘làm theo ý Chúa Cha’ bằng đời sống hy sinh, chấp nhận khổ giá trong đời.

Vinh quang Thiên Chúa là con người được sống, chúng ta hãy luôn xác tín niềm tin vào Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, sống những giá trị Tin mừng, sống trong chân lý và ân sủng của Chúa. Khi sống như vậy, chúng ta đang góp phần làm vinh danh Chúa giữa một thế giới với những giá trị trái ngược với Tin mừng.

Huệ Minh

Exit mobile version