Thiên Chúa Cha và người trẻ: Vấn đề của Sáng Tạo

sangtao - Thiên Chúa Cha và người trẻ: Vấn đề của Sáng Tạo

Người ta nói vui với nhau rằng hình ảnh Thiên Chúa Cha dường như mờ nhạt hơn chân dung Chúa Giêsu. Chúng ta thường nhắc đến, hoặc cầu nguyện nhiều với Chúa Giêsu. Trong khi đó, Thiên Chúa Cha có vẻ xa lạ với người trẻ. Có chăng khi đọc Kinh Lạy Cha, chúng ta mới được gần gũi với Người, hoặc khi nhắc đến vấn đề sáng tạo vũ trụ, hình ảnh Thiên Chúa Cha được chúng ta quan tâm đặc biệt.

Chúng ta dĩ nhiên tin chỉ có một Thiên Chúa, vì Cựu Ước loan báo rằng: “Chúa của chúng ta là Chúa duy nhất, ngoài ra không có Chúa nào khác.”(Đnl6, 4 và Is45, 22). Hơn ai hết, chính Chúa Giêsu mặc khải rằng: “Nghe đây, hỡi Ítraen, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất.” (Mc12, 29-30). Về sau dĩ nhiễn Giáo Hội cũng tuyên tín rằng: “Chúng ta tin chỉ có một Thiên Chúa, vì theo chứng cớ Kinh Thánh, chỉ có một Thiên Chúa, và theo luật lý luận (logic) chỉ có thể có Một Thiên Chúa.” Trước vấn đề này, nhiều bạn trẻ lấy làm khó chịu trước màu nhiệm Một Chúa –Ba Ngôi! Thực ra đó là màu nhiệm cao cả muôn trùng không hiểu thấu! Nói thế không phải để chúng ta tìm cách lẩn trốn trong hai chữ “màu nhiệm” trước những sự kiện vượt ngoài trí hiểu như người ta vẫn thường làm. Nhưng dường như chủ đề Một Chúa – Ba Ngôi đi quá xa chủ đề được gợi ra ở đây.

Nếu đọc tất cả Cựu Ước chúng ta thấy đúng là hình ảnh Thiên Chúa Cha mờ nhạt vô cùng! Có chăng chỉ hai lần dân Israel, thưa với Thiên Chúa là Cha (Đnl32, 6; Ml2, 10). Có chỗ người ta gọi Thiên Chúa cũng là Mẹ (Is66, 13). Ngược lại, vào thời Tân Ước, danh xưng Thiên Chúa Cha thường xuyên được Đức Giêsu lặp đi lặp lại nhiều lần. “Abba, Cha ơi, Cha có thể làm được mọi sự.” (Mc24, 36). Hoặc, hai lần tầng trời mở ra và có tiếng phán rằng: “Đây là con ta yêu dấu.” Hằng ngày, Đức Giêsu đều cầu nguyện với Cha, và chính vì gọi Đức Chúa là Cha, nên Đức Giêsu bị xem là phạm thượng và phải nhận án tử.

Tuy nhiên trong phạm vi này, chúng ta thấy Thiên Chúa Cha xuất hiện như một Đấng Sáng Tạo vũ trụ như bản văn sáng thế chúng ta thường đọc. Trong vấn đề này, người trẻ hoang mang trước những giả thuyết về Sáng Tạo được học ở trường. Thuyết Big Bang dường như thuyết phục được lý trí người trẻ; thuyết Tiến Hóa của Darwin dẫn người trẻ đến chỗ tin rằng mọi sự vật trên đời đều tiến hóa theo tiến trình chọn lọc tự nhiên; rồi gần đây nhất, nhà thiên văn học Stephen Hawking cho người trẻ thêm xác tín “Chúa không tạo ra vũ trụ…”, v.v Hơn nữa, trong bầu không khí vô thần, người trẻ gần như “mắc kẹt” trong niềm tin của mình về một Thiên Chúa Cha sáng tạo muôn loài. Người trẻ thấy khoa học dường như chống lại tôn giáo, nghịch với Thượng Đế. Nhưng chúng ta nghe chia sẻ của nhà bác học Albert Einstein: “Khoa học không tôn giáo là mù lòa, tôn giáo thiếu khoa học là què quặt…Tôi chưa hề gặp điều gì trong Khoa học của tôi mà lại đi ngược với Tôn giáo.”

Tên, danh xưng của Thiên Chúa trong Cựu Ước mà chúng ta nghe được khi Người trả lời cho ông Môsê: “Ta là Đấng Hiện Hữu” (Xh3, 13-15). Nhưng lời phát biểu ấy cũng có thể dịch: “Ngài gọi vào hiện hữu”: Ngài là Đấng Sáng Tạo. (Xem. Joseph Ratzinger, Đức Tin Kitô Giáo hôm qua và hôm nay, tr.125-132). Như thế với khoa học ngày nay, với những thuyết Tạo Dựng người trẻ được học, liệu có làm cho Đấng Tạo Thành ra dư thừa không? Thực ra Giáo Hội khẳng định rằng: “Không! Vì nói Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ không phải là một câu nói dựa vào một thứ khoa học đã lỗi thời. Đó là câu nói theo thần học, nghĩa là câu nói xác định địa vị của vũ trụ trước Thiên Chúa và xác định vũ trụ có nguồn gốc do Thiên Chúa.” Hơn nữa, khoa học và thần học là hai lãnh vực rất khác nhau. Chẳng hạn, “thần học không có thẩm quyền về khoa học, cũng như khoa học không có thẩm quyền về thần học. Khoa học không thể dứt khoát từ chối về chủ đích có trong quá trình tiến hóa của vạn vật.”

Thử lấy ví dụ liên quan đến hai lãnh vực này. Lý thuyết tiến hóa nói rằng lịch sử vũ trụ tiến hóa từ “một cái gì đó”. Nhưng thuyết ấy không thể giải thích được “một cái gì đó” “do đâu mà có, ai làm ra nó”, họ chỉ nói rằng đó là “ngẫu nhiên”. Dĩ nhiên là người Công Giáo, chúng ta tin chính thế giới này là sản phẩm của Thiên Chúa chứ không phải ngẫu nhiên. Đức Gioan Phaolô II đã trả lời vào năm 1985 rằng: “Nói là do tình cờ đã phát sinh ra một vũ trụ, điều ấy chứng tỏ trí tuệ loài người đã đầu hàng khi từ chối suy tư để tìm ra giải đáp cho các vấn đề của mình.” Hay như nhà vật lý học Áo Walter Thirring nhận xét rằng: “Sự chính xác phi thường của tiến trình “Big Bang” có thật là kết quả của ngẫu nhiên không? Ý tưởng thật vô lý!” Tuy nhiên trước những tranh luận phức tạp, sôi sục từ nhiều thế kỷ qua, là những bạn trẻ Công Giáo, chúng ta tin rằng: “Chúng ta không phải là sản phẩm của tình cờ ngẫu nhiên và không được định hướng đến tiến hóa. Mỗi người chúng ta là kết quả của tư tưởng thần linh. Mỗi người được muốn, được yêu, mỗi người đều có ích.” (Youcat, số 43.) Tư tưởng thần linh ấy không ai khác ngoài Thiên Chúa Cha, Đấng Tạo Thành là Thiên Chúa Cha chúng ta ở trên trời tạo nên vũ trụ và con người.

Trong khi những người trẻ tranh luận về vấn đề Sáng Tạo, dù ngẫu nhiên hay có bàn tay Thiên Chúa Cha, chúng ta thấy thế giới này quá diệu kỳ, con người quá cao cả. Nơi đó luôn mời gọi chúng ta, cả khoa học, khám phá những điều vĩ đại đang ẩn chứa trong vũ trụ này. Là người trẻ tin vào Thiên Chúa Cha, dĩ nhiên chúng ta thấy Thiên Chúa dựng nên thế giới này vì vinh quang Người. Nghĩa là Thiên Chúa Cha sáng tạo vũ trụ không gì khác ngoài tình yêu vô biên của Người. Từ đó, lịch sử cứu độ của Thiên Chúa đi vào trong nhân loại khi Thiên Chúa Cha sai Con Một của Người đến với thế gian. Thực vậy, “Cha của anh em, Ðấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất.” (Mt18, 12-14).

Với chút suy tư trên đây, hy vọng mỗi người trẻ chúng ta bình tĩnh trước những công kích của khoa học về Công Trình Sáng Tạo của Thiên Chúa Cha. Hơn nữa, chắc hẳn không ai muốn tổ tiên loài người là những con khỉ tiến hóa thành người, nhưng trên hết con người là hình ảnh của Thiên Chúa. Nơi đó, chính Thiên Chúa Cha tạo dựng con người để chúng ta cũng được thừa hưởng vẻ đẹp của Thiên Nhiên, cũng được chung phần vinh quang với Thiên Chúa. Hoặc nói như nhà khoa học Nicolas Copernic (1473-1543): “Nhờ quan sát và suy nghĩ về sự sắp đặt hoàn hảo của vũ trụ do khôn ngoan của Chúa tổ chức, có ai mà không ca ngợi Đấng toàn năng làm chủ công trình đó.” Nơi đó, trong tương quan giữa thụ tạo và Đấng Tạo Thành, chúng ta vinh hạnh được gọi Thiên Chúa là Cha, là “Abba, Cha ơi!”.

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

(dongten.net 12.11.2018)

Exit mobile version