Người ta có thể tiếp cận với Mầu Nhiệm vĩ đại nầy từ nhiều góc độ khác nhau. Ở đây, cách hữu ý, chúng tôi cố gắng tiếp cận mầu nhiệm nầy qua ba góc độ :
1- Từ những nghịch lý trong hiện sinh kitô;
2- Từ một số hiểu lầm và ngộ nhận trong lịch sử;
3- Thiên Chúa-Ba Ngôi, Mầu Nhiệm Tình Yêu.
I- TỪ NHỮNG NGHỊCH LÝ TRONG HIỆN SINH KITÔ
Dù, trên lý thuyết, vẫn được coi như là Mầu Nhiệm trung tâm, là Mầu Nhiệm vĩ đại nhất trong các mầu nhiệm, là Nguyên Lý của hiện sinh kitô, của Giáo Hội, nhưng trên thực tế, có vẻ như Mầu Nhiệm Thiên Chúa-Ba Ngôi “chẳng là gì cả” đối với rất nhiều kitô-hữu, như nhận định của I. Kant :
“Từ giáo thuyết về Mầu Nhiệm Thiên Chúa-Ba Ngôi, theo sát từng chữ, tuyệt đối chẳng có thể rút ra được điều gì cho thực hành cả, ngay giả như khi người ta tin là hiểu được giáo thuyết đó. Sở dĩ là thế, vì lẽ rằng người ta vốn nhất trí với nhau để coi giáo thuyết đó như vượt ra ngoài mọi khái niệm.” [1]
“Tôi còn dám cho rằng nếu như người ta có nghĩ đến chuyện loại bỏ ra khỏi các bản văn tôn giáo cái gì có liên quan giáo thuyết về Mầu Nhiệm Thiên Chúa-Ba Ngôi (giả dụ như giáo thuyết nầy là sai !), thì đại đa số các bản văn trên thực tế cũng chẳng có gì phải thay đổi cả.” [2]
Dù cách máy móc vẫn được “sử dụng” rất nhiều trong đời sống thường ngày (trước khi ăn, uống, uống thuốc, tắm rửa, ngủ nghỉ, vào sân đá bóng, sau khi “làm bàn”, v.v…), cũng như trong các cử hành phụng vụ, nhưng người ta cũng chẳng mấy ý thức là mình đang tuyên xưng Mầu Nhiệm Thiên Chúa-Ba Ngôi, thậm chí, không hiểu gì…
Giáo Hội kitô đã để lại một truyền thống đạo đức bình dân vô cùng đẹp đẽ, đó là việc tuyên xưng mầu nhiệm Thiên Chúa-Ba Ngôi trong tất cả mọi khoảnh khắc của đời sống, và cám ơn Chúa (!), người kitô-hữu vẫn “giữ” nó, vẫn “sử dụng” nó, vẫn “thực hành” nó, nhưng đáng buồn thay phần lớn không biết hoặc không ý thức là mình đang “tuyên xưng” Ba Ngôi Thiên Chúa !
Trước khi làm bất cứ việc gì, người kitô đều tuyên xưng là sẽ làm tất cả những điều đó “nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần”, và mục đích của tất cả mọi hành động của họ đều nhắm vào việc “sáng danh Đức Chúa Cha, và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần’. Qua những tuyên xưng đó, người kitô-hữu muốn nói lên rằng Thiên Chúa-Ba Ngôi chính là Nguyên Lý, và là Cùng Đích của toàn bộ hiện sinh kitô của họ. Một hành vi tuyệt vời như thế vốn đã được truyền thống của Giáo Hội lưu giữ suốt hơn hai ngàn năm, thế nhưng, điều đáng tiếc là người kitô dù vẫn thực hành truyền thống đạo đức bình dân đó, nhưng chẳng hiểu, chẳng ý thức gì việc mình đang làm. Phần đông người ta chỉ thực hành điều đó cách máy móc, và chẳng mấy ý thức việc mình đang làm và điều mình đang tuyên xưng !
Ngoài ra, dù trên môi miệng vẫn “tuyên xung” Ba Ngôi Thiên Chúa (Cha, và Con và Thánh Thần), nhưng trên thực tế, có vẻ như không ít người kitô-hữu lại có khuynh hướng “độc vị” hơn là “tam vị”, theo như nhận xét của Bruno Forte :
“Thiên Chúa của những người kitô-hữu liệu có phải là vị Thiên Chúa của Đức Kitô không ? Vấn nạn nầy, thoạt tiên, có vẻ nghịch lý, nhưng nảy sinh cách tự nhiên, nếu như người ta xem xét cách thức mà nhiều người kitô-hữu tự trình bày cho mình vị Thiên Chúa của họ. Trong diễn từ diễn tả, họ nói về Ngài như về một ‘Ngôi Vị’ thần linh nào đó mơ hồ, ít nhiều đồng hóa với Đức Giêsu của các sách Tin Mừng, hay như một hữu thể cao vời nào đó, cũng chẳng có gì chính xác hơn. Trong kinh nguyện, họ nói với vị Thiên Chúa khá bất định nầy, trong khi cách thức mà phụng vụ dùng để nói với Cha qua Đức Kitô trong Thần Khí thì lại bị coi như là kỳ quặc, nếu không muốn nói là tối tăm khó hiểu : người ta cầu nguyện Thiên Chúa, nhưng không biết cầu nguyện trong Thiên Chúa ! Có một tình trạng không thể chối cãi là nhiều kitô-hữu, ‘mặc dù trong những tuyên xưng đức tin về Thiên Chúa-Ba Ngôi hoàn toàn là chính thống, nhưng trong cụ thể đời sống tôn giáo thì lại hầu như theo khuynh hướng “độc vị” (“monothéistes”)’.” [3]
Tại sao lại có những tình trạng nghịch lý đáng buồn đó trong hiện sinh kitô trong tương quan với Mầu Nhiệm Thiên Chúa-Ba Ngôi ?
II- TỪ MỘT SỐ HIỂU LẦM VÀ NGỘ NHẬN TRONG LỊCH SỬ
Tình trạng đáng buồn đó, đã hẳn, xuất phát từ nhiều nguyên nhân, cả lý thuyết và cả thực hành, mà sau đây là một vài trong số đó, vốn mang tính bao trùm :
1- Việc đưa những khái niệm triết học (bản thể, bản tính, yêu tính, ngôi vị, tương quan, v.v…) vào trong thần học về Mầu Nhiệm Thiên Chúa-Ba Ngôi;
2- Vai trò của thần học cổ điển và kinh viện;
3- Việc đối kháng giữa hai khái niệm “Un Dieu” (“Một Thiên Chúa”) và “Dieu Un” (“Vị Thiên Chúa là Một’)…
II.1- Việc du nhập các khái niệm triết học vào thần học về Mầu Nhiệm Thiên Chúa-Ba Ngôi
Công đồng đại kết I NIXÊ (năm 325) có lẽ là công đồng đầu tiên du nhập khái niệm triết học vào trong bản Tuyên Tín của mình.
Và một điều cần lưu ý ngay là vào thời điểm nầy (năm 325), các cộng đoàn kitô, đặc biệt Tây phương, vẫn còn khá lơ mơ về các khái niệm triết học nầy. Kho từ vựng thần học kitô chỉ mới bắt đầu và chưa định hình gì cả. Ranh giới giữa các khái niệm triết học vẫn còn lờ mờ chưa phân biệt rõ.
Để diễn tả việc Đức Giêsu-Kitô, Con và Ngôi Lời Thiên Chúa làm người là Thiên Chúa như Chúa Cha, bởi vì được sinh ra từ Chúa Cha, Công đồng NIXÊ I, trên cơ sở loại suy, cho rằng cũng như người thì sinh ra người, ngựa thì sinh ra ngựa, nghĩa là cả hai phải có cùng chung điều mà sau nầy người ta mới hiểu đó là bản tính (natura), cũng vậy Thiên Chúa thì sinh ra Thiên Chúa. Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ Công đồng NIXÊ đã sử dụng hạn từ “ousia” mà sau nầy vốn được hiểu như là “bản thể” (“substantia”), chứ không phải hạn từ “bản tính” (“natura”). Chính khái niệm “natura” (có nguồn gốc từ động từ La ngữ “nasci”) mới diễn tả tình trạng có cùng chung bản tính giữa cha và con, giữa kẻ sinh ra con và kẻ được sinh ra.
“Cũng như lối nói bản thể của Cha chẳng thêm gì cho ý niệm được sinh ra từ Cha, cũng vậy, lối nói đồng bản thể với Cha (hay nói theo ngôn ngữ của Thánh Hilariô : ‘unius substantiae cum Patre’) chẳng thêm gì cho ý niệm Thiên Chúa được sinh ra từ Thiên Chúa, ánh sáng được sinh ra rừ ánh sáng, Thiên Chúa thật được sinh ra từ Thiên Chúa thật, nhưng chỉ là để nói rõ ý nghĩa của những hạn từ nầy : là Thiên Chúa được sinh ra từ Thiên Chúa, nên Con đích thực có chính bản thể của Thiên Chúa. Bởi vì Con là Thiên Chúa do tự nguồn gốc, nên Con là Thiên Chúa do tự bản tính.” [4]
Thời kỳ nầy, ngoài việc lẫn lộn giữa hai khái niệm “substantia” (bản thể) và “natura” (bản tính), còn có sự lẫn lộn giữa hai hạn từ “ousia” và “hypostasis”, khiến đã tạo nên phong trào chống đối tẩy chay những biểu thức của Công đồng NIXÊ I khá mạnh mẻ, mà đầu tàu là linh mục Arius :
“Nguyên do thứ nhất hệ tại chính khái niệm ousia. Khái niệm nầy, trước tiên, được sử dụng như một điều khá quen biết. Nhưng rồi, nó đã gây ra khó khăn, kể từ khi người ta bắt đầu suy nghĩ và xem xét kỹ lưỡng hơn chính khái niệm nầy. Thật vậy, khái niệm nầy không thể ở đâu cũng đều có thể được hiểu cách đúng nghĩa, bao lâu nó vẫn còn lẫn lộn, chưa tách bạch rõ ràng ra khỏi hạn từ “hypostase” : thế mà Công đồng NIXÊ thì lại còn coi hai khái niệm nầy như là tương đương với nhau. Từ đó, mọi sự đều có nguy cơ trở nên lẫn lộn, khi người ta tìm cách diễn tả sự phân biệt giữa Cha và Con mà chẳng khiến các Ngài trở thành khác nhau được. Hơn nữa, hạn từ ‘homoousios’ đã tạo ra một khó khăn hết sức đặc biệt, do việc Phaolô de Samosate có lần đã thành công khiến cho Công đồng Antioche năm 264 kết án hạn từ nầy, mặc dù chẳng ai hiểu rõ từ đó có ý nghĩa là gì cả.” [5]
Cái khó khăn vốn phát xuất từ việc Thần học về sau, đặc biệt kinh viện, chẳng hiểu vì nguyên do nào, có khuynh hướng vẫn muốn sử dụng khái niệm “ousia” (bản thể), chứ không phải “natura” (bản tính) để diễn tả sự hiệp nhất nên một giữa Ba Đấng. Đó có lẽ là bước sơ sẩy đầu tiên và vô cùng hệ trọng quyết định toàn bộ số phận còn lại của nền thần học, đặc biệt Tây phương, về Mầu Nhiệm Thiên Chúa-Ba Ngôi mãi cho đến sau nầy, và thậm chí cả cho đến bây giờ !
Thật vậy, nơi con người với nhau, để diễn tả nguồn gốc, người ta sử dụng khái niệm đồng bản tính, chứ không phải khái niệm đồng bản thể. Người ta có thể là đồng bản tính người như nhau, nhưng không nhất thiết là đồng bản thể, vì mỗi cá nhân (individu) là một bản thể (substantia), một trụ thể (subsistentia) riêng biệt. Vì thế, khi dùng phép loại suy áp dụng vào vấn đề Thiên Chúa-Ba Ngôi, khó khăn sẽ xuất hiện ra ngay tức khắc. Thật vậy, nếu để bảo đảm tính hiệp nhất nên một, người ta cho rằng điều đó dựa trên cơ sở chỉ có một bản thể, nhưng nếu chỉ có một bản thể nơi Mầu Nhiệm Thiên Chúa, thì trong trí tưởng tượng của nhiều người, ắt hẳn chỉ có một cá thể (individu) hay một chủ thể (sujet) hiện hữu mà thôi, và như vậy, không thể nào giải quyết được khía cạnh phân biệt nơi Mầu Nhiệm Thiên Chúa ! Đó chính là những khó khăn vốn tạo ra gai chướng, trên cơ sở nhận thức luận, nơi nhiều kitô-hữu hôm qua cũng như hôm nay, và là nguồn cội của các thứ lạc giáo trong suốt giòng lịch sử hơn hai ngàn năm của Giáo Hội kitô…
II.2 – Vai trò của thần học cổ điển và kinh viện
Việc ra đời của công thức thời danh về Mầu Nhiệm Thiên Chúa-Ba Ngôi: “Một yếu tính ([una essentia] hay một bản tính [una natura], hay một bản thể [una substantia]), ba Ngôi Vị (tres personae hay ba bản vị [tres hypostases])”, là kết tinh của biết bao nỗ lực suy tư thần học, cả từ Đông phương lẫn từ Tây phương, trong những thế kỷ đầu của nền thần học kitô.
Tuy nhiên, cách thành thật, phải thừa nhận rằng việc sử dụng một hạn từ duy nhất (dù đó là yếu tính, bản tính hay bản thể) để chỉ Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần như những tác nhân trong sự sống thần linh, hẳn không thể nào tránh được tình trạng hàm hồ, lập lờ nước đôi; cùng lắm, những khái niệm trừu tượng đó chỉ nói lên được thần tính (divinité) của Thiên Chúa mà thôi ! Ngoài ra, việc sử dụng hạn từ “Ngôi Vị” (persona), dù có thể tăng cường lên một chút chủ thể tính nơi ý thức và tự do của các Ngôi Vị, vẫn luôn mang trong mình nguy cơ mắc vào khuynh hướng tam thần [6]. Thánh Augustinô đã thấy được cái khó khăn đó :
“Nếu người ta hỏi Ba Đấng nầy là Ai, cần phải thừa nhận sự bất túc cùng cực của ngôn ngữ loài người. Tất nhiên là thế, khi trả lời “Ba Ngôi Vị” thực ra là để khỏi rơi vào tình trạng chẳng nói gì thôi, hơn là nhằm diễn tả thực tại.” [7]
Thánh Tôma Aquinô sẽ đào sâu thêm khái niệm “Ngôi Vị” (persona) mà Thánh Augustinô đã khai mào mà chưa có điều kiện triển khai, với mong ước cung cấp cho nó một nền móng hữu thể học, qua khái niệm “tương quan” (relatio), và “tương quan trụ tồn” (relatio subsistens). Tuy nhiên, trong ngôn ngữ loài người, “tương quan” vốn là khái niệm trừu tượng, không có “ngôi vị tính’ hay “chủ thể tính”, vì thế, cho dù Thánh Tôma Aquinô và sau đó thần học kinh viện, có lý giải tinh vi thế nào đi nữa, thì cũng chẳng mấy ai hiểu gì cả ! Theo thiển ý, như sau nầy chúng tôi sẽ giải thích, thay vì khởi đi từ khái niệm “tương quan” để chứng tỏ “ngôi vị tính”, để dễ hiểu hơn, và hợp với ngôn ngữ Kinh Thánh hơn, có lẽ người ta nên đi theo chiều ngược lại, là nên khởi đi từ các ngôi vị để chứng tỏ các tương quan, và khởi đi từ thực tại phân biệt để chứng tỏ thực tại hiệp nhất.
II.3 –Tương quangiữa hai khái niệm “Un Dieu” (“độc thần”) và “Dieu Un” (“Tôi và Cha tôi, chúng tôi là một” [Ga 10, 30]):
Để bảo vệ giáo lý độc thần cứng ngắc của mình (monothéisme), người Do Thái thời Đức Giêsu và cả sau nầy, dứt khoát không nhận có bất cứ thần linh nào khác ngoài vị Thiên Chúa của họ, cùng lắm trừ một ai đó, vốn là thụ tạo của Ngài mà Ngài nhận cho là Thiên Chúa như mình (như quan niệm của linh mục Arius đối với Đức Giêsu-Kitô) ! Có vẻ như khuynh hướng chung vẫn cho rằng con người được trở nên Thiên Chúa thì dễ hơn việc Thiên Chúa trở nên con người !
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng khi nói niềm tin do thái-kitô và niềm tin kitô là độc thần (monothéiste), không đon giản chỉ có nghĩa, đối với những người kitô-hữu, chỉ có một vị Thiên Chúa mà thôi (Un Dieu), mà đúng hơn, có nghĩa Vị Thiên Chúa kitô là Vị Thiên Chúa Tam Vị mà là Một (Le Dieu Un)…
Đó chính là cái nan đề mà thần học kitô ngay từ thưở sơ khai đã phải đối đầu với. Và đó có lẽ cũng chính là nguyên nhân mà thần học kitô sơ khai, cổ điển và kinh viện, vẫn cứ bám vào công thức “Một yếu tính (bản tính hay bản thể), ba Ngôi Vị”, công thức mà người ta tuyên xưng để mà tuyên xưng, chứ chẳng mấy ai hiểu được và cũng chẳng ai giải thích được ý nghĩa và nội hàm thực sự của nó là gì ! Và đó cũng chính là bi kịch của hiện sinh kitô trong tương quan với Mầu Nhiệm Thiên Chúa-Ba Ngôi trong suốt bao nhiêu thế kỷ qua !
Trong môi trường Cựu Ước (từ nay viết tắt : CƯ), nơi mà hầu như mỗi thành quách, mỗi bộ tộc, mỗi nhóm dân cư đều có một vị thần riêng của mình (Đnl 32, 8), để bảo vệ căn tính dân tộc của mình, người Do Thái CƯ cho rằng cần phải bảo vệ “vị thần” của dân tộc mình bằng bất cứ giá nào, và dứt khoát không muốn để bất cứ vị thần ngoại bang nào lọt vào bên trong lãnh thổ và tâm tưởng của mình, và cuộc chiến nầy hầu như cấu thành chính lịch sử “tôn giáo” và lịch sử đời thường của dân Itraen. Apraham, Môsê và các ngôn sứ CƯ vốn là những chiến binh dũng cảm trong cuộc chiến nầy, thậm chí sẵn sàng đánh đổi bằng cả mạng sống của mình.
Tuy nhiên, không nên coi hai khái niệm “Un Dieu” (‘Một Thiên Chúa”) và khái niệm “Dieu Un” (Thiên Chúa là Một) như là đối kháng với nhau. Thật vậy, tính chất độc thần do thái (monothéisme juif) vẫn có thể được bảo đảm không nguyên chỉ với khái niệm “Một Thiên Chúa” (“Un Dieu”), mà còn cả với khái niệm “Vị Thiên Chúa là Một” (“Le Dieu Un).
“Thế mà, sự sống vĩnh hằng, đó là họ nhận ra được Cha, Vị Thiên Chúa duy nhất chân thật, và Đấng Cha đã sai đi, là Đức Giêsu-Kitô” (Ga 17, 3).
“Tôi và Cha, Chúng Tôi là một” (Ga 10, 30).
Khi cứ khăng khăng xây dựng sự hiệp nhất Thiên Chúa (hay đúng hơn là giáo thuyết độc thần cứng nhắc của người Do Thái) trên cơ sở những khái niệm trừu tượng như “yếu tính”, “bản tính”, “bản thể”, có vẻ như khuynh hướng thần học cổ điển và kinh viện vẫn chưa thoát ra được khỏi môi trường “đối kháng” nầy. Điều nầy có vẻ như còn được biểu lộ nơi việc khoa thần học về Mầu Nhiệm Thiên Chúa-Ba Ngôi trước đây thường luôn bắt đầu với khảo luận “De Deo Uno”, rồi sau đó mới đề cập đến khảo luận “De Deo Trino”. Trình tự nầy chứng tỏ cho thấy qui trình của thần học cổ điển và kinh viện không hẳn là xuất phát từ “sự hiệp nhất” (unité) để chứng tỏ “sự phân biệt” (distinction) mà đúng hơn là xuất phát từ khái niệm “một” (una substantia) để minh chứng khái niệm “ba” (tres personae). Ngõ cụt mà khuynh hướng thần học cổ điển nầy vấp phải, cho đến nay vẫn chưa thoát ra được…
Thái độ thờ ơ, xa lánh, thậm chí sợ hãi của phần đông các kitô-hữu trong suốt bao nhiêu thế kỷ qua, đối với thần học và giáo thuyết về Mầu Nhiệm Thiên Chúa-Ba Ngôi chẳng lẽ chẳng nói gì với chúng ta hay sao ? Liệu đó có phải là cung cách duy nhất để tiếp cận với Mầu Nhiệm nầy?
Chúng tôi không nghĩ như vậy !
Nhân tiện đây, chúng tôi cũng xin phép lưu ý rằng thực tại thần linh tam vị – theo Raimon Panikkar, một nhà thần học dòng Tên nổi tiếng – không phải là một khái niệm độc quyền của kitô-do thái giáo mà thôi. Trên thực tế, khái niệm thần linh tam vị nầy vẫn được phát hiện thấy, dù dưới những biểu tượng khác nhau, trong phần lớn các nền văn hóa của nhân loại (như Ấn Độ, Trung Hoa, Ai Cập, vùng Lưỡng Hà Địa,v.v…). Raimon Panikkar gọi đó là một kinh nghiệm có từ nguồn gốc sơ nguyên của loài người. [8]
Một trong những nguyên nhân dẫn đưa khuynh hướng thần học cổ điển và kinh viện đến chỗ bế tắc không lối thoát, đó là bởi vì nỗ lực suy tư thần học về Thiên Chúa-Ba Ngôi đã đi theo một qui trình ngược. Thật vậy, trong khi qui trình suy tư của ngôn ngữ Kinh Thánh về Mầu Nhiệm Thiên Chúa-Ba Ngôi đi từ cái cụ thể đến cái trừu tượng, đi từ các Chủ Thể đến các tương quan, đi từ cái đa bội (le Multiple, distinction) đến cái đơn nhất (l’un), thì nỗ lực suy tư thần học cổ điển và kinh viện lại đi từ những khái niệm trừu tượng (yếu tính, bản tính, bản thể, tương quan) để đến cái cụ thể (các Ngôi Vị), và đi từ cái đơn nhất cứng ngắc là bản thể, để đến cái đa bội phân biệt (Ba Ngôi Vị) mà Thánh Augustinô đã thú nhận là chẳng biết nên hiểu chúng là gì !
III- THIÊN CHÚA-BA NGÔI, MẦU NHIỆM TÌNH YÊU
Ở đây, có hai vấn đề liên quan mật thiết với nhau cần được đề cập tới :
– Tương quan giữa Ba Ngôi Thiên Chúa hay giữa Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần với nhau;
– Tương quan giữa Thiên Chúa-Ba Ngôi và các Thụ Tạo.
III. A- Tương quan giữa Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần với nhau
Đã hẳn, vẫn có nhiều con đường, nhiều cách thức để tiếp cận với vấn đề nầy, tuy nhiên, ở đây, vì nhiều lý do, chúng tôi mạn phép đề nghị hai lối tiếp cận mà thôi :
1- Tiếp cận qua ngôn ngữ Kinh Thánh;
2- Tiếp cận qua ngôn ngữ thần học.
III. A.1- Tiếp cận qua ngôn ngữ Kinh Thánh
So với ngôn ngữ của các công đồng NIXÊ và NIXÊ-CONTANTINÔP, ngôn ngữ thần học cổ điển và kinh viện về Mầu Nhiệm Thiên Chúa-Ba Ngôi, vốn trừu tượng, cằn cỗi, nghèo nàn, thiếu sức sống, thì ngôn ngữ Kinh Thánh, đặc biệt TƯ, cụ thể, sinh động, tươi mát và phong phú hơn nhiều.
III .A.1.a- Đức Giêsu-Kitô “thể hiện” tương quan của Ngài với Chúa Cha
a- Trực tiếp (tương quan với nhau giữa các chủ thể [Sujets], hoặc như là chủ vị [“Je” = “I”] hoặc như là đối vị [“Tu” = “You”]) :
a.1- “Khi ấy, Đức Giêsu cất tiếng nói : ‘Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã dấu điều ấy với hạng khôn ngoan thông thái, mà đã mặc khải ra cho những kẻ bé mọn. Vâng lạy Cha, vì đó là quyết ý của Cha’.” (Mt 11, 25-26).
a.2- “Tiến xa thêm ít bước, Đức Giêsu sấp mặt xuống mà cầu nguyện rằng : ‘Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho chén nầy qua đi khỏi Con ! Song không phải như ý con, mà là như ý Cha ‘!” (Mt 26, 39.42).
a.3- “Đức Giêsu nói : ‘Bố ơi, Bố có thể làm mọi sự, xin cất chén nầy đi khỏi Con; nhưng không phải : Con muốn gì mà là Bố muốn gì’ !” (Mc 14, 36).
a.4- “Kêu lớn tiếng, Đức Giêsu nói : ‘Lạy Cha, Con ký thác hồn Con trong tay Cha’.” (Lc 23, 46).
a.5- “Lạy Cha, xin hãy tôn vinh Danh Cha !” (Ga 12, 28a; 17, 1-26).
b- Gián tiếp (tương quan không trực diện giữa các chủ thể [sujets] với nhau, hay giữa chủ vị [“Je” = “I”] với tha vị [“Lui” hay “Il = “He”], và thường là qua trung gian đối vị [“Tu” = “You”]) :
b.1- “Đáp lại, Đức Giêsu nói với Simôn Phêrô : ‘Simôn, Baryôna, ngươi có phúc : vì không phải thịt máu đã mặc khải cho ngươi, mà là Cha Ta, Đấng ngự trên trời’ !” (Mt 16, 17).
b.2- “Và nầy Ta sắp sai đến trên các ngươi điều Cha Ta đã hứa !” (Lc 24, 49a).
b.3- “Cha, Đấng đã sai Ta, chính Ngài làm chứng cho Ta.” (Ga 5, 37a).
b.4- “Tôi và Cha, Chúng Tôi là một” (Ga 10, 30).
III. A.1.b- Chúa Cha và Chúa Thánh Thần mặc khải cho thấy tương quan của Chúa Cha với Đức Giêsu-Kitô
“Vừa lên khỏi nước, Đức Giêsu thấy trời xé ra và Thần Khí, như chim bồ câu, đáp xuống trên Ngài; và một tiếng phát ra tự trời : ‘Con là Con chí ái của Ta, người mà Ta sủng ái’.” (Mc 1, 10-11; xem thêm Mt 3, 16-17; Lc 3, 21-22).
III. A.1.c- Tương quan giữa Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần
Trong ngôn ngữ Kinh Thánh, CƯ cũng như TƯ, Chúa Thánh Thần, dù đã hẳn là Một Chủ Thể (Sujet), nhưng hầu như không bao giờ được coi như là Chủ Vị (“Je” = “I”) hay như Đối Vị (“Tu” = “You”), mà thường là như Tha Vị (“Il”, “Lui” = “He”) hay như Liên Chủ Vị (“Nous” = “We”).
Thật vậy, CƯ cũng như TƯ vẫn thường nói về Thánh Thần hay Thần Khí như là Thánh Thần hay Thần Khí “của” Ai đó (của Đức Chúa, của Chúa Cha, hay của Chúa Con, hay của Cha và của Con [“Le Nôtre” = “Our”]) :
“Thần Khí của ĐỨC CHÚA sẽ đậu xuống trên Ngài.” (Is 11, 2; 61, 1; 63, 14).
“Trời mở ra, và Đức Giêsu thấy Thần Khí của Thiên Chúa.” (Mt 3, 16; 12, 28).
“Ai không có Thần Khí của Đức Kitô, kẻ ấy không thuộc về Ngài.” (Rm 8, 9).
“Tôi và Cha, Chúng Tôi là Một” (Ga 10, 30).
TƯ cho biết Thánh Thần hay Thần Khí có nguồn gốc từ Chúa Cha và Chúa Con, vì thế, được sai đi bởi cả Chúa Cha và Chúa Con, vốn như là Một (xem Ga 10, 30) :
“Khi Đấng Bàu Chữa đến, Đấng Ta sẽ gửi đến từ nơi Cha, Thần Khí sự thật, từ Cha xuất ra, Ngài sẽ làm chứng về Ta.” (Ga 15, 26).
Tuy nhiên, TƯ cũng cho biết rằng việc Đức Giêsu-Kitô sở đắc Thần Khí của Thiên Chúa cũng phải kinh qua một quá trình, quá trình của Thập Giá (chết và Phục sinh) :
“Điều ấy, Đức Giêsu nói về Thần Khí mà các kẻ tin vào Ngài sẽ lĩnh lấy, vì Thần Khí chưa có, bởi Đức Giêsu chưa được tôn vinh.” (Ga 7, 39).
Trong suốt quá trình sở đắc nầy, Thần Khí của Thiên Chúa luôn hiện diện trong toàn bộ hiện sinh của Đức Giêsu-Kitô, trong cùng lúc vừa như là Nguyên Lý, vừa như là Trung Gian, vừa như là Cùng Đích. Thần Khí của Thiên Chúa hiện diện ngay từ khoảnh khắc đầu tiên cho đến giây phút cuối cùng của Mầu Nhiệm Nhập Thể của Đức Giêsu-Kitô :
“Đáp lại, thiên thần nói với Đức Maria : ‘Thánh Thần sẽ đến trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao rợp bóng trên bà; bởi thế mà trẻ sắp sinh sẽ được gọi là thánh, là Con Thiên Chúa’ !” (Lc 1, 35).
“Xảy ra là trong khi toàn dân chịu thanh tẩy, và Đức Giêsu cũng chịu thanh tẩy và đang cầu nguyện, thì trời mở ra, và Thánh Thần lấy hình dáng thể xác như chim bồ câu đáp xuống trên Ngài, và tự trời một tiếng phát ra : Con là Con chí ái của Ta, kẻ Ta đã sủng ái.” (Lc 3, 21-22).
“Đức Giêsu, đầy tràn Thánh Thần, đã bỏ bờ sông Giođan và được Thần Khí đưa vào sa mạc, mà chịu ma quỉ cám dỗ bốn mươi ngày.” (Lc 4, 1-2a).
“Đức Giêsu trở về trong quyền năng của Thần Khí và tiếng tăm Ngài lan ra khắp cả vùng chung quanh.” (Lc 4, 14).
“Ngày ấy, hân hoan trong Thánh Thần, Đức Giêsu nói : ‘Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu các điều ấy với hạng khôn ngoan, thông thái, mà đã mặc khải cho những kẻ bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là quyết ý của Cha’. !” (Lc 10, 21).
“Vì kẻ Thiên Chúa sai, thì nói được lời của Thiên Chúa, bởi không phải theo lường hạn mà (Ngài) ban Thần Khí cho.” (Ga 3, 34).
“Song khi nào Ngài đến, vì là Thần Khí sự thật, Ngài sẽ đưa các ngươi vào tất cả sự thật.” (Ga 16, 13a; đối chiếu với Ga 14, 6a).
“Đoạn gục đầu xuống, Đức Giêsu giao nộp Thần Khí (cho Cha).” (Ga 19, 30b).
“Nói thế rồi, Đức Giêsu thổi hơi trên các môn đệ và nói với họ : ‘Hãy chịu lấy Thánh Thần. Các ngươi tha tội cho ai, thì tội họ được tha; các ngươi cầm giữ tội ai, thì tội họ bị cầm giữ’ !” (Ga 20, 22-23).
“Vậy các ngươi hãy đi thâu nạp môn đồ khắp muôn dân, thanh tẩy họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.” (Mt 28, 19).
III. A.2- Tiếp cận qua ngôn ngữ thần học
Chúng tôi sẽ tiến hành nỗ lực suy tư thần học của mình về Mầu Nhiệm Thiên Chúa-Ba Ngôi khởi đi từ hai hướng :
1- Từ Ga 10, 30 : “Tôi và Cha, Chúng Tôi là Một” (TOB : “Moi et le Père, Nous sommes un.”);
2- Từ 1 Ga 4, 8b : “Thiên Chúa là Tình Yêu.”.
III. A.2.a- Tiếp cận qua lăng kính Ga 10, 30: “Tôi và Cha, Chúng tôi là Một.”
So với công thức cổ điển “Một yếu tính (hay một bản tính, một bản thể), ba Ngôi Vị”, vốn hoàn toàn trừu tượng, cứng ngắc, thiếu sức sống, vô hồn, theo thiển ý, Ga 10, 30 sẽ là một công thức phản ảnh tuyệt vời hơn nhiều, cụ thể hơn nhiều, và mang tính hiện sinh hơn nhiều…
Thật vậy, nơi Ga 10, 30, ngay từ đầu, đã cho thấy “ba Ngôi Vị” đó là Ai và là gì, và đã để lộ cho thấy những tương quan cụ thể giữa các Ngài với nhau, và cung cách mà các Ngài là “Một”…
III. A.2.a.a- Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần là ba Chủ Thể phân biệt (trois Sujets distincts)
Khi nói Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần là ba Chủ Thể phân biệt không có nghĩa các Ngài là ba Cá Thể khác nhau (trois Individus distincts). Cá thể (individu) là hữu thể có xác thể, vừa không thể chia cắt mình ra được, vừa không thể chung đụng với bản thể của bất kỳ một cá thể nào khác được. Trong khi Chủ Thể, trong tương quan liên chủ thể, vốn luôn được định vị hoặc như là “chủ vị” (“Je” = “I”) hoặc như là “đối vị” (“Tu” = “You”), hoặc như là “tha vị” (“Il” = “He”), hoặc như là “liên chủ vị” (“Nous” = “We”), và có thể chuyển hoán vị trí cho nhau. Và trong khi Cá thể chỉ có thể tồn tại nếu có xác thể, còn Chủ thể có thể tồn tại mà không cần xác thể, như được phản ảnh trong Lc 23, 43 : “Và Đức Giêsu nói với người trộm lành : ‘Quả thật, Ta bảo ngươi : hôm nay, ngươi sẽ ở trên thiên đàng làm một với Ta’ !”. Thật vậy, làm sao mà “hôm nay” “ngươi” (“Tu” = “You”) và “Ta” (“Je” = “I”) ở trên thiên đàng được, khi mà cả người trộm lành “hôm nay” (ngày thứ Sáu Tuần Thánh) chết, và theo giáo lý của Giáo Hội dạy, thì xác chỉ sống lại trong ngày tận thế mà thôi (!), và cả chính Đức Giêsu cũng chỉ sống lại vào ngày Chúa Nhật mà thôi (!), nếu không phải các Chủ thể nầy có thể tồn tại mà không cần xác thể ?
III. A.2.a.b- Các tương quan cụ thể giữa các Chủ thể với nhau
Ga 10,30 còn cho thấy không phải các tương quan (relations) tạo ra các Chủ Thể (hay các Ngôi Vị), mà ngược lại chính các Chủ Thể (hay các Ngôi Vị) mới tạo ra các tương quan, các tương quan tình yêu tuyệt vời giữa các Ngài với nhau.
Thật vậy, khi khẳng định “Tôi và Cha, Chúng Tôi là Một” (Ga 10, 30), Đức Giêsu, trước tiên, hé lộ cho thấy Thiên Chúa là Cha của Ngài và Ngài là Con của Chúa Cha, và như vậy, tương quan giữa hai Chủ thể nầy là Cha-Con (Phụ-Tử); thứ đến, cho thấy Đấng mà trong Ngài Cha và Con tương ngụ và tương tại trong nhau như “Một”, là Chủ Thể liên vị (le Sujet Inter-subjectif) mà Ga 10, 30 gọi cách tuyệt vời là [Le “Nous sommes”] (hay trong Anh ngữ là [The “We are”]), bởi vì trong [Le “Nous sommes” = The “We are”], có cả [Le “Je suis” = The “I am”], có cả [Le “Tu es” = The “You are”] và có cả [Le “Il est” = The “He is”], và trong ngôn ngữ Kinh Thánh gọi Ngài là Chúa Thánh Thần hay Thần Khí của Thiên Chúa, hay Thần Khí của Cha, hay Thần Khí của Con. Đây là những danh xưng làm vang vọng lại danh xưng của Thiên Chúa trong Xh 3, 14 : “Ta LÀ” (“JE SUIS” = “I AM”); hay nói cách khác, Thiên Chúa tự gọi mình : TA LÀ CHA, TA LÀ CON, TA LÀ THÁNH THẦN; hoặc CHÚNG TA LÀ CHA, và LÀ CON, và LÀ THÁNH THẦN…
Và điều làm cho các Ngài hằng luôn là “Một” (“Un”) đó là tương quan tình yêu giữa các Ngài với nhau, bởi vì chỉ có tình yêu mới làm cho người ta hằng luôn là “một” được, nhờ hằng luôn hiện hữu và hiện diện đối với nhau, và trong nhau, hằng luôn tương ngụ (inhabitation réciproque) và tương tại (circumincessio) trong nhau. Tương quan trong Ga 10, 30, như vậy, là những tương quan mang tính năng động, cụ thể, và sinh động hơn rất nhiều so với quan niệm về tương quan của thần học cổ điển và kinh viện :
– “Ngươi không tin Ta ở trong Cha và Cha ở trong Ta sao ?” (Ga 14, 10a.20).
– “…Để hết thảy chúng nên một, cũng như, lạy Cha, Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, ngõ hầu chúng ở trong Chúng Ta, và thế gian tin là Cha đã sai Con. Phần Con, Con đã ban cho chúng vinh quang mà Cha đã ban cho Con để chúng nên một như Chúng Ta là một.” (Ga 17, 21-22).
TƯ còn chứng tỏ cho thấy những tương quan nầy không đơn giản chỉ là những gì như thuộc về cấu trúc hữu thể học thôi, mà còn được sống và được thể hiện qua những hành động biểu lộ tình yêu tuyệt vời giữa các Ngài với nhau.
III.A.2.a.c- Cung cách mà ba Chủ Thể Thiên Chúa là “Một” :
Trước tiên, cần lưu ý rằng việc Ga 10, 30 sử dụng động từ “être” (= “to be”) ở thì hiện tại số nhiều và ở ngôi thứ nhất trong “Nous sommes Un” (“Chúng Tôi là Một”) hàm chứa rất nhiều nội hàm ý nghĩa thần học quan trọng :
1- Là “Một”, tất cả những gì Ba Đấng “là”: khi sử dụng “Nous sommes Un”, Ga 10, 30 cho thấy tương quan giữa Ba Đấng (Ba Chủ Thể) hằng luôn là một, trong thực tại nội thân (Réalité immanente), cũng như trong Kế đồ siêu độ Thụ tạo diễn ra trong lịch sử (Réalité économique) : “Ai thấy Ta là đã thấy Cha.” (Ga 14, 9). Đây là điều hết sức quan trọng về mặt thần học, đặc biệt thần học tín lý. Và đó cũng chính là điều mà nhà thần học Dòng Tên nổi tiếng Karl Rhaner phản ảnh trong tiền đề thời danh của ngài : “La Trinité économique est la Trinité immanente, et réciproquement.” (“Mầu nhiệm Thiên Chúa-Ba Ngôi trong lịch sử siêu độ là Mầu nhiệm Thiên Chúa-Ba Ngôi tự nội thân, và ngược lại.”) [9]. Điều đó có nghĩa rằng Đức Giêsu-Kitô, dù trong thân phận tự hủy (trong suốt hiện sinh trần thế của Ngài, kể cả nơi biến cố Thập Giá [sự chết và sự Phục sinh của Ngài], vẫn hằng luôn là Thiên Chúa, hằng luôn “ở trong” và “ở với” Chúa Cha và Chúa Thánh Thần (Ep 2, 6-11); hay nói theo ngôn ngữ sách Khải Huyền, Ngài vẫn “là Anpha và là Ômêga, là Khởi nguyên và là Cùng tận” (Kh 21, 6a)…
2- Là “Một”, tất cả những gì Ba Đấng “có” :
Bởi vì các Ngài hằng luôn là Một vì hằng luôn ở trong nhau, nên tất cả những gì mỗi Đấng có đều là của chung, của chúng ta (“le Nôtre”) :
– “Cha yêu mến Con, và đã ban cho Con mọi sự trong tay.” (Ga 3, 35).
– “Vì Cha không xử án ai, nhưng mọi việc xử án, Cha đã ban cho Con. Ngõ hầu hết thảy phải tôn kính Con, như họ tôn kính Cha.” (Ga 5, 22-23).
– “Biết rằng Cha đã ban cho mình mọi sự trong tay, và rằng mình đã xuất tự Thiên Chúa, và đang đi về cùng Thiên Chúa, thì trong bữa tối ấy…” (Ga 13, 3-4a).
– “Mọi sự Cha có, hết thảy là của Ta. Vì thế mà Ta đã nói : Thần Khí sự thật lấy của Ta mà thông báo cho các ngươi.” (Ga 16, 15).
3- Là “Một”, tất cả những gì Ba Đấng “nói” và “làm”:
Bởi vì cả Ba Đấng hằng luôn là Một vì hằng luôn ở trong nhau, nên tất cả những gì các Ngài nói và làm đều là của nhau, và thuộc về nhau :
– “Vậy, Đức Giêsu nói : ‘Khi các ngươi nhắc Con Người lên cao, bấy giờ các ngươi sẽ biết : TA LÀ, và tự Ta, Ta không làm gì ; nhưng Cha đã dạy Ta làm sao, Ta nói vậy.” (Ga 8, 28).
– “Phần Ta, những gì Ta đã thấy nơi Cha Ta, thì Ta nói ra…” (Ga 8, 38a).
– “Vậy Đức Giêsu đáp lại và nói với họ : ‘Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi, Con không thể làm điều gì tự mình, nhưng mọi sự đều vì đã trông thấy Cha làm : vì điều gì Cha làm, thì Con cũng làm như vậy.” (Ga 5, 19).
– “…Vậy các điều Ta nói, thì như Cha đã nói với Ta sao, Ta cũng nói vậy.” (Ga 12, 50b).
– “Ngươi không tin Ta ở trong Cha và Cha ở trong Ta sao ? Các lời Ta nói với các ngươi không phải tự Ta mà Ta nói ra, nhưng chính Cha, Đấng ở trong Ta, hằng làm công việc của Ngài.” (Ga 14, 10).
– “Nhưng để cho thế gian biết là Ta yêu mến Cha, và như Cha truyền dạy Ta sao, Ta làm như vậy…” (Ga 14, 31).
– “…Vì mọi điều Ta đã nghe nơi Cha Ta, Ta đã tỏ cho các ngươi biết.” (Ga 15, 15c).
4- Là “Một”, tất cả những gì Ba Đấng “trao ban”:
Bởi vì các Ngài hằng luôn là Một vì hằng luôn ở trong nhau, nên khi một Đấng được trao ban có nghĩa là cả Ba Đấng đều được trao ban :
– “Quả vì Thiên Chúa đã yêu mến thế gian như thế đó, đến đỗi đã thí ban Con Một, ngõ hầu phàm ai tin vào Con thì khỏi phải hư đi, nhưng được có sự sống vĩnh hằng.” (Ga 3, 16).
– “Đức Giêsu đáp lại họ : ‘Nay các ngươi tin ư ? Này giờ sẽ đến – và đã đến rồi – các ngươi sẽ phân tán, mỗi người mỗi ngã, mà để mặc Ta một mình. Nhưng không ! Ta không chỉ có một mình, vì đã có Cha ở với Ta’.” (Ga 16, 31-32).
– “…Để hết thảy chúng nên một, cũng như, lạy Cha, Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, ngõ hầu chúng ở trong Chúng Ta, và thế gian tin là Cha đã sai Con. Phần Con, Con đã ban cho chúng vinh quang mà Cha đã ban cho Con để chúng nên một như Chúng Ta là một.” (Ga 17, 21-22).
– “Đức Giêsu, đầy Thánh Thần, đã bỏ bờ sông Giođan và được Thần Khí đưa vào sa mạc…” (Lc 4, 1).
– “Nói thế rồi, Đức Giêsu-Kitô thổi hơi trên họ và nói với họ : ‘Hãy nhận lấy Thánh Thần.” (Ga 20, 22).
– “Nguyện xin Đức Giêsu-Kitô là Ân Sủng, Chúa Cha là tình yêu và Chúa Thánh Thần là sự thông hiệp ở cùng tất cả anh chị em.” (2 Cr 13, 13).
III. A.2.b- Tiếp cận qua lăng kính 1 Ga 4, 8b : “Thiên Chúa là Tình Yêu.”
Khi khẳng định “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1 Ga 4, 8b), tất nhiên cũng phải khẳng định có những đối tác trong tình yêu (“partenaires”), nghĩa là khi nói Thiên Chúa yêu thì phải hiểu là Ngài yêu “Ai đó”, chứ chẳng lẽ Ngài lại tự yêu mình ! Và, “Ai đó”, để đáp lại tình yêu nầy, yêu lại Ngài. Và đó là nguồn gốc của hành vi “sinh con” ở nơi Thiên Chúa, như, cách gián tiếp, được phản ảnh trong :
– 1 Ga 4, 7 : “Anh em thân mến, ta hãy yêu mến nhau, vì lòng mến phát tự Thiên Chúa, và phàm ai yêu mến thì đã sinh bởi Thiên Chúa và biết Thiên Chúa.”
– 1 Ga 5, 1 : “Phàm ai tin Giêsu là Đức Kitô, thì đã sinh bởi Thiên Chúa; và phàm ai yêu mến Thiên Chúa là Đấng sinh thành, thì cũng yêu mến Đấng đã được Thiên Chúa sinh thành.”.
“Trong vĩnh hằng” [10], Thiên Chúa yêu sinh ra “Ai đó”, và trong tương quan tình yêu với “Ai đó” được sinh ra, Thiên Chúa trở nên Chủ Thể (Sujet) và Chủ Vị (Je = I), và “Ai đó” được sinh ra, vốn là Chủ Thể (Sujet), nhưng là “Đối Vị” (Tu = You) trong tương quan với Đấng sinh thành; và tương quan tình yêu vĩnh hằng diễn ra (giữa Je và Tu) khi Đấng sinh thành gọi Đấng được sinh ra là Con, tức là tự khẳng định mình là Cha; và Đấng được sinh ra âu yếm gọi Đấng sinh ra mình là Cha, tức là tự khẳng định mình là Con…
“Và Thánh Thần lấy hình dáng thể xác như chim bồ câu, đáp xuống trên Đức Giêsu, và tự trời một tiếng phát ra : ‘Con là Con của Cha, hôm nay, Cha đã sinh ra Con’.” (Lc 3, 22).
Tuy nhiên, một tình yêu đích thực không bao giờ chỉ là một vòng tròn khép kín giữa hai đối tác thôi (giữa Je và Tu), mà còn phải mở ra về phía chân trời rộng lớn hơn, tương hợp hơn với khả năng yêu thương của các Ngài, vốn vô cùng vô tận, và đó là nguồn gốc của cái “Chúng Tôi” hay “Chúng Ta” (“Nous = We”).
Ngôn ngữ Kinh Thánh thường gọi Thánh Thần là sự Thông Hiệp (Communion), là sự Hiệp Nhất (Unité), bởi vì trong cương vị là cái “Chúng Tôi” hay “Chúng Ta” (le Nôtre) của Cha và của Con, Ngài chính là Chủ Thể Liên Vị (le Nous [Je+Tu+Il]).
Chính vì thế, hầu như không một chỗ nào trong Kinh Thánh, cho thấy Chúa Thánh Thần xử sự như một Chủ Vị (Je = I) hay như một Đối Vị (Tu = You), mà thường chỉ như là Tha Vị (Il = He, Lui). Thần Khí hiện diện khắp mọi nơi mà như không có mặt ở đâu cả. Ngài hoạt động không ngừng, mọi nơi mọi lúc, nhưng không ai nhận ra Ngài ở đâu cả, cũng như không mấy ai nhận ra được hành động của Ngài…
Đó chính là lý do tại sao Đức Giêsu đã khẳng định trước những người Do Thái thời Ngài : “Tôi và Cha, Chúng Tôi là Một.” (Ga 10, 30).
Chính Chúa Thánh Thần (Spiratio passiva) là Đấng mà nơi Ngài Chúa Cha và Chúa Con xoắn xuýt với nhau (spiratio activa) nên Một; là Đấng mà nơi Ngài Chúa Con, dù tự hủy mình đi thành thân phận phàm nhân, vẫn hằng luôn liên kết với Cha trong tình yêu; là Đấng mà nơi Ngài diễn ra mọi công trình kỳ diệu của Tình Yêu giữa Ba Ngôi Thiên Chúa với nhau và với các Thụ Tạo của Ngài…
Lm. Phêrô NGUYỄN THIÊN CUNG
Gp Phan Thiết
[1] I. Kant, “Le conflit des facultés”, in Oeuvres philosophiques 3, Paris, Gallimard, 1986, trg. 841.
[2] Bruno Forte, Mầu Nhiệm Thiên Chúa-Ba Ngôi như một lịch sử, Bản Việt ngữ của Lm. Phêrô Nguyễn Thiên Cung, Nxb. Tôn Giáo 2010, trg. 18.
[3] Bruno Forte, id., Nxb. Tôn Giáo, 2010, trg. 18.
[4] Joseph Moingt SJ – Bernard Sesboüé SJ, Traité de la Trinité, bản Việt ngữ của linh mục Phêrô Nguyễn Thiên Cung, “Quá trình phát triển tín điều Thiên Chúa-Ba Ngôi”, nxb. Tôn Giáo 2010, trg. 138-139.
[5] Joseph Moingt SJ – Bernard Sesboüé SJ,
[6]
[7] Saint Augustin, De Trinitate 5, 9, 10.
[8] Raimon Panikkar SJ, La Trinité, une expérience humaine primordiale, Éd. du Cerf, Paris 2003.
[9] Karl Rahner, “Dieu trinité fondement transcendant de l’histoire du salut’, in Mysterium Salutis, II, vol. 6, chap. V, Paris, le Cerf 1971, p. 29.
[10] Đây chỉ là một lối nói vạn bất đắc dĩ mà thôi, bởi vì vĩnh hằng nghĩa là không nằm trong chiều kích không-thời gian, không có trước không có sau, không có chỗ nầy hay nơi kia, không có quá khứ không có tương lai, mà tất cả chỉ là cái “Hiện tại”, cái “Hôm Nay” mà thôi…