Thư của Cha Geffroy Bửu, Thừa Sai Đông Đàng Trong

GiaHuu - Thư của Cha Geffroy Bửu, Thừa Sai Đông Đàng Trong
Nhà thờ Gia Hựu
Thập niên 60

Sàigòn, ngày 8 tháng Tám 1885

Miền truyền giáo Đông Đàng Trong hầu như bị xoá sạch. Bức điện tín mà tôi gởi cho quý vị hôm nay nhân danh Đức Cha Van Camelbeke chỉ nói đến 5 thừa sai và 10 ngàn giáo dân bị sát hại, đó là con số mà chúng tôi nắm chắc được, nhưng có lẽ số nạn nhân còn nhiều hơn nữa. Trong một hai tuần nữa quý vị sẽ nhận được các chi tiết mới.

Họ bắt đầu tàn sát và đốt phá ở Quảng Ngãi. Người văn thân ở đây rất đông và hiếu động, họ phẫn nộ từ hai tháng nay kể từ lúc kinh đô bị chiếm đóng. Quý vị đã biết rằng cha Poirier bị họ giết trước đó ít lâu. Hiển nhiên, việc chiếm đóng kinh thành Huế đã làm gia tăng cơn cuồng nộ của họ đối với người Âu châu. Họ nổi dậy, tổ chức cuộc phản loạn và chiếm thành Quảng Ngãi ngày 13 tháng Bảy (1885) vừa qua. Hôm sau, ngày 14, họ bắt đầu đốt phá các địa sở và sát hại giáo dân. Giáo xứ Văn Bân và Bàu Gốc lần lượt bị thất thủ kế tiếp nhau vào các ngày 14 và 15 tháng Bảy. Cha Poirier bị giết cùng với gần 250 giáo dân tại Bàu Gốc. Sau cuộc tàn sát này là hai ngày yên tĩnh. Các quan lại Bình Định và ông quan đảm trách người thượng ở Quảng Ngãi họp nhau lại gọi là để dẹp đám phản loạn. Họ chiếm lại thành và chém đầu khoảng mười lăm người. Đó chính là điều đã lừa phỉnh chúng ta …. Thật vậy, vì họ chém đầu mấy người văn thân làm loạn nên xem ra họ không có thông đồng gì với những người văn thân. Thế nhưng họ có thật sự chém đầu những người ấy hay không?

Xem ra có được nguồn thông tin chắc chắn, nhiều lương dân và giáo dân sau đó quả quyết rằng chuyện không thật sự xảy ra như vậy. Họ khẳng định với tôi rằng những thủ cấp mà người ta thấy bêu trên đầu ngọn giáo cắm quanh thành Quảng Ngãi là của những tù nhân xấu số bị hành quyết chỉ để đánh tráo và đánh lừa dư luận, trong khi đó thì những kẻ có tội thực sự vẫn còn cầm đầu nhóm văn thân, đi gieo sự huỷ diệt và chết chóc khắp nơi. Vì thế, chỉ hai ngày sau khi sát hại cha Poirier, nhóm văn thân bắt đầu đốt phá địa hạt của cha Guégan.

Các quan lại ở Bình Định và vị quan nhỏ (Tiễu Phủ *), ông quan đảm trách vùng người thượng, đã tường trình và thông tri khắp nơi rằng cuộc nổi loạn đã bị dẹp tan, trật tự được vãn hồi và chính quyền bình thường được tái lập.

Hằng ngày họ phát lệnh cho các xã trưởng và trưởng làng phải gìn giữ trật tự. Những người ngoại giáo có uy thế cũng được chính thức giao nhiệm vụ giúp các trưởng làng để ổn định hoà bình. Đồng thời cũng chính các quan lại này thông báo về kinh đô những tin tức tốt đẹp. Họ nói: “Tất cả đều bình yên, cũng có xáo trộn đôi chút nhưng giờ thì đã hoàn toàn ổn định trật tự”.

Đó là đường lối công khai của họ. Từ Quảng Ngãi, chính sách này lan sang Bình Định, Phú Yên và các tỉnh thành khác. Chẳng phải là người ta nghe chính miệng các quan rêu rao điều ấy sao? Những lời cam kết hoà bình, thậm chí những lời phàn nàn cho rằng chỉ là do giáo dân sợ hãi quá mà thôi.

Họ nói: “Chúng tôi bảo đảm với các ông rằng sẽ không có chuyện gì xấu xảy ra nữa; cứ an tâm ở yên trong nhà, không còn mất trật tự nữa đâu!”

Ở Bình Định, quan tỉnh gởi ông quan tứ phẩm (Thương Biện) đi khắp các trung tâm Công giáo lớn, gặp gỡ với các giám mục và thừa sai, vẽ nên một thế giới tốt đẹp, đến nỗi người ta tin tưởng vào tình cảm của họ dành cho chúng ta.

Đấy chỉ là cách làm bề mặt; thế nhưng họ ngấm ngầm tổ chức các nhân sĩ để thi hành một âm mưu hãm hại những người Kitô giáo một cách chắc chắn và nhanh chóng hơn. Bằng ngôn ngữ bóng bẩy, họ kháo với nhau rằng: “Sau khi diệt sạch bọn Pháp trên mặt đất, chúng ta sẽ đuổi bọn Pháp ra khỏi biển”.

Như thế, những giáo dân trong hạt của tôi vừa mới thoát khỏi cuộc tàn sát đã khẳng định với tôi rằng ông quan lớn này khi đi đây đó để rêu rao về hoà bình đã thấy rằng địa sở Gia Hựu của tôi quá kiên cố nên ông đã quay trở lại thành lấy thêm voi trận, mượn cớ là để chận đứng cuộc tiến quân của phiến quân ở Quảng Ngãi nhưng thật ra ông dùng để phá huỷ địa sở của tôi.

Thời gian thực hiện ý đồ đã đến, các ông quan lớn đã giả dối đến độ vờ như mình bị vây hãm trong thành, rằng họ lấy làm tiếc về sự bất hạnh của các giáo dân chứ nếu không thì họ đã đem lực lượng đến để bảo vệ giáo dân chống lại loạn quân. Trước cuộc tấn công, để đánh lừa giáo dân, họ hứa giữ gìn trật tự và ổn định; trong cuộc tấn công chớp nhoáng, họ cho rằng mình bất lực không thể tiểu trừ đám phiến quân; trước, đang khi và sau cuộc tấn công, họ báo về kinh đô những tin tức trấn an để đánh lừa chính quyền Pháp; nhưng không thể nào cho rằng ông Nguyễn Văn Tường không hay biết gì về tình hình thật sự.
…….

Việc người Pháp chiếm đóng kinh thành Huế đã gây khích động mạnh mẽ trong khắp xứ. Điều gây căm phẫn cho các quan lại và các nhân sĩ chính là lệnh của quan Nguyễn Văn Tường và vị chỉ huy binh lính (Nguyên Soái) là phải giải giới mọi tỉnh thành. Đại bác và súng ống etc…phải đem về kinh đô bằng đường biển. Các nhân sĩ đã đến tận nhà tôi, dĩ nhiên với ý định do thám, đã nói với tôi về lệnh này và cho đó là sự bất công về phía người Pháp vì đã đối xử với đất nước của họ như một đất nước bị trị trước khi bị khuất phục.

Ở tỉnh Quảng Ngãi, địa sở cuối cùng về hướng Nam, gần với địa hạt của tôi nhất, cũng vừa bị thất thủ. 40 địa sở nay không còn một nơi nào đứng vững; 3 thừa sai và hơn 6.000 giáo dân đã bị thảm sát ở đấy. Các nhà thờ, nhà chung, nhà giáo dân đều bị cướp bóc, phá sập rồi bị thiêu huỷ. Bão nổi lên rồi và chắc chắn tỉnh Bình Định cũng sắp bị tấn công.

Ngày 24 tháng Bảy, khoảng 4 giờ sáng, tôi đánh lừa được sự canh chừng nghiêm nhặt của mấy đám gác rải đều dọc bờ biển và lên một chiếc thuyền ẩm ướt của người Annam neo đậu ngoài cảng Tam Quan. Giờ phút này tôi không thể kể hết những nổi nhọc nhằn trên đường đi; 8 ngày sau tôi ra được đến Huế và gặp cha Lacassagne đã đến đấy trước tôi vài ngày.

Ngày 1 tháng Tám, toà công sứ nói với tôi rằng ông quan Nguyễn Văn Tường đã nhận được tin tức về các tỉnh phía Nam đại khái như sau. Ở Quảng Ngãi có biến động, có 2 thừa sai và một vài giáo dân bị thảm sát; nhưng cho đến nay trật tự đã hoàn toàn được lập lại. Các tri phủ, tri huyện chịu trách nhiệm về mọi biến động từ này về sau etc… Chúng tôi chỉ việc an tâm trở về, sẽ không có bất cứ điều xấu nào xảy ra nữa.

Ngày 3 tháng Tám, chúng tôi lên thuyền buôn Saigon để trở về Qui Nhơn và khi đi ngang qua Đà Nẵng thì gặp được cha Maillard. Ở Quảng Nam, nhóm văn thân đe doạ mạnh mẽ nhưng vẫn chưa động tĩnh gì. Sáng thứ Tư ngày 5, chúng tôi nhìn thấy Gia Hựu trước mắt; thử nghĩ tôi đau đớn biết chừng nào khi từ trên tàu nhìn thấy các địa sở trong hạt của tôi ngập chìm trong khói lửa!

Vài giờ sau, chúng tôi vào cảng Qui Nhơn: Toà giám mục và trường Làng Sông biến thành đám cháy lớn, mấy địa sở chung quanh cũng bị đốt cháy. Trên bãi biển đầy giáo dân, hơn 8.000 người tị nạn chen chúc nhau quanh khu nhượng địa.

Đức cha và hơn chục linh mục đồng sự của tôi cũng ở đấy. Họ lo lắng chờ đợi chúng tôi trở về. Trong đêm, bầu trời rực lửa, cả chục đám cháy chiếu sáng một góc trời trong bán kính khoảng 8 đến 12 cây số …

Đức cha Van Camelbeke sai tôi cùng với bốn thừa sai khác đi Sàigòn để mua gạo về nuôi 8.000 người tị nạn ở Qui Nhơn, họ đã chẳng có gì ăn trong mấy ngày qua; trong cơn ly loạn, họ không thể nào cứu vớt tài sản của mình. Chúng tôi nghỉ đêm bên cạnh đức cha và ngày hôm sau lên thuyền vận tải đi Sàigòn.

Khi tàu đi ngang qua tỉnh Phú Yên, chúng tôi có thể thấy được các địa sở nằm gần bờ biển đang bị ngọn lửa ngấu nghiến. Điều đó chứng minh rằng lệnh trên đã ban ra và người ta gấp rút thi hành.

Khi ngang qua Khánh Hoà, chúng tôi không nhận thấy gì vì các địa sở nằm cách xa bờ biển, vả lại lúc này gió bão đã che khuất tầm nhìn. Cũng không có tin tức gì từ tỉnh Bình Thuận, thế nhưng tất cả những điều đó càng khiến tôi nghi ngờ rằng nếu hai tỉnh này được chừa ra cho đến ngày 6 tháng Tám là vì ở đấy đã bị rồi hoặc sắp trở thành nạn nhân của cùng cơn thịnh nộ.

Tôi xin kết thúc bức thư dài này tại đây; tôi không thể nói gì chính xác hơn về cái chết của các đồng sự thân yêu và về các cuộc thảm sát vừa qua. Trong khoảng hai tuần tới đây, Đức cha Van Camelbeke sẽ có nhiều thông tin hơn, chừng đó ngài sẽ có bổn phận báo cáo cho quý vị những chi tiết rõ ràng hơn. Tất cả những gì mà ta có thể xác quyết vào lúc này là giáo miền đã bị phá huỷ, toà giám mục, hai chủng viện, các cô nhi viện, các tu viện ở Quảng Ngãi và Bình Định, cộng với một trăm nhà thờ và địa sở đã hoàn toàn bị san bằng.

Thảm hoạ mặc lòng, bổn phận của chúng tôi ngày càng chồng chất và nặng nề thêm lên. Hôm nay phải nuôi sống 8.000 người, ngày mai có thể sẽ thêm lên mấy ngàn người nữa, và cũng không thể thấy trước được chừng nào mới chấm dứt tình trạng bất hạnh này, khi nào hoà bình được tái lập. Vì vậy, cũng không thể biết được lúc nào giáo dân có thể trở về quê quán, xây dựng lại nhà cửa và làm việc để có miếng cơm hàng ngày.

Thế nên Đức cha Van Camelbeke xin quý vị cầu nguyện cho miền truyền giáo bất hạnh của chúng tôi cũng như kêu gọi lòng bác ái của các tín hữu để cấp thời trợ giúp chúng tôi đáp ứng nhu cầu khẩn thiết cho những giáo dân tội nghiệp của chúng tôi.

chuyển ngữ
Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính


*Tiễu phủ: Theo Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh thì Tiễu phủ sứ là “chức quan ngày xưa, có trách nhiệm vừa dẹp giặc, vừa phủ ủy nhân dân”. Vào năm 1863, người dân tộc ở Quảng Ngãi nổi loạn và các quan ở đây không dẹp được, ông Thự án sát tỉnh Thái Nguyên là Nguyễn Tấn đã xin đảm nhận trọng trách này. Vua Tự Đức chuẩn nhận và phong cho ông làm “Tiễu phủ sứ”. Đây là nguồn gốc của chức quan “Tiễu phủ” và Nguyễn Tấn là vị “Tiễu phủ sứ” đầu tiên. (Chú thích của Người dịch)

(WGP.Qui Nhơn 11.05.2015)

Exit mobile version