Thiên Chúa viếng thăm Dân Ngài

Cuộc đời con người trên dương thế là những chuỗi ngày kết tụ bằng hạnh phúc và đau khổ, đoàn tụ và ly tán, yêu thương và ghen ghét, tha thứ và hận thù… Con người chỉ hoàn toàn hạnh phúc, vui mừng, và bình an khi con người biết ăn năn trở lại và hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa, như tình trạng vô tư nguyên thủy khi con người chưa biết đến tội lỗi. Khi phải sống lưu đày xa Thiên Chúa, cả Thiên Chúa và con người đều đau khổ; vì Ngài dựng nên con người để chung hưởng tình yêu và hạnh phúc với Ngài.

Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong niềm vui mừng khi con người được Thiên Chúa đến viếng thăm. Trong Bài Đọc I, Sách Diễm Tình Ca mô tả nỗi vui mừng và sung sướng khi một người con gái được tình quân tới viếng thăm. Trong Cựu Ước, nhiều tác giả đã so sánh mối liên hệ giữa Thiên Chúa và con người nóng bỏng và mật thiết như tình yêu giữa hai vợ chồng: Thiên Chúa là chồng và Israel là vợ (x/c Hos 1-3, Isa 62:5, Jer 3:1-10, Eze 16, 23). Sự bội phản của con người được ví như một người làm điếm, nhưng Thiên Chúa sẵn sàng tha thứ và không ngừng tìm kiếm đưa con người trở lại với tình yêu ban đầu. Trong Phúc Âm, thánh sử Luca tường thuật sự thăm viếng độc nhất vô nhị Thiên Chúa dành cho con người: bề ngoài là cuộc thăm viếng của Đức Mẹ dành cho người chị họ Elisabeth, bề trong là cuộc gặp gỡ giữa Đấng Thiên Sai và Dân Ngài, được tượng trưng qua sự hiện diện Gioan Tẩy Giả, người tiên tri cuối cùng của Cựu Ước.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: “Dậy đi em, bạn tình của anh, người đẹp của anh, hãy ra đây nào!”

1.1/ Cuộc hò hẹn của hai con người đang yêu nhau: Khi đang yêu, đôi bạn muốn thường xuyên ở bên nhau để được nhìn thấy và nghe tiếng của nhau. Trình thuật hôm nay nói lên nỗi vui mừng của người con gái khi chờ đợi người yêu đến viếng thăm: “Tiếng người tôi yêu văng vẳng đâu đây, kìa chàng đang tới, nhảy nhót trên đồi, tung tăng trên núi. Người yêu của tôi chẳng khác gì linh dương, tựa hồ chú nai nhỏ.”

1.2/ Nỗi đau khổ khi hai người phải xa nhau và niềm vui khi được xum họp.

(1) Nỗi đau khổ và nhớ thương khi phải chờ đợi người yêu một thời gian dài: Tác giả diễn tả nỗi đau khổ một cách vắn gọn: “Tiết đông giá lạnh đã qua, mùa mưa đã dứt, đã xa lắm rồi.” Mùa Đông tượng trưng cho sự chờ đợi dai dẳng, lạnh lẽo, và đau buồn. Người con gái mong chờ cho những ngày mùa Đông chấm dứt để gặp mặt người yêu. Đây cũng là tâm trạng của con người khi phải lưu đày và sống xa Thiên Chúa: con người phải làm lụng vất vả và phải chịu đựng mọi đau khổ, vì không còn được sống trong vòng tay yêu thương và bảo vệ của Thiên Chúa. Con người mong được Thiên Chúa ghé mắt nhìn đến và ra tay giải thoát. Thiên Chúa cũng chẳng vui sướng gì khi phải lìa xa con người. Ngài luôn tìm mọi dịp để hoán cải và đưa con người trở về.

(2) Niềm vui và hạnh phúc khi hai người được xum họp: Khi mùa Đông lạnh giá qua là mùa Xuân nắng ấm tới. Lòng người con gái vui mừng vì sắp được gặp lại người yêu. Trời đất và các tạo vật cũng thay đổi như cùng chung vui với sự trùng phùng của hai người: “Sơn hà nở rộ hoa tươi và mùa ca hát vang trời về đây. Tiếng chim gáy văng vẳng trên khắp đồng quê ta. Vả kia đã kết trái non, vườn nho hoa nở hương thơm ngạt ngào.” Nỗi mong muốn được gặp mặt và nghe tiếng của nhau sau bao năm trường xa cách được biểu tỏ qua lời yêu thương của tình quân nói với người yêu: “Dậy đi em, bạn tình của anh, người đẹp của anh, hãy ra đây nào! Bồ câu của anh ơi, em ẩn trong hốc đá, trong vách núi cheo leo. Nào, cho anh thấy mặt, nào, cho anh nghe tiếng, vì tiếng em ngọt ngào và mặt em duyên dáng.”

2/ Phúc Âm: “Tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng.”

2.1/ Mẹ Maria lên đường thăm viếng chị họ Elisabeth: ”Hồi ấy, bà Maria vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Judah. Bà vào nhà ông Zachariah và chào hỏi bà Elisabeth.” Nhìn bề mặt, đó là cuộc thăm viếng giữa con người với con người; nhưng nhìn bề trong, đó là cuộc thăm viếng của Thiên Chúa dành cho con người. Đây là cuộc thăm viếng có tính cách lịch sử, vì Thiên Chúa đã chuẩn bị biến cố này lâu năm, ngay từ khi con người sa ngã trong vườn Địa Đàng. Con người khao khát cuộc thăm viếng này; vì nhờ nó, con người được Thiên Chúa đổi vận mạng: từ chỗ phải chết đến chỗ sống muôn đời, từ chỗ bị lưu đày đến chỗ được vào Đất Hứa, từ chỗ phải xa cách Thiên Chúa đến chỗ được đoàn tụ với Ngài muôn đời.

Bà Elisabeth có được hai niềm vui lớn: Thứ nhất, Bà phải chịu cảnh góa bụa đau khổ và tai tiếng của người đời sau bao năm không có con; nhưng Thiên Chúa đã thay đổi cuộc đời Bà, cho Bà được mang thai Gioan Tẩy Giả trong lúc cả hai ông bà đã quá tuổi sinh con. Thứ hai, Bà được Mẹ Thiên Chúa tới viếng thăm, vì Người Con Mẹ Maria sắp sửa sinh ra sẽ mang lại ơn cứu độ cho Bà và cho muôn người.

2.2/ Chúa Giêsu thăm viếng Gioan Tẩy Giả.

(1) Bà Elisabeth nhận ra Người Con Maria đang mang trong lòng là Đấng Cứu Thế: Điều kỳ lạ là Mẹ Maria chưa nói lời gì với Bà Elisabeth cả; trình thuật chỉ nói: “Khi Bà Elisabeth vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng và nói rằng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?” Nguyên do của việc nhận ra là sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong Bà Elisabeth và Gioan Tẩy Giả nhảy mừng. Thánh Thần là Thần Sự Thật, Ngài giúp cho cả hai mẹ con Bà Elisabeth nhận ra Đấng Thiên Sai. Bà Elisabeth và Gioan Tẩy Giả tượng trưng cho gia đình nhân loại trong Cựu Ước, vui mừng khi được Đấng Thiên Sai đến viếng thăm. Bà Elisabeth biết rõ lý do tại sao Đức Mẹ thật có phúc: “vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.”

(3) Gieo trong đau thương sẽ gặt trong vui mừng: Hai người đàn bà vui mừng vì hai người con sắp được sinh ra là Chúa Giêsu và Gioan Tẩy Giả; nhưng đau khổ và chia ly chẳng bao lâu sẽ xảy ra không những cho Chúa Giêsu và Gioan Tẩy Giả mà còn cho hai bà mẹ. Tại sao Thiên Chúa yêu thương lại để những đau khổ và chia ly xảy ra trong cuộc đời chúng ta? Có lẽ câu hỏi chúng ta phải đặt lại: Tại sao chúng ta lại nhẫn tâm khinh thường tình yêu Thiên Chúa, cha mẹ, và những người đã yêu thương chúng ta trong cuộc đời? Tại sao chúng ta không quan tâm đến những lo lắng và đau khổ của họ? Khi chúng ta tìm được câu trả lời này, chúng ta đã hiểu được mầu nhiệm của tình yêu và của đau khổ. Chúng ta phải tuyệt đối tin tưởng vào Thiên Chúa: những đau khổ, chia ly, than khóc trên đời này chỉ tạm thời chóng qua; khi được về với Thiên Chúa, mọi đau khổ và ly tan sẽ chấm dứt.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Thiên Chúa yêu thương con người, Ngài đau khổ khi chúng ta sống xa cách Ngài; và mừng rỡ nhảy mừng khi chúng ta quay trở lại với Ngài. Đau khổ xảy ra khi chúng ta khinh thường tình yêu của Thiên Chúa, của cha mẹ, và của tha nhân dành cho chúng ta; niềm vui có được khi chúng ta biết nhận ra và trân quí những tình yêu đó.

– Khi xa Thiên Chúa, con người chìm đắm trong đau khổ và làm nô lệ cho tội lỗi; khi trở về với Ngài, con người được bình an, hạnh phúc, và phục hồi mọi sự đã mất. Một khi đã trở về với Thiên Chúa, chúng ta hãy sống kết hiệp mật thiết với Ngài, để đừng bao giờ lìa xa Ngài nữa. Chúng ta hãy thưa với Ngài: Emmanuel! Xin Chúa hãy ở với con luôn mãi.

Anthony Đinh Minh Tiên, OP

Exit mobile version