Hỏi 2: Khi đọc các Giờ Kinh Phụng vụ, liệu cá nhân giáo dân có buộc đọc các Giờ Kinh Giữa (Kinh Giờ Ba, Giờ Sáu và Giờ Chín) không? – L. M.
Đáp: Thực sự có nhiều cách phối hợp sự hướng dẫn đọc Các Giờ Kinh Phụng Vụ. Phần dẫn nhập Các Giờ Kinh Phụng Vụ (tức Tông hiến Laudis canticum) đưa ra các chỉ dẫn khá chính xác liên quan sự can thiệp tối thiểu của thừa tác viên có chức thánh và các thừa tác viên khác:
“253. Khi cử hành các Giờ Kinh Phụng Vụ, cũng như các việc phụng vụ khác, “người có chức thánh hay tín hữu, thường lúc thi hành phận vụ, mỗi người chỉ phải làm trọn phần việc của mình mà thôi, theo bản tính sự việc và qui luật phụng vụ đòi hỏi”.
“254. Nếu là chính Giám mục chủ tọa, nhất là tại nhà thờ chính tòa, thì sẽ có linh mục đoàn và các người có chức thánh bao quanh, và cùng với đông đảo giáo dân tích cực tham dự đầy đủ. Còn thường thường, khi cử hành, có giáo dân tham dự, thì linh mục hay phó tế chủ tọa, và cũng nên có thừa tác viên hiện diện.
“255. Linh mục hay phó tế chủ tọa có thể mặc áo trắng dài hay vắn, và mang dây các phép. Linh mục cũng có thể mặc áo choàng. Còn trong những ngày lễ trọng, thì có thể có nhiều linh mục mặc áo choàng, và các thầy sáu mặc áo phó tế.
“256. Nhiệm vụ của linh mục hay phó tế chủ tọa, là đứng ở chỗ dành riêng đọc câu giáo đầu khai mạc giờ kinh, xướng kinh “Lạy Cha”, đọc lời nguyện kết thúc, chào, chúc lành và giải tán dân chúng.
“257. Linh mục hay thừa tác viên có thể đọc các lời cầu.
”258. Khi không có linh mục hay phó tế, mà người chủ tọa giờ kinh chỉ là một người trong cộng đoàn, thì không vào cung thánh, cũng không chào và đọc lời chúc lành cho dân chúng.
“259. Ai giữ vai trò đọc sách thì đứng ở nơi thích hợp mà đọc các bài dài hay vắn.
“260. Ca xướng viên có nhiệm vụ xướng lên các điệp ca, các thánh vịnh và các bài ca khác. Còn việc đọc thánh vịnh, thì giữ những điều đã nói ở trên trong các số từ 121 đến 125” (Bản dịch Việt ngữ của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ)
Các số từ 121 đến 125 nói như sau:
“121. Ta nên tùy thể văn hay tùy thánh vịnh dài vắn, tùy đọc bằng tiếng Latinh hay tiếng bản quốc và nhất là tùy đọc một mình hay nhiều người hoặc có giáo dân tham dự, mà định cách đọc thánh vịnh, sao cho người đọc cảm được một cách dễ dàng hơn, hương vị thiêng liêng và vẻ đẹp văn chương của các thánh vịnh. Không nên dùng thánh vịnh như một số lượng các lời kinh để cầu nguyện, mà phải liệu sao cho thay đổi và phải lưu ý đến đặc tính riêng của mỗi thánh vịnh.
“122. Có thể hát hay đọc thánh vịnh một mạch từ đầu đến cuối, hay luân phiên đối đáp từng câu hay từng triệt giữa hai bè hay hai bên của cộng đoàn, hoặc theo kiểu xướng đáp, tùy cách thức đã được truyền thống và kinh nghiệm chấp nhận.
“123. Đầu mỗi thánh vịnh, đọc điệp ca như đã nói ở trên trong các số từ 113 đến 120 và cuối thánh vịnh, đọc Vinh tụng ca. Vinh tụng ca là lời kết thúc xứng hợp vốn được truyền thống xưa nay sử dụng. Kinh này làm cho lời cầu nguyện của Cựu Ước có một ý nghĩa ca tụng, quy về Chúa Kitô và Ba Ngôi Thiên Chúa. Sau thánh vịnh, có thể tùy ý lặp lại điệp ca.
“124. Thánh vịnh nào quá dài thường chia làm nhiều đoạn, như có ghi sẵn. Việc phân chia đó cho thấy rõ mỗi giờ kinh đều gồm ba thánh vịnh hoặc ba đoạn thánh vịnh, nhưng ý nghĩa của mỗi thánh vịnh vẫn không thay đổi.
“Nên giữ cách phân chia đó, nhất là khi cử hành chung bằng tiếng Latinh, và thêm Vinh tụng ca vào cuối mỗi đoạn.
“Nhưng, được phép đọc theo lối cổ truyền hay ngừng lại đôi chút giữa các phần trong cùng một thánh vịnh, hoặc đọc cả thánh vịnh cùng với điệp ca luôn một lúc từ đầu đến cuối.
“125. Ngoài ra, tùy thể văn, có thể chia thánh vịnh thành nhiều triệt, để sau mỗi triệt có thể lặp lại điệp ca, nhất là khi hát bằng tiếng bản xứ. Trong trường hợp này, chỉ cần đọc Vinh tụng ca ở cuối thánh vịnh” (Bản dịch, như trên)
Vì vậy, câu trả lời cho câu hỏi số 1 là thông thường linh mục hay phó tế chủ tọa sẽ chúc lành và giải tán cộng đoàn.
Tuy nhiên, trước hết trong một chủng viện, có thể xảy ra rằng có một lý do tốt để bỏ qua lời chúc lành sau cùng và giải tán cộng đoàn, trong khi có thể sử dụng một sự kết thúc tùy chọn. Lịch ngày của chủng viện thường bắt đầu bằng Giờ Kinh Sáng, sau đó các chủng sinh ở lại trong nhà nguyện để cầu nguyện riêng cho đến Thánh Lễ. Trong các trường hợp như vậy, có thể là không thích hợp cho việc linh mục chúc lành và giải tán cộng đoàn, bởi vì thật ra cộng đoàn còn ở lại, tham dự Thánh lễ và được chúc lành cùng giải tán cuối Thánh lễ nữa.
Đúng là có khả năng rằng Thánh Lễ được kết hợp với Giờ Kinh Sáng và Giờ Kinh Chiều, nhưng điều này nên được tiên liệu thỉnh thoảng diễn ra, chứ đừng theo một cơ sở hàng ngày hoặc thường xuyên.
Về câu hỏi thứ hai, chúng tôi có thể trả lời rằng vì đối với một giáo dân, việc đọc bất cứ Giờ Kinh Phụng Vụ nào là một sự tùy chọn, chứ không là bắt buộc, nên người ấy có thể chọn hoặc bỏ qua Giờ Kinh Giữa, hoặc đọc một trong ba Giờ Kinh Giữa, hoặc đọc cả ba Giờ Kinh Giữa cũng được.
Nếu một giáo dân làm lời khấn riêng tư, hoặc một hình thức cam kết cá nhân nào đó, chẳng hạn gia nhập một Dòng Ba hoặc một phong trào thiêng liêng, thì người ấy tuân giữ nghĩa vụ thiêng liêng được chọn một cách tự do, theo tập tục của Dòng Ba hoặc phọng trào ấy.
(Nguyễn Trọng Đa/ Zenit.org 26-5-2015)