Bài đọc:I Cor 1:1-9; Mt 24:42-51.
Có một câu chuyện nhỏ thuật lại cuộc đối thoại giữa thánh Gioan Bosco và các em nhỏ như sau: Một hôm cha hỏi: “Nếu bây giờ Chúa gọi các em về thì các em sẽ làm gì?” Một em bảo: “Con sẽ vào nhà thờ kiếm cha để xưng tội.” Em khác bảo: “Con sẽ về từ giã cha mẹ.” Sau cùng, có một em trả lời: “Con vẫn tiếp tục làm những gì con đang làm.” Cha xoa đầu và khen em bé thật khôn ngoan. Để có thể trả lời như thế, em bé phải rất tự tin vào những gì em đã sống.
Các bài đọc hôm nay muốn nêu bật thái độ tự tin mà một người tín hữu phải có khi sống trong cuộc đời. Trong bài đọc I, thánh Phaolô muốn xác tín với các tín hữu Corintô Thiên Chúa đã trang bị cho họ mọi sự cần thiết trong cuộc đời để họ có thể đạt được đích điểm mà Ngài đã tiền định cho họ như: Giáo-hội, Lời Chúa, ơn thánh, các mạc khải. Họ chỉ cần mở lòng tiếp nhận và vâng lời làm theo những gì Ngài dạy. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu kể một câu truyện để nói lên hai thái độ người môn đệ có thể rơi vào: Anh có thể có thái độ luôn trung tín và sẵn sàng chờ đợi chủ, hay có thể có thái độ lười biếng vì nghĩ ông chủ còn lâu mới trở lại. Thái độ thứ nhất là thái độ Chúa Giêsu muốn các môn đệ của Ngài phải sống.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Liệt kê những hành trang Chúa trao ban cho con người: Giáo Hội, Lời Chúa, ân sủng, và mục đích của cuộc đời.
(1) Giáo Hội: Tuy Chúa Giêsu không còn hiện diện bằng thân xác hữu hình, nhưng Ngài vẫn ở với con người bằng những cách vô hình. Một trong những cách này là sự hiện diện của Ngài trong Giáo Hội, nơi các Tông Đồ và những người kế vị các ngài. Ngài không chỉ hiện diện trong Giáo Hội hòan vũ mà còn nơi các giáo hội địa phương như Côrintô, Thessalonica, Êphêsô… Mục đích của sự hiện diện này là để tiếp tục hướng dẫn, dạy dỗ, và ban ơn cho tất cả mọi người ở khắp nơi. Sự hiệp thông của mọi thành phần trong Giáo-hội được bày tỏ qua những lời chào thăm của thánh Phaolô tới giáo hội Côrintô: “Tôi là Phaolô, bởi ý Thiên Chúa được gọi làm Tông Đồ của Đức Giêsu Kitô, và ông Sosthenes là người anh em của chúng tôi, kính gửi hội thánh của Thiên Chúa ở Côrintô, những người đã được hiến thánh trong Đức Kitô Giêsu, được kêu gọi làm dân thánh, cùng với tất cả những ai ở bất cứ nơi nào kêu cầu danh Chúa của chúng ta.”
(2) Được nghe Lời Chúa và hiểu biết các mầu nhiệm của Người: Một trong những hành trang quan trọng nhất mà Thiên Chúa trang bị cho con người là “Lời Chúa.” Có thể nói rằng không có điều gì con người cần biết mà đã không được nhắc đến trong Kinh Thánh. Khi Chúa Giêsu đến, Ngài đã mặc khải cho con người tất cả các mầu nhiệm của Thiên Chúa. Nếu Chúa Giêsu không mặc khải, con người không thể hiểu biết những mầu nhiệm này.
(3) Không thiếu bất cứ một ân huệ nào trong Chúa Giêsu Kitô: Ngoài Lời Chúa, tất cả những ơn thánh cần thiết được ban cho con người qua các bí-tích và những dịp đặc biệt được ban qua Giáo-hội. Nếu con người biết năng chạy đến lãnh nhận các bí-tích, họ sẽ không thiếu một ơn thánh nào cần thiết cho cuộc sống. Sự lơ là lãnh nhận các bí-tích làm con người không có đủ ơn thánh để chống trả với những cám dỗ và đau khổ của cuộc đời. Thánh Phaolô quả quyết điều này khi ngài nói: “Thật thế, lời chứng về Đức Kitô đã ăn sâu vững chắc vào lòng trí anh em, khiến anh em không thiếu một ân huệ nào, trong lúc mong đợi ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, mặc khải vinh quang của Người.”
(4) Cho con người biết mục đích chính xác của cuộc đời qua những giáo huấn về Ngày Tận Thế: Sự khác biệt giữa người Công-giáo và các tín hữu của các đạo khác là người Công-giáo biết rõ mục đích của cuộc đời và những gì cần phải làm để đạt mục đích đó. Nếu đã biết tất cả những điều quan trọng này, các tín hữu Công-giáo phải an tâm chuẩn bị cho ngày về tới đích.
2/ Phúc Âm: Hãy chuẩn bị hành trang về nhà Chúa khi trời còn sáng.
Chúng ta đã được báo trước bởi Chúa Giêsu trong những chương cuối cùng của Phúc Âm Matthêu về Ngày Tận Thế là: (1) Điều chắc chắn là ngày ấy sẽ xảy ra; (2) Ngày và giờ sẽ xảy ra thì chỉ một mình Chúa Cha biết. Để luôn chuẩn bị cho ngày này, con người cần làm những việc sau:
(1) Chuẩn bị sẵn sàng: Yếu tố bất ngờ là một trong những điều sẽ xảy ra trong Ngày Tận Thế; vì thế cần chuẩn bị sẵn sàng. Phúc Âm hôm nay dùng ví dụ của tên ăn trộm để nói lên tính bất ngờ: “Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết vào canh nào kẻ trộm sẽ đến, hẳn ông đã thức, không để nó khoét vách nhà mình đâu. Cho nên anh em cũng vậy, anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.” Chuẩn bị sẵn sàng là chuẩn bị những gì cần thiết để ra trước tòa phán xét: đức tin vững mạnh vào Chúa, yêu thương và giúp đỡ mọi người, sạch mọi vết nhơ tội lỗi.
(2) Chu tòan các bổn phận hằng ngày: Sau khi đã chuẩn bị sẵn sàng, con người cần chu toàn các bổn phận hằng ngày của mình cách tốt đẹp. Một điều để biết ai là người trung tín và khôn ngoan là thử thách họ bằng cách thăm viếng bất ngờ: nếu lúc nào họ cũng làm việc dù có mặt hay không có mặt của chủ, luôn chu toàn đầy đủ bổn phận của mình. Những người nào làm những điều này, chủ có thể tin cậy và trao mọi việc cho họ.
(3) Luôn tỉnh thức chờ đợi chủ: Sống ngày nào cũng như ngày cuối của đời mình. Một nguy hiểm thường xảy ra cho phần lớn các tín hữu là ngày ấy còn lâu mới đến! Đây là cách cám dỗ rất hiệu nghiệm của ma quỉ và không biết bao người đã rơi vào bẫy này. Nhiều người nói tuổi tôi còn trẻ chắc Chúa chưa gọi về, cứ việc ăn chơi thỏa thích cho tới khi bước vào tuổi già rồi sẽ ăn năn trở lại. Người khác lý luận: Chẳng cần theo đạo bây giờ để phải giữ bao nhiêu luật lệ và cứ phải xưng tội mãi, cứ chờ cho đến lúc nằm trên giường hấp hối, lúc đó sẽ trở lại cũng không muộn vì Thiên Chúa nhân lành sẽ trả công cho người làm một giờ cũng một nén bạc. Nhưng cuộc đời họ không học được chữ ngờ, Chúa cất họ đi khi họ chưa chuẩn bị như tên đầy tớ xấu xa hôm nay.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúng ta phải vững tin vào Lời Chúa dạy bảo, đừng có thái độ ai nói gì cũng nghe. Sống trong một xã hội với bao nhiêu tôn giáo và niềm tin khác nhau, người Công-giáo phải xác tín vào những gì Chúa dạy bảo.
– Chúng ta phải luôn chuẩn bị sẵn sàng và sống giây phút hiện tại trong an bình và hy vọng.
– Điều gì chúng ta muốn làm và cần phải làm, hãy làm ngay đi khi trời còn sáng, trí khôn còn sá
Anthony Đinh Minh Tiên, OP