Thiên Chúa là Tình Yêu, Ngài không muốn con người phải chết, nên Ngài đã sai Con Một của mình xuống thế làm người để hoàn tất chương trình cứu độ, để qua cái chết và phục sinh của Chúa Giêsu trên Thánh giá, con người được sống và sống đời đời. Nơi nào tội lỗi đầy tràn, nơi đó ân sủng Chúa chứa chan gấp bội.
Chúa Giêsu là mạc khải đích thực của Thiên Chúa. Mạc khải duy nhất, trung thực nhất, gần gũi nhất về Bản chất của Thiên Chúa. Philiphê Tông đồ đã bộc lộ khao khát của con người: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện.” Đức Giêsu trả lời: “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Philípphê, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: “Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha”? Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình. Anh em hãy tin Thầy: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy; bằng không thì hãy tin vì công việc Thầy làm. (Ga 14, 8-11).
Chúa thấy dân chúng là những con người đang “tất tưởi bơ vơ như những con chiên không có người chăn” (Mt 9, 36). Chúa nhìn thấy tình trạng đó, nên Chúa động lòng thương dân. Lòng thương của Chúa không dừng lại ở nơi tình cảm chóng qua, mà còn thôi thúc Chúa đi đến chỗ hành động để biểu lộ tình thương. Tin Mừng ghi: Ngài kêu gọi các môn đệ lại và nói với họ: “Các con hãy xin với chủ ruộng sai thợ gặt đi gặt lúa của Ngài”(Mt 9, 38).
Một cách cụ thể và sống động nơi Chúa Giêsu là đi đến với từng con người, từ thành phố đến thôn quê, trong hội đường cũng như nơi các nhà riêng, Người dạy bảo con người cách sống để được hạnh phúc, Người chỉ cho mọi người con đường dẫn đến sự sống vĩnh cửu. Không phải chỉ là lời hướng dẫn mà còn là hành động cứu giúp: ‘Người chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền’. Không phải chỉ là bên ngoài nhưng còn tận đáy lòng của Người: ‘Thấy đoàn lũ dân chúng, Người động lòng xót thương họ: vì họ tất tưởi bơ vơ như những con chiên không có người chăn’.
Lòng trắc ẩn của Chúa Giêsu trước tình cảnh của người ta. “Thấy đoàn lũ dân chúng, Người động lòng xót thương họ: vì họ tất tưởi bơ vơ như những con chiên không có người chăn.” Chúa Giêsu chấp nhận mọi người trong tình trạng như họ trước mặt Người: bệnh hoạn, mệt mỏi, kiệt sức. Chúa xử sự như Người Tôi Tớ trong sách tiên tri Isaia, mà sứ điệp chính gồm có việc “an ủi dân Chúa” (Is 40, 1).
Thái độ của Chúa Giêsu đối với dân chúng giống như thái độ của Người Tôi Tớ mà nhiệm vụ thì rất rõ ràng: “Nó sẽ không kêu to, không nói lớn, không để ai nghe tiếng giữa phố phường. Cây lau bị giập, nó không đành bẻ gẫy, tim đèn leo lét, cũng chẳng nỡ tắt đi” (Is 42, 2-3). Giống như Người Tôi Tớ, Chúa Giêsu cũng chạnh lòng thương khi nhìn thấy tình cảnh đoàn lũ đám đông “tất tưởi bơ vơ như những con chiên không có người chăn.”
Chúa bắt đầu trở thành người chăn chiên, tự nhận mình là Người Tôi Tớ là kẻ đã nói: “Chúa đã ban cho tôi nói năng như người môn đệ, để tôi biết lựa lời nâng đỡ ai rã rời kiệt sức” (Is 50, 4a). Giống như Người Tôi Tớ, Chúa Giêsu trở thành môn đệ của Chúa Cha và của dân chúng và nói: “Sáng sáng Người đánh thức tôi, để tôi lắng tai nghe như một người môn đệ.” (Is 50, 4b). Và từ việc thân cận với Chúa Cha, Chúa Giêsu nhận được sự an ủi để truyền đạt nó cho người nghèo khó.
Chúa Giêsu không bằng lòng với tình yêu của riêng mình yêu thương con người, mà Người còn mời gọi các môn đệ, mời gọi chúng ta chung lòng cùng với Người yêu thương con người qua việc cầu xin với chủ ruộng: ‘Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít. Các con hãy xin chủ ruộng sai thợ gặt đi gặt lúa’. Người cũng chẳng dừng lại ở việc cầu xin suông, nhưng lời cầu xin được biến thành hành động: ‘Người liền triệu tập mười hai môn đệ’. Người giao công việc thì đồng thời cũng cho phương tiện; Người trao sứ mệnh thì Người cũng cho khả năng: ‘ban cho họ quyền năng trên các thần ô uế, để họ xua đuổi chúng, và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền’.
Chúa sai đi thì cũng chỉ rõ đi đâu trước đi đâu sau, nói gì và làm gì: ‘các con hãy đi đến cùng chiên lạc của nhà Israel trước đã, và rao giảng rằng: Nước trời đã đến gần. Hãy chữa lành người liệt, phục sinh kẻ chết, chữa lành người phung và xua trừ mà quỷ’. Thế còn công cán, lương lậu thì sao? Người là ông chủ hà khắc: ‘gặt chỗ không gieo thu nơi không phát’ hay là người cha nhân hậu: ‘các con đã lãnh nhận nhưng không, thì hãy cho nhưng không’. Người đã cho chúng ta tất cả: ‘mọi sự của Cha đều là của con’, Người đã cho chúng ta ‘từ nguyên thủy đã có Ngôi Lời, và nhờ Người mà muôn vật được tạo thành’.
Thiên Chúa là tình yêu và Tình yêu Thiên Chúa là thế để rồi trong Thiên Chúa chỉ có cho đi, chỉ có ban tặng. Nhưng tình yêu phát sinh tình yêu. Con người hưởng được tình yêu của Thiên Chúa thì đồng thời cũng biết thương đến mọi người. ‘Các con đã lãnh nhận nhưng không, thì hãy cho nhưng không’ là vậy. Người nào đã lãnh nhận mà không cho đi thì ơn nhận lãnh sẽ mất.
Chúa đã yêu thương ta và đã chết vì ta, ước gì, mỗi người chúng ta luôn đáp trả lại tình yêu của Chúa, nhất là trong Mùa Vọng này, cố gắng hy sinh gia tăng việc làm bác ái, sống yêu thương anh chị em của mình, để xứng đáng là người con của Chúa, là công dân Nước Trời.
Huệ Minh