Thừa tác viên có bái gối khi lấy bình thánh từ nhà tạm không?

Hỏi: Tại giáo xứ của tôi, chúng tôi vẫn đến nhà tạm, khi cộng đoàn đọc kinh “Lạy Chiên Thiên Chúa”, để lấy thêm bánh thánh, ngoài các bánh thánh đã được truyền phép trong Thánh lễ, nhằm đáp ứng đủ cho số người rước lễ. Đôi khi ba hoặc bốn Bình thánh đầy được đưa từ nhà tạm ra, và đặt trên bàn thờ. Sau khi thầy phó tế đặt các bình thánh lên bàn thờ, thầy bái gối, nhưng linh mục không bái gối. Linh mục đợi cho đến khi kinh “Lạy Chiên Thiên Chúa …” được hát hoặc đọc xong, mới bái gối. Ngoài hướng dẫn từ Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma là không sử dụng bánh thánh từ nhà tạm, liệu thầy phó tế bái gối vào lúc này có đúng không? (Tất nhiên thầy cũng bái gối khi mở hoặc đóng cửa nhà tạm.) – R. V., Chicago, Mỹ.

Đáp: Trước hết, người đọc của chúng tôi là chính xác khi nói rằng tốt nhất các tín hữu lãnh nhận các bánh thánh được truyền phép trong cùng một Thánh Lễ. Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma (GIRM), số 85, nói:

“Như chính vị tư tế buộc phải làm thì ước mong các tín hữu rước Mình Thánh Chúa với những bánh thánh được truyền phép ngay trong chính Thánh Lễ, và trong những trường hợp đã được trù liệu, họ cũng được rước Máu Thánh Chúa (x. số 283), để nhờ cả những dấu chỉ, họ thấy rõ việc hiệp lễ là tham dự vào hy lễ đang cử hành” (Bản dịch Việt Ngữ của linh mục PX Nguyễn Chí Cần, giáo phận Nha Trang).

Lẽ tất nhiên, thật là cần thiết để đổi các bánh thánh trong nhà tạm, và ít nhất trong một số trường hợp,các bánh thánh ấy được sử dụng để cho rước lễ.

Ngoài ra, có nhiều lần người ta khó đếm được số lượng bánh thánh cần có, do đó việc có sự lưu giữ bánh thánh trong nhà tạm là một điều cần thiết mục vụ.

Tuy nhiên, nó sẽ không là một câu trả lời đúng theo ước muốn của Giáo Hội, khi phần lớn bánh thánh thường được lấy ra từ nhà tạm.

Còn đối với câu hỏi chính xác, tôi có thể nói như sau: tập tục thông thường là bái gối, trước khi lấy và sau khi cất Mình Thánh Chúa trong một nơi đặc biệt. Tuy nhiên, việc bái gối có thể được bỏ qua một cách tự nhiên trong trường hợp trên, bởi vì Chúa Kitô đã thực sự hiện diện trên bàn thờ và dưới cả hai hình bánh và rượu.

Việc linh mục bái gối sau kinh “Lạy Chiên Thiên Chúa” là một hành động nghi thức của Thánh Lễ, và có liên quan đến việc ngài rước lễ. Việc bái gối này không hề liên quan gì đến sự hiện diện hoặc không hiện diện của bình thánh lấy từ nhà tạm ra và đặt trên bàn thờ.

Tôi cũng sẽ nói rằng nếu nhà tạm là trực tiếp ở phía sau bàn thờ và gần bàn thờ, thì thầy phó tế không nên bái gối trước khi lấy bình thánh cho rước lễ, vì Chúa Kitô đã hiện diện ngay sau thầy rồi. Nếu nhà tạm được để một bên hoặc trong một nhà nguyện riêng biệt, thì thầy bái gối trước khi lấy bình thánh từ nhà tạm.

Thầy sẽ bái gối trước khi đặt bình thánh vào nhà tạm sau phần rước lễ. Thầy cũng bái gối trước khi đóng cửa nhà tạm.


(Nguyễn Trọng Đa, Vietcatholic 26-9-2012)

Exit mobile version