Tiếng Hoa thì đăng đúng tên của ngài là 單國璽, tiếng Tây người ta cứ đăng tên của ngài theo phiêm âm là Paul Shan Kuo-Hsi, riêng tiếng Việt lại có vấn đề.
ĐHY Phaolô Thiện Quốc Tỷ (03/12/1923-22/08/2012)
Hầu hết các trang tin tiếng Việt điều dịch là Đan Quốc Tỷ, cũng có người dịch nhầm là Thiền Quốc Tỷ. Dòng Tên Việt Nam lập tứcđưa ra ý kiến nên dịch là Thiện Quốc Tỷ (có giải thích). Nhưng vẫn có người không chấp nhận. Vậy chữ 單phải dịch ra tiếng Việt thếnào, trong trường hợp dùng chỉ họ tên, địa danh… có khác với các trường hợp thông thường hay không?
1.Tính phức tạp của chữ Hoa
1.1.Cách viết không thống nhất. ChữHoa có 2 loại chữ: phồn thể và giản thể, như chữ單 (đan)chúng ta đang bàn, cách viết phồn thể là單, còn giản thể là单. Chữ này khác biệt không nhiều, có những chữ khác xa một trời một vực, như chữ 廣(quảng), phồn thể là廣, giản thể là广, hay chữ 厰 (xưởng), phồn thể là厰, giản thể là厂.Liên Hợp Quốc nhìn nhận chữ giản thể là chữ chính thức, nhưng ngoài Trung Quốc và Singapore, hầu hết các vùng người Hoa khác đều dùng phồn thể. Bộ Giáo dục Việt Nam quy định các học sinh ở trường nếu có học chữ Hoa, thì học giản thể, nhưng ngoài xã hội và cả báo Sài Gòn Giải Phóng bản tiếng Hoa, lại dùng phồn thể, nên các em học chữ Hoa ở trường không thể đọc báo.
1.2.Một âm có nhiều chữ. Chữ Hoa có khi cùng một âm có nhiều chữ, ví dụ chữ đan mà chúng ta đang bàn đến, có 6 chữ. 丹, 單 (单), 襌 (褝), 鄲 (郸), 砃, 癉 (瘅), mỗi chữ có một nghĩa khác. Đối với những người học chữ Hoa bằng cách phiên âm, hay như tiếng Việt, gây rất nhiều khó khăn, vì không thể phân biệt được chữ nào.
1.3.Một chữcó nhiều âm. Chữ Hoa có khi một chữ có nhiều âm. Dùng vào loại từ khác nhau, đôi khi lại có âm khác nhau. Như chữ chúng tađang bàn單, trong tiếng Phổ Thông, có 3 âm, là dān, shàn, chán. Hay như chữ 好 (hảo), có 2 âm: hǎo, hào, khi tạo thành từ, cùng chữ, cũng không biết phải đọc thế nào, mà phải coi hết cả mạch văn. Ví du: 不好, nếu là tĩnh từ thì đọc là bất hảo, như:trà bất hảo (trà không tốt). Nếu là động từ thì đọc là hiếu, háo, như bất hiếu trà (không thích trà). Đây chính là vấn đề rất khó khăn cho người học tiếng Hoa.
2.Âmvà nghĩa của chữ 單
Chữ單 trong tiếng Hoa có 3 âm: dān, shàn, chán. Khi dùng như danh từ, động từ, tĩnh từ và phó từ thì đọc làdān; dùng để xưng vua của Hung Nô hay những lãnh tụkhông phải dân tộc Hán, thì đọc là chán. Nhưng dịch ra tiếng Việt thì phải đọc thế nào, đã có người nói họ tên của Đức Hồng y Đài Loan trong bản tiếng Anh là Shan Kuo-Hsi, tiếng Việt là Đan Quốc Tỷ thì đúng rồi. Làm sao biết tiếng dān Việt ngữ phải đọc thế nào, rồi shàn và chán nữa nên đọc thế nào?
Năm 2005, khi tôi viết bài“Mân côi, môi côi…”, có giải thích về việc này, nay xin mạn phép nhắc lại.
Chữ Hán-Việt bắt nguồn từ chữHoa (chữ Hán) do đó khi phát âm phải căn cứ theo chữ Hoa. Chữ Hoa đã có mấy ngàn năm nay, là lối chữ biểu ý, không có phiên âm, vậy làm sao phát âm? Chính vì thế, thời xưa, người Trung Quốc nhiều khi hiểu ý của chữ mà đọc âm chữ chưa đúng. Vì thế, vua Khang Hy, Nhà Thanh, mới cho triệu tập tất cả các văn sĩ tài ba trong cả nước biên soạn một cuốn tự điển, ghi rõ cách phát âm của chữ Hoa, và đãđược xuất bản vào năm thứ 55 triều Khang Hy (tức năm 1716) có tên gọi là KHANG HY TỰ ĐIỂN. Từ đó, cách phát âm của chữ Hoa đều căn cứ vào Khang Hy Tự điển.
Cách phiên âm của Khang Hy Tự điển gọi là phiên thiết. Xin lược dẫn như sau:
Muốn xác định cách phát âm của một chữ phải dùng 2 phần ghép lại, gọi là định âm (định vần) và định thinh (định dấu):
1. Định âm bằng cách: Lấyâm khởi đầu của chữ trước đọc nối liền lại với vần của chữ sau.
2. Định thinh bằng cách: Lấy thinh của chữ trước định bực thinh và thinh của chữ sau định loại thinh.
Có 2 bực thinh và 4 loại thinh liên hệ với nhau như sau:
Bực thinh | Loại thinh | |||
Bình | Thượng | Khứ | Nhập (*) | |
Thanh | Dấu ngang | Dấu hỏi | Dấu sắc | Dấu sắc |
Trọc | Dấu huyền | Dấu ngã | Dấu nặng | Dấu nặng |
(*) Thinh nhập là thinh kết thúc bằng vần p, t, k
Ngoài những quy luật phiên thiết trên, người ta còn thêm một chữ cùng âm của chữ đang phiên thiết, để giúp những người không quen phiên thiết cũng có thể đọc được chữ đó.
2.1. Âm của chữ 單
Chữ 單có 3 âm đọc như đã nói: dān, shàn, chán. Căn cứ vào những luật trên, chúng ta thử xem chữ 單phải đọc thế nào.
–Theo Khang Hy tự điển [1]
Dān: Phiên thiết của âm dān là 都寒đô + hàn.
Định Âm:Âm khởi đầu của chữ đô là đ; vận của chữ hàn là an; lấy âm khởi đầu của chữ trước với vận của chữ sau, đọc nối liền lại thành đan.
Định thinh: Chữ đô (dấu ngang) thuộc bực thinh là thanh, chữ hàn (dấu huyền), thuộc loại thinh là bình, như vậy thinh của chữ單(đan) là thanh bình (dấu ngang), đọc đan.
Shàn: Phiên thiết của âm shàn là 上演thượng + diễn, thuộc thanh trọc thượng, phải đọc thiễn, nhưng vì chữ cùng âm là 善(thiện), nên tiếng Việt đọc là thiện.
Chán: Phiên thiết của âm chán là 巿連thị +liên, thuộc thanh trọc bình, chữ cùng âm là蟬 (thiền) hay善 (thiện), tiếng Việt âm theo chữ 蟬là thiền.
– Theo Từ Hải [2] và Từ Nguyên
Dān:Phiên thiết là 德安 đức + an = đan.
Shàn: Phiên thiết là 市演thị + diễn = thiễn, nhưng chữ cùng âm là善 (thiện), nên tiếng Việt vẫn đọc là thiện.
Chán: Phiên thiết là 時延thời + diên = thiền.
Cách đọc âm của chữ單hơi khó cho người Việt, nên không phải từ điển tiếng Việt nào cũng có hết mấy âm đọc này. Cuốn Dictionary Vietnmese Chinois Français [3] chỉ có âm thiền. Từ Điển Trung Việt [4] chỉ có hai âm đan và thuyền. Hán Việt Tân Từ điển [5] chỉ có 2 âm đan và thiền. Hán Việt Từ điển [6] có âm đan,thiền hay thiện. Giúp đọc Nôm và Hán Việt [7] có 3 âm đan, thiền và thuyền, không có âm thiện. Chỉ có 2 quyển từ điển sau đây có đủ 3 âm đan, thiền và thiện: Hán Việt Tự điển của Thiều Chửu [8] và Từ điển Hán Việt của Phan Văn Các [9].
Từ những từ điển có trong tay cho thấy, không phải ai cũng biết chữ單có nhiều âm.
Trong tiếng Việt, âm đancòn đọc đơn, có lẽ do đọc trại. Còn riêng âm “thuyền”, có lẽ từ sai lầm của người dịch Tam Quốc Chí, vì trong truyện có một nhân vật tên là 貂蟬 (Điêu Thiền), bản tiếng Việt dịch là Điêu Thuyền. Do đó, đến bây giờ người Việt hầu như chỉ biết tên của mỹ nhân đó là Điêu Thuyền mà thôi. Chính người Hoa cũng hay viết nhầm tên của nàng là貂嬋 (Thuyền嬋, bộ nữ 女), thay vì viết đúng là 貂蟬 (Thiền 蟬, bộ huỷ虫), (cũng có người viết nhầm họ của nàng là điêu này: 刁) Chữ 蟬 (bộ huỷ虫), theo phiên thiết là thiền, còn chữ嬋 (bộnữ 女) thì đọc là thiền hay thuyền. Vậy, người dịch Tam Quốc Chí rõ ràng đọc lộn chữ蟬 (thiền bộhuỷ) thành嬋 (thuyền, thiền bộ nữ), nên Điêu Thiền bị cải tên thành Điêu Thuyền. Hậu quả là có một số tự điển cũng ngộ nhận chữ蟬 (thiền bộ huỷ) đọc là thuyền.
2.2. Nghĩa của chữ 單
Chữ 單hơi đặc biệt, khi âm đọc khác thì nghĩa cũng khác.
Các từ điển đều có chữ đan, cách giải nghĩa cũng gần giống nhau: Đan (đơn) có nghĩa dt. (1) Tờ kê: Thái đan (thực đơn). (2) Tấm vải: Sàng đan (vải trải giường). (3) Giường ngồi của thầy tu trong thiền đường. (4) Tiêu chuẩn tính nặng nhẹ, dài ngắn và số lượng của vật thể: Đơn vị. đt. (5) Tận lực. tt. (6) Cô đơn: Hình đan ảnh chích (hình đơn bóng lẻ). (7) Mỏng manh, yếu ớt, ít ỏi: Đan độc, (8) Không phức tạp: Giản đan minh liễu(giản dị dễ hiểu) (9) Mang số lẻ: Đan nhật(ngày lẻ). (10) Áo có một lớp vải: Đan y(áo đơn). pht. (11) Không chỉ: Bất đan (không những). (11) Chỉ: Đan thuyết bất tố (chỉ nói không làm). (12) Độc nhất: Đan đả độc đấu (mộtđánh với một).
Những từ điển có đủ ba âm đều giải nghĩa thiền và thiện giống nhau, như Thiều Chửu, Từ điển Hán Việt và Quốc Ngữ Hoạt Dụng Từ điển [10]:
– Thiền: dt. Vua nước Hung-nô: Thiền Vu.
– Thiện: dt. Họ Thiện: Thiện An Nhân (người thuộc thời triều Minh).
Kết luận
Vậy, rõ ràng ĐHY Shan Kuo-Hsi chỉ có một cách dịch là Thiện Quốc Tỷ.Truyền thông hiện nay phát triển rất nhanh, có tầm ảnh hưởng lớn, những người phụ trách truyền thông cần có tinh thần trách nhiệm, nhất là giới truyền thông mang danh nghĩa của Hội Thánh, càng phải rất cẩn thận trong việc đưa tin những nhân vật của Giáo Hội.
——————-
[1] Nhà Xuất bản Hán Ngữ Đại Từ Điển, tháng 5/2002, tr. 128.
[2] Từ Hải của Đài Loan: Nhà xuất bản Đài Loan Trung Hoa Thư Cuộc, thang 12/1972, tr. 612, Từ Hải của Trung Quốc: Nhà xuất bản Thượng Hải Từ Thư, năm 1999 (bản thu nhỏ), tr. 173, 1457 và Từ Nguyên của Trung Quốc: Thượng Hải Thương Vụ Ấn Thư Quán, tháng 5/1935, tr. 89.
[3] Eugène Qouin, des Missions Étrangères de Paris, 1957, in tại Saigon, tr. 1368.
[4] Văn Tân, NXB Sự Thật, năm 1956, tr. 200-201.
[5] Nguyễn Quốc Hùng, NXB Khai Trí, năm 1975, tr. 230, 716.
[6] Thương Vu Ấn Thư Quán, Bắc Kinh, 1994, tr.120, 587.
[7] Lm. Antôn Trần Văn Kiêm, NXB Đà Nẵng, năm 2004, tr. 372.
[8] NXB TP. HCM, tháng 6/1993, tr. 95.
[9] Phan Văn Các chủ biên, NXB. Tp. HCM., tháng 9/2002, tr. 170, 305, 1244.
[10] Châu Hà chủ biên, Đài Loan, 2004, tr. 351.