Thư từ nhà xứ: Độc hành – Đời Linh mục con đi

GioanVianey - Thư từ nhà xứ: Độc hành - Đời Linh mục con đi

Rất nhiều người biết tứ thơ trên là ca từ của bàihát “Thương Một Người”, nói về sự cô đơn lẻ bóng của một thiếu nữ, từng bước chân lặng lẽ, âm thầm trong những đêm gió lạnh, không ánhtrăng: “Thương ai về xóm vắng đêm nay thiếu ánh trăng. Đôi vai gầy ướt mềm người lạnh lắm hay không”.

Như một sự tình cờ và rồi ngạc nhiên đến giật mình, người bạn của tôi khá là trí thức, thành đạt, mê âm nhạc, lại áp dụng bài hát trên đó cho các linh mục chúng tôi. Với anh, cô đơn là điều gì đó thật khủng khiếp. Ngày xưa anh đã từng đi tu nhưng chỉ sau hai tuần lễ là cuốn gói về nhà vì không chịu đựng nổi viễn cảnh phải sống một mình trong suốt cuộc đời. Mang tâm thức ấy theo gói hành trang về nhà rồi vào đời, anh luôn quý trọng và thích kết thân với các linh mục, cho dù có khi anh phải nuốt đi các trái ý phật lòng vì những người anh yêu thương đó xúc phạm đến anh cách này, cách khác. “Hình ảnh các linh mục lẻ loi trở về nhà xứ sau mỗi Thánh Lễ thấy thương quá, làm cho mình nhớ câu thương ai về ngõ vắng nên sẵn lòng vô chấp với khuyết điểm của các vị” – anh thật thà chia sẻ.

Cô đơn thật sự là khi bị lãng quên, bị chối từ hay bị phớt lờ. Người ta có thể cô đơn giữa giòng đời náo nhiệt, lạc lõng giữa phố thị ồn ào, hay lẻ loi giữa tiếng cười nắc nẻ. Người ta cô đơn ngay trong gia đình mình giữa cha mẹ, con cái hoặc với anh chị em; vợ chồng có thể cô đơn khi nằm chung trên cùng một tấm nệm: “đồng sàng dị mộng”. Cô đơn như thế, dù chỉ trong một khoảnh khắc, trong một thời gian nhất định, dù đã muốn dấu nhẹm trong tim, thì nó luôn chực nấc lên thành tiếng khóc, bật lên thành lời kinh. Cần lắm một bờ vai nương tựa, cần lắm một bàn tay sẻ chia.

Thanh vắng không phải là cô đơn. Trốn chạy sự ồn ào của phố thị, người ta tìm đến các nơi tĩnh lặng của miền quê, hay theo tiếng gọi của gió ngàn để đến với núi rừng. Nơi người ta có thể lặng người để chiêm ngắm lá hoa ngọn cỏ đang đùa vui với nắng vàng. Nơi người ta có thể thả hồn vi vu trên con diều nhỏ để được một lần bồng bềnh trên làn mây trắng giữa trời xanh.

Vậy có đúng là linh mục dễ cô đơn như anh bạn mến thương của tôi nghĩ không?

Phải chăng khi linh mục chúc bình an cho mọi người ra về sau mỗi Thánh Lễ, một mình lặng lẽ quay về nhà xứ như ai đó “về xóm vắng, trong đêm thiếu ánh trăng”, như ai đó “mùa thu úa trên môi, từng đêm qua ngõ tối”, để rồi cần đến lời thăm hỏi của trái tim “người lạnh lắm hay không”?

Trả lời cho câu hỏi này chắc chắn chỉ có từng linh mục biết. Riêng Michel Quoist thì đã nói rõ quan điểm của mình qua “Lời nguyện của linh mục chiều Chúa Nhật” được ai đó hoạ thơ như sau:

“Khi tia nắng cuối cùng còn vương vãi

Trên con đường đầy sỏi đá đi qua

Con cô đơn đi trong ánh chiều tà

Và bỗng thấy tâm hồn mình chìm lắng

Trong cô đơn của buổi chiều vắng lặng

Con nghe hồn một luyến tiếc xôn xao

Không biết xa xăm tự cõi trời nao

Vụt sống dậy trăm niềm đau chất ngất”[2]

Sẽ không là cô đơn khi xung quanh vắng lặng, nhưng biết rằng ở đâu đó có người đang nghĩ về mình, ở đâu đó có người đang mong chờ; Sẽ là rất ấm lòng dù một mình trong ngõ vắng đêm khuya, dù đôi vai gầy lẻ loi trong gió bấc bởi một lời ân cần sẻ chia “em lạnh lắm hay không”?

Cảm ơn người bạn quý vì tình thương của anh đối với các linh mục, vì tình cảm trong sáng của anh trước góc tối của đời độc thân. Cám ơn anh vì đã làm cho tôi nhớ ra thân phận mong manh của mình, các linh mục đâu là thần thánh. Bất chợt một lúc nào đó, trong cô quạnh của ánh tà dương “vụt sống dậy trăm niềm đau chất ngất”.

Nhưng Chúa biết con đâu là thần thánh

Để trọn đời không yếu đuối đam mê

Không chùm chân trong thất vọng ê chề

Khi cuộc sống đầy bạo đen dối trá

Có đôi lúc con tưởng mình gục ngã

Có đôi lần muốn tiêu cực buông xuôi

Chúa ở đâu con quay mặt rút lui

Muốn rẽ lối thu mình trong ốc đảo[3]

Trên hành trình hun hút này, các linh mục tìm gặp niềm vui với Chúa qua con người, đồng hành với con người. Họ dâng trọn đời cho Chúa bởi xác tín chỉ có Chúa mới đem lại niềm vui thoả các khát khao thầm kín và sâu lắng. Thế nhưng Chúa thì thiêng liêng cao cả, không thể đụng chạm, chẳng thể thấy để ngắm nhìn. Và sự giằng co nội tại âm ỉ này trở thành sự giằng xé tâm can liên lỉ trong suốt đời của họ. Vì thế đứng trước các đòi hỏi cao cả của thiên chức, linh mục cần biết bao nâng đỡ để có thể hiến dâng trọn vẹn tuổi xuân đầy sinh lực, hừng hực khí sống, cần thật nhiều cảm thông hầu không ngại tiếc nuối cho đi cả chính bản thân mình.

Đẹp thay trên đồi núi

bước chân người loan báo tin mừng, công bố bình an,

người loan tin hạnh phúc, công bố ơn cứu độ”[4]

Thương lắm bước chân về xóm vắng trong đêm thiếu ánh trăng, nhưng đẹp thay bước chân ai đó đi về sớm hôm không phải để vun đắp cho hạnh phúc riêng mình nhưng miệt mài cho tha nhân đồng loại.

Đẹp thay bước chân đơn côi từ nhà thờ đến nhà xứ bởi có Chúa đồng hành. Và cảm phục thay vẫn bước chân đó đến với anh em, đến với mọi người. Cảm phục biết bao bước chân đó đi vào các hang cùng ngỏ hẻm, vô các bệnh viện, trại phong, để đến với những người đáng thương nhất. Rồi trên hành trình dong duổi sớm trưa một mình ấy, nếu vô tình trong một chiều rất lạnh, tiếng ai đó hỏi rằng: “cha ơi, cha có cô đơn không?” Sẽ kiêu hãnh không ngần ngại đáp lời: “Mình ấy mà ngốc lắm. Rong ruổi khắp nẻo miền. Ngỡ rằng mình là gió. Thênh thênh bước độc hành. Vẫn cười từ đáy mắt. Xem đời là hư không”[5]

Linh mục Phêrô Nguyễn Đức Thắng

Chúa Nhật thứ I mùa Vọng 2015


[1] Trịnh Công Sơn, “Thương Một Người”

[2] Michel Quoist, “Lời Nguyện Của Linh Mục Chiều Chúa Nhật”

[3] Ibidem

[4] Isaia 52,7

[5] Bài thơ của người viết được tặng

Exit mobile version