Có một niềm tin rằng nếu chúng ta rao giảng sự thật trần trụi về tội trọng, về cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, và mối nguy rơi vào hỏa ngục, thì người ta sẽ đến nhà thờ nhiều hơn và giữ các giới răn hơn, nhất là giới răn thứ sáu. Sự thật sẽ giải thoát anh em, những người này lập luận như vậy, và sự thật đó là có những tội trọng và hậu quả đời đời cho tội lỗi. Cửa thiên đàng thì hẹp mà cửa hỏa ngục thì mở toang.
Vậy tại sao chúng ta lại không còn giảng nhiều về mối nguy hỏa ngục?
Và đâu là lý lẽ trong lập luận rằng giảng nhiều về tội trọng và hỏa ngục đem lại hiệu quả? Đe dọa thì có hiệu quả. Tôi lớn lên với kiểu rao giảng này và phải thừa nhận nó có tác động trên hành xử của tôi. Nhưng tác động đó có cả tốt lẫn xấu. Về mặt tích cực, nó khiến tôi sợ đủ để không bao giờ đi quá xa về mặt đạo đức và lòng đạo. Mặt tiêu cực là, nó cũng khiến tôi bị khập khiễng về lòng đạo và cả cảm xúc, bị méo mó rất nhiều. Nói đơn giản là, thật khó để làm bạn thân thiết với một Thiên Chúa cứ đe dọa bạn, và cũng không tốt về mặt đạo cũng như cảm xúc khi chúng ta quá rụt rè và e ngại những sinh lực lớn lao trong đời.
Sợ hình phạt đời đời có thể là một động lực hiệu quả. Nhưng tại sao lại không nên giảng về nỗi sợ? Bởi nó sai lầm, đơn giản là thế. Tẩy não và đe dọa là những thứ có hiệu quả, nhưng nỗi sợ không phải là động lực phù hợp để yêu thương. Bạn không yêu vì sợ hay bị đe dọa. Bạn yêu bởi bạn thấy mình được tình yêu dẫn lối.
Quan trọng hơn nữa, giảng về mối đe dọa đời đời là bôi nhọ Thiên Chúa mà chúng ta tin. Thiên Chúa hiện thân nơi Chúa Giêsu không phải là một Thiên Chúa đẩy những người chân thành và thiện tâm vào hỏa ngục dựa trên danh sách chi li những sai lầm đạo đức và nhân văn. Vậy mà thỉnh thoảng, trong các nhà thờ Công giáo tôi vẫn nghe thấy những lời như: Nếu bỏ lễ ngày Chúa nhật, thì đó là tội trọng và nếu chết khi chưa xưng tội thì anh chị em sẽ vào hỏa ngục.
Có Chúa nào lại đặt ra một niềm tin như thế này? Có Chúa nào lại không cho những người chân thành một cơ hội thứ hai, cơ hội thứ ba, hay thậm chí là cơ hội bảy mươi lần bảy, nếu họ vẫn còn thành tâm? Có Chúa nào lại nói với một người trong hỏa ngục rằng: “Xin lỗi, nhưng luật là thế rồi! Có hối hận cũng đã muộn. Cơ hội chỉ đến một lần!”
Một thần học lành mạnh về Thiên Chúa đòi hỏi chúng ta phải thôi dạy rằng hỏa ngục là một bất ngờ đau khổ đang chờ chực những người có tâm thiện. Thiên Chúa mà chúng ta tin là thông hiểu vô hạn, cảm thương vô hạn và tha thứ vô hạn. Tình yêu của Thiên Chúa vượt xa tình yêu của chúng ta, và có thể thấy ra sự thiện trong tâm hồn con người dù cho nó yếu đuối và méo mó.
Chúng ta không có gì phải sợ hãi về Thiên Chúa cả. Hay là phải sợ hãi thật? Chẳng phải Kinh thánh nói rằng “kính sợ Thiên Chúa là khởi đầu của khôn ngoan” sao? Thế thì sao lại nói là không nên sợ Thiên Chúa?
Bởi vì sợ có nhiều loại, có loại lành mạnh, loại khác thì không. Khi Kinh thánh nói rằng “kính sợ Thiên Chúa là khởi đầu của khôn ngoan” thì nỗi sợ đó không phải là sợ vì bị đe dọa hay sợ bị trừng phạt. Nỗi sợ đó không phải kiểu sợ khi chúng ta gặp một bạo chúa hay một kẻ thích hành hạ bắt nạt. Mà đây là nỗi sợ lành mạnh xuất phát từ yêu thương. Đây là nỗi sợ tôn kính, là khi chúng ta yêu ai đó chân thành đến nỗi sợ mình sẽ trở nên ích kỷ, thô lỗ và thiếu tôn trọng mối quan hệ đó. Chúng ta sợ mình phá hoại sự thân thiết thiêng liêng đó. Có thể nói, chúng ta thấy mình đứng nơi thánh địa và thấy cần phải tháo giày ra trước khi bước vào.
Kinh thánh cũng cho chúng ta biết rằng khi Thiên Chúa xuất hiện trong đời chúng ta, thường thì lời đầu tiên của Ngài là: “Đừng sợ!” Bởi Thiên Chúa không phải là bạo chúa xét đoán nhưng là người yêu thương, và đầy niềm vui. Như Leon Bloy đã nhắc nhở chúng ta, niềm vui là dấu chỉ không thể sai lầm về sự hiện diện của Thiên Chúa.
Một chàng thanh niên theo trào lưu chính thống cực đoan từng hỏi nhà tâm lý học lừng danh, Fritz Perls rằng: “Ông đã được cứu rỗi (saved, cũng đồng nghĩa với tiết kiệm)?” Ông trả lời: “Tiết kiệm? Không đâu! Tôi còn đang tìm cách để tiêu xài mà!”
Chúng ta tôn trọng Thiên Chúa không phải bằng cách sống sợ sệt lo rằng mình sẽ xúc phạm ngài, nhưng là bằng cách dùng lấy sinh lực mà Ngài ban cho chúng ta để làm cuộc đời nở hoa. Thiên Chúa không phải luật lệ để ta phải giữ, nhưng là sinh lực vui mừng để chúng ta “tiêu xài” rộng rãi.
(J.B. Thái Hòa dịch, phanxico.vn 05.03.2018)
Ronald Rolheiser, 2017-12-18